Đức Vạn Hạnh Thiền Sư 萬 行 禪 師 là Tổ đời thứ mười hai dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinītaruci). Ngài vốn là người
châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang, phủ Thiên Đức (nay là thôn Đại Đình, xã Tân Hồng,
thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh).
Có sách ghi ngài họ Lý, hoặc họ
Nguyễn, nhưng không biết tên thật. Năm sinh, năm mất của ngài đều chưa rõ; có
sách ghi ?-1018; hoặc ghi 938-1025...
Ngài thông minh khác thường, học
thông Tam Giáo, bách gia chư tử, coi thường công danh phú quý.
Năm hai mươi mốt tuổi, ngài xuất gia
ở chùa Lục Tổ, cùng với Định Huệ học đạo nơi Thiền Ông. Chùa Lục Tổ nay ở làng Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh
Bắc Ninh.
Ngài siêng năng học tập không biết
mệt. Sau khi Thiền Ông mất, ngài chuyên tu tập pháp tổng trì tam muội [1] nên
có thần thông; nói ra điều gì thì thiên hạ đều cho là lời sấm (có tính tiên
tri). Vua Lê Đại Hành (trị
vì 980-1005) rất tôn kính Thiền Sư.
Năm 980 nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo đem quân xâm lược nước Nam, đóng quân ở
gò Tử Cương, núi Giáp Lăng. Vua mời ngài đến hỏi tình hình sẽ thắng bại thế
nào. Thiền Sư bảo trong khoảng từ ba tới bảy ngày thì giặc phải lui. Kết cục
quả đúng như thế.
Vua Lê muốn chinh phạt Chiêm Thành, nhưng còn trù trừ vì muốn hội ý triều
thần; Thiền Sư bèn khuyên mau tiến quân. Vua nghe theo và toàn thắng.
Có kẻ gian là Đỗ Ngân muốn ám hại Thiền Sư. Ngài đoán biết, nên gửi cho y
một bài kệ:
Thổ Mộc tương sinh Cấn bạn Kim
Vị hà mưu ngã uẩn linh khâm?
Đương thì ngũ khẩu thu tâm tuyệt
Trực chí vị lai bất hận tâm.
土 木 相 生 艮 畔 金
為 何 謀 我 蘊 靈 襟?
當 時 五 口 秋 心 絕
直 至 未 來 不 恨 心.
(Thổ và Mộc sinh ra nhau, Cấn đứng liền với Kim,
Cớ sao lại chất chứa trong lòng mưu mô hại ta?
Lúc bấy giờ lòng ta buồn bã vô cùng,
Nhưng về sau thì chẳng còn để bụng oán giận.)
Ngô Đức Thọ dịch thơ:
Thổ Mộc sinh ra Cấn cạnh Câm (Kim)
Thù ta toan định sẵn mưu ngầm
Tăng này biết chuyện lòng buồn dứt
Cả đến mai sau chẳng oán thầm.
Câu đầu bài thơ là cách chiết tự họ tên Đỗ Ngân:
Thổ 土 + Mộc 木 là Đỗ 杜.
Cấn 艮 + Kim
金 là Ngân 銀.
Thấy Thiền Sư biết rõ âm mưu rồi, lại còn nêu đích danh tánh, nên Đỗ Ngân
sợ hãi, không dám hãm hại ngài nữa.
Vua Lê Long Đĩnh (trị vì 1005-1009) làm nhiều tội ác tàn độc, dân chúng
oán hận. Lý Công Uẩn lúc ấy còn giữ chức Tả Thân Vệ Điện Tiền Chỉ Huy Sứ 左親衛殿前指 揮使.[2] Bấy giờ nhiều điềm lạ xuất hiện các
nơi.
Thiền Sư phân tích lý giải các điềm lạ này, và cho rằng đó là điềm nhà Lê
sắp đổ, nhà Lý lên thay. Ngài yết bảng ở các ngả đường:
蒺 藜 沉 北 水
李 子 樹 南 天
四 方 戈 杆 靜
八 表 賀 平 安.
Tật lê trầm Bắc thủy
Lý tử thụ Nam thiên
Tứ phương qua can tĩnh
Bát biểu hạ bình yên.
(Cây tật lê chìm xuống biển Bắc
Cây mận mọc lên ở trời Nam
[Ấy là lúc] bốn phương dứt binh lửa
Tám cõi mừng chúc cảnh thái bình.)
Ngô Đức Thọ dịch thơ:
Tật lê chìm biển Bắc
Cây lý mọc trời Nam
Bốn phương binh đao lặng
Tám hướng chúc bình an.
Câu đầu nói tật lê để ám chỉ
triều Lê 黎 sẽ mất (chìm xuống biển); lại nói biển Bắc vì tật lê là một loại thuốc Bắc
(tức cây thuốc Trung Quốc).[3]
Câu sau nói lý tử 李子 là cây mận, để ám chỉ người họ Lý 李, tức Lý Công Uẩn sẽ thay nhà Lê làm vua phương
Nam (Nam thiên: trời Nam).
Lại có sách chép rằng vào năm 1009
cây gạo cổ kính làng Diên Uẩn bị sét đánh. Tại chỗ sét đánh trên thân cây hiện
ra tám câu sấm, tương truyền do Thiền Sư Vạn Hạnh sắp đặt để dọn đường cho Lý
Công Uẩn lên ngôi vua. Hai câu 3-4 của bài sấm là:
Hòa
đao mộc lạc 禾刀木落 (Lúa đao gỗ rụng)
Thập
bát tử thành 十八子成 (Mười tám con thành)
Câu 3: Hòa 禾 + đao 刀+ mộc 木 là Lê 梨 (trái lê). Lạc là rụng mất. Lê 梨 đồng âm với Lê
黎 (họ
Lê, nhà Lê), ám chỉ nhà Tiền Lê sẽ mất ngôi vua.
Câu 4: Thập 十 + bát 八 + tử 子 là Lý 李. Thành là thành tựu, thành công. Ý nói Lý
Công Uẩn sẽ lên làm vua.
Sau này Lý Công Uẩn lên ngôi, tức vua
Lý Thái Tổ (trị vì 1010-1028). Vua tôn Vạn Hạnh làm Quốc Sư.
Ngày rằm
tháng 5 niên hiệu Thuận Thiên thứ chín đời Lý Thái Tổ (30-6-1018), Quốc Sư gọi đệ tử lại dặn dò, đọc bài kệ rồi viên tịch:
身 如 電 影 有 還 無
萬 木 春 榮 秋 又 枯
任 運 盛 衰 無 怖 畏
盛 衰 如 露 草 頭 鋪.
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
(Người đời như tia chớp, có rồi lại không
Như cây cối, mùa xuân tốt tươi, mùa thu khô héo
Mặc cho vận đời dù thịnh hay suy, đừng sợ hãi
Vì sự thịnh suy [mong manh] như sương đeo ngọn cỏ.)
Ngô Tất Tố (1894-1954) dịch thơ:
Thân như bóng chớp, có rồi không
Cây cối xuân tươi, thu não nùng
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.
Vua Lý Thái Tổ cùng triều thần làm lễ trà tỳ
(hỏa táng), rồi cung thỉnh xá lợi của Thiền Sư thờ phụng tại chùa Tiêu.
Ngày 15-5 âm lịch hàng năm tại chùa Tiêu đều tổ chức lễ giỗ
Quốc Sư Vạn Hạnh.
Cất ở lưng chừng núi Tiêu cây cối u tịch, ngày nay chùa Tiêu
(Thiên Tâm Tự) thuộc xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Nằm trên tuyến quốc lộ 1A cũ (nay là tỉnh lộ
295B) và tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, xã Tương Giang ở về phía Đông Bắc
thị xã Từ Sơn, cách Hà Nội hai mươi hai cây số về phía Đông Bắc, cách thành phố
Bắc Ninh chín cây số về phía Tây Nam.
Trong chùa Tiêu ngày nay có đắp tượng Quốc
Sư cầm tích trượng, mô phỏng theo bài kệ vua Lý Nhân Tông (trị vì 1072-1127) truy tặng Quốc Sư:
萬 行 融 三 際
真 符 古 讖 機
鄉 關 名 古 法
拄 錫 鎮 王 畿
Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm ky (cơ)
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ.
Ngô Đức Thọ dịch thơ:
Vạn Hạnh thông ba cõi
Lời sư nghiệm sấm thi
Từ làng quê Cổ Pháp
Chống gậy trấn kinh kỳ.
LÊ ANH MINH
06-4-2014
(Trích Huệ Khải, Vạn Hạnh Thiền Sư Xưa Và Nay, ấn tống trong quý Ba năm 2014)
[1] Tổng
trì tam muội (tam ma địa): Tổng trì
nắm giữ được tất cả, không để cho rơi rụng. Tam
muội hay tam ma địa (samādhi) là trạng thái cực tĩnh lặng,
tâm không bị tán loạn.
[2] Hữu Thân Vệ Điện Tiền Chỉ Huy
Sứ là Nguyễn Đê, con trưởng của Định Quốc Công Nguyễn
Bặc.
[3] Tật lê
hay bạch tật lê 白蒺藜, tật
lê trắng (danh pháp Latin: fructus
tribuli; tiếng Anh: caltrop fruit,
puncture-vine fruit, tribulus) là một loại cây thuốc Trung Quốc, trị bệnh
nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, kinh nguyệt không đều, đau mắt đỏ, ngứa ngoài da,
bạch biến.
(Chinese individual herbs, fructus tribuli,
treats headache, vertigo, dizziness, irregular menstruation, red and painful
eyes, itching skin lesions and vitiligo.)
www.americandragon.com/Individualherbsupdate/Bai(Ci)JiLi.html.