THIỆN DUYÊN YẾU MỐI NÊN THƯA THỚT
HUỆ KHẢI
Cuối năm 2023, cùng với bào đệ Lê
Anh Minh, Huệ Khải (HK) biên soạn “Tìm Hiểu Tu Chơn Thiệp Quyết
/ Exploring a Shortcut to True Self-Cultivation”.([1]) Cuối bản kinh “Tu Chơn Thiệp Quyết” do Đức Chí
Tôn ban trao tại thánh thất Rạch Giá (Kiên Giang) đêm 24-3 Canh Ngọ (Thứ Ba 22-4-1930) có bài kệ chót, thơ thất ngôn bát cú, mà
câu thứ năm là: “Thiện duyên yếu mối nên
thưa thớt.”
Khi dịch câu thánh thi nói trên ra
tiếng Anh, HK đành chịu chết, không làm sao diễn tả cho trót lọt chỗ chơi chữ ý
nhị của Thầy, mặc dù cảm nhận rất rõ cách Thầy chơi chữ.
Bởi vậy, câu tiếng Anh mà HK dịch
(Due to unfavourable conditions, sentient
beings are indifferent to religion) chỉ là dịch tạm cái ý câu thánh thi, và
nó là cái “xác” khô queo khô quắt; còn cái
“thần” của câu thánh thi thì HK đành cam
“gởi gió cho mấy ngàn bay”.
1/ Câu thánh thi của Thầy diễn tả
quan hệ NHÂN QUẢ (cause and effect).
a/ NHÂN (thiện duyên yếu mối).
b/ QUẢ (thưa thớt).
c/ Còn chữ NÊN dùng để liên kết a
với b, NHÂN với QUẢ.
NÊN có nghĩa là “bởi thế; do đó; thế nên; vì vậy” (as a result; consequently; therefore).
Chữ NÊN này tương đương với “nhân nhi” 因 而; “nhân thử” 因 此 hay “sở dĩ” 所 以 trong chữ
Nho). Ta có thể nói:
– NHÂN NHI (= nhân thử) “yếu mối thiện duyên” mà thành ra “thưa thớt”.
– SỞ DĨ “thưa thớt” là vì “yếu mối thiện duyên”.
2/ THƯA THỚT diễn tả trạng thái
lãnh đạm, lạnh nhạt, thờ ơ, hờ hững, trơ trơ vô cảm (indifferent). Phúc Âm theo Thánh Mác-cô (16:14) diễn tả là “sự cứng
lòng” (hardness of heart).
Nguyễn Du viết: “Trăng thề còn đó trơ trơ / Dám xa xôi mặt mà thưa thớt
lòng.” (Kiều)
Đây là cách Tố Như diễn lại bóng bảy
ý câu tục ngữ “xa mặt cách lòng” (out of sight, out of mind).
Từ hai chữ “cách lòng” mà Hồng Sơn Liệp Hộ thả bút xuống thành “thưa thớt lòng” thì quả là Thanh Hiên rút cạn hết tinh ba tiếng Việt mất rồi.
2/ DUYÊN 緣 nguyên nghĩa là “đường viền” (hem) áo quần. Do đó,
chữ Nho viết “duyên” với bộ MỊCH 糸 là “sợi tơ mỏng mảnh” (thin thread of silk).
Khi nàng và chàng thành cặp vợ chồng
thì ta bảo là “nên DUYÊN”, “kết DUYÊN”, tức là ám chỉ có sợi tơ vô hình cột, buộc họ lại. Tích “ông tơ se DUYÊN” đôi lứa bởi thế mà được
truyền tụng từ xưa.
3/ Do có CỘT sợi tơ mà có MỐI buộc
(knot).
a/ Buộc chặt tay thì được chặt MỐI
(tight knot), muốn tháo gỡ (đường ai
nấy đi) cũng vô phương.
b/ Buộc không chặt tay thì bị lỏng
lẻo, YẾU MỐI (loose knot; untight knot),
dễ sút ra, dễ tuột ra. Thế nên dẫu xưa kia hai anh chị có thề non hẹn biển cho
sướng miệng thì một hôm không nắng không mưa bỗng dưng phải hát nghêu ngao như
Thế Lữ: “Anh đi đường anh, tôi đường tôi; tình nghĩa đôi ta chỉ
thế thôi.”
c/ Nói lan man, dông dài như rứa để
mong chúng ta cảm thụ dụng ý của Thầy khi nói “thiện DUYÊN” đi kèm với “yếu MỐI”. Ta vẫn nói MỐI DUYÊN, phải không?
d/ Tiếng Anh dịch DUYÊN 緣 thành CONDITION là dịch nghĩa, nó làm mất ẩn ý chữ MỊCH 糸 (sợi tơ mỏng mảnh) mà
trên đây HK phải dông dài như thể nói sang đàng, nói lạc đề.
e/ Rốt cuộc, HK đành giảng câu “Thiện duyên yếu mối nên thưa thớt” là “Vì ít duyên lành nên chúng sanh thờ ơ với đạo” và dịch thoát ý sang tiếng
Anh là “Due to unfavourable conditions, sentient beings are are
indifferent to religion.”
Có điều, dịch như thế thì làm phôi
pha hết tất cả những gì ý nhị trong câu thánh thi của Thầy.
Dịch như thế thì đáng bị rầy: “Dịch là diệt.”
Đọc câu HK dịch thánh thi, Đức
Giáo Hoàng bên
Bên Tây, Victor Hugo nhăn mặt
trách: “Traduire, c’est
trahir.”
Ở xứ sở sương mù, Shakespeare nhíu
mày than: “Translator, traitor.”
HUỆ KHẢI
Nhiêu
Lộc, 10-12-2023