Mùng ba Tết Giáp Ngọ, Giáo Sư Thượng Văn Thanh
làm trưởng đoàn, cùng với sáu đạo hữu nữa đến chúc xuân Đức Giám Mục Stêphanô
Tri Bửu Thiên (Cần Thơ). Vào thời điểm ấy thì bài vở cho Văn Uyển tập Nguyên
đã xong; những ấn tượng sâu sắc từ chuyến đi ấy đành phải chuyển sang in
trong tập Hanh này.
Ngoài bài viết liên quan của hiền huynh Đạt Truyền cũng như một số
hình ảnh để lưu dấu kỷ niệm, Văn Uyển tập Hanh Giáp Ngọ rất hân hạnh nhận được
bài viết thật giàu thi vị – một bài văn xuôi vị thi (la prose poétique) – của
Giáo Sư Thượng Văn Thanh. Xin đa tạ Giáo Sư.
|
Khuya hôm ấy, một buổi khuya đầu xuân Giáp Ngọ. Chính xác là
còn trong mùng ba Tết. Bạn kéo tôi và tôi theo bạn lên đường. Đối với tôi là
xuất hành đầu năm vì Tết tôi chẳng đi đâu. Nhà neo. Mùng bốn mới đưa ông bà.
Thân đi mà tâm lại lừng chừng. Không phải là nên đi hay không mà là có thể đi
được hay đành ở lại.
Thành thử tâm bất tại với nhiều miên man nhớ tưởng. Trời khuya se lạnh
bất giác nhớ đến những dòng đầu tiên trong bài “Ngày đầu tiên đi học” của Thanh
Tịnh rồi bắt sang khúc ca “Ra đi khi trời vừa sáng” của Phạm Đình Chương. Nhớ
thời đi học trường làng ở tuổi cần được mẹ dắt đi mà không nhớ chắc ngày ấy có
được mẹ dắt đi hay không. Lớn lên vào thành phố, bao nhiêu lần ba lô lên vai,
đạp xe đi cắm trại vào lúc mọi người còn say ngủ. Thời gian đã mất, trí nhớ vẫn
còn, cảm xúc trở về như dạng bản sao cất giữ quá lâu ngày, mờ mờ, nhạt nhạt.
Xe dừng ở chợ Tân Định đón một ông anh. Cơ hội để tập chờ nhau và hiệu
đính một suy nghĩ sai lầm. Lâu nay cứ tưởng dân quê dậy sớm, dân thị ngủ trưa.
Thời gian ngồi trong xe chờ đợi mới tri kiến như thị rằng phía trước phía sau
chỗ xe đậu, bên chợ và bên phố bà con đang lăng xăng bận rộn cho một ngày buôn
bán mới. Bày bàn, xếp ghế, đưa hàng sang chợ, nhóm lửa xách nước sẵn sàng ly
tách cho trà, cà phê… Thành ra có công có việc thì lo ngày ngạy… chỉ trừ những
người vô can, vô tâm... Sao lại quên đi chính mình cũng thức khuya dậy sớm,
cũng như ba anh em nữa ở một chỗ khác cách năm cây số đang đứng đợi để cùng đi.
Đủ người, nhiều chuyện râm ran nhưng vẫn không tách rời lộ trình đã định
đến viếng Tòa Giám Mục Cần Thơ. Chuyện trò và dùng cơm trưa ở đó, đến Tổ Đình
Chiếu Minh và về thánh thất Tây Thành lễ Thầy, chúc xuân, hàn huyên chuyện đạo.
Nội ngoại lưỡng toàn, xe chạy ngon lành. Cảnh lùi ra sau, tâm trí dành trọn cho
những gì đang tới.
Buổi trưa ở Tòa Giám Mục Cần Thơ lại gợi tưởng đến một câu trong bài học
cũ… “con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần nhưng hôm nay bỗng nhiên thấy
lạ…”. Ngôi nhà thờ, quý Cha và quý dì phước… những nơi mình đã từng vào ra,
những người mình đã từng tiếp xúc, làm việc, còn lần này thấy lạ vì mình đến
ngôi nhà thờ của vị Cha Liên Tôn và Đại Kết vào đầu năm Thánh Gia Đình của nhà
đạo Kitô. Những niềm nở, nồng nhiệt ngày xuân, sự trao đổi để hiểu biết lẫn
nhau. Nhất là biết về địa phận lớn, bữa cơm chay thịnh soạn. Rất ngon và vui.
Thế nhưng ấn tượng rất sâu trong lòng khách hành hương là cảnh quan vừa
được xem qua. Đó là một ngôi làng quê Việt Nam có ngôi nhà thờ với một vị linh
mục và một số con chiên, rồi lần lượt đến các mái ấm. Đây là một gia đình đức
tin, tiếp đến là gia đình hiệp thông, gia đình cầu nguyện, gia đình yêu thương
nằm chen giữa ruộng lúa, hàng tre, vườn chuối và bờ khe, ao lạch… rất Việt Nam,
rất thân thương, an bình. Thanh bình, êm ả mà rất sống động, hình thành một bức
thông điệp rất có đạo, chan chứa tình yêu thương, hòa hợp. Khách hành hương với
tâm thuần chân, khiêm tốn, mong muốn học hỏi không thể không suy nghĩ nhiều hơn
về ngôi làng đạo và những gia đình sống đạo trong ngôi làng được lập nên bằng
trí sáng tạo và bàn tay khéo léo của Kitô hữu thuộc Tòa Giám Mục.
Tạm biệt nhà thờ, chúng tôi quay về nhà Thánh, ví như trở về “bên nội”.
Thánh thất Tây Thành đã chỉnh trang xong, ổn định cả người và cảnh, bên ngoài
cũng như bên trong. Đây là món quà xuân quý báu nhất vì đáp ứng được lòng mong
ước đâu đâu cũng được yên hòa để người tu có thể an tu.
Chốn cũ Tổ Đình, bên ngoài còn đang ngổn ngang vì công trình nâng cao
chống ngập, vào bên trong thì rất ấm áp, vui vầy – “Nhứt hào vô phạm” được áp
dụng chặt chẽ ở đây nhưng có lẽ khách hành hương được miễn trừ nên đạo tỷ Chánh
Hội Trưởng đến trao tận tay mỗi người một lộc xuân rất trang nhã đẹp đẽ bề
ngoài, kèm theo đa hào đặc biệt bên
trong!
Trọn cuộc hành trình từ sớm khuya đến tối mịt – đi an khương về an
khương. Thế là mừng và quý hơn thế nữa là được “Khuôn linh giúp sức, bước ta bà
giục thúc huệ quang”. Trong cõi ta bà mà được huệ quang soi dẫn thì phước lớn
biết bao. Nhờ vậy, mình tự thấy rõ hơn, thấy nơi huynh đệ đồng hành, thấy đồng
đạo không cùng thánh sở… Và thấy xa hơn nữa vượt khỏi những khoảng cách ngăn
che của thời gian, sự kiện, không gian, màu sắc…
Ở chỗ rất riêng lại nghĩ rằng chuyến đi không chỉ là một cuộc du xuân,
không dừng lại ở hành hương tế. Một chuyến đi mang tâm cảnh liên chi, liên tôn
và dẫn đến liên tâm. Rất lòng thành nguyện như thế.
GIÁO SƯ THƯỢNG VĂN THANH
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài
Đầu tháng 4-2014
* Đức tin
không phải là bám víu vào một đền thờ mà là cuộc hành hương bất tận của con
tim. / Faith is not the clinging to a
shrine but an endless pilgrimage of the heart.
Abraham Joshua Heschel (Ba Lan, 1907-1972)