Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

ĐĐVU 09 / XUÂN THU LÀ KINH GÌ? / Lê Anh Minh


Trong đạo Thầy hay nói tới kinh Xuân Thu. Biểu tượng Tam Giáo của Đạo Thầy là Xuân Thu, phất chủ, bát vu. Trong Phật Mẫu Chơn Kinh có câu:
Xuân Thu, phất chủ, bát vu
Hiệp quy Tam Giáo hữu cầu chí chơn.
Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển 1, phần Thi Văn Dạy Đạo, có câu:
Xuân Thu định vững ngôi lương tể
Phất chủ quét tan lũ nịnh thần.
Vậy, kinh Xuân Thu là kinh gì?
*
Kinh Xuân Thu 春秋 là một trong sáu kinh của Nho Gia (Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu).
Thiên Thiên Hạ trong sách Trang Tử Nam Hoa Kinh chép:
“Thi để dẫn dắt ý chí, Thư để dẫn dắt công việc, Lễ để dẫn dắt hành vi, Nhạc để hòa, Dịch để hiểu âm dương, Xuân Thu để nói về danh phận. Sáu thứ này là sáu môn học mà Nho Gia đem ra giảng dạy cho người ta.”
Đời Hán, sử gia Tư Mã Thiên 司馬遷 (145-86 trước Công Nguyên) cho rằng Đức Khổng Tử soạn bộ kinh này:
“Khổng Tử dựa vào sử ký mà soạn bộ Xuân Thu, chép từ đời vua Ẩn Công (722-712) đến năm 14 đời vua Ai Công (tức năm 481 trước Công Nguyên) của nước Lỗ , gồm mười hai đời vua.”
Và:
“Ý nghĩa của kinh Xuân Thu được thi hành thì bọn loạn thần tặc tử phải sợ.” (Sử Ký, quyển 47, Khổng Tử Thế Gia).
Thế nhưng, hiện nay các học giả đều cho rằng sáu kinh này không phải Đức Khổng Tử trứ tác, ngài chỉ sửa sang tu bổ sáu kinh có sẵn từ trước mà thôi. Sáu kinh ấy vốn là các môn học của giới quý tộc. Đức Khổng Tử là người đầu tiên đem sáu kinh ấy ra giảng dạy cho thường dân.
Phần đông cho rằng Đức Khổng Tử muốn thực hành chủ nghĩa chính danh nên mới soạn kinh Xuân Thu. Đức Mạnh Tử nói Đức Khổng Tử soạn kinh Xuân Thu là để cho “loạn thần và tặc tử phải sợ.” (Mạnh Tử, Đằng Văn Công Hạ).
Kinh Xuân Thu thực chất là sách sử của nước Lỗ, cũng như các sách sử nước khác trong thời Xuân Thu (770-476 trước Công Nguyên). Đức Mạnh Tử nói:
Thặng của nước Tấn, Đào Ngột 檮杌 của nước Sở, và Xuân Thu 春秋 của nước Lỗ đều là các sách có cùng tính chất chép sử như nhau. Chủ đề là sự việc của Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, còn văn phong là của sử.” (Mạnh Tử, Ly Lâu Hạ).
Các vua nước Lỗ là dòng dõi của Chu Công và Lỗ là nước có lễ nghĩa, có lẽ thế mà kinh Xuân Thu của nước Lỗ chân thực hơn các bộ sử của các nước khác. Hàn Tuyên Tử sang nước Lỗ, khi xem sách ở quan thái sử,([1]) rất chú ý Xuân Thu của Lỗ. Hoặc có lẽ Xuân Thu của Lỗ có chỗ đặc biệt hơn Thặng của Tấn, Đào Ngột của Sở, cho nên trước Đức Khổng Tử đã có người lấy Xuân Thu làm sách giáo khoa. Sách Quốc Ngữ chép:
“Sở Trang Vương sai Sĩ Vĩ dạy thái tử Châm. Sĩ Vĩ hỏi ý Thân Thúc Thời, Thời nói: Dạy Xuân Thu để khuyến thiện trừng ác và để răn lòng.” (Quốc Ngữ, quyển 17, Sở Ngữ Thượng).
Đến đời Hán, Nho học độc tôn, địa vị Đức Khổng Tử và giá trị kinh điển Nho Gia càng được nâng cao. Khoảng năm 136 trước Công Nguyên, Đổng Trọng Thư 董仲舒 (179?-104?) dâng đối sách lên vua:
Xuân Thu là bộ sách thâu tóm tất cả. Nó là lẽ thường của trời đất, là nghị luận thông suốt xưa nay. Nay các thầy có đạo khác nhau, mọi người ngôn luận khác nhau, trăm nhà khác nẻo, ý chỉ bất đồng. Vì vậy trên không có người giữ mối thống nhất, pháp chế thay đổi mấy lần, kẻ dưới không biết đâu mà theo. Cứ ý của ngu thần thì bất cứ khoa gì không thuộc lục kinh, không phải học thuật của Đức Khổng Tử thì cứ diệt chúng đi, không cho bành trướng. Những thuyết tà vạy mà dứt rồi thì mới có thống nhất, pháp độ mới rõ ràng, dân mới biết nên theo về đâu.” (Tiền Hán Thư, quyển 56, Đổng Trọng Thư Truyện).
Trong hệ thống kinh điển của Nho Gia, kinh vốn cô đọng hàm súc khó hiểu, nên về sau có sách giải thích kinh, gọi là truyện. Theo Hán Thư - Nghệ Văn Chí, có năm truyện giải thích kinh Xuân Thu là:
Tả Thị Truyện 左氏傳,
Công Dương Truyện 公羊傳,
Cốc Lương Truyện 榖梁傳,
Giáp Thị Truyện 夾氏傳,
Trâu Thị Truyện 鄒氏傳.
Hai truyện sau đã mất, hiện còn ba truyện trước, gọi là Xuân Thu Tam Truyện 春秋三傳.
Tả Thị Truyện 左氏傳 (cũng gọi Xuân Thu Tả Thị Truyện 春秋左氏傳, Tả Truyện 左傳, Tả Thị Xuân Thu 左氏春秋) được biên soạn cuối thời Chiến Quốc (475-221 trước Công Nguyên). Soạn giả tương truyền là Tả Khâu Minh 左丘明, nhưng từ đời Đường các học giả đã hoài nghi, không chắc Tả Thị là Tả Khâu Minh.
Công Dương Truyện 公羊傳 (cũng gọi Xuân Thu Công Dương Truyện 春秋公羊傳, Công Dương Xuân Thu 公羊春秋) tương truyền do Công Dương Cao 公羊高 người nước Tề thời Chiến Quốc biên soạn. Công Dương Cao là học trò của Tử Hạ 子夏 (tức Bốc Thương卜商) mà Tử Hạ là học trò của Đức Khổng Tử.
Cốc Lương Truyện 榖梁傳 (cũng gọi Xuân Thu Cốc Lương Truyện 春秋榖梁傳) tương truyền do Cốc Lương Xích 穀梁赤 (còn gọi Cốc Lương Hỷ 穀梁喜, Cốc Lương Thục 穀梁淑), người nước Lỗ thời Chiến Quốc, là học trò của Tử Hạ, biên soạn.
*
Tranh tượng Quan Thánh thường vẽ Quan Vũ ngồi giữa hổ trướng, tay cầm quyển kinh Xuân Thu, bởi vì sinh thời, Quan Vũ thường xuyên đọc kinh Xuân Thu. Ngài giáng cơ tự thuật trong kinh Minh Thánh (đời nhà Thanh):
Ta thường đọc kinh Xuân Thu, ấu thơ xem sách của Khổng Tử và Mạnh Tử, chỉ lấy hiếu đễ làm đầu, lấy sửa mình giúp nước làm gốc.
Kinh Bình Minh Đệ Nhứt (Sài Gòn, 1968, tr. 25-26) có nói đến việc Quan Vũ lập chí theo kinh Xuân Thu:
Bộ Xuân Thu nằm lòng vẹn giữ
Sống phải lo cư xử cho tròn
Đối cùng với nước với non
Sao ra nghĩa khí lòng son một màu.
Đó cũng là lý do khiến các câu đối ở đền thờ Đức Quan Thánh hay nhắc đến kinh Xuân Thu:
- Chí tại Xuân Thu, công tại Hán / Trung đồng nhật nguyệt, nghĩa đồng thiên.
- Duy xã tắc, công cao Vũ Mục / Độc Xuân Thu, đức phối Văn Xương.
- Khổng Phu Tử, Quan Phu Tử, vạn thế lưỡng Phu Tử / Tu Xuân Thu, độc Xuân Thu, thiên cổ nhất Xuân Thu.
- Thanh dạ độc Xuân Thu, nhất điểm đăng quang xán kim cổ / Cô chu phạt Ngô Ngụy, thiên thu hạo khí quán càn khôn.([2])
LÊ ANH MINH
15-12-2013


[1] Thái sử 太史: Chức quan chép sử, làm việc tại triều đình.
[2] Huệ Khải, Quan Thánh Xưa Và Nay. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 13-14. Quyển 59 trong Chương Trình Ấn Tống. 
Người biết ta cũng chỉ ở kinh Xuân Thu.
Người trách tội ta cũng chỉ ở kinh Xuân Thu.
Tri ngã giả kỳ duy Xuân Thu hồ.
Tội ngã giả kỳ duy Xuân Thu hồ.
, .
, 乎.
ĐỨC KHỔNG TỬ