Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

ĐĐVU 11 / GIÓ BỐN PHƯƠNG

Gió muốn thổ đâu thì thổi. (Gioan 3:8)

* Hiền tỷ Đại Cơ Minh (Minh Lý Thánh Hội). E-mail ngày 19-4-2014:
Muội đã đọc hết quyển Tưởng Nhớ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ. Quyển sách đã diễn tả hết công nghiệp của cụ bác sĩ. Đạo muội vẫn còn ấn tượng về lối diễn giảng của cụ bằng thơ khi nghe cụ diễn thuyết về tôn giáo đối chiếu ở chi bộ Kiêm Ái của Hội Thông Thiên Học đường Phan Thanh Giản (1971-1975) và nhờ nghe cụ thuyết giảng muội đã thấy được sự đồng quy của các tôn giáo, dù thời đó có nhiều điều nghe chỉ biết là hay mà chưa hiểu biết hết chỗ thâm sâu ẩn áo của bài giảng.
Ban Ấn Tống: Kính thưa hiền tỷ, chân thành cảm ơn hiền tỷ phản hồi về sách của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống. Ước mong hiền tỷ cũng như quý bạn đọc đạo tâm gần xa thường xuyên dành thời gian gởi Văn Uyển các nhận xét, cảm nghĩ hoặc góp ý về kinh sách ấn tống.
*
* Hiền muội tu sinh ẩn danh (phường Nguyễn Cư Trinh, quận Một, TpHCM). E-mail ngày 11-05-2014:
Trong một buổi học tập thánh giáo chúng em có trao đổi về bốn chữ tán(g) tận lương tâm. Có bạn nói tán là tiêu tan, tan rã; vậy tán tận lương tâm nghĩa là tiêu tan hết cả lương tâm. Nhưng có bạn nói táng là chôn (như mai táng, an táng…); vậy táng tận lương tâm nghĩa là chôn vùi hết cả lương tâm. Kính nhờ Văn Uyển giải thích giúp chúng em là viết thế nào mới đúng, và ý nghĩa đúng nhất là gì.
Huệ Khải: Hiền muội mến, viết táng tận lương tâm mới đúng.
Táng (động từ) là mất, đánh mất (to lose). Thí dụ: táng minh 喪明 (mù mắt / losing one’s sight); táng vị 喪位 (mất ngôi, mất địa vị / losing one’s throne or position).
Tận (trạng từ) là: đến hết mức giới hạn (to the limit of something; to the utmost); hết tất cả, toàn bộ (completely). Thí dụ: thảo mộc tận tử 草木盡死 (cây cỏ đều chết hết).
Táng tận lương tâm 喪盡良心: Mất hết cả lòng lành, đánh mất tất cả lương tâm (completely losing one’s conscience).
*
* Hiền huynh Chí Tâm (Trần Đình Xu, quận 1, TpHCM). Thư ngày 06-6-2014:
Kính thưa Ban Ấn Tống, tôi, đạo danh Chí Tâm, cựu bổn đạo N.T. thánh thất, xin trân trọng bày tỏ như sau:
Tôi nhiệt liệt tán thành Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, hoan hô với sự chân thành mến phục xuất phát từ nội tâm. Quý vị đã dày công khó nhọc, dốc hết tâm tư trí não, sáng tạo một chương trình hoàn toàn thích hợp với tình hình hiện nay, vun quén cây Đạo thêm sum sê cành lá… Việc làm này cộng với sự đồng thuận của đa số tín hữu, chúng ta có thể tin chắc sẽ mang lại những thành quả mỹ mãn cho nền đạo pháp.
… Tôi có trích lục một số lời dạy của Đức Chí Tôn liên quan trực tiếp đến pháp tu khử trược lưu thanh, với nhiều chi tiết tạm đủ cho người đọc hiểu biết các lợi ích của pháp tu. Kính xin quý Ban Ấn Tống vui lòng xem xét nội dung, đưa vào Chương Trình Ấn Tống để giúp thêm phương tiện tu học cho những vị tín hữu.
Ban Ấn Tống: Kính thưa hiền huynh Chí Tâm, Ban Ấn Tống chân thành đa tạ lòng tin cậy và mỹ ý của hiền huynh. Hiền huynh nhiều lần tha thiết muốn Chương Trình Ấn Tống truyền bá kỹ năng thực hành tâm pháp, giúp ích cho nhơn sanh; tấm lòng cao quý của hiền huynh ai ai cũng phải rất trân trọng. Tuy nhiên, kính xin hiền huynh cảm thông cho chúng tôi chưa dám hưởng ứng đề nghị này.
Chúng tôi kém cỏi, chỉ mạo muội dấn thân về phương diện công truyền, phổ thông giáo lý chơn tu, may ra có thể bổ khuyết chút ít cho tình trạng các giảng đường nhà Đạo hiện còn quá thưa thớt trong cộng đồng Cao Đài. Riêng về phương diện tâm pháp, như nhã ý hiền huynh đã nêu, chúng tôi hiểu rằng pháp môn nội tu thì khẩu khẩu tâm truyền, phải có minh sư chỉ dạy, thầy nào trò đó, trách nhiệm rất hệ trọng, lỡ sai một ly hậu quả vượt xa ngàn dặm. Thời đại ân xá, ai hữu duyên sẽ tìm đúng cửa nội tu, có minh sư đón sẵn; Chương Trình Ấn Tống đâu dám vượt quá phận mình. Lời thành thật tỏ bày, chúng tôi tin rằng hiền huynh thấu cảm và hoan hỷ. Kính chúc hiền huynh vạn an, thân tâm thường lạc, và tinh tấn trên đường thực hành tâm pháp, công phu tịnh luyện.
*
* Tu sinh Ph.M.Ng. (TpHCM). E-mail ngày 12-6-2014:
Đạo đệ đọc Thánh Giáo Sưu Tập Năm Canh Tuất - Tân Hợi (1970-1971), bản in của Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2011, trang 224, thấy có mấy dòng như sau: Nói một cách khác, là tự độ và độ tha đó. Cũng như Đức Phật đã dạy “tự giác, giác tha”, để rồi “giác tha viên mãn”.
Đạo đệ hiểu viên mãn là tròn vẹn, đầy đủ. Nếu nói giác tha viên mãn thì tự giác bỏ đi đâu? Không được viên mãn phần tự giác sao? Hay là sách in sai?
Huệ Khải: Hiền đệ suy nghĩ rất đúng, sách đã in sai. Chứng tỏ hiền đệ là người ham tu học, đọc thánh giáo rất sáng, vì đã chú tâm đọc rất kỹ. Ngày nay quả thật hiếm có người trẻ tuổi biết đọc kinh sách thấu đáo như hiền đệ.
Thánh giáo hiền đệ nêu ra là lời Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, vào giờ Tuất, ngày 15-4 Tân Hợi (Chủ Nhật 09-5-1971). Hôm ấy pháp đàn là tiền bối Huỳnh Chơn,[1] đồng tử Thanh Căn xuất khẩu (năm ấy hai mươi tuổi).
Mỗi khi học thánh giáo do Đức Thiền Sư Vạn Hạnh ban truyền, riêng tôi rất thích thú vì văn phong Ngài bay bướm, chữ nghĩa Ngài dùng đọc thấy thật “đã”. Nhưng đồng thời đạo lý thượng thừa nhà Phật mà Ngài chuyển tải trong đó cũng khiến tôi phải trầm tư suy gẫm, khổ công tra cứu mới có thể lãnh hội phần nào ý nghĩa thâm sâu Ngài dạy.
Chỗ in sai đó trong sách hãy nên thông cảm, bởi điển ký đã sơ sót chép sai, nghĩa là đã sai từ nguyên bản (theo bản in ronéo ban hành năm 1971).
Theo tôi, không cần các dấu ngoặc kép “…” như bản in, và nên sửa lại như sau:
Nói một cách khác, là tự độ và độ tha đó. Cũng như Đức Phật đã dạy tự giác, giác tha, để rồi giác hành viên mãn.
Một số người viết là giác hnh, bởi lẽ chữ có thể đọc là hạnh, hay hành.
Tự giác, giác tha, giác hành viên mãn là ba loại giác ngộ của Phật (tam giác 三覺: the three kinds of enlightenment). Bồ Tát thì có hai (tự giác, và giác tha). La Hán thì có một (tự giác).
Có câu: Phật sở cụ túc chi tam giác: Tự giác, giác tha, giác hành viên mãn. 佛所具足之三覺: 自覺, 覺他, 覺行圓滿. (Phật có đầy đủ ba loại giác ngộ: Tự giác, giác tha, giác hành viên mãn.)
Tự giác 自覺: Giác ngộ cho mình (enlightenment for self).
Giác tha 覺他: Giác ngộ cho người khác (enlightenment for others).
Giác hành viên mãn 覺行圓滿: Giác ngộ và hoàn thành đều trọn vẹn (perfect enlightenment and accomplishment), nghĩa là ở Phật thì mức độ cao nhất, hơn hẳn Bồ Tát.
Các thuật ngữ tiếng Anh kèm theo giải thích trên đây tôi căn cứ theo A Dictionary of Chinese Buddhist Terms của hai danh gia William Edward Soothill và Lewis Hodous.
Tác phẩm này thuộc loại kinh điển của giới học Phật, phù hợp cho người biết tiếng Anh và một chút chữ Hán. Hiền đệ có thể download từ Internet để tiện tham khảo. Địa chỉ: http://mahajana.net/texts/kopia_lokalna/soothill-hodous.html.
*
* Hiền muội C.loicc@xxx, e-mail 19-6-2014.
Em là tín đồ đạo gốc, nhập môn đã lâu. Từ khi ra riêng thì chưa tiện lập Thiên Bàn. Nay em hơn ba mươi tuổi rồi, quyết định lập Thiên Bàn, thì má và gia đình em không đồng ý, nói rằng đến năm mươi tuổi em mới được thượng Thánh Tượng thờ Thầy.
Chẳng biết Thầy đang thử lòng em hay sao!? Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Em chỉ biết niệm danh Thầy như vậy.
Diệu Nguyên: Hiền muội thân mến, về ý kiến của gia đình, hiền muội có thể trả lời như sau: Tân Luật Cao Đài không có một điều khoản nào quy định người môn đệ Cao Đài phải chờ đến năm mươi tuổi mới được làm lễ thượng Thánh Tượng tại nhà. Hơn nữa, Tân Luật Cao Đài, Chương II, Điều thứ Mười Một quy định: “Người làm Đầu trong Họ hay là chức sắc thay mặt cho mình phải đến làm lễ cúng khai đàn, trấn thần, an vị [Thánh Tượng] cho người mới vào Đạo.” Mà người có tuổi trưởng thành (mười tám tuổi) đã có thể nhập môn vào Đạo rồi, đâu phải chờ tới năm mươi!
Hơn nữa, người xưa có dạy:
Mạc đãi lão lai phương học đạo
Cô phần tận thị thiếu niên nhơn.
(Chớ đợi đến già mới tu học
Mộ phần đầy dẫy kẻ đầu xanh.)
Cuộc đời này vô thường (nay còn mai mất), biết mình có thể sống đến bao nhiêu tuổi mà dám hẹn rằng phải chờ đến năm mươi tuổi mới được thượng Thánh Tượng?
Hiền muội cố gắng cầu nguyện, đọc kinh Cứu Khổ thường xuyên và gắng làm công quả để con đường tu hành của mình được suôn sẻ. Chúc hiền muội được nhiều hồng ân của Thầy Mẹ ban bố để tinh tấn tu hành.
*
* Hiền hữu Nguyễn Thanh Bảo (TT Từ Quang, HT Truyền Giáo). Hỏi qua e-mail ngày 10-7-2014.
Cháu đọc thánh giáo thấy ba đoạn như thế này:
- Mãn sợ lo bên trong rạn nứt,
Mà hóa ra mẻ sứt hẹp hòi,
Dốc tâm xây đắp bên ngoài,
Mở mang giao hảo cho tày người ta.
(Đức Bảo Pháp Chơn Quân Thanh Long)
- Xuân, hạ qua, thu tàn lạnh tẻ,
Năm tháng rồi con trẻ làm chi?
Hay là con cứ mãi đi,
Mãn lo cầu cúng, không vì nhơn sanh.
(Đức Diêu Trì Kim Mẫu)
- Nền Quốc Đạo nhằm cơn chia rẽ,
Mối nhơn luân mấy kẻ tô bồi,
Mãn lo trọng tước, cao ngôi,
Vùi thân ba thước, thân rồi là xong.
(Thánh thất Trung Thành, ngày 15-7 Canh Thìn, 18-8-1940)
Chữ mãn nghe thật khó hiểu. Cháu tra từ điển Tiếng Việt, Hán Việt mà không thấy từ mãn nào phù hợp. Nhờ Văn Uyển giải thích giúp cháu ý nghĩa chữ này. Xin cám ơn Ban Ấn Tống rất nhiều.
Huệ Khải: Hiền hữu mến, trước hết chúng tôi xin bày tỏ lời hoan nghênh tinh thần cầu học và ý thức giữ gìn tính trong sáng của tiếng Việt trong thánh giáo Cao Đài. Nếu ai ai trong nhà Đạo cũng được như hiền hữu thì sẽ sớm giảm bớt rất nhiều tệ trạng sách vở Cao Đài đầy các chữ lôi thôi, sai sót, nhất là các văn bản đang lan tràn trên Internet không có người sửa chánh tả, sai lầm quá thảm thương!
Như nhiều lần chúng tôi đã từng lưu ý: Một nhược điểm của giọng miền Nam và miền Trung là không phân biệt dấu hỏi và dấu ngã; không phân biệt phụ âm cuối -n và –ng [ŋ]. Cho nên bài kinh cúng tứ thời xưng tán Đức Văn Tuyên Khổng Thánh, bà con mình mấy chục năm nay cứ viết sai và đọc sai là Trừng chơn chánh quang. Lẽ ra phải đọc và viết cho đúng là Trừng chơn chánh quan (hay quán).[2]
Cũng chính vì vậy mà ba vé thánh thi trong thư hiền hữu đã viết sai chữ MẢNG thành mãn!
MẢNG (trạng từ) có nghĩa là mê mải (dấu hỏi). Mảng sợ = Cứ lo sợ hoài chẳng yên lòng. Mảng lo = Cứ lo lắng không thôi. Mảng lo cầu cúng = Cứ chăm chăm vào việc cúng bái, cầu khẩn. Mảng lo trọng tước, cao ngôi = Cứ mải miết lo toan để được thăng tiến công danh và quyền chức.
Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:
Mảng vui rượu sớm, cờ trưa,
Đào đà phai thắm, sen vừa nảy xanh.
Ca dao có câu:
Vai mang bầu rượu, chiếc nem,
Mảng vui quên hết lời em dặn dò.
Mảng vui ­= Cứ ham vui, say mê uống rượu, đánh cờ...
*
* Hiền huynh LÊ TRỌNG TÍN (TT Trung Nam), đường Phan Chu Trinh, Vũng Tàu.
Ban Ấn Tống: Hiền huynh kính mến, ngày 31-7-2014 hiền huynh công quả ấn tống (gởi qua ngân hàng ACB) số tiền 1.100.000 đồng; trong đó, hiền huynh có nhã ý gởi ấn tống 1.000.000 đồng, còn 100.000 đồng thì dành để góp phần chi trả cước phí gởi kinh sách đi các nơi. Chúng tôi rất cảm kích tấm lòng ưu ái của hiền huynh.
Tuy nhiên, nhiều năm qua chúng tôi đã có cách trang trải chi phí vận chuyển kinh sách ấn tống (qua bưu điện, hoặc nhờ xe đò liên tỉnh) mà KHÔNG phải dùng tới nguồn vốn ấn tống do các Mạnh Thường Quân công quả. Vì vậy, chẳng riêng trường hợp hiền huynh, mà đối với tất cả những vị từng có lòng gởi công quả để chi trả cước phí vận chuyển kinh sách, chúng tôi đều chuyển hết số tiền của quý huynh tỷ vào quỹ ấn tống.
Do đó, đợt 88 hiền huynh đã công quả 500.000 đồng, cộng thêm với đợt 89 này là 1.100.000 đồng; hiện nay “tài khoản” của hiền huynh đang chờ phân bổ in kinh sách là 1.600.000 đồng.
Chúng tôi xin thưa rõ sự việc nơi đây; như thế cũng tiện cho quý đạo hữu, đạo tâm gần xa được biết việc chung.
Kính chúc hiền huynh và bửu quyến an khang, thường lạc trong ơn phước của Thầy Mẹ và các Đấng Kỳ Ba.




[1] Tiền bối Huỳnh Chơn thế danh là Tạ Đăng Khoa, sinh ngày 06-02-1904 (21-12 Giáp Thìn) tại xã Long Thạnh, tỉnh Bạc Liêu; quy thiên ngày 18-4-1973 (16-3 Quý Sửu) tại Sài Gòn.
[2] Xem: Huệ Khải, Tìm Hiểu Hai Bài Tiên Thiên Khí Hóa Và Quế Hương Nội Điện. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2012, tr. 59, 71. Quyển 39-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.

ĐĐVU 11 / HAI BÀI THƠ / Trần Dã Sơn

GỞI BẠN
Người ở bên kia bờ tịch liêu
Sang chi bên ấy khổ bao nhiêu
Chiều tàn trăng lạnh soi đường vắng
Bóng nhỏ dặm dài hiu hắt hiu
Người ở bên kia ngóng bên nầy
Nhắn hoài sao chẳng chịu sang đây
Nhục vinh đã ánh lên màu tóc
Thương giọt sương khuya lạnh nhíu mày
Bên ấy bên nầy như sợi tơ
Mà xa xa mãi đến bao giờ
Sao chưa cắt đứt dây neo nhỉ
Để được cùng nhau đứng chung bờ
Để được cùng nhau chung lời kinh
Có Thầy có bạn có nhân sinh
Có Trời mà cũng do ta nữa
Đâu phải thế gian chỉ một mình
Người ở bên kia bờ tịch liêu
Sang đây thuyền đậu bến Thương Yêu
Cao Đài vượt khỏi rào ngôn ngữ
Gởi bạn lòng ta có bấy nhiêu.
TRẦN DÃ SƠN
*
MAI SAU
Hạ đỏ hay là hạ trắng đây
Đỏ màu của nắng, trắng của mây
Tung tăng áo trắng em về thất
Cùng với mẹ ba đảnh lễ Thầy.
Yêu lắm em ơi những ước mơ
Qua từng ngôn ngữ của tuổi thơ
Ẩn trong màu mắt em hồn hậu
Là cả tương lai đang đợi chờ.
Tuổi đạo tuổi đời vẫn song song
Là tâm là vật ở trong lòng
Mai sau khôn lớn lo đời đạo
Gánh nặng Cao Đài, gánh núi sông.
Lớp lớp các em sẽ trưởng thành
Mong sao tiếp nối bước đàn anh
Dựng xây Giáo Hội, xây non nước
Muôn thuở danh hiền rạng sử xanh.
TRẦN DÃ SƠN
Trích Sống Đạo tập Hạ, 2014, tr. 126.

Hội Thánh Truyền Giáo liên kết Nxb Tôn Giáo.

ĐĐVU 11 / LỄ SANH THÁI TÂN THANH (1938-2014) QUY THIÊN

Lễ Sanh Thái Tân Thanh
Hơn một năm trước, ngày 20-5-2013, lúc 18 giờ 10, được quý Anh Lớn Cơ Quan Phổ Tế Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài (Đà Nẵng) hướng dẫn, Ban Ấn Tống chúng tôi lần đầu tiên có dịp đến viếng thánh thất Trung Đồng tại số 170 Trường Chinh, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng.

Thánh thất Trung Đồng
Hôm ấy, hiền huynh Lễ Sanh Thái Tân Thanh (Đầu Họ Đạo) và quý huynh tỷ họ đạo Trung Đồng đã dành trọn một buổi tối ấm áp tình yêu thương để tiếp Ban Ấn Tống rất nồng hậu (xem Trung Du Hành Đạo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013).
Lúc 21 giờ, lưu luyến chia tay hiền huynh Thái Lễ Sanh và họ đạo Trung Đồng để trở về Nam, chúng tôi còn hẹn lòng sẽ gặp lại hiền huynh Đầu Họ Đạo lần nữa, nào ngờ…
Vừa qua, chúng tôi được tin hiền huynh Lễ Sanh Thái Tân Thanh đã quy thiên lúc 07 giờ 45 ngày 16 tháng 6 năm Giáp Ngọ (Thứ Bảy 12-7-2014), an táng tại nghĩa trang Cao Đài Hòa Sơn (Đà Nẵng).
Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo thành kính thắp nén tâm hương tiễn biệt hiền huynh Đầu Họ Đạo Lễ Sanh Thái Tân Thanh nhẹ gánh trần hồng, được thanh thản trở về phục lịnh Đức Chí Tôn Thượng Đế trên cõi thiêng liêng hằng sống.



ĐĐVU 11 / BA BÀI THƠ / Phạm Văn Liêm, Huỳnh văn Mười, Đông Nguyên

THẮM TÌNH XỨ ĐẠO CAO NGUYÊN
Mùa nầy cao nguyên có sương giăng không anh
Có hoa cà phê thơm hương lành
Có gió rao rao cài mưa lất phất
Có từng đoàn áo trắng bước thong dong?
Tôi nhớ ngày xưa với dinh điền lập ấp
Lũ lượt bao người du nhập mưu sinh
Từng mảnh đất hoang, hoa trái nên hình
Từng vùng đá sỏi biến thành khoai sắn.
Người Đạo ta luôn dạn dày mưa nắng
Nhưng sớm chiều vẫn vang vọng tiếng kinh
Vẫn chăm lo tạo dựng Thánh hình
Vừa ngoại tại và cả trong nội tại.
Năm tháng gian nan qua bao thời đại
TRUNG HÒA ơi! Nay đã định vị rồi
Đã huy hoàng Thánh thể an ngôi
Cờ Đại Đạo được tung bay lồng lộng.
Giữa đất trời Tây Nguyên cao rộng
Ngôi Tam Đài sừng sững nét Thiên nhan
Vang dội tiếng chuông mở lối Thiên Đàng
Cho nhân thế hướng chung về nguồn cội.
PHẠM VĂN LIÊM

*

MAI VỀ
Mai về gối lại áo nâu
Nếm mồ hôi cũ mà đau xót mùa
Nghìn đời mấy nỗi được thua
Oằn lưng cõng suốt nắng mưa qua đồng
Mai về vọc cát bãi sông
Nằm nghe con nước lên ròng giữa cơn
Tiếng khuya sóng vỗ chập chờn
Lở bồi chìm khuất tiếng hờn đêm trơi
Mai về giặt áo giếng khơi
Vắt cho khô kiệt những lời bể dâu
Phơi cho bạc trắng dãi dầu
Tóc xanh lại mướt mái đầu sau xưa
Mai về − mai người về chưa?
Tôi đi qua hết cơn mưa ngày nào
Rơm vàng níu gót xôn xao
Rằng người năm cũ đến bao giờ về?
HUỲNH VĂN MƯỜI
*


NGUỒN
Vô tình
Như nắng, như mưa,
Như tranh vân cẩu gió lùa trên không.
Vô tình
Lá đổ dòng sông,
Bộc lưu trần hải,* mênh mông cơ cầu.
Sinh tồn, hoại diệt
là đâu?
Nước ơi sao mãi bể dâu trăm miền?
Chợt nhìn
lá ngược nguồn thiêng,
Sóng xô, nước đẩy
Đào nguyên quay về.
ĐỒNG NGUYÊN
thánh thất Trung Dương
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài
* Bộc lưu 瀑流: Nước tuôn mạnh như thác lũ.

Trần hải 塵海: Biển trần, biển đời. [Văn Uyển chú]

ĐĐVU 11 / Ý NGHĨA “CỘNG ĐỒNG” VÀ “CÔNG ĐỒNG” / Ngô Bái Thiên


Trên các trang sách của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo hay nhắc tới hai thuật ngữ cộng đồngcông đồng. Một số đạo hữu vì không phân biệt ý nghĩa khác nhau của hai từ này, do đó thay vì nói Công Đồng Vatican II, lại nói nhầm là Cng Đồng Vatican II.
Cộng đồng 共同 (community) là một tập thể đông người, sống cùng một khu vực, có chung một số đặc điểm như chủng tộc, tôn giáo, quyền lợi, v.v…
Do đó, ta nói cộng đồng người Việt tại bang California, Hoa Kỳ; cộng đồng tín hữu Cao Đài ở Úc Châu, v.v…
Ở châu Âu trước kia có Cộng Đồng Châu Âu (EC: European Community), người Hoa gọi là 歐洲共同體 (Âu Châu Cộng Đồng Thể).
Công đồng 公同 (council) là một tập thể được tuyển chọn bằng cách bầu cử hay chỉ định, có chức năng tư vấn (cho ý kiến), hoặc để làm luật, hoặc để quyết định về việc gì.
Công Đồng Vatican II (The Second Vatican Council) khai mạc thời Giáo Hoàng Gioan XXIII (11-10-1962) và bế mạc năm 1965, thời Giáo Hoàng Phaolô VI. Đẩy mạnh việc đối thoại liên tôn (interfaith dialogues) giữa Công Giáo với các tôn giáo khác là một trong nhiều giá trị rất thiêng liêng mà Công Đồng Vatican II mang đến cho Công Giáo.
Trong Tam Kỳ Phổ Độ, trên Thiên Đình có Tổng Hội Công Đồng Tam Giáo, gọi tắt là (Hội) Công Đồng Tam Giáo. Qua thánh ngôn, chúng ta sẽ cảm nhận được tầm quan trọng và ý nghĩa rất to tát của Công Đồng Tam Giáo trong đại cuộc cứu độ toàn nhân loại vào Kỳ Ba này.
1. Trong Đại Thừa Chơn Giáo, đàn ngày 25-9 Bính Tý (1936), Đức Chí Tôn dạy:
“Nên hội [1] Tam Giáo Công Đồng, Thầy lập tờ đoan thệ, đem Đạo mầu phổ hóa độ tất cả đám quần sanh.
2. Tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Tuất thời, 15-7 Đinh Mùi (20-8-1967), Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh nhắc lại sự kiện trên như sau:
“Thượng Đế đã hội Công Đồng Tam Giáo, dụng huyền linh điển mở Đạo cứu đời.”
3. Trong Đại Thừa Chơn Giáo, đàn ngày 14 rạng 15-11 Kỷ Sửu (1950), Đức Chí Tôn dạy:
“Ở vào thời kỳ hạ nguơn nầy, chính mình Thầy lãnh phần thống chưởng quyền hành của Tam Giáo là Phật, Thánh, Tiên giữa Hi Công Đồng.
4. Tại thánh thất Nam Thành, Tuất thời, 13-02 Bính Ngọ (04-3-1966), Đức Giáo Tông Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ dạy:
“Giờ nay, lãnh lịnh Linh Tiêu Bửu Điện cùng Công Đồng Tam Giáo, nhơn danh Giáo Tông Đại Đạo, đến chấp nhận bản Dự Án Quy Điều Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý mà Đức Lê Đại Tiên đã duyệt khán một lần chót.”
5. Tại thánh thất Nam Thành, Hợi thời, 14-02 Bính Ngọ (05-3-l966), Đức Giáo Tông Đại Đạo Lý Thái Bạch dạy:
“Bần Đạo thừa thánh ý Tổng Hi Công Đồng Tam Giáo, ủy thác cho Tham Lý Minh Đạo [Minh Lý Đỗ Vạn Lý] kiêm nhiệm quyền Tổng Thơ Ký Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, chờ đến khi nào Chí Tôn chỉ định.”
6. Tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Ngọ thời, 09-01 Quý Sửu (11-02-1973), khi “tuyên dương công trạng” của Phối Sư Trần Văn Quế, Đức Nhứt Trấn Oai Nghiêm Lý Thái Bạch Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ dạy:
“Chiếu đề nghị của Công Đồng Tam Giáo”.
7. Tại Minh Lý Thánh Hội, ngày 26-02 Ất Mão (07-4-1975), Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt dạy:
“Đàn hôm nay do Hi Công Đồng Tam Giáo chấp nhận đề nghị của chư Tiền Khai Đại Đạo để dành cho thanh thiếu niên Minh Lý Thánh Hội được trọn hưởng hồng ân trước cảnh đời ly loạn.”
NGÔ BÁI THIÊN



[1] Chữ hội này là động từ, cũng như triệu tập (to call).

ĐĐVU 11 / VỀ NGUYÊN / Nhạc: Thiện Quang



ĐĐVU 11 / TÌM NHAU / Cát Tường


Vượt gần bảy trăm cây số đường trường, chúng tôi có mặt tại cơ sở đạo Thanh Hóa lúc 13 giờ ngày 14 tháng 3 năm Giáp Ngọ (Chủ Nhật 13-4-2014).
Năm năm nay cơ sở đạo Thanh Hóa được đặt tạm tại nhà riêng của Lễ Sanh La Đức Toàn (đội 9, thôn Ngọc Tích, xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), cách quốc lộ chừng mười cây số.
Trong toàn bộ khuôn viên đất của gia đình, Lễ Sanh Toàn đã dành hẳn gian nhà trên để thờ Thầy, làm nơi chiêm bái cho bổn đạo nơi đây trong những ngày sóc vọng cũng như các ngày lễ kỷ niệm của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Theo người viết tìm hiểu, hiện tại cơ sở có bảy xã đạo: Đông Thanh, Thiệu Công, Thiệu Đô, Thiệu Hóa, Thiệu Hòa, Thiệu Ngọc, Tĩnh Gia. Xã đông nhất là Tĩnh Gia (trên 60 đạo hữu). Kế đến là hai xã Thiệu Hóa và Thiệu Đô (khoảng 55 đạo hữu). Các xã còn lại thì ít hơn (khoảng 30-40 đạo hữu mỗi xã đạo).
Người chịu trách nhiệm cao nhất của cơ sở đạo Thanh Hóa là Lễ Sanh La Đức Toàn và Lễ Sanh Lê Thị Ngà. Tuy nữ phái, nhưng mọi công việc đối ngoại, đối nội, liên lạc giữa cơ sở và Hội Thánh, cơ sở và xã đạo, chủ yếu do Lễ Sanh Ngà lo liệu. Là công chức hưu trí, con cái có việc làm ổn định, nên Lễ Sanh Ngà có điều kiện thuận lợi để dành nhiều thời gian hành đạo. Riêng Lễ Sanh La Đức Toàn tâm sự: Muốn hiến cơ sở hiện tại cho Đạo nhưng diện tích bé quá!
Tín hữu cơ sở đạo Thanh Hóa đều có tinh thần hăng say, thiết tha vì Đạo. Tuy nhiên, còn nhiều trở ngại khó khăn như xa Trung Hưng Bửu Tòa (Hội Thánh Truyền Giáo), đạo hữu ở rải rác, chưa có cơ sở chính thức, ngày sóc vọng bổn đạo quy tụ đông người lại chưa được “nhân hòa” ngay tại địa phương! Ước mong rằng qua nếp sống đạo chơn tu của cơ sở đạo Thanh Hóa, những trở ngại do nhân tâm chưa cảm thông sẽ sớm như sương tan trong nắng mới đầu ngày.
 C.T. (họ đạo Trung Thành, Đà Nẵng)
MẸ VỀ
Trăng sáng quá! Mẹ ơi, trăng sáng quá!
Ánh dịu hiền tỏa khắp một trời mơ
Trung thu tới, con quỳ lòng kính cẩn
Đón Mẹ về mát mẻ tấm lòng thơ
Đêm cầu nguyện, hằng đêm con cầu nguyện
Đón Mẹ về ơn chảy khắp mười phương.
NGUYỄN THỊ CÚC
Họ đạo Trung Sơn (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng)


ĐĐVU 11 / THƠ / Võ Văn Pho

VIẾNG CHÙA
ước gì như cỏ
cỏ ơi!
đan vào nhau
sống xanh lời nắng mưa
sáng vui
nắng mới sân chùa
chiều nghe chuông nguyện
đong đưa kinh cầu.
ước gì là nước
nước ơi!
làm đầy nhau,
dẫu chẳng khơi chung dòng
chẳng toan tính,
chẳng đếm đong
thân hòa nhau tưới
cây lòng trổ bông.

ước gì như đất
đất ơi!
sống vô ngại
lắm đổi dời vẫn vui
thấp cao
lòng cũng mỉm cười
giữ tâm thường lạc
quên đời thị phi.
ĐÊM ĐỌC MƯA NGUỒN *
“Lỡ từ lạc bước bước ra”
Phiêu bồng là chốn quê nhà rong chơi
Trả tên tuổi lại cho đời
Niêm thơ vi tiếu quên lời biển dâu.
VÕ VĂN PHO
Thánh thất Trung Minh
* Mưa Nguồn: Tập thơ của thi sĩ Bùi Giáng (1926-1998).