Thân phụ nhà sử học Nguyễn Duy Chính
Buổi sáng nơi khu tôi ở dù có ai dậy sớm cỡ nào thì cũng gặp một người Á
Đông đi tản bộ lòng vòng quanh các khu nhà, trong công viên. Ông cụ ăn mặc xuề
xòa, đôi khi hơi có vẻ lôi thôi, nhưng đi đâu cũng nhìn ngang nhìn ngửa thấy một
mảnh chai vỡ, một cái đinh rỉ... thì cúi xuống nhặt đem vứt vào thùng rác, hay
quá lắm cũng tìm được một nơi thật khuất nẻo giấu vào đó.
Ngay đầu ngõ có một trường tiểu học, buổi sáng trẻ con qua lại rất đông
nên mặc dù đứa nào cũng giày dép chỉnh tề, ông cụ vẫn còn thói quen như khi ở
Việt Nam sợ trẻ con đi dép nhựa, có khi đi chân đất, lỡ giẫm phải sẽ bị thương.
Thỉnh thoảng ông cụ cũng nhặt được một đồng xu – một cent của Mỹ, loại
tiền chỉ còn dùng trong các siêu thị để thối lại cho người mua chứ thực tế
chẳng còn giá trị bao nhiêu – nhưng niên đại khá cũ, liền đem về cho thằng cháu
nội thích sưu tầm tiền cổ. Cũng có khi cụ nhặt được một cái lon nước của ai đó
vứt bỏ ngoài đường thì cũng đem về để tập trung trong mớ vật liệu tái chế.
Chỉ nhìn dáng ông cụ từ xa tít chúng tôi cũng nhận ra ngay vì đó chính là
bố tôi. Hơn mười hai năm ở trên đất Mỹ, cha tôi trở thành một khuôn mặt quen
thuộc với đủ mọi người. Ông lão cựu quân nhân Thủy Quân Lục Chiến đầu đường,
chú Mễ làm nghề cắt cỏ gần đó, ông già Mỹ về hưu hàng xóm cho chí những thầy
giáo, cô giáo, bà chỉ dẫn cho trẻ con qua đường... tất cả đều quen biết dù khi
thấy nhau chỉ giơ tay vẫy kèm theo một tiếng hello. Khu vực trở thành gần gũi hơn khi có thêm các cụ người Việt
rủ nhau vào tập thể thao trong công viên mỗi sáng, sau đó họp lại thành một hội nghị Diên Hồng – hay Hoa Sơn luận kiếm [1] như mấy đứa em tôi thường nói – bàn
về đủ chuyện trong nước, ngoài nước, xưa cũ hay đang xảy ra. Thế là lại có thêm
một cái tập thể nho nhỏ trong một cộng đồng lớn hơn, chia sẻ với nhau đủ mọi
loại tin tức, giả cũng như thật, có khi đúng và cũng có khi chỉ là tin... vịt.
*
Cha tôi làm giáo viên từ thuở còn rất trẻ và đi dạy cho đến tuổi về hưu.
Vừa nghỉ việc thì qua đoàn tụ do tôi đứng tên bảo lãnh. Phải nói rằng cuộc đời
ông cụ cũng lắm nỗi long đong, chẳng phải vì tính thích phiêu lưu mà vì sự tình
bắt buộc, nói cho văn hoa là nổi trôi
theo vận nước. Có điều với nếp sống lạc quan nên việc gì rồi cũng qua dù
thời nào thì gia đình chúng tôi cũng ở vào nấc thang tận cùng bằng số của xã hội. Với đồng lương ít ỏi vậy mà chẳng biết
bố mẹ tôi xoay xở làm sao để nuôi được mười đứa con ăn học, lại còn dành một
phần cho ông bà nội tôi lo cho các cô các chú. Những gia đình lam lũ trong
những tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn thời tiền chiến có lẽ cũng không khác biệt
với chúng tôi bao nhiêu. Tuy thế, hạnh phúc vẫn có thể thăng hoa từ sự nghèo
khó, nếu con người biết thỏa mãn với chính mình. Câu châm ngôn trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống
chẳng ai bằng mình tưởng như là một cái phao cho những kẻ khốn khó bám vào
để tìm thấy đôi chút an ủi. Năm 2001, khi về thăm quê hương kể lại chuyện cũ,
anh em tôi lại tìm được cái nguồn hoan lạc thuở còn bé và chính những kỷ niệm
của cảnh bần hàn kia là những gì êm ả nhất gắn chặt với nhau và mãi mãi là một
phần của chính mình.
Dù sao chăng nữa, chúng tôi cũng đi lên bởi vì cái khởi điểm của nó vốn
dĩ đã thấp nên ngoi lên không nhiều thì ít vẫn thấy thoải mái hơn cái thuở ấu
thơ. Và có lẽ đó cũng là niềm an ủi cho cha mẹ tôi khi tuổi già thấy con cái
đều trưởng thành và vượt qua được cái “bức tường vô hình” đã ngăn cản nhiều gia
đình khác mặc dù mỗi sự thành công nhỏ nhoi nào cũng phải đánh đổi bằng mồ hôi,
nước mắt.
Trình độ ít ỏi, cha tôi chỉ đủ sức dạy những bài học vỡ lòng để tôi theo
đó làm nấc thang học tiếp lên trung học. Khi tôi bước chân lên Đệ Thất [lớp Sáu
ngày nay] trường Chu Văn An thì cái vốn học
vấn của cha tôi đã cạn và đứa con trai lớn phải tự mình tìm lấy con đường mà
đi. Thế nhưng tôi vẫn còn nhớ lại được khuôn mặt tươi vui của ông khi đưa tôi
đi mua những cuốn sách mà nhà trường đòi hỏi, tưởng như dòng dõi nhà mình đã
qua được một bước mới trong đời sống. Cha tôi lại tiếp tục dạy các em tôi và
mỗi một người qua khỏi bậc tiểu học thì ông lại thấy như một con chim non đã ra
ràng bay trên một bầu trời cao rộng chứ không còn lệ thuộc vào mẹ cha bú mớm
như trước nữa.
Những phần thưởng cuối niên học đem lại cho cha mẹ tôi một sự tự hào. Khi
đưa tôi đi thi trung học hẳn cha tôi trong lòng ngầm hãnh diện vì đứa con đã đi
hơn mình một bước. Rồi Tú Tài I, Tú Tài II, đại học... dù không nói ra nhưng
cũng thấy con chim đầu đàn kia đang từ từ vươn lên khỏi nơi tối tăm bùn lầy
nước đọng.
*
Cuối năm 1991, cha mẹ tôi và ba đứa
em sang đoàn tụ. Việc đầu tiên cha tôi làm là sửa chiếc vườn sau nhà thành một
vườn rau, mùa nào thức nấy. Ông cụ đi xin bạn bè những hạt giống, cải, su hào,
mướp... biến khu vườn thành một cái nông trại nho nhỏ. Gần như cha tôi không bỏ
phí một tấc đất. Ăn không hết, chúng tôi đem cho thân nhân, bạn bè và cả những
người hàng xóm. Cây hồng ông cụ chăm bón năm nào cũng đầy quả đỏ au. Cây cam nở
hoa thơm ngát. Gia tài quý nhất của bố tôi là hai cây đào trồng ngay trước nhà,
một đỏ, một trắng, đúng Tết là nở đầy hoa mà đi đâu ông cụ cũng tự hào. Cha tôi
lấy hột ươm hàng chục chậu để tặng cho người quen.
Về sau may mắn, cha mẹ và các em tôi
mướn được căn nhà ở kế bên nên tuy đã ở riêng mà vẫn như còn ở chung. Ba đứa
con tôi một mình ông chăm sóc. Các con đã lớn rồi, nay đến cháu. Mỗi buổi sáng
ông cụ đưa cháu đi học rồi vào công viên nói chuyện với mấy người bạn già, trở
về làm vườn rồi đọc báo, buổi chiều đón cháu đi học về. Những lúc không có việc
gì làm, ông cụ đi bộ lang thang khắp nơi. Mỗi khi hai vợ chồng vắng nhà, dù
việc công hay tư thì cũng an tâm khi biết bên cạnh con mình có ông bà nội và
các chú.
Nhờ có cha mẹ, tôi can đảm quay lại
học thêm sau giờ làm việc. Gần mười năm đèn sách, mỗi lần xong một chương
trình, đưa cha tôi đi dự lễ tốt nghiệp, khuôn mặt ông rạng rỡ xiết bao.
Trong khi rảnh rỗi, tôi cũng viết
tham luận và dịch sách, xong bài nào đều đưa cha tôi đọc trước để kiểm chứng
lại tư tưởng và quan điểm của mình xem có điều gì bất ổn chăng. Chỉ truyện kiếm
hiệp là cha tôi không đọc. Nhiều người quen biết vẫn tưởng những thành tựu đó
là nỗ lực của riêng tôi, có biết đâu nếu không có cha mẹ thì không bao giờ hoàn
tất được – về cả vật chất lẫn tinh thần.
Tuy sinh sống nơi một quốc gia có đời
sống cao như nước Mỹ, cha tôi vẫn giữ nếp sống bình dị như thời còn ở Việt Nam.
Ông nhặt nhạnh từ mẩu bút chì ngắn đến xấp giấy in nháp tôi bỏ ra, chịu khó
đóng lại thành một cuốn sổ luôn luôn bỏ trong túi, gặp chữ nào là lạ thì chép
vào đem về nhà tra tự điển. Buổi tối ông đạp xe đi học ESL (English as a Second Language),[2] đến
gần đây mới thôi. Những
đồng tiền ít ỏi tiết kiệm được ông để dành tuần tuần đi chợ trời mua khi thì
cục xà bông, tuýp kem đánh răng, khi thì cái áo, cái quần... để có dịp đem về
nước cho những người nghèo khổ. Đến gần đây chúng tôi phải can ngăn vì hiện nay
hàng trong nước đã nhiều, những nhu yếu phẩm đó công lao chuyên chở tốn phí lắm
khi còn hơn giá trị thực, thà đem tiền về cho còn hơn.
Cha tôi cũng liên lạc lại với mấy ông bạn già thuở bé và thân nhân ở miền
Bắc, khi thì trao đổi kỷ niệm, khi thì xướng họa thơ văn và dự định sẽ cùng tôi
về thăm quê hương một chuyến nhân tiện sửa lại mấy ngôi mộ tổ tiên luôn thể.
*
Cuối năm ngoái, cha mẹ tôi về Sài Gòn làm đám cưới cho đứa em trai út.
Khi trở qua cha tôi than mệt, một việc hiếm hoi ít khi tôi nghe. Tôi đưa ông cụ
đi khám bệnh mới hay cha tôi bị ung thư phổi. Hình như căn bệnh quái ác này hay
xảy ra cho những người làm nghề dạy học. Đúng mồng một Tết, cha tôi lên bàn mổ
để cắt đi một bên. Những tháng sau tuy sức khỏe có dần dần khá hơn, vết thương
cũng lành nhưng không còn nói ra tiếng được nữa, muốn gì phải viết. Mới hôm nào
tiếng còn oang oang, ở bên nhà nói chuyện với chú tôi bên này cũng nghe, nay
chỉ thều thào. Sau khi dưỡng bệnh một thời gian, cha tôi trở về nhà. Ông cụ bây
giờ đi lại, đứng ngồi rất khó khăn. Chúng tôi cố khuyến khích cụ tập lại một số
cơ năng tạm mất. Ngày 09 tháng 4 năm 2004, cha tôi thấy khó thở. Gia đình tôi
vội vàng gọi 911 chở ông cụ vào nhà thương. Những ngày sau tuy tình trạng có ổn
định hơn nhưng người yếu dần. Mỗi ngày vào thăm, mở mâm đồ ăn thấy chỉ đụng đũa
qua loa mà ứa nước mắt.
Sáng Thứ Tư 14 tháng 4, đang họp trong sở tôi nghe vợ tôi báo tin cha tôi
trở bệnh nặng. Tôi liên lạc với bác sĩ Vũ Thanh Vân, người bạn thân chăm sóc
cho ông cụ thì nghe anh thông báo giờ phút cuối của cha tôi chỉ còn trong gang
tấc.
Tôi rụng rời chạy về nhà định đưa mẹ tôi vào bệnh viện thì vợ tôi đã đưa
đi trước rồi. Cũng may tuần này các cháu được nghỉ Spring Break [3] nên không phải đi học, tôi vội vàng
bảo các cháu lên xe vào thăm ông. Đến nơi, cha tôi còn tỉnh, tuy mắt có hơi lờ
đờ hơn trước. Vợ chồng người em trai tôi cũng đã đứng ở bên. Các cháu thấy ông
đứa nào cũng rơi lệ, đến cầm tay. Vợ tôi bảo các cháu hôn ông nội và hứa sẽ
ngoan ngoãn học hành. Bác sĩ Vân cho biết chỉ còn được từ giờ đến tối.
Chúng tôi quyết định để hai vợ chồng em tôi lại bên giường bệnh còn tôi
đưa mẹ và các con về để tránh cho mẹ tôi những xúc động chưa cần thiết, e ngại
có điều bất trắc cho bà cụ vì tình trạng sức khỏe của mẹ tôi rất kém. Ăn qua
loa vài miếng, trong dạ bồn chồn, tôi lại chạy lên thăm bố tôi và bảo đứa em
dâu xuống lo cho con còn bé. Em trai tôi chạy về sở sắp xếp công việc để xin
nghỉ làm.
Một mình ở lại bên cha, tôi nghẹn ngào hỏi ông cụ còn muốn trối trăng gì
hay nợ nần ai cần phải trả. Cha tôi gượng mỉm cười lắc đầu. Một lát sau, đứa em
trai khác cũng về đến nơi, hai anh em mỗi người đứng một bên. Chân cha tôi đã
lạnh đến đầu gối, bàn tay cũng không còn ấm áp như trước nữa, chỉ há mồm như
người ngộp thở. Tôi vội gọi người nhà đưa mẹ và các cháu lên gấp.
Cầm tay cha, tôi lâm râm niệm Phật để tiễn đưa vong linh ông cụ về cõi
Tây Phương. Em tôi đứng bên kia cũng sụt sùi. Ông cụ thở hắt mấy lần, mạch máu
trên cổ giựt giựt mấy cái rồi nằm yên như người đang ngủ say nằm mơ. Những
người y tá trực thấy báo động chạy vào. Tôi nhìn họ gật đầu rồi lặng lẽ đỡ cha
tôi nằm lại cho ngay ngắn. Lúc ấy là 3 giờ 17 phút.
*
Thứ Năm 15 tháng 4 năm 2004 – một ngày sau khi cha tôi từ trần – các cháu
quây quần an ủi bố. Tôi bảo các cháu viết về ông nội để đọc trong đám tang,
những đứa trẻ ngơ ngác không biết phải viết ra sao.
- Tiểu sử ông nội ra sao hả bố?
Tôi mỉm cười:
- Ông nội không có tiểu sử, chỉ là một người nhà quê, lớn lên đi dạy học
suốt đời, qua đây đoàn tụ với bố cho tới khi qua đời.
Thực như thế. Cha tôi không có tiểu sử, chỉ bình thường như phần lớn
người Việt Nam
khác. Khi còn trẻ thì người ta gọi bằng ông, đến tuổi già thì người ta gọi bằng
cụ. Không chức tước, không danh vị.
Tôi đưa các cháu ra vườn, chỉ vào một cây hồng đầy những lá mùa xuân mơn
mởn, xanh mướt như được tạc bằng ngọc quý. Dưới gốc cây lưa thưa vài chiếc lá
héo úa của năm qua.
- Các con là những chiếc lá xanh này. Còn ông nội con và tổ tiên là những
chiếc lá đã rơi xuống đất. Có những chiếc lá vẫn còn hình hài nhưng cũng có
những chiếc lá đã tan biến thành mùn. Thế nhưng bên trong những chiếc lá xanh
kia có một phần của những chiếc lá đã mục nát mà chúng ta không nhìn thấy được.
Các cháu dường như đã hiểu biết hơn một chút. Tôi lại đưa các cháu vào
trong nhà chỉ lên bàn thờ tổ tiên:
- Các con cũng thấy hình ảnh những người đã qua đời, ông bà ngoại, các
cụ... và nhiều người khác không có hình. Cứ đi ngược lên mãi, từ muôn triệu
kiếp mỗi đời lại truyền xuống đời sau một phần sự sống và trở thành một chuỗi
dài không đứt đoạn, cho tới ông nội, ông nội truyền sinh mệnh đó cho bố, rồi bố
lại truyền xuống cho con.
- Vậy thì con sẽ viết những gì đây?
- Các con ơi! Cha không bảo các con viết về tiểu sử, cũng như sau này một
khi cha mất đi, con không cần phải viết một bài điếu văn thật dài, ca tụng cha
bằng chức tước, bằng cấp hay đức độ. Những điều đó chỉ là những ảo ảnh mà thôi.
Khi cha nhớ tới ông nội, cha nhớ tới một cây bút chì xanh đỏ ông nội mua cho
cha khi cha đến trường, một cái lồng nho nhỏ cho con chim mới bắt được, một tập
sử khi đi hội chợ hay một tập đánh vần khi cha mới bi bô. Và cha cũng muốn các
con nhớ tới ông nội như thế thôi.
Những đứa trẻ nhíu mày rồi nét mặt rạng rỡ hơn như hiểu ra.
- Con nhớ tới ông nội hồi con còn bé dẫn con đi chơi, ra ngoài công viên
rồi để bảo con tự tìm đường về, ông đi theo. Ông nội dạy con đọc những số nhà bằng
tiếng Việt khi đi vòng quanh khu phố.
- Còn con thì nhớ tới ông nội dẫn con đi học, đón con về. Ông nội sửa xe
đạp cho con, làm hotdog [4] cho con ăn.
- Phải đó con ạ! Những điều mà cha nhớ tới ông con cũng là những điều như
thế thôi. Từ cây rau ông trồng đến cành hoa ông chiết, hột mướp ông giâm ...
Trung hỏi lại:
- Vậy ba ơi, ba nghĩ thế nào về sau khi chết? Ông nội bây giờ ở đâu?
Tôi đáp:
- Thực tình mà nói, cha không biết. Mỗi tôn giáo có một kiếp lai sinh với
những tên gọi khác nhau: Thiên Đàng, Niết Bàn, Cực Lạc, Bồng Lai... Cha chỉ
biết một điều là để có cha, có các con hôm nay thì một sinh mệnh không đứt đoạn
đã kéo dài hàng muôn triệu kiếp mà mỗi đời lại nhận một phần từ đời trước, thêm
vào, mất đi nhưng không bao giờ ngừng.
Kỳ hỏi:
- Thế gia đình mình cầu nguyện cho ông nội như thế nào?
Tôi suy nghĩ cố tìm cách giải thích cho các cháu hiểu:
- Việc cầu nguyện hay lễ lạt chỉ là hình thức biến chuyển theo không
gian, theo thời gian. Những nghi lễ đó không có tiêu chuẩn nhất định, và cũng
không ai dám bảo thế này là đúng, thế kia là sai. Bố không đòi hỏi các con cầu
nguyện cho ông nội mà chỉ muốn các con nhớ tới ông nội và hiểu rằng ông nội vẫn
hiện diện như một phần của mình. Về thể xác, sinh lực của ông truyền xuống bố,
bố truyền xuống con. Về tinh thần, ông nội cũng như bố để lại trong lòng con
một số dấu ấn mà con sẽ đem theo suốt cuộc đời. Con nhìn thấy ông nội trong
hình ảnh của bố mà bố cũng thấy một phần ông bà tổ tiên ở nơi các con.
*
Than ôi! Quả là nước mắt chảy xuôi. Cha tôi lo
cho con cho cháu đến tận lúc lìa đời. Đúng là công lao trời bể. Thôi thì số
mệnh đã an bài, cái lẽ tử sinh không ai tránh khỏi. Một điều đáng mừng là những
gì cha tôi vun trồng dù vật chất hay tinh thần đều đơm bông kết trái, ắt hẳn
cha tôi nơi chín suối cũng ngậm cười. Bây giờ tôi mới thật thấm thía cái đạo
hiếu của người Việt Nam, nỗ lực bản thân, sống đời thiện lương cũng là một cách
báo đáp công ơn nuôi dưỡng. Cái lá vàng đã rụng xuống nhưng những chiếc lá xanh
vẫn tiếp tục vươn lên.
California,
cuối tháng 4-2004
NGUYỄN
DUY CHÍNH
[1] Theo
các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung chẳng hạn.
[2] Khi
ở Việt Nam, chúng ta học tiếng Anh, thì nó là một ngoại ngữ, tức là EFL (English as a Foreign Language). Một
người Việt cũng như mọi người nước ngoài nào khác di cư sang Mỹ, phải học tiếng
Anh của dân Mỹ, thì nó là ngôn ngữ thứ hai (ngoài tiếng mẹ đẻ) – ESL (English as a Second Language).
[3] Học
sinh, sinh viên Mỹ một năm có hai kỳ nghỉ giữa niên học, một là Winter Break vào mùa Đông (cuối năm,
khoảng Giáng Sinh) và một là Spring Break
vào mùa Xuân (khoảng tháng Tư). Mỗi kỳ nghỉ chừng một tuần nhưng mùa Đông bắc
cầu sang nghỉ Tết Dương Lịch có thể dài hơn.
[4] Hotdog: Xúc xích nóng kẹp vào bánh mì.
[5] Food-for-Less: Cửa hàng bán thực phẩm giá rẻ. 99c
Store: Cửa hàng bán mọi mặt hàng đồng giá 99 xu (cents). Một đô la bằng 100 xu.
------------
* Cha tôi không dạy tôi sống ra sao; người sống, và để tôi quan sát
cách người sống. / My father didn’t tell
me how to live; he lived, and let me watch him do it.
CLARENCE BUDINGTON KELLAND (nhà văn Mỹ, 1881-1964)