Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

ĐĐVU 11 / GIÓ BỐN PHƯƠNG

Gió muốn thổ đâu thì thổi. (Gioan 3:8)

* Hiền tỷ Đại Cơ Minh (Minh Lý Thánh Hội). E-mail ngày 19-4-2014:
Muội đã đọc hết quyển Tưởng Nhớ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ. Quyển sách đã diễn tả hết công nghiệp của cụ bác sĩ. Đạo muội vẫn còn ấn tượng về lối diễn giảng của cụ bằng thơ khi nghe cụ diễn thuyết về tôn giáo đối chiếu ở chi bộ Kiêm Ái của Hội Thông Thiên Học đường Phan Thanh Giản (1971-1975) và nhờ nghe cụ thuyết giảng muội đã thấy được sự đồng quy của các tôn giáo, dù thời đó có nhiều điều nghe chỉ biết là hay mà chưa hiểu biết hết chỗ thâm sâu ẩn áo của bài giảng.
Ban Ấn Tống: Kính thưa hiền tỷ, chân thành cảm ơn hiền tỷ phản hồi về sách của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống. Ước mong hiền tỷ cũng như quý bạn đọc đạo tâm gần xa thường xuyên dành thời gian gởi Văn Uyển các nhận xét, cảm nghĩ hoặc góp ý về kinh sách ấn tống.
*
* Hiền muội tu sinh ẩn danh (phường Nguyễn Cư Trinh, quận Một, TpHCM). E-mail ngày 11-05-2014:
Trong một buổi học tập thánh giáo chúng em có trao đổi về bốn chữ tán(g) tận lương tâm. Có bạn nói tán là tiêu tan, tan rã; vậy tán tận lương tâm nghĩa là tiêu tan hết cả lương tâm. Nhưng có bạn nói táng là chôn (như mai táng, an táng…); vậy táng tận lương tâm nghĩa là chôn vùi hết cả lương tâm. Kính nhờ Văn Uyển giải thích giúp chúng em là viết thế nào mới đúng, và ý nghĩa đúng nhất là gì.
Huệ Khải: Hiền muội mến, viết táng tận lương tâm mới đúng.
Táng (động từ) là mất, đánh mất (to lose). Thí dụ: táng minh 喪明 (mù mắt / losing one’s sight); táng vị 喪位 (mất ngôi, mất địa vị / losing one’s throne or position).
Tận (trạng từ) là: đến hết mức giới hạn (to the limit of something; to the utmost); hết tất cả, toàn bộ (completely). Thí dụ: thảo mộc tận tử 草木盡死 (cây cỏ đều chết hết).
Táng tận lương tâm 喪盡良心: Mất hết cả lòng lành, đánh mất tất cả lương tâm (completely losing one’s conscience).
*
* Hiền huynh Chí Tâm (Trần Đình Xu, quận 1, TpHCM). Thư ngày 06-6-2014:
Kính thưa Ban Ấn Tống, tôi, đạo danh Chí Tâm, cựu bổn đạo N.T. thánh thất, xin trân trọng bày tỏ như sau:
Tôi nhiệt liệt tán thành Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, hoan hô với sự chân thành mến phục xuất phát từ nội tâm. Quý vị đã dày công khó nhọc, dốc hết tâm tư trí não, sáng tạo một chương trình hoàn toàn thích hợp với tình hình hiện nay, vun quén cây Đạo thêm sum sê cành lá… Việc làm này cộng với sự đồng thuận của đa số tín hữu, chúng ta có thể tin chắc sẽ mang lại những thành quả mỹ mãn cho nền đạo pháp.
… Tôi có trích lục một số lời dạy của Đức Chí Tôn liên quan trực tiếp đến pháp tu khử trược lưu thanh, với nhiều chi tiết tạm đủ cho người đọc hiểu biết các lợi ích của pháp tu. Kính xin quý Ban Ấn Tống vui lòng xem xét nội dung, đưa vào Chương Trình Ấn Tống để giúp thêm phương tiện tu học cho những vị tín hữu.
Ban Ấn Tống: Kính thưa hiền huynh Chí Tâm, Ban Ấn Tống chân thành đa tạ lòng tin cậy và mỹ ý của hiền huynh. Hiền huynh nhiều lần tha thiết muốn Chương Trình Ấn Tống truyền bá kỹ năng thực hành tâm pháp, giúp ích cho nhơn sanh; tấm lòng cao quý của hiền huynh ai ai cũng phải rất trân trọng. Tuy nhiên, kính xin hiền huynh cảm thông cho chúng tôi chưa dám hưởng ứng đề nghị này.
Chúng tôi kém cỏi, chỉ mạo muội dấn thân về phương diện công truyền, phổ thông giáo lý chơn tu, may ra có thể bổ khuyết chút ít cho tình trạng các giảng đường nhà Đạo hiện còn quá thưa thớt trong cộng đồng Cao Đài. Riêng về phương diện tâm pháp, như nhã ý hiền huynh đã nêu, chúng tôi hiểu rằng pháp môn nội tu thì khẩu khẩu tâm truyền, phải có minh sư chỉ dạy, thầy nào trò đó, trách nhiệm rất hệ trọng, lỡ sai một ly hậu quả vượt xa ngàn dặm. Thời đại ân xá, ai hữu duyên sẽ tìm đúng cửa nội tu, có minh sư đón sẵn; Chương Trình Ấn Tống đâu dám vượt quá phận mình. Lời thành thật tỏ bày, chúng tôi tin rằng hiền huynh thấu cảm và hoan hỷ. Kính chúc hiền huynh vạn an, thân tâm thường lạc, và tinh tấn trên đường thực hành tâm pháp, công phu tịnh luyện.
*
* Tu sinh Ph.M.Ng. (TpHCM). E-mail ngày 12-6-2014:
Đạo đệ đọc Thánh Giáo Sưu Tập Năm Canh Tuất - Tân Hợi (1970-1971), bản in của Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2011, trang 224, thấy có mấy dòng như sau: Nói một cách khác, là tự độ và độ tha đó. Cũng như Đức Phật đã dạy “tự giác, giác tha”, để rồi “giác tha viên mãn”.
Đạo đệ hiểu viên mãn là tròn vẹn, đầy đủ. Nếu nói giác tha viên mãn thì tự giác bỏ đi đâu? Không được viên mãn phần tự giác sao? Hay là sách in sai?
Huệ Khải: Hiền đệ suy nghĩ rất đúng, sách đã in sai. Chứng tỏ hiền đệ là người ham tu học, đọc thánh giáo rất sáng, vì đã chú tâm đọc rất kỹ. Ngày nay quả thật hiếm có người trẻ tuổi biết đọc kinh sách thấu đáo như hiền đệ.
Thánh giáo hiền đệ nêu ra là lời Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, vào giờ Tuất, ngày 15-4 Tân Hợi (Chủ Nhật 09-5-1971). Hôm ấy pháp đàn là tiền bối Huỳnh Chơn,[1] đồng tử Thanh Căn xuất khẩu (năm ấy hai mươi tuổi).
Mỗi khi học thánh giáo do Đức Thiền Sư Vạn Hạnh ban truyền, riêng tôi rất thích thú vì văn phong Ngài bay bướm, chữ nghĩa Ngài dùng đọc thấy thật “đã”. Nhưng đồng thời đạo lý thượng thừa nhà Phật mà Ngài chuyển tải trong đó cũng khiến tôi phải trầm tư suy gẫm, khổ công tra cứu mới có thể lãnh hội phần nào ý nghĩa thâm sâu Ngài dạy.
Chỗ in sai đó trong sách hãy nên thông cảm, bởi điển ký đã sơ sót chép sai, nghĩa là đã sai từ nguyên bản (theo bản in ronéo ban hành năm 1971).
Theo tôi, không cần các dấu ngoặc kép “…” như bản in, và nên sửa lại như sau:
Nói một cách khác, là tự độ và độ tha đó. Cũng như Đức Phật đã dạy tự giác, giác tha, để rồi giác hành viên mãn.
Một số người viết là giác hnh, bởi lẽ chữ có thể đọc là hạnh, hay hành.
Tự giác, giác tha, giác hành viên mãn là ba loại giác ngộ của Phật (tam giác 三覺: the three kinds of enlightenment). Bồ Tát thì có hai (tự giác, và giác tha). La Hán thì có một (tự giác).
Có câu: Phật sở cụ túc chi tam giác: Tự giác, giác tha, giác hành viên mãn. 佛所具足之三覺: 自覺, 覺他, 覺行圓滿. (Phật có đầy đủ ba loại giác ngộ: Tự giác, giác tha, giác hành viên mãn.)
Tự giác 自覺: Giác ngộ cho mình (enlightenment for self).
Giác tha 覺他: Giác ngộ cho người khác (enlightenment for others).
Giác hành viên mãn 覺行圓滿: Giác ngộ và hoàn thành đều trọn vẹn (perfect enlightenment and accomplishment), nghĩa là ở Phật thì mức độ cao nhất, hơn hẳn Bồ Tát.
Các thuật ngữ tiếng Anh kèm theo giải thích trên đây tôi căn cứ theo A Dictionary of Chinese Buddhist Terms của hai danh gia William Edward Soothill và Lewis Hodous.
Tác phẩm này thuộc loại kinh điển của giới học Phật, phù hợp cho người biết tiếng Anh và một chút chữ Hán. Hiền đệ có thể download từ Internet để tiện tham khảo. Địa chỉ: http://mahajana.net/texts/kopia_lokalna/soothill-hodous.html.
*
* Hiền muội C.loicc@xxx, e-mail 19-6-2014.
Em là tín đồ đạo gốc, nhập môn đã lâu. Từ khi ra riêng thì chưa tiện lập Thiên Bàn. Nay em hơn ba mươi tuổi rồi, quyết định lập Thiên Bàn, thì má và gia đình em không đồng ý, nói rằng đến năm mươi tuổi em mới được thượng Thánh Tượng thờ Thầy.
Chẳng biết Thầy đang thử lòng em hay sao!? Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Em chỉ biết niệm danh Thầy như vậy.
Diệu Nguyên: Hiền muội thân mến, về ý kiến của gia đình, hiền muội có thể trả lời như sau: Tân Luật Cao Đài không có một điều khoản nào quy định người môn đệ Cao Đài phải chờ đến năm mươi tuổi mới được làm lễ thượng Thánh Tượng tại nhà. Hơn nữa, Tân Luật Cao Đài, Chương II, Điều thứ Mười Một quy định: “Người làm Đầu trong Họ hay là chức sắc thay mặt cho mình phải đến làm lễ cúng khai đàn, trấn thần, an vị [Thánh Tượng] cho người mới vào Đạo.” Mà người có tuổi trưởng thành (mười tám tuổi) đã có thể nhập môn vào Đạo rồi, đâu phải chờ tới năm mươi!
Hơn nữa, người xưa có dạy:
Mạc đãi lão lai phương học đạo
Cô phần tận thị thiếu niên nhơn.
(Chớ đợi đến già mới tu học
Mộ phần đầy dẫy kẻ đầu xanh.)
Cuộc đời này vô thường (nay còn mai mất), biết mình có thể sống đến bao nhiêu tuổi mà dám hẹn rằng phải chờ đến năm mươi tuổi mới được thượng Thánh Tượng?
Hiền muội cố gắng cầu nguyện, đọc kinh Cứu Khổ thường xuyên và gắng làm công quả để con đường tu hành của mình được suôn sẻ. Chúc hiền muội được nhiều hồng ân của Thầy Mẹ ban bố để tinh tấn tu hành.
*
* Hiền hữu Nguyễn Thanh Bảo (TT Từ Quang, HT Truyền Giáo). Hỏi qua e-mail ngày 10-7-2014.
Cháu đọc thánh giáo thấy ba đoạn như thế này:
- Mãn sợ lo bên trong rạn nứt,
Mà hóa ra mẻ sứt hẹp hòi,
Dốc tâm xây đắp bên ngoài,
Mở mang giao hảo cho tày người ta.
(Đức Bảo Pháp Chơn Quân Thanh Long)
- Xuân, hạ qua, thu tàn lạnh tẻ,
Năm tháng rồi con trẻ làm chi?
Hay là con cứ mãi đi,
Mãn lo cầu cúng, không vì nhơn sanh.
(Đức Diêu Trì Kim Mẫu)
- Nền Quốc Đạo nhằm cơn chia rẽ,
Mối nhơn luân mấy kẻ tô bồi,
Mãn lo trọng tước, cao ngôi,
Vùi thân ba thước, thân rồi là xong.
(Thánh thất Trung Thành, ngày 15-7 Canh Thìn, 18-8-1940)
Chữ mãn nghe thật khó hiểu. Cháu tra từ điển Tiếng Việt, Hán Việt mà không thấy từ mãn nào phù hợp. Nhờ Văn Uyển giải thích giúp cháu ý nghĩa chữ này. Xin cám ơn Ban Ấn Tống rất nhiều.
Huệ Khải: Hiền hữu mến, trước hết chúng tôi xin bày tỏ lời hoan nghênh tinh thần cầu học và ý thức giữ gìn tính trong sáng của tiếng Việt trong thánh giáo Cao Đài. Nếu ai ai trong nhà Đạo cũng được như hiền hữu thì sẽ sớm giảm bớt rất nhiều tệ trạng sách vở Cao Đài đầy các chữ lôi thôi, sai sót, nhất là các văn bản đang lan tràn trên Internet không có người sửa chánh tả, sai lầm quá thảm thương!
Như nhiều lần chúng tôi đã từng lưu ý: Một nhược điểm của giọng miền Nam và miền Trung là không phân biệt dấu hỏi và dấu ngã; không phân biệt phụ âm cuối -n và –ng [ŋ]. Cho nên bài kinh cúng tứ thời xưng tán Đức Văn Tuyên Khổng Thánh, bà con mình mấy chục năm nay cứ viết sai và đọc sai là Trừng chơn chánh quang. Lẽ ra phải đọc và viết cho đúng là Trừng chơn chánh quan (hay quán).[2]
Cũng chính vì vậy mà ba vé thánh thi trong thư hiền hữu đã viết sai chữ MẢNG thành mãn!
MẢNG (trạng từ) có nghĩa là mê mải (dấu hỏi). Mảng sợ = Cứ lo sợ hoài chẳng yên lòng. Mảng lo = Cứ lo lắng không thôi. Mảng lo cầu cúng = Cứ chăm chăm vào việc cúng bái, cầu khẩn. Mảng lo trọng tước, cao ngôi = Cứ mải miết lo toan để được thăng tiến công danh và quyền chức.
Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:
Mảng vui rượu sớm, cờ trưa,
Đào đà phai thắm, sen vừa nảy xanh.
Ca dao có câu:
Vai mang bầu rượu, chiếc nem,
Mảng vui quên hết lời em dặn dò.
Mảng vui ­= Cứ ham vui, say mê uống rượu, đánh cờ...
*
* Hiền huynh LÊ TRỌNG TÍN (TT Trung Nam), đường Phan Chu Trinh, Vũng Tàu.
Ban Ấn Tống: Hiền huynh kính mến, ngày 31-7-2014 hiền huynh công quả ấn tống (gởi qua ngân hàng ACB) số tiền 1.100.000 đồng; trong đó, hiền huynh có nhã ý gởi ấn tống 1.000.000 đồng, còn 100.000 đồng thì dành để góp phần chi trả cước phí gởi kinh sách đi các nơi. Chúng tôi rất cảm kích tấm lòng ưu ái của hiền huynh.
Tuy nhiên, nhiều năm qua chúng tôi đã có cách trang trải chi phí vận chuyển kinh sách ấn tống (qua bưu điện, hoặc nhờ xe đò liên tỉnh) mà KHÔNG phải dùng tới nguồn vốn ấn tống do các Mạnh Thường Quân công quả. Vì vậy, chẳng riêng trường hợp hiền huynh, mà đối với tất cả những vị từng có lòng gởi công quả để chi trả cước phí vận chuyển kinh sách, chúng tôi đều chuyển hết số tiền của quý huynh tỷ vào quỹ ấn tống.
Do đó, đợt 88 hiền huynh đã công quả 500.000 đồng, cộng thêm với đợt 89 này là 1.100.000 đồng; hiện nay “tài khoản” của hiền huynh đang chờ phân bổ in kinh sách là 1.600.000 đồng.
Chúng tôi xin thưa rõ sự việc nơi đây; như thế cũng tiện cho quý đạo hữu, đạo tâm gần xa được biết việc chung.
Kính chúc hiền huynh và bửu quyến an khang, thường lạc trong ơn phước của Thầy Mẹ và các Đấng Kỳ Ba.




[1] Tiền bối Huỳnh Chơn thế danh là Tạ Đăng Khoa, sinh ngày 06-02-1904 (21-12 Giáp Thìn) tại xã Long Thạnh, tỉnh Bạc Liêu; quy thiên ngày 18-4-1973 (16-3 Quý Sửu) tại Sài Gòn.
[2] Xem: Huệ Khải, Tìm Hiểu Hai Bài Tiên Thiên Khí Hóa Và Quế Hương Nội Điện. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2012, tr. 59, 71. Quyển 39-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.