Thứ Tư, 13 tháng 12, 2023

DỊCH NGHĨA "TU CHƠN THIỆP QUYẾT"

 


DỊCH NGHĨA TU CHƠN THIỆP QUYẾT

[Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế (Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát) giáng cơ dạy như sau:]

Thầy ban lịnh mở cửa chín cung trời, và thong thả ngắm xem cảnh xuân ngoài cửa trời.([1]) Nếu các con là bề trên làm gương cho kẻ dưới làm theo thì tất cả các con (bề trên và kẻ dưới) đều có công quả. Đạo Trời mở rộng thì thuận lợi (cho chúng sanh).([2])

1.

Thầy đến ngự trên ngai báu ở Cung Bạch Ngọc. Sau khi xong buổi triều kiến và chúc tụng của các đấng Thần Thánh Tiên Phật, chính Thầy đến nước Việt Nam. Trước tiên Thầy muốn xem cách thờ phượng Tam Giáo của con Rồng cháu Tiên (dân tộc Việt Nam).

2.

Đã nhiều kiếp Thầy dày công nhọc sức dạy chúng sanh hãy biết thờ Trời kỉnh Phật. Nhưng thương thay, cũng bởi cộng nghiệp nên chúng sanh coi thường lời Thầy khuyên dạy mà lại kính trọng lời chúa quỷ dụ dỗ.

3.

Lòng người chẳng coi cang thường là đạo lý phải noi theo. Lòng người luôn nghĩ tới thói hung bạo trước tiên. Chứng kiến loài người suy bại, Thầy nghĩ kỹ về kế hoạch Tam Kỳ Phổ Độ để cứu độ toàn thế giới lần thứ ba.

4.

Lời Thầy dạy nhằm vẹt khoát bức màn vô minh dày đặc (để chúng sanh giác ngộ). Kinh Thầy ban chạm ngọc khảm vàng.([3]) Thầy ban kinh này chẳng khác nào cầm đuốc soi đường cho chúng sanh thoát ra khỏi tăm tối vô minh. Thầy khuyên các con hãy ghi lòng tạc dạ, chớ bao giờ quên lời Thầy dạy.

5.

Sách chép rằng lưới Trời lồng lộng. Người đời ghi chép rằng lưới Trời bủa giăng rộng khắp mọi nơi. Nhân quả báo ứng dù nặng hay nhẹ, dù nhanh hay chậm, thì đều công bằng. Chớ nói rằng sự báo ứng có sai sót vì lẽ Thiên Nhãn nhìn chẳng hề sai.

6.

Thầy đã dạy nhiều bài giáo lý có giá trị chân lý vĩnh hằng, bất biến. Con nỡ đành vô cảm, cứng lòng với Thầy. Con hư hỏng thì Thầy chẳng nỡ từ bỏ. Con nên người thì Thầy toại ý đẹp lòng.

7.

Người đời luôn nói rằng Trời cao có mắt. Sách thường viết rằng Trời không có hình tướng. Tuy ngự trên cõi hư không mênh mông, rộng lớn thênh thang nhưng Trời luôn xem xét tỉ mỉ, kỹ càng mọi hoàn cảnh dưới trần gian.

8.

Thầy giáng bút dạy mấy dòng ngắn gọn ([4]) để trao gởi các con lời nói nhiệm mầu từ tấm lòng Thầy. Đừng cho rằng lời Thầy không có gì cao xa hay sâu sắc. Thầy khuyên các con gìn lòng giữ dạ và chớ bao giờ sai lầm.

9.

Cha mẹ có ơn đức nuôi dưỡng con cái cho nên người. Tục ngữ nói rằng cây có cội, nước có nguồn. Cây cối xanh tốt nhờ quanh năm có đầy đủ nước; tức là con cái nên người tốt đẹp và hữu dụng nhờ được cha mẹ dưỡng nuôi, chăm sóc.

10.

Với bạn bè thì không xu nịnh. Với anh em thì chẳng phỉnh lừa. Thấy người quyền quý đừng mơ tưởng cuộc sống của họ. Gặp người hoạn nạn thì chớ làm ngơ.

11.

Đạo người quân tử, tức đạo làm người, khởi đầu ở tình nghĩa vợ chồng. Dòng dõi, giống dòng phát khởi từ mối quan hệ chồng vợ (phu phụ cang). Vợ chồng phải chung thủy, không đổi dạ thay lòng. Là chồng là vợ, các con phải luôn luôn ngọt ngào dạy bảo, khuyên nhủ lẫn nhau.

12.

Anh chị em cùng một bụng mẹ mà ra thì nên có tình cốt nhục, biết thương yêu nhau. Anh chị em chia sẻ cùng dòng máu, cùng chung bụng mẹ. Đừng toan tính kế quỷ mưu tà chia lìa anh chị em ruột thịt. Là anh chị em ruột thịt, các con sống hòa nhã với nhau thì được người đời khen ngợi.

13.

Là bề tôi của vua [tức là công chức ngày nay], các con phải làm tròn phận sự, tức là nhiệm vụ được giao phó. Về đức công chính của người làm quan [tức công chức ngày nay], các con phải giữ gìn thân phận và tên tuổi của mình [tức là đừng làm những việc ngoài cương vị của mình kẻo tổn hại thanh danh]. Các con hãy cố gắng để đạt được thành công và danh tiếng. Các con hãy cố gắng để tên tuổi muôn thuở được ghi vào sử sách.([5])

14.

Cái cân Tạo Hóa [hay cách Thượng Đế duy trì trật tự và công bằng trên thế gian] có nhiều khía cạnh khó hiểu.([6]) Sự vận hành của vũ trụ càn khôn có nhiều khó khăn để thử thách con người. Khi dùng thủy lộ, có thể lấy sào dài thăm dò mực nước nông sâu [cũng như thế, các con hãy đánh giá tình hình để tránh rủi ro]. Đừng chơi biển thẳm, chớ mò lạch khơi [tương tự, các con đừng đưa mình vào hoàn cảnh nguy hiểm].

15.

Thần Tiên đã dạy các con sống trung chánh. Thánh Hiền còn dạy thêm cho các con bổn phận gánh vác nghĩa nhơn. Thương thay! Người đời chẳng biết công ơn giáo hóa của các Đấng, đã chê bai thánh giáo và có thái độ khinh mạn.

16.

Muốn có ngọc, phải vào núi sâu, heo hút. Muốn tìm vàng, phải lặn xuống biển sâu.([7]) Muốn sang giàu và địa vị cao trọng trong đời, thì phải lập chí, vui lòng chịu đựng gian khổ, thử thách.

17.

Ai cũng muốn đến Tây phương lạy Phật; sao không lo vào thánh thất chầu Thầy? Vì các con Thầy mới đến đây, cạn phân lợi hại, tỏ bày thiệt hơn.

18.

Các con trước tiên phải tu nhơn tích đức. Các con phải lo tu thân và làm phước cho siêng chăm và thường xuyên. Thần Thánh, Trời Phật trên đầu các con cầm cân thưởng phạt không hề nhầm lẫn.([8])

19.

Đừng tưởng chỗ tối tăm có thể che giấu mọi thứ. Chớ nghĩ rằng điều phải điều quấy không có Trời soi xét. Sách Trung Dung có câu: Trời sinh ra vật, ắt tùy theo tính chất của vật mà đối đãi. Cây tươi tốt thì vun bón thêm; cây ngả nghiêng thì lật đổ.([9]) Giống như con nước lúc lớn lúc ròng, những thăng trầm trong cuộc sống, những sự kiện tích cực và những biến cố tiêu cực trên đời đều tuân theo sự vần xoay của Tạo Hóa.

20.

Giống như trần gian có mặt trời và mặt trăng soi chiếu ngày và đêm, mọi ý nghĩ và hành vi của con người luôn luôn có Trời soi xét. Âm dương (tức là Đạo) vận hành thông suốt, không hề bị ngăn trở. Trời đất vô cùng công bình; việc ác dù rất nhỏ vẫn không thoát khỏi trừng phạt; việc lành tuy rất nhỏ cũng cứ được ban thưởng.

21.

Đừng tưởng rằng có thể lấy mảnh vải thưa che được mắt Thánh. Chớ tưởng rằng sức con người có thể mạnh mẽ hơn Trời. Đáng thương mà cũng đáng cười thay! Vì lòng kiêu ngạo mà con người khinh thường Trời.

22.

Vì lòng bất nhẫn, Thầy viết thêm vài đoạn. Bởi dạ từ bi, Thầy giảng thêm vài bài nữa. Khuyên con hãy khắc ghi lời Thầy vào lòng, và chớ sai lầm. Các con không nên bỏ qua lời Thầy dạy dù thấy dài dòng.

23.

Các con nên lánh xa tà dâm, sắc dục, để khỏi hủy hoại sức khỏe, sự nghiệp, tiếng tăm, và danh dự tổ tiên. Hại nầy thiệt tai hại vô cùng và Phật Trời chẳng chút dung thứ tội nầy.

24.

Nếu kiếp trước âm chất ([10]) có dẫy đầy chăng nữa mà kiếp này các con lại say dâm đắm dục thì phước đức ấy bị tiêu mòn. Các con chẳng những làm hại chính mình, vợ con mình mà còn làm hại sự nghiệp bản thân, hại qua tới cả kiếp sau.

25.

Lòng dạ sâu độc, chúng lập mưu ma kế quỷ để thừa cơ đục nước béo cò, trục lợi cho bản thân trong hoàn cảnh kẻ khác gặp tai ương, hoạn nạn. Để bản thân no ấm, chúng lập mưu hại người lương thiện khiến cho nạn nhân dù có thể lặn sâu như cá hay bay cao vút như chim cũng khó thoát khỏi.

26.

Đối với những người cậy thế ỷ quyền hoặc khôn lanh xảo trá, Trời dành sẵn cho họ một con đường để trả nợ oan nghiệp mượn vay theo luật nhơn quả. Dù cho đã phủi bỏ trách nhiệm,([11]) chẳng sớm thì muộn quả báo sẽ tới; [chẳng hạn,] khi họ chưa dứt reo cười, thì lại phải ăn xin, ăn mày mà chẳng ai giúp.

27.

Có những kẻ bội bạc, bỏ bê ngày giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, mà đấy vốn là nguồn cội sinh thành của họ. Ỷ rằng đã đủ lông đủ cánh, họ quên công ơn ông bà, cha mẹ.

28.

Những kẻ bất hiếu, lợt lạt lòng yêu thương cha mẹ ắt không thoát khỏi sự trừng phạt. Chẳng phải rõ ràng là luật Trời chí công, vô tư đó sao? Kẻ bất hiếu bị đem vào giữa hai hàng gươm đao bày song song nơi địa ngục và bị mổ bụng phanh gan trước tiên.

29.

Có những người chủ buôn gian bán lận để lường gạt khách hàng. Có những người làm công gian dối tham lam, ăn chận tiền lời và tăng thêm tiền lỗ cho chủ. Có những kẻ nói ngon nói ngọt để lừa phỉnh người khác, và lường công tiếc việc đối với người làm thuê. [Khi xuống địa ngục,] những hạng người này sẽ bị dao găm đầy khắp bụng theo luật nhân quả [bởi vì họ giống như những kẻ lúc nào cũng Nam mô một bồ dao găm”].

30.

Có những phường sâu độc, chuẩn bị sẵn miếng mồi ngon ngọt, toan tính đem câu nhử nạn nhân. Khốn thay cho những kẻ ấp ủ mưu sâu kế độc! Họ sẽ bị báo ứng sớm hay muộn; bấy giờ có kêu Trời cầu cứu thì quá trễ rồi.

31.

Có những kẻ suốt ngày tỏ vẻ hung hăng để dọa nạt người khác. Có những kẻ luôn luôn xúi giục người ta kiện cáo. Kể làm sao xiết những mưu gian kế tà của họ. Họ chủ ý thao túng cả hai phía đang đối nghịch nhau để thủ lợi cho chính họ.

32.

Bọn tham quan ô lại, cậy quyền cậy thế, mạo xưng là dòng dõi quý phái danh giá. Chúng khéo uốn ba tấc lưỡi để thâu tóm vật báu, bòn mót dân đen từng món đồ xưa.

33.

Nước mắt oán than của nạn nhân nhiều như mưa, và giọng bi ai của họ vang rền như tiếng sấm. Những ai khi sống gây ra vô vàn tai ách cho người khác, thì sau khi chết sẽ chịu luân hồi hết kiếp này sang kiếp khác để trả nợ oan khiên.

34.

Lừa Thần dối Phật, các thầy tu giả hiệu làm láo việc cứu độ chúng sanh. Phỉnh phờ tín đồ, họ tham ô tiền công quả sửa chữa chùa chiền. Với lòng thành kỉnh Phật trọng tăng, các thí chủ hào phóng công quả, chẳng nề hà hao tiền tốn của.

35.

Hành nghề đồng cốt, bóng chàng là khinh khi, xúc phạm Phật Tiên Thánh Thần. Đốt các bộ đồ thế, làm lễ vớt vong đều là mê tín.([12])

36.

Những kẻ sai trái như nói trên chẳng hiểu rõ câu: “Sắc tức thị không; không tức thị sắc.” Họ sẽ bị giam giữ trong địa ngục không đáy, chờ tới ngày cả thế gian phải chịu Thượng Đế xét xử.([13])

37.

Những kẻ bợ đỡ, a dua, mua quan bán tước, bán bạn cầu vinh, kết thân thủ lợi, hại dân hại nước, thì đều bị giao cho địa ngục giam cầm để chúng phải chìm đắm trong đau khổ.

38.

Đầy những kẻ lòng nuôi ích kỷ; rặt các phường toan tính kế độc mưu sâu. Chúng hả hê vì hại được người, nào dè địa ngục lửa hồng đang sẵn chờ thiêu đốt chúng không thương xót.

39.

Thầy khuyên răn các con đừng nhậu nhẹt, rán bớt ăn chơi phóng túng, bởi vì sắc dục, cờ bạc, rượu thịt, ma túy làm tổn hại sức khỏe và hư mất thân danh các con. Hãy cố gắng tu hành, tụng kinh và thờ Trời kỉnh Phật.

40.

Thầy dạy bảo thì các con phải tin tưởng. Thầy khuyên răn thì các con chớ cãi lại. Hãy tu sao cho mọi gia đình tín đồ Cao Đài đều có cha mẹ hiền lành, con cái hiếu thảo, con trai và con gái ngay thẳng, đàng hoàng. Đó là các con làm rạng rỡ danh tiếng đạo Cao Đài.

41.

Hãy mặc kệ những kẻ khinh danh Đại Đạo. Hãy trối thây bè lũ thóa mạ, khi dể Thầy. Cứ để chúng khoe khoang, kiêu ngạo, đặt điều giả dối. Sau khi đền xong tội lỗi trên thế gian, đến ngày phán xét chúng sẽ gặp Thượng Đế.

42.

Bởi quá nhiều nghiệp chướng mà các con khó tinh tấn. Bởi hay do dự và trì hoãn khiến các con khó hưởng thanh nhàn ở thượng giới. Thầy khuyên các con luôn luôn bền tâm vững chí, và một lòng một dạ lo tu niệm để có thể mau chóng bước lên cõi Thiên Đàng.

43.

Các con mải mộng tưởng thành Tiên thành Thánh mà quên rằng phải lo sửa đổi tánh tình và trau dồi tâm hạnh. Tu hành là vun bồi gốc rễ tốt lành sẵn có nơi các con, và sống một đời trọn vẹn trung hiếu, nghĩa nhơn.

44.

Tu là để cứu bản thân và cửu huyền thất tổ. Tu thì lo phổ độ chúng sanh. Tu là nguyện cầu cho mọi người bỏ dữ theo lành, và đất nước mãi mãi thái bình.

45.

Các con tu hành sao cho có được sự khâm phục, lòng kính nể của các vị trong cõi vô hình, sao cho các con vượt thoát lên trên mọi thấp thỏi thường tình của cõi phàm tục. Công danh, quyền quý, tước hàm đều chẳng vững bền, nay còn mai mất giống như nước chảy mây tan, thì chúng nào có đáng chi mà các con những ham những muốn.

46.

Đời thường nói rằng tu hành làm chi cho nhọc nhằn thân xác; có gì bằng lo kiếm lấy chức tước và bổng lộc, của cải. Sao họ không suy nghiệm cho thấu suốt rằng kết quả thuận lợi ngày nay có được là nhờ nguyên nhân tốt lành từ tiền kiếp?

47.

Có thường xuyên bón phân thì cây trồng mới mọc lên tốt. Rễ cây có tươi có khỏe thì đọt cây mới xanh tươi mơn mởn. Muốn cho cành lá sum suê thì gốc phải to khỏe. Cũng vậy, muốn sau này được thảnh thơi nơi cõi trời thì trước hết hãy to tu hành.

48.

Thầy buồn và thương xót những kẻ dại khờ, muốn tu cho thành mà lại phí thời gian rong chơi. Phật mang tám nạn([14]) cũng tu; Thầy còn muôn kiếp công phu dãi dầu.

49.

Những ai đang hưởng quyền cao chức trọng mà sống tổn đức, thay vì chăm lo vun bồi âm chất, thì họ sẽ lụi tàn, chẳng khác gốc cây đã bị con sùng đục khoét, làm sao có thể đâm chồi, đơm bông.

50.

Tu thân bồi đức thì phải rất bền chí vì quỷ vương hay tấn công người tu bằng những mũi tên độc, bắn đi rất nhanh. Bị trúng tên của quỷ vương rồi thì khó mà nhổ ra.

51.

Thuốc độc dùng để tẩm vào muôn ngàn mũi tên của quỷ vương là rượu bọt, gái xinh, và vàng ròng. Chỉ cần dính một mũi tên như thế thì linh hồn không còn nữa.

52.

Tu hành thì chớ bôn chôn, nóng vội; hãy phân biện cho rõ ràng giữa phải và quấy, chánh và tà, chơn và ngụy. Có được như vậy thì Trời Phật mới chứng thực rằng mình quả thật là người tu.

53.

Các con tu hành thì trong nhà phải được cha mẹ hiền lành và con cái hiếu thảo; anh chị thương yêu em và em kính yêu anh chị. Nữ thì giữ tứ đức và tam tùng.([15]) Nam thì sống nhơn nghĩa và trung hiếu.

54.

Người đời tưởng lầm Thầy dạy như trên là chỉ đường dẫn nẻo tu theo Nhơn Đạo, chớ họ nào biết rằng đấy chính là nền tảng để bước lên Thiên Đạo. Chẳng lo củng cố nền tảng Nhơn Đạo mà mong thành công trên đường Thiên Đạo thì là ảo tưởng.

55.

Phật đã dạy người đời thực hành Tam Quy và Ngũ Giới Cấm; tuy nhiên họ không tuân theo, khiến cho Nguơn Thần bị tổn hại. Bởi thương các con nên Thầy giảng giải cặn kẽ và ân cần khuyên nhủ mọi điều.

56.

Cái Đạo các con theo thì cực kỳ chơn chánh; bởi thế, các con hãy luôn luôn ghi lòng tạc dạ những lời thánh huấn, chớ bao giờ quên. MỘT là các con phải kính thành mộ đạo. HAI là các con phải vâng theo lời dạy của Tam Giáo Đạo Tổ (Khổng Tử, Lão Tử, và Phật Thích Ca).

57.

BA là phải nhớ công nghiệp và đức độ của tổ tiên. BỐN là phải cư xử cho đúng với tam cang và ngũ thường. Phải giữ gìn kỷ cương trong các mối quan hệ giữa cha con, thầy trò, bè bạn, và vợ chồng.

58.

NĂM là hãy nhớ ơn nhà nông phải chịu biết bao khó nhọc cày sâu, cấy cạn, bón phân mới làm ra hột gạo. SÁU là hãy thương xót những phụ nữ nuôi tằm phải chịu trăm phần lao đao, nhọc nhằn mới kéo thành sợi tơ cho đời có được lụa là.

59.

BẢY là anh chị em ruột thịt cần giữ liên lạc thường xuyên [để khỏi xa mặt cách lòng]. TÁM là đừng nịnh nọt gia đình quyền thế. Phải sống sao cho được ngợi khen và danh thơm được lan truyền rằng các con là những bậc đạo đức đáng cho đời tôn kính và nể trọng.

60.

CHÍN là chớ khinh khi cô nhi, quả phụ. MƯỜI là các con nên vui vẻ tha thứ lỗi lầm của người khác. Khuyên các con chớ hờn giận ai cả. Hãy thương xót người hoạn nạn và cứu kẻ đói lạnh.

61.

Khi làm được mười điều khuyên nhủ nói trên thì các con mới đáng gọi là những bậc tu dưỡng tánh tình. Tu tánh xong rồi thì mới quyết định tu tâm. Càng tu các con càng thấy đạo pháp cao sâu, và càng thấy rõ ngày trước bản thân các con có nhiều lầm lỗi.

62.

Biết lỗi rồi thì các con hãy sửa lỗi càng sớm càng tốt ([16]) để mau chóng bồi đắp căn lành sẵn có. Làm được như vậy các con mới đáng gọi là người tu hành, và chứng tỏ các con giác ngộ.

63.

Các con hãy hết sức dè dặt, rất mực thận trọng. Mười lời Thầy khuyên nhủ các con ngọt ngào như được tẩm ướp cam lồ. Cho dù đêm ngày các con tụng niệm nam mô nhưng lại không làm đúng theo lời Thầy khuyên nhủ, thì căn lành rễ thiện của các con sẽ héo khô mà chết mất.

64.

Thầy sẽ mừng khi nào thấy các con có dấu hiệu tu hành tiến bộ. Khi ấy, Thầy sẽ rưới cho các con nước thánh mát mẻ, thơm tho. [Nhờ vậy,] sự tu hành của các con sẽ thành tựu mỹ mãn, như hoa thơm trái ngọt dồi dào, phong phú quanh năm.

Kệ viết

I.

Thầy giáng cơ giảng dạy rõ ràng về bộ máy vũ trụ càn khôn và các con ghi chép vài trang thánh ngôn của Thầy.

Cang thường là luân lý tạo thành nền móng vững chắc của mọi xã hội. Nhơn nghĩa và trung hiếu vốn là đầu mối sâu xa làm nên tất cả Hiền Thánh.([17])

Tu thành Tiên nhờ bởi gây tạo vô lượng phước lành và công đức. Ngoài ra, sự đắc đạo còn nhờ ơn đại xá của Đức Chí Tôn.

Thầy khuyên các con hãy nên gắng chí làm bậc chơn tu để lưu danh muôn thuở trong Kỳ Ba này.

II.

Khuyên đời đừng mang danh tu hành mà lòng dạ hiểm độc, để rồi mãi mãi phải chịu tiếng xấu chê bai.

Có những kẻ lén lút gài chông nhọn lểu để âm mưu hại chết người. Chúng đâu ngờ lưới Trời báo ứng bủa giăng kín kẽ, mặc dù mắt phàm chẳng nhìn thấy chút tăm dạng nào.

Thần chết chẳng bao giờ e sợ một ai. Anh hùng hay quan chức đều phải chết.

Mọi việc thiện ác rốt cuộc đều có báo ứng. Có vay thì có trả. Chắc chắn không hề lầm lẫn khi xác quyết rằng ông Trời có mắt.

III.

Chắc chắn rằng các con làm đúng theo mười lời khuyên của Thầy thì tên các con được ghi vào danh sách các bậc Địa Tiên.([18])

Muốn sau này hưởng được lâu dài kết quả tốt đẹp thì phải bồi đắp những duyên lành (điều kiện tốt đẹp) có được từ kiếp trước.

Thành ngữ có câu khuyên làm lành lánh dữ. Lẽ tự nhiên là đất tốt, màu mỡ thì cành lá sum suê, tươi tốt.

Các con dốc chí muốn siêu thoát khỏi cõi phàm để vượt lên mà nhập vào cõi Thánh thì phải chăm lo vun tưới mảnh ruộng nơi lòng các con.

[TẢN VĂN I] ([19])

Các con, Thầy dạy bài Tu Chơn Thiệp Quyết nầy là chỉ đường ngay lẽ chánh cho các con đi, nẻo vạy thói tà cho các con sửa.

Trong lúc Thầy truyền đạo đây thì chư Thần Tiên ủng hộ theo Thầy, tường vân ([20]) che phủ, thoại khí ([21]) bao quanh; lại có Văn Xương Đế Quân ([22]) ghi chép vào kim thơ ngọc sách, hầu để vào Tàng Kinh Bửu Viện.([23])

Ba bài kệ các con phải giữ dạ nằm lòng, ngày đêm tụng niệm chớ khá bỏ qua, vì tụng kinh nầy đây thì Tứ Trị Công Tào ([24]) sứ giả ([25]) thảy hằng nghe mà biên chép công quả.

Thầy dạy bổn mạng Nguơn Thần của mỗi con xét coi trong lúc rảnh rang có trau giồi đạo đức như lời Thầy phán chăng. Các con hãy nghe, chớ rằng Thầy không nói trước.

[Kệ IV] ([26])

Bất kỳ lời nào Thầy đã dạy bảo thì các con hãy trân quý giữ gìn, xem như vàng ngọc để trau dồi hạnh đức các con, và chớ bỏ qua.

Cung kính là nền tảng đạo đức con người. Kiêu căng thực chất là gốc rễ của yêu tà.

Nguơn Thần chiếu mạng người trung chánh. Nghiệp chướng trì chơn đứa xảo ngoa.

Đừng tưởng lầm rằng Trời ở quá cao quá xa mà hòng giả dối gạt lừa. Mắt Trời sáng như tia chớp, không bỏ sót bất kỳ sự giấu giếm nào.

[TẢN VĂN II] ([27])

Các con, như có người nào ở ngoài vòng cửa mà muốn cho rõ mùi đạo lý của Thầy, thì các con cũng nên xét và dạy chúng nó bài “Thiệp Quyết” nầy.

[KỆ V] (28)

Khuyên nhủ người đời biết bỏ dữ mà theo lành cũng là cách người tu hành giúp ích chúng sanh.

Hãy đem lời Tiên tiếng Phật giảng giải nghĩa gần lẫn nghĩa xa, nghĩa đen cùng nghĩa bóng, để người đời hiểu rõ ràng điều nên lẽ hư.

Vì ít duyên lành nên chúng sanh thờ ơ với đạo. Bởi nặng nghiệp chướng chúng sanh khó toan tính tu hành.

[Là người tu đại thừa] cùng nhau chèo thuyền tế độ thì các con hãy đồng lòng giữ tay lái vững vàng cho thuyền đi êm xuôi, chớ có so đo, tị nạnh lẫn nhau.

 



([1]) Thầy ban kinh Tu Chơn Thiệp Quyết vào đêm 24 tháng 3 năm Canh Ngọ (Chủ Nhật 22-4-1930), tức là vẫn còn mùa xuân.

([2]) Thầy dạy: “Ðạo phát trễ một ngày là một ngày hại nhơn sanh.” Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Quyển I. Đàn đêm 22 rạng 23-4-1926.

([3]) Trước khi kết thúc Tu Chơn Thiệp Quyết, Đức Chí Tôn dạy: “Trong lúc Thầy truyền đạo đây thì chư Thần Tiên ủng hộ theo Thầy, tường vân che phủ, thoại khí bao quanh, lại có Văn Xương Đế Quân ghi chép vào kim thơ ngọc sách, hầu để vào Tàng Kinh Bửu Viện.

([4]) Thầy nói giảm (euphemistically) cho văn vẻ; thật ra, Thầy dạy rất nhiều.

([5]) Đây là lý tưởng của nhà Nho để tròn đạo hiếu đối với cha mẹ. Hiếu Kinh 孝經 nói: “Lập thân hành đạo, lưu danh đời sau, làm rạng rỡ cha mẹ, đó là sau cùng của đạo hiếu.” (Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế dĩ hiển phụ mẫu, hiếu chi chung dã.) 立身 行道, 揚名於後世以顯父母, 孝之終也.

([6]) Chẳng hạn, tại sao người hiền hay mắc nạn mà kẻ ác sống lâu?

([7]) Tức là muốn có được những thứ rất giá trị, con người phải vui lòng làm việc rất gian khổ.

([8]) Kinh Koran (6:160) chép: Ai đến (trước mặt Allah) với một việc lành sẽ được thưởng gấp mười lần; ngược lại, ai đến (trước mặt Allah) với một điều dữ sẽ bị phạt bằng một điều dữ. Không một ai bị (Allah) xử bất công.

([9]) Như thế, ai biết tu dưỡng thì Trời nâng đỡ; ai sống gian tà thì Trời bỏ đi. Đây chính là luật nhân quả.

([10]) Chúa Giê-su dạy làm âm chất như sau: 1/ “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, ban thưởng. (Mát-thêu 6:1) 2/ “Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. (Mát-thêu 6:3-4)

([11]) Tổng Trấn La Mã là Pontius Pilate sai mang thau nước tới cho ông rửa tay trước sự chứng kiến của đám đông để rũ bỏ trách nhiệm đã giao Chúa Giê-su cho quân dữ đóng đinh. (Mát-thêu 27:24)

([12]) Xem minh họa (tr. 83-84).

([13]) Phúc Âm nói tới ngày phán đoán này tại Mát-thêu 25:31-36; Khải Huyền 20:11-15; Híp-ri 9:27; Công Vụ Tông Đồ 17:31.

([14]) Tương truyền Đức Phật đã gặp tám nạn là: 1/ Bị một người Bà La Môn nhục mạ, Đức Phật bảo Ngài không nhận những lời ông ấy “tặng” Ngài; vậy, hãy mang “món quà” về. 2/ Bị một người Bà La Môn khác vừa lẽo đẽo sau lưng vừa nặng lời nhục mạ, Đức Phật thản nhiên bỏ ngoài tai. 3/ Một người Bà La Môn giàu có muốn gả con gái cho Đức Phật. Ngài bảo dù cô ấy đẹp thế nào chăng nữa cũng chỉ là túi da thúi (xú bì nang). Cô gái quá tức giận, thề sẽ trả thù. Sau khi cô được tuyển làm phi của một ông vua thì một hôm Đức Phật lại đến vương quốc của chồng cô. Cô bèn sai quân binh xua đuổi Đức Phật, nhưng Ngài đã cảm hóa họ. 4/ Một cô gái buôn hương bán phấn được thuê giả làm bà bầu để vu khống Đức Phật. Cô thất bại và được Ngài tha thứ, cảm hóa. 5/ Một người Bà La Môn ngụy tạo chứng cứ để vu cho Đức Phật tội giết con gái ông ta. Triều đình điều tra và minh oan cho Ngài. 6 / Bị em họ là Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) thả voi dữ tấn công, nhưng Đức Phật dễ dàng thu phục thú dữ. 7 / Đức Phật bị dập một ngón chân vì Devadatta lăn đá trên núi xuống. 8 / Trong bữa ăn cuối cùng của Đức Phật, một người thợ rèn vô tình cúng dường món ăn có nấm độc.

([15]) tứ đức: Bốn đức của phụ nữ là “công, dung, ngôn, hạnh”. tam tùng: Vị giá tùng phụ; xuất giá tùng phu; phu tử tùng tử. 未嫁從 ; 出嫁從夫; 夫死從子. (Chưa lấy chồng thì theo cha; lấy chồng thì theo chồng; chồng chết thì theo con trai.)

([16]) Luận Ngữ (6:3) chép lời Đức Khổng Tử khen học trò là thầy Nhan Hồi không có lỗi lần thứ hai, tức là không tái phạm lỗi ấy (bất nhị quá 不貳過).

([17]) Tức là muốn thành Hiền Thánh thì trước tiên phải là con người có đủ nhơn nghĩa và trung hiếu. Nói cách khác, không có vị Hiền bậc Thánh nào lại là kẻ bất nhơn bất nghĩa, bất trung bất hiếu khi sống ở thế gian.

([18]) Địa Tiên: Tiên còn sống trong cõi tục.

([19]) Trong bản kinh xưa không có tiêu đề này.

([20]) tường vân: Mây lành.

([21]) thoại khí (thụy khí): Khí tốt lành.

([22]) Văn Xương Đế Quân: Ngài coi sóc về văn học.

([23]) Tàng Kinh Bửu Viện: Viện quý chứa kinh.

([24]) Tứ Trị Công Tào: Bốn vị thừa hành lệnh Trời để coi sóc về năm (trị niên), tháng (trị nguyệt), ngày (trị nhựt), giờ (trị thời).

([25]) sứ giả: Người đại diện.

([26]) Trong bản kinh xưa không có tiêu đề này.

([27])(28) Trong bản kinh xưa không có tiêu đề này.