Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

ĐĐVU 10 / GEOFFREY HODSON HẦU ĐÀN CAO ĐÀI / Huệ Khải

Geoffrey Hodson 1955

Geoffrey Hodson (1886-1983) chào đời và được giáo dục ở Anh, nhưng sau này sống nhiều ở Úc và New Zealand (thành phố Auckland). Trong Chiến Tranh Thế Giới thứ Nhất, là sĩ quan quân đội Anh ở mặt trận phía Tây, ông chứng kiến lắm nỗi thống khổ của con người, nên đã dành hết thời gian còn lại của đời mình để tu học nhằm vén bức màn vô minh vốn là nguyên nhân gây nên chiến tranh và đau khổ. Ông học rộng, tiếp thu cả giáo lý Đông và Tây, thực hành huyền môn của khoa minh triết cổ xưa và mở được thần nhãn (clairvoyance).
Suốt bảy mươi năm làm hội viên Hội Thông Thiên Học (Theosophy Society), ông Hodson là một tác giả lớn với bốn mươi quyển sách về Thông Thiên Học, cùng nhiều đầu sách khác liên quan tới các chủ đề như tham thiền, đời sống tâm linh, sức khỏe và bệnh tật, v.v… qua đó ông hé lộ nhiều bí ẩn huyền vi mà ông lãnh hội được nhờ đã mở thần nhãn. Do những cống hiến to tát vào việc trứ tác truyền bá Thông Thiên Học, năm 1954 ông được tặng thưởng huy chương Subba Row Medal. Đây là huy chương rất cao quý của Thông Thiên Học, mang tên ông Subba Row (1856-1890), một nhà Thông Thiên Học Ấn Độ tên tuổi nhưng mệnh yểu.
Ở lãnh vực đào tạo, ông Hodson còn có đạo nghiệp to tát. Giữa thập niên 1950, ông là Giám Học (Director of Studies) của trường Minh Triết (the School of the Wisdom) tại Trụ Sở Quốc Tế của Hội Thông Thiên Học ở thị xã Adyar (quận duyên hải Dakshina Kannada, bang Karnataka, Ấn Độ) trong bốn niên khóa. Ông lại là giảng sư thỉnh giảng (guest lecturer) của trường Thông Thiên Học Krotona tại thành phố Ojai, bang California (Mỹ). Hiện nay có nhiều địa chỉ để tìm hiểu về con người, tác phẩm, đạo nghiệp, tư tưởng của ông trên Internet.
Là giảng sư Thông Thiên Học, ông Hodson có dịp đặt chân đến nhiều nước, kể cả Việt Nam, vì lẽ nhiều thành phố lớn ở hai miền Trung, Nam Bộ trước 1975 đều có chi bộ Thông Thiên Học. Chẳng hạn chi bộ Kiêm Ái ở Sài Gòn, với một nhân vật khả kính là đạo trưởng Nguyễn Văn Minh (sau này làm Văn Hóa Vụ Trưởng tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, thánh danh Chơn Thiện Minh, đắc quả Thiện Minh Chơn Thánh).
*
Giữa năm Đinh Tỵ (1977) tôi vào Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam. Bấy giờ Thanh Niên Vụ Trưởng cũng là Nội Chánh Vụ Trưởng Thiên Vương Tinh kiêm nhiệm. Thanh Niên Vụ sinh hoạt đều đặn từ 3 đến 5 giờ chiều Chủ Nhật hàng tuần. Khoảng năm 1983, tôi phụ trách giúp thanh thiếu niên Cơ Quan làm quen giáo lý qua văn bản Anh Ngữ vào một số buổi sáng Chủ Nhật, nên tạm mượn phòng họp Thanh Niên Vụ. Phòng này kề sát bên Văn Phòng Hiệp Thiên Đài, bấy giờ do Phụ Tá Bảo Pháp Chơn Quân Chơn Tâm [1] đảm trách.
Một sáng Chủ Nhật, đạo trưởng Chơn Tâm trao cho tôi năm trang in ronéo trên giấy duplicateur 21x27cm vàng úa, cũ kỹ, vui vẻ nói rằng để tôi có thêm tài liệu dùng trong chương trình sinh hoạt giáo lý Anh Ngữ. Tôi biết Geoffrey Hodson từng hầu đàn cơ Cao Đài tại Sài Gòn do nhân duyên này.
Đấy là một bản thánh giáo tại Huờn Cung Đàn, Tý thời, 15-8 Kỷ Hợi (Thứ Năm, 17-9-1959). Bộ phận thông công Hiệp Thiên Đài thuộc Văn Phòng Trung Ương Cao Đài Thống Nhứt, gồm có: Hải Thần (Pháp Đàn); Huệ Đức (Chứng Đàn); Huệ Thanh (Đồng Tử). Ban Điển Ký có Thái Quới, Bạch Mai, Hoa Thọ (chép phần tiếng Việt) và Thiên Vương Tinh (chép phần tiếng Anh).[2]
Qua bản thánh giáo, tôi biết được rằng hôm ấy, trong số những người hầu đàn có hai vị khách đặc biệt là ông Geoffrey Hodson và bà Sandra Chase cùng một số hội viên Hội Thông Thiên Học. Nhân chuyến đi thăm Hội Thông Thiên Học Việt Nam, ông Hodson và bà Chase đã xin hầu đàn để tìm hiểu cơ bút Cao Đài. Qua các trang web Thông Thiên Học, tôi tìm được thông tin về ông Hodson, nhưng chưa biết gì về bà Chase.
Đàn hôm ấy Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Lý Thái Bạch giáng cơ. Sau khi dạy một số việc đạo bằng tiếng Việt, trong lẽ tùy duyên hóa độ, trước lúc thăng, Đức Lý đã từ bi để lời dạy riêng hai người khách nước ngoài bằng tiếng Anh. Bởi thế, Đức Giáo Tông đã ban ơn cho một vị cũng đang hầu đàn hôm ấy được làm điển ký.
Trích lời dạy của Đức Lý:
“... Nhưng giờ đây Lão muốn cho chư hiền nội bộ cũng như tân khách [3] được thỏa mãn một phần tế vi; còn cơ huyền bí là điều rất khó, muốn thấu đạt phải lắm công phu và nhiều khổ hạnh, chư hiền khá hiểu. Vậy, Thiên Vương,[4] hiền đệ lãnh nhiệm vụ điển ký để Lão dạy đôi lời gọi là kỷ niệm buổi hôm nay.
“Dear Geoffrey Hodson and Sandra Chase. What accident! What happiness! It isn't this time, but several times I have come to you in some cases in which you should use your intuition to know that.
“Certainly, the connections between you and I, and also between you and Christ are always mixed up in each other. If you know that your duty in this world is to help all creatures with your heart by the way to propagate religious dogmas of God, that is you establish a bridge on which you should come back to God.
“I always live in your heart. Many times, you were astonished to know that. As soon as I come out, you have a good thought to help mankind. There is nothing which could last for ever on the earth, except religious dogmas and love. You help everybody, that is you help yourselves. You love everyone, that is you love yourselves and love God. God loves all and saves all. When mankind love one another, there is no more war and they live a peaceful life.
“The meeting of today is a precious memory and an occasion for you to know some good friends of the same way. That is enough. I hope to meet you next time. Good-bye.”
Bản thánh giáo in ronéo năm xưa chỉ chép phần tiếng Anh, tôi chuyển ngữ như sau:
Geoffrey Hodson và Sandra Chase nhị hiền. Bất ngờ thay! Diễm phúc thay! Đây không phải là lần đầu tiên, mà đã nhiều lần Lão đến với nhị hiền trong vài trường hợp và nhị hiền nên lấy trực giác để biết điều ấy.
Quả thực, những mối liên lạc giữa Lão với nhị hiền, cũng như giữa nhị hiền với Christ luôn luôn hòa quyện lẫn nhau. Nếu nhị hiền biết rằng nhiệm vụ của nhị hiền trên đời này là hết lòng trợ giúp tất cả chúng sanh bằng cách phổ thông phổ truyền lẽ đạo Trời, thì đó là nhị hiền bắc một nhịp cầu đưa nhị hiền trở lại với Thượng Đế.
Lão luôn luôn sống trong tâm nhị hiền. Nhiều phen, nhị hiền đã ngỡ ngàng khi biết ra điều đó. Rồi liền ngay khi Lão xuất ra, nh hiền có đưc mt tư tưởng lành để tr gp loài người. Chẳng có gì trường tồn miên viễn trên đời này, ngoại trừ đạo lý và tình thương. Nhị hiền giúp mọi người, đó là nhị hiền giúp bản thân mình. Nhị hiền yêu mọi người, đó là nhị hiền yêu mình và yêu Thượng Đế. Trời yêu tất cả và cứu độ tất cả. Khi con người thương yêu nhau, chiến tranh không còn nữa và họ sẽ sống thái bình.
Cuộc gặp gỡ hôm nay là một ghi nhớ quý báu và là một cơ hội để nhị hiền biết được một số bạn lành cùng chung đường lối. Thôi đã đủ. Lão mong gặp nhị hiền lần sau. Chào nhị hiền.
*
Trong lịch sử khai đạo Cao Đài, Thầy từng dạy “Cao Đài ứng hóa theo lòng chúng sanh…”. Thực vậy, để cảm hóa những nguyên căn chưa tin cơ bút, lại hay ỷ mình thông Nho thạo Hán, đã lắm lúc Ơn Trên dùng chữ Nho dạy đạo mặc dù đồng tử hoàn toàn không biết chữ Hán. Cũng chẳng hiếm khi (như Thánh Ngôn Hiệp Tuyển còn chép lại) Ơn Trên dạy đạo bằng tiếng Pháp, vì có người Pháp đến thử cơ bút… Trường hợp dạy đạo bằng tiếng Anh như thánh giáo ngày 17-9-1959 trên đây bởi thế cũng là lẽ tự nhiên, tùy duyên hóa độ mà hằng bao thập niên qua, tín đồ Cao Đài đã quá quen thuộc.
Chép lại câu chuyện Geoffrey Hodson hầu đàn tôi không nhằm mục đích hướng đến bất kỳ một tình tiết nào ly kỳ, huyền bí. Chép và dịch lại lời dạy giản dị mà cao siêu của Đức Lý Giáo Tông, thực ra là để chia sẻ một trải nghiệm phổ biến của người đạo Cao Đài.
Do hoàn cảnh lịch sử, trong một thời gian lâu dài đạo Cao Đài không có cơ bút. Nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo vì thế không khỏi thắc mắc, khao khát muốn biết hầu đàn ra sao, cái không khí tâm linh của đàn cơ khi Ơn Trên giáng điển, chuyển cơ ra sao, v.v…
Những khi đàm luận với tôi về đạo Cao Đài, một vài nhà nghiên cứu tôn giáo từng đôi lần nghiêm túc hỏi rằng tôi có nghĩ là Cao Đài sẽ không bao giờ có lại cơ bút như xưa chăng.
Không ngần ngại tôi trả lời ngay: Cao Đài mà không có Hiệp Thiên Đài thì chưa phải là Cao Đài trọn vẹn. Tôi lại dẫn ra hai câu được nghe một vị chức sắc Hội Thánh Tiên Thiên ngâm nga:
Còn trời, còn nước, còn non
Còn sông, còn biển, Thầy còn giáng cơ.
Tôi nói thêm: Những khi lòng con người thuần khiết, chí cả hướng thiện đến mức quên bản ngã của mình, thì bỗng dưng người ấy sẽ có khoảnh khắc xuất thần, một trạng thái “ecstasy”. Chính trong sát na chớp nhoáng nọ, người ấy có thể lóe sáng một ý tưởng giá trị để hướng dẫn họ làm một việc thiện hảo cho đời, một công quả lợi lạc cho đạo…
Tôi hiểu, đó một biểu hiện của cách Ơn Trên “giáng cơ” dẫn dắt con người trên đường hành thiện để lập công bồi đức trong trường tiến hóa tại trần gian. Khi con người thanh tẩy được bản ngã vị kỷ, thực sự là tâm bình hạnh trực, chính con người sẽ là một Hiệp Thiên Đài để tiếp nhận luồng điển lành ấy. Đàn cơ như vậy có khi chính là nội tâm thuần chân vô ngã mà con người xây đắp được bằng tu luyện, trong đó tiên quyết phải có công phu tham thiền tịnh định.
Trao đổi với vài vị nghiên cứu tôn giáo những suy niệm như thế, tôi tin vào trải nghiệm bản thân, cũng như tin vào kinh nghiệm tu học của các đạo hữu khác mà tôi từng được họ chia sẻ. Và hơn thế nữa, tôi còn tin vào lời dạy này:
Đây không phải là lần đầu tiên, mà đã nhiều lần Lão đến với nhị hiền trong vài trường hợp và nhị hiền nên lấy trực giác để biết điều ấy.
Lão luôn luôn sống trong tâm nhị hiền. Nhiều phen, nhị hiền đã ngỡ ngàng khi biết ra điều đó. Rồi liền ngay khi Lão xuất ra, nh hiền có đưc mt tư tưởng lành để tr gp loài người.
Quả thực, chính thánh giáo Đức Lý Giáo Tông dạy bà Sandra Chase và bậc chân tu đạt đạo như ông Geoffrey Hodson cách nay gần nửa thế kỷ đã củng cố cho tôi đức tin ấy, và cũng soi sáng cho tôi hiểu thêm lời Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
“… khi người đã biết chế ngự phàm tâm, nuôi dưỡng Thánh tâm, phát triển Thiên tâm, đó là mối dây hoặc vị trí để điển lành của các Đấng trọn lành nương vào đó để làm những công việc của Phật Tiên Thánh Thần giúp thế độ đời. Đó là hình thức thay hồn đổi xác tạm thời, y cơ tâm [5] của mỗi người hành đo mà ứng mà hin vào ý ng, lời nói đến việc làm.” [6]
Phú Nhuận 17-10-2003 / 07-4-2014
HUỆ KHẢI



[1] Tiền bối Chơn Tâm thế danh Nguyễn Triệu Kha (1908-1995), đắc quả Viên Thông Chơn Tiên.
[2] Pháp đàn (seance protector) giữ nhiệm vụ trấn đàn, họa phù (vẽ bùa) không cho tà quái xâm nhập, v.v… và chịu trách nhiệm chung trong buổi lập đàn. Những người chứng đàn (seance testifiers) có trách nhiệm làm chứng rằng đàn cơ đã lập và thánh giáo đã tiếp nhận được là chân thật, đúng như họ đã chứng kiến. Đồng tử có thể là một người (medium) hay hai người, gọi là song đồng hay đồng tử âm dương (pair of mediums). Đồng tử thủ cơ (cầm cơ), hoạt động như một điện đài (radio transmitter). Nếu là đồng tử viết ra chữ trên mặt bàn (writing medium), thì cần một độc giả (dictator) nhìn vào chữ, xướng lên rõ tiếng cho người khác chép lại. Nếu là đồng tử xuất khẩu (speaking medium), chính miệng đồng tử phát ra tiếng nói, thì không cần độc giả. Một ban điển ký (recording team) có nhiệm vụ chép lại những lời đồng tử xuất khẩu, hoặc độc giả xướng lên. Điển ký (recorders) thường gồm hai tới bốn người, để ngay sau buổi lập đàn, đối chiếu các phần ghi chép mà hiệu chính cho khỏi sai sót. Trong đàn cơ ngày 17-9-1959 nêu trên, khi đồng tử xuất khẩu, chuyển sang nói tiếng Anh thì đương nhiên cần người biết tiếng Anh để ghi chép lại. Do đó ban điển ký lúc đầu chỉ có ba vị, sau được bổ sung thêm vị nữa (Thiên Vương Tinh).
[3] Ông Geoffrey Hodson và bà Sandra Chase.
[4] Thiên Vương Tinh (Đinh Văn Đệ).
[5] Cơ tâm 機心: Lòng toan tính, rắp làm việc gì.
[6] Minh Lý Thánh Hội, ngày 10-3-1973.