Thứ Ba, 12 tháng 12, 2023

TỪ VIỆT CỔ TRONG "TU CHƠN THIỆP QUYẾT"

 


TỪ VIỆT CỔ TRONG

TU CHƠN THIỆP QUYẾT

Kinh kệ, thánh giáo của Minh Lý Đạo và Cao Đài Giáo cũng như sấm giảng của Phật Giáo Hòa Hảo có điểm chung đáng chú ý là đều dùng khá nhiều từ Việt cổ (archaic), tức là những từ ngữ không còn thông dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày,([1]) và không còn được ghi nhận trong phần lớn các bộ từ điển hay tự điển tiếng Việt xuất bản từ nửa sau thế kỷ Hai Mươi trở đi, ngoại trừ bộ Tự Điển Việt Nam, quyển Thượng và Hạ, do Lê Văn Đức cùng một nhóm văn hữu biên soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, nhà sách Khai Trí xuất bản tại Sài Gòn năm 1970. Bộ này ghi nhận khá nhiều mục từ thuộc loại từ cổ, nhưng không ghi chú bên cạnh rằng đó là từ cổ.

Bằng cách sử dụng từ Việt cổ trong kinh kệ, thánh ngôn, và sấm giảng, phải chăng ba nền tôn giáo bản địa phát sinh ở Nam Kỳ đã và đang duy trì một số lời ăn tiếng nói lâu đời của dân tộc, không để cho mai một? Tuy nhiên, tín đồ thường không hiểu nghĩa từ Việt cổ, mà kinh sách trong đạo nếu thiếu sót phần giảng giải thì dễ nảy sinh việc hiểu sai, rồi có người tự ý sửa chữa làm sái lạc nghĩa lý câu kinh.([2])

Sáu từ Việt cổ trong Tu Chơn Thiệp Quyết

Ý nghĩa sáu từ Việt cổ sau đây chủ yếu căn cứ theo bộ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của (Sài Gòn: Imprimerie Rey, Curiol & Cie; Tome 1, 1895; Tome II, 1896).

1. đòi (đa : many): Nhiều; đồng nghĩa với ghe. Thí dụ: Đòi phen (ghe phen) là nhiều lần (many times); phen này là lần này (this time). đòi kiếp (đa kiếp 多劫: many kalpas): Nhiều kiếp.

* Đã đòi kiếp dày công nhọc sức. (02:1)([3])

2. hiếm (đa : many): Nhiều.([4])

* Máy kiền khôn hiếm chỗ cam go. (14:2)

3. mặc may (depending on chance): Cầu may; hú họa; tùy theo may rủi, hên xui.

* Mong thành Thiên Đạo mặc may làm gì? (54:2)

4. mựa (mạc : Don’t do it.): Đừng; chớ. Từ dùng để ngăn cấm (prohibition).

* Mựa rằng sơ sót, mắt Thần không sai. (05:4)

* Khuyên thường giữ dạ, mựa hầu sai ngoa. (08:4)

* Đưa người đến bến mựa cành nanh. (Kệ V: 8)

5. trối (bất tại hồ 不在乎: irrespective of; regardless of): Trối thây; trối kệ; thây kệ; mặc kệ; không thèm quan tâm.

* Trối những kẻ khinh danh Đạo Cả. (41:1)

6. tua (tu : should): Nên, hãy nên.

* Thì tua gắng chí dãi dầu tuyết sương. (16:4)

* Mười, khuyên tua hỷ xả lỗi người. (60:2)



([1]) Khái niệm cổ ở đây rất tương đối, và tôi muốn nhấn mạnh tới tính chất không còn thông dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Theo giới sưu tập đồ cổ, một đồ vật có khoảng năm mươi năm tuổi trở lên thì gọi là đồ xưa; khoảng một trăm tuổi trở lên thì gọi là đồ cổ. Nhưng với ngôn ngữ một dân tộc thì không thể nào ấn định một mức thời gian cụ thể như thế.

([2]) Huệ Khải, Một Số Từ Việt Cổ Trong Kinh Minh Lý Đạo Và Phật Giáo Hòa Hảo. Hà Nội: Nxb Hồng Đức 2018, tr. 9-10.

([3]) (02:1) tức là vé thánh thi số 2, câu 1.

([4]) Chữ hiếm này có dùng trong Kinh Sám Hối (câu 159). Ngày 24-6-1925 (04 rạng 05-5 Ất Sửu), Ðức Quan Âm Bồ Tát dạy: “Trong đời rất hiếm võ phu”. Võ phu 珷玞 là một loại đá giống như ngọc nhưng không phải là ngọc; do đó, “võ phu” ám chỉ người giả dối.

HUỆ KHẢI