Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

ĐĐVU 11 / TẢN MẠN NGƯỜI MẸ TRONG VĂN HỌC / Trần Văn Chánh

Nguồn ảnh: http://dongcam.vn/t6662

Tin tưởng tôi biết chữ Hán và có thể giúp lựa cho những chữ có ý nghĩa đẹp sâu xa đặt tên con, người bạn chí thân của tôi đã nhờ tìm chữ đặt tên cho đứa con trai đầu lòng. Tôi nghĩ bụng mình nên chọn một chữ gì khiêm tốn, vừa phải, chứ đặt những tên kiêu kỳ quá, rủi mai sau cháu trưởng thành không có được khí chất, bản lĩnh như mong muốn thì cũng buồn. Nhớ ra trong thơ Đường có bài Du Tử Ngâm [1] của Mạnh Giao (751-814) sẵn đã thuộc lòng từ khi mới được đọc qua lần đầu, trong có hai câu Thùy ngôn thốn thảo tâm / Báo đắc tam xuân huy, bèn chọn ngay cái tên Xuân Huy đặt tên cho con trai người bạn. Sau này, theo đuổi chuyện viết lách, cần có nhiều tên, tôi cũng đã chọn Xuân Huy làm một bút hiệu phụ, dành ký riêng cho một số bài viết nào đó khi không cần dùng đến những tên chính.
 Nguyên văn bài thơ như sau (phiên âm):
Từ mẫu thủ trung tuyến,
Du tử thân thượng y.
Lâm hành mật mật phùng,
Ý khủng trì trì quy.
Thùy ngôn thốn thảo tâm,
Báo đắc tam xuân huy?
Tên bài thơ có nghĩa Khúc ngâm của người du tử, mà cụ Trần Trọng Kim (1883-1953) dịch là Bài hát người con đi xa:
Mẹ từ sợi chỉ trong tay,
Trên mình du tử áo may vội vàng.
Sắp đi mũi chỉ kỹ càng,
Sợ con đi đó, nhỡ nhàng trễ lâu.
Chút lòng tấc cỏ dễ đâu,
Bóng ba xuân đáp ơn sâu cho vừa.
Trong Thơ Đường (cuốn 1) của Trần Trọng San (1930-1998), ở hai câu đầu, phần dịch xuôi, dịch giả viết: “Sợi chỉ trong bàn tay người mẹ hiền giờ đây ở trên áo người con đi chơi xa.” Hiểu “du tử” là “người con đi chơi xa”, có lẽ không đúng. Thật ra, chữ “du” ngoài nghĩa đi chơi còn có nghĩa đi ra ngoài cầu học, tìm chức quan hoặc đi du thuyết (xuất ngoại cầu học, cầu quan hoặc du thuyết), và còn có nghĩa chung “rời nhà ra bên ngoài” (ly gia tại ngoại).
Dịch “người con đi xa”, “đứa con đi xa” hợp hơn, nhưng đi xa đây, theo ngữ cảnh và ý thơ, không phải đi chơi, mà đi tìm sinh kế, đi mưu cầu sự nghiệp. Nếu chỉ đi chơi rong vô mục đích, nội dung bài thơ sẽ đâu có gì gây xúc cảm triền miên trong lòng người đến ngày hôm nay như vậy. Vả lại, theo quan niệm chữ hiếu xưa, cha mẹ còn thì không được đi xa nhà, nếu đi phải có nơi có chỗ rõ ràng (phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương).[2]
Hai câu Lâm hành mật mật phùng / Ý khủng trì trì quy (Khi con sắp ra đi mẹ may nhặt mũi kim, trong ý sợ rằng con sẽ lâu về) nói lên một cách sinh động tâm ý sâu xa của bà mẹ với tấm lòng trìu mến thiết tha lo cho con trẻ.
Riêng hai câu cuối Thùy ngôn thốn thảo tâm / Báo đắc tam xuân huy, ví lòng người mẹ hiền với ánh nắng dịu dàng của tiết ba xuân. Ngoài Trần Trọng Kim, có thể nêu thêm bản dịch của nhiều người khác nữa, đại khái không khác nhau bao nhiêu:
Tấc cỏ dưới bóng xuân / Báo đáp đâu đặng mà? (của Lương Thúc Ký);
Ai rằng lòng tấc cỏ / Đền được ánh xuân đâu! (của Lê Nguyễn Lưu);
Ai bảo lòng tấc cỏ / Báo được ánh ba xuân? (của Khương Hữu Dụng);
Ai rằng lòng tấc cỏ / Báo được ánh ba xuân? (của Trần Trọng San);
Lòng son tấc cỏ có hay / Nắng ba xuân đủ đong đầy ơn sâu? (của Vương Hồ);
Tấm lòng một tấc cỏ quê / Ánh ba xuân ấy dễ chi báo đền (của Đinh Vũ Ngọc);
Hỏi rằng tấc cỏ lòng quê / Ba xuân nắng ấm đền bù được chăng? (của Hải Đà)…
Còn Nguyễn Du trong truyện Kiều thì từ lâu đã khéo mượn ý hai câu thơ trên để diễn gọn thành một câu duy nhất: Liệu đem tấc cỏ quyết đền ba xuân.
Đây là bài thơ hay trong số ít ỏi những bài thơ Đường ca tụng tấm lòng người mẹ, được cụ Trần Trọng Kim chú thích đại ý: “Người con đi xa, mặc cái áo mẹ may cho, nhớ đến công ơn mẹ, không biết báo đền thế nào cho vừa được. Lời nói nhân hiếu, mà tự nhiên phong nhã.
Lời lẽ giản dị, chân thật, dễ hiểu, vì phát xuất từ trái tim chân thật, đã diễn tả được nỗi lo đau đáu của người mẹ trước phút lâm hành của con, ý sợ con đi xa lâu về, nên cố ý may nhặt mũi kim, để tấm áo sẽ lâu sờn rách trên bước đường tha phương lưu lạc.
Được biết, Mạnh Giao [3] nhà nghèo nhưng được mẹ hy sinh, chăm lo nuôi nấng cho đến lúc thành tài. Khi được làm quan muộn màng ở tuổi năm mươi, ông đã vội đón mẹ về chung sống với mình. Tác giả đã sáng tác bài thơ trong bối cảnh đón mẹ lên Lật Dương như lời chú giải của ông: Nghênh Mẫu Lật Dương Tác (Làm khi đón mẹ đến Lật Dương).
Hai câu cuối trong bài Du Tử Ngâm đã đi sâu vào văn chương Trung Quốc, tạo nên một số thành ngữ khá quen thuộc như: thốn thảo tâm (tấm lòng tấc cỏ, ví tâm ý nhỏ nhoi của con cái đối với cha mẹ); thốn thảo xuân huy (tâm ý nhỏ nhoi mong manh của cọng cỏ nhỏ, không thể báo đáp được ân huệ của mùa xuân, ví con cái khó lòng báo đáp ân tình rất sâu nặng của mẹ cha)...
Từ bài Du Tử Ngâm quý hiếm trong kho tàng thơ Đường, Việt Nam chúng ta lại có được bài thơ phóng tác với nội dung mở rộng hơn như sau đây của Vương Ngọc Long, sau được nhạc sĩ Mai Đức Vinh phổ nhạc:
Đây chiếc áo năm canh dài Mẹ thức,
Ngọn đèn khuya hiu hắt suốt đêm trường.
Tay gầy guộc, run run luồn kim chỉ,
Áo bạc màu nhưng đậm nghĩa yêu thương.
Chiếc áo cũ theo đời con phiêu bạt,
Trên bước đường giữa mưa nắng vô thường.
Từng mũi vá nâng niu lời ru Mẹ,
Những đường khâu khe khẽ tiếng yêu thương.
Chốn tha phương mà lòng con lệ ứa,
Mẹ quê nhà thui thủi giữa đêm sương.
Mắt Mẹ đó lung linh ngàn tia sáng,
Con lưu vong Mẹ dẫn dắt soi đường.
Đây chiếc áo chắt chiu từng sợi chỉ,
Mũi đan dầy cho ấm ngực đêm đông.
Tóc bạc trắng tháng năm chờ mòn mỏi,
Con ra đi, con đi, mẹ nhớ mong.
Mẹ là đó, là trái tim nhân ái,
Đầy hy sinh nhẫn nhục chẳng ngại ngần.
Lòng con đây thấm dâng từng tấc cỏ,
Biết bao giờ đền đáp nắng ba xuân?
Cổ hơn mà diễn tả một cách sinh động tấm lòng người con có hiếu đối với ơn sinh thành, nuôi dưỡng khó nhọc của cha mẹ, và nỗi đau xót không được phụng dưỡng cha mẹ cho đến tuổi già, từ xa xưa đã có một số bài nổi tiếng trong kinh Thi như Khải phong (trong Bội Phong), Lục Nga (trong Tiểu Nhã)... Để không quá rườm, chỉ xin trích phần dịch bài Khải Phong của Tản Đà [4] (không chép nguyên văn và phiên âm chữ Hán):
Từ phương nam,
Gió hòa đưa lại.
Cây gai dại,
Gió thổi lõi gai.
Lõi gai non nót tốt tươi,
Mẹ ta kể biết mấy mươi công trình.
Từ phương nam,
Gió hòa đưa lại;
Cây gai dại,
Gió thổi củi gai.
Mẹ ta thánh thiện ở đời;
Mà ta chẳng được có người nào hay.
Kìa như suối lạnh một dòng,
Ở bên ấp Tuấn theo vùng chảy xuôi.
Đàn con có đến bảy người,
Bảy con mà để mẹ thời nhọc thân.
Véo von kìa cái chim vàng,
Nó kêu những tiếng nhịp nhàng êm tai.
Đàn con có đến bảy người,
Chẳng làm cho mẹ yên vui tấm lòng.
Kinh Thi thật ra không phải “kinh”, mà chỉ là một tập hợp những dân ca và ca dao đẹp nhất, hay nhất của Trung Quốc trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ Sáu trước Công Nguyên (TCN) trở về trước. Danh xưng “kinh” bắt đầu có từ thời Hán (206 TCN) khi tập thơ này được xếp vào bộ Ngũ Kinh. Theo nghĩa này, thì người Việt Nam cũng có “Kinh Thi Việt Nam”, như tên cuốn sách chuyên khảo về ca dao của Trương Tửu (Nguyễn Bách Khoa).[5]
Liên quan đến người mẹ, ca dao Việt không thiếu những câu hay, sâu sắc, lời lẽ phần lớn mộc mạc chân thành nhưng đều cảm động. Có thể dẫn ra đây hàng loạt, nhưng cũng chỉ trong muôn một, những câu tiêu biểu hầu như ai cũng thuộc:
- Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
- Mẹ nuôi con biển hồ lai láng,
Con nuôi mẹ kể tháng kể ngày.
- Ân cha nặng lắm ai ơi!
Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang.
- Nuôi con buôn tảo bán tần,
Chỉ mong con lớn nên thân với đời.
Những khi trái nắng trở trời,
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên.
Trọn đời vất vả triền miên,
Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con.
Tấm lòng của mẹ thật bao la, mênh mông như trời bể, suốt đời hy sinh, lo lắng chỉ vì con, kể từ tấm bé:
- Bồng con cho bú một hồi,
Mẹ đã hết sữa con vòi, con la.
- Con ho lòng mẹ tan tành,
Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi.
Mẹ luôn đem hết sức mình để bảo bọc, che chở cho con được yên lành:
- Nuôi con chẳng quản chi thân,
Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn.
- Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,
Năm canh chầy thức đủ vừa năm.
Đáp lại là tình của con đối lại với cha mẹ, cũng hết sức sâu đậm, tri ân, dạt dào tình cảm:
- Dấn mình gánh nước làm thuê,
Miễn nuôi được mẹ, quản gì là thân.
- Vẳng nghe chim vịt kêu chiều,
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.
Nhớ ơn chín chữ cù lao,
Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình?
- Ngày nào em bé cỏn con,
Bây giờ em đã lớn khôn thế này.
Cơm cha, áo mẹ, công thầy,
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao.
- Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,
Miệng nhai cơm, búng lưỡi lừa cá xương.
- Ngó lần nuột lạt mái nhà,
Bao nhiêu nuột lạt, em thương mẹ già bấy nhiêu.
- Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
- Gió đưa cây cửu lý hương,
Từ xa cha mẹ thất thường bữa ăn.
Sầu riêng cơm chẳng muốn ăn,
Đã bưng lấy bát, lại dằn xuống mâm.
- Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi,
Giã gạo cho trắng đặng nuôi mẹ già.
Đói lòng ăn hột chà là,
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.
- Lên chùa thấy Phật muốn tu,
Về nhà thấy mẹ công phu sao đành?
Mẹ già ở túp lều tranh,
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.
- Cau non khéo bửa cũng dày,
Trầu têm cánh phượng để thầy mẹ xơi.
- Ai về tôi gởi buồng cau,
Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.
Ai về tôi gởi đôi giầy,
Phòng khi mưa gió để thầy mẹ đi.
- Công cha nghĩa mẹ cao vời,
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.
Nên người con phải xót xa,
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao.
Đội ơn chín chữ cù lao,
Sanh thành kể mấy non cao cho vừa.
- Công cha đức mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.
- Đêm khuya trăng rụng xuống cầu,
Cảm thương cha mẹ dãi dầu ruột đau.
- Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.
Trong thi ca Việt Nam hiện đại, thơ viết về mẹ nhiều vô số kể. Có đến hàng ngàn bài thơ, mà nếu sưu tập lại tương đối đầy đủ sẽ thành tác phẩm lớn cả về khối lượng lẫn giá trị nội dung. Đã có một bộ sưu tập nho nhỏ như vậy, gọi là Thơ Về Mẹ, của nhà xuất bản Văn Học, in năm 2010, nhưng tôi không có sẵn trong tay tập thơ này. Giả định, nếu ai buộc phải chọn một bài thơ hay nhất về mẹ, chắc chắn người bị yêu cầu sẽ không khỏi lúng túng, bởi lẽ đơn giản thơ về mẹ tuy chất lượng không đều nhưng hầu như luôn là những bài thơ hay, còn bài nào hay nhất thì lại tùy thuộc sự cảm nhận, tâm cảnh, kinh nghiệm sống riêng của mỗi người.
Nội dung các bài thơ đại khái cũng như ca dao bình dân, thường mô tả tấm lòng thương yêu hy sinh bao la của mẹ đối với con, và sự cảm thương, tri ân, hoặc ân hận vì chưa đáp đền nghĩa cả của con đối với mẹ… nhưng lẽ dĩ nhiên có nét hiện đại hơn, với thủ pháp nghệ thuật phong phú, đa dạng hơn. Chẳng hạn như bốn câu thơ này trong bài Nhớ Vu Lan, của Lê Mộng Nguyên:
Đây bát cơm đầy nặng ước mong,
Mẹ ơi, đây ngọc [6] với đây lòng,
Đây tình con nặng trong tha thiết,
Ơn nghĩa sanh thành, chưa trả xong.
Viết về mẹ thì bao la bát ngát, đủ mọi khía cạnh. Tại đây, trong khuôn khổ rất giới hạn, không thể trích dẫn nhiều những bài thơ có giá trị với chủ đề người mẹ. Nhân mùa Vu Lan, chỉ xin giới thiệu bài Bông Hồng Vàng mà có người cho là ấn tượng nhất, không quá cao xa nhưng cũng thật gần, lời thơ mộc mạc giản dị nhưng cũng lắng đọng trong chúng ta những tình cảm thiêng liêng nhất”.
Vu lan về con cài lên ngực,
Bông hồng vàng báo hiếu mẹ cha.
Tháng bảy mưa ngâu hay nước mắt nhạt nhòa,
Của những đứa con nhớ về cha mẹ.
Một nén hương thơm nồng nàn lặng lẽ,
Nỗi lòng con gửi gắm những niềm thương.
Dù bao năm dù có hóa vô thường,
Công sinh dưỡng vẫn là công lớn nhất.
Cả cuộc đời mẹ cha tất bật,
Cho chúng con lẽ sống tình yêu.
Đại dương bao la đâu đã là nhiều,
Với chúng con cha mẹ là tất cả.
Có đôi lúc
Mải mê quay với dòng đời ồn ã
Những đô hội thị thành
Những phương trời lạ
Chợt giật mình tỉnh giấc nhớ mẹ cha.
(Thơ Nguyễn Đình Vinh)
Điều đáng nói là tấm lòng người mẹ, cũng như tình của con đáp lại mẹ, dù có thể có những cách biểu hiện khác nhau tùy hoàn cảnh nhưng không phân biệt Đông Tây kim cổ, nghề nghiệp, địa vị xã hội, trần tục hay tu hành… mà đâu đâu, thời nào cũng tha thiết như nhau.
Bài thơ Thư Gửi Mẹ dưới đây của nhà thơ trữ tình Nga Sergei Alexandrovich Yesenin (đôi khi đọc Esenin, 1895-1925) hết sức cảm động, từ lâu được nhiều người ưa thích (không rõ bản dịch tiếng Việt tài tình này là của ai):
Mẹ của con giờ đây còn mạnh khỏe?
Mẹ kính yêu, cho con gửi lời chào
Xin hãy để trên ngôi nhà của mẹ
Tỏa ánh chiều trong nỗi nhớ nôn nao.
Con nghe rằng mẹ giấu điều lo lắng
Mẹ hay buồn, hay lo nghĩ về con
Mẹ hay bước ra ngoài con đường vắng
Trong chiếc áo len lạc mốt, cũ sờn.
Rằng mỗi khi qua làn khói lam chiều
Mẹ nhìn thấy chỉ một điều khủng khiếp
Có vẻ như trong một vụ đánh nhau
Có ai đấy đâm con bằng dao thép.
Chẳng sao đâu! Xin mẹ hãy yên lòng
Đấy tất cả chỉ là cơn mộng mị
Con đâu có còn đến nỗi lông bông
Để chết đi khi chẳng nhìn thấy mẹ.
Con bây giờ vẫn như thế, dễ thương
Chỉ ao ước một điều rất đơn giản
Sao cho thật mau thoát khỏi nỗi buồn
Để trở về ngôi nhà ta thấp vắng.
Con sẽ về khi hoa nở trên cành 
Mang hơi thở mùa xuân quanh vườn tược
Chỉ có điều mẹ trong ánh bình minh
Đừng thức con như tám năm về trước.
Đừng thức dậy những giấc mơ đã tắt
Đừng khơi lên mộng ước đã không thành
Con là kẻ sớm chịu nhiều mất mát
Nếm trải nhiều mệt nhọc giữa ngày xanh.
Và đừng dạy con cầu nguyện. Không cần!
Thời ấu thơ chẳng quay về lần nữa.
Chỉ mẹ là niềm vui, niềm an ủi của con
Chỉ mẹ đối với con là ánh hồng khôn tả.
Mẹ hãy quên đi những điều phiền muộn
Mẹ đừng buồn, đừng lo lắng về con
Đừng hay bước ra ngoài con đường vắng
Trong chiếc áo len lạc mốt, cũ sờn.

Đáng kể thêm một bài này nữa, bài Tình Mẹ của nhà thơ Nga Nicolai Nekrasov (1821-1878):

Vĩ đại thay! Sau từng cánh cửa,
Dù đi xa hay ở rất gần.
Ta vẫn nghe tiếng con gọi mẹ,
Mẹ dù xa nhưng ngóng về con.
Vĩ đại thay! Muôn đời tình Mẹ,
Trong tim ta trân trọng giữ gìn.
Ta yêu chị, yêu cha, yêu vợ,
Nhưng khổ đau ta nhớ Mẹ hiền!
Trong lĩnh vực văn xuôi cũng vậy, hễ viết về người mẹ bằng tình cảm chân thành, trong sáng thì dường như bài nào cũng hay, cũng gây xúc cảm sâu xa nơi lòng người đọc, dù người viết là nhà văn nổi tiếng hay một học sinh trung học, thậm chí chỉ mới học chừng lớp năm, lớp sáu. Điểm đặc biệt là người ta có thể viết giả dối cho một đề tài gì khác, chứ viết về mẹ thì không. Viết về mẹ, cũng như khi có việc cần tâm sự với mẹ, người ta thường có thể bộc lộ hết tất cả những gì chân thật nhất.

Tinh Vân Đại Sư (sinh năm 1927) là nhà Phật học Trung Quốc nổi tiếng thế giới, đã viết hơn trăm tác phẩm lớn nhỏ bàn đủ mọi loại vấn đề, nhưng trong quyển tự truyện mới đây của ông (bản dịch của Đỗ Khương Mạnh Linh, Nxb Hồng Đức, 2013), chỗ cảm động chân thật nhất có lẽ không phải những đoạn kể lể về sự nghiệp hoạt động, mà ở chương viết về bà mẹ thất học nhưng bản chất thông minh, hiền lương và ưa làm từ thiện của tác giả, được chuyển tải bằng một thứ văn phong bình dị, tự nhiên và nhẹ nhàng.

Mấy năm trước, ở Việt Nam, nhiều người đã xúc động vì hai bài văn điểm mười của hai học sinh lớp tám và lớp sáu viết về mẹ. Cùng chung đề bài Hãy tả lại một người thân trong gia đình”, nhưng cả hai đều không hẹn mà gặp khi cùng viết về người mẹ của mình với tất cả sự trân trọng và nâng niu nhất.
Em học sinh lớp tám khắc vẽ hình ảnh người mẹ đã mất từ khi mình mới lên chín tuổi. Một người mẹ tảo tần, luôn yêu thương, chăm sóc đứa con bé bỏng trong suốt những năm tháng cuộc đời. Hình ảnh người mẹ hiện lên giản dị nhưng rất giàu hình tượng. Người đọc không khỏi xúc động trước tình cảm mà đứa con dành cho người mẹ thân yêu đã khuất của mình: “Con nhớ mẹ nhiều lắm, nhất định con sẽ làm theo những gì mẹ dạy… Tôi sẽ sống thật tốt để mẹ được vui lòng, giờ tôi chỉ có thể làm được thế thôi.”
Bài văn kia của em học sinh lớp sáu, nhưng em này may mắn hơn, còn có mẹ ở bên chăm sóc, vỗ về: “Em yêu mẹ lắm! Yêu mẹ rất nhiều. Em tự nhủ rằng sẽ cố gắng học tập thật giỏi để trở thành con ngoan, trò giỏi… mai sau đền đáp công ơn to lớn của mẹ đã bao năm chăm lo cho em từ miếng ăn đến giấc ngủ.”
Một tác giả nọ đã không giấu được niềm xúc động, khi nêu nhận xét ở một bài viết trên mạng: “Đọc hai bài văn này lòng lại nhớ mẹ đến khôn nguôi. Có lẽ đề tài về mẹ luôn là nguồn cảm xúc dạt dào nhất để viết nên những bài văn hay, những bài thơ ý nghĩa. Những bài văn này thật sự đã khiến cho những người như mình phải một lần nữa rơi lệ.”
Tôi liên tưởng ngay đến một nhận xét tương tự của Hòa Thượng Nhất Hạnh, khi ông còn là một Đại Đức trẻ đang tu học:
“Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ, cũng hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ. Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có.”
Rồi tác giả viết tiếp, dẫn luôn một bài thơ để làm chứng:
“Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu.... sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chắc chắn phải đến:
Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời!
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi.
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi...
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.
Mấy đoạn vừa trích dẫn là ở trong tập sách nhỏ Bông Hồng Cài Áo của Nhất Hạnh, một bài văn viết về mẹ có lẽ sâu sắc, cảm động và tạo được ảnh hưởng sâu rộng nhất ở nước ta từ trước tới nay. Khởi đầu, vào năm 1962, nó chỉ là một đoản văn, không phải truyện ngắn hay ký, gọi tạp văn hay tùy bút đúng hơn, sau được in riêng thành cuốn sách khổ nhỏ nhắn, bìa màu xanh dương nhạt vẽ một chiếc bông hồng, họa sĩ Hiếu Đệ trình bày đẹp giản dị, do nhà xuất bản Lá Bối in lần đầu tại Sài Gòn dường như vào năm 1968, phần đầu bên trong có ghi hàng chữ: Để dâng mẹ và để làm quà Vu Lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ. Medford, Hoa Kỳ, tháng tám, 1962, Nhất Hạnh.
Bài viết này cũng là cảm hứng gợi ý cho một ca khúc bất hủ cùng tên do nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930/1932?-2009) sáng tác trong thập niên 1960 của thế kỷ trước, đến nay vẫn còn lưu hành rộng rãi, và được mọi người coi là một trong những bài hát tiêu biểu nhất về chủ đề người mẹ, tương đương với bài Lòng Mẹ rất phổ biến của nhạc sĩ Y Vân (1933–1992).
Trong ca khúc có đoạn: Một bông hồng cho em / Một bông hồng cho anh / Và một bông hồng cho những ai / Cho những ai đang còn m / Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn / Rủi mai này mẹ hiền có mất đi
Hiện tôi vẫn còn giữ kỹ một bản in cũ cuốn sách nhỏ Bông Hồng Cài Áo, vì thấy nó đẹp và trang nhã hơn những bản in mới sau này, tái bản đến hàng chục lần. Đã đọc hơn bốn mươi năm trước rồi, nhưng bây giờ có dịp đọc lại, sau khi cha mẹ đều đã qua đời, tôi càng thấy thấm hơn, và những ý tưởng nêu ra trong đó, vẫn còn giữ được nét thanh tân như ngày cũ, có lẽ đề tài về người mẹ thuộc loại đề tài không bao giờ lạc hậu, lại được một tu sĩ tài hoa luận bàn với tất cả sự trải nghiệm sâu sắc và lòng thành của mình.
Trong bài viết, Nhất Hạnh kể về một tập tục đẹp mà ông gặp ở Nhật Bản, đại khái vào ngày Mẹ (Mothers Day), nếu ai còn mẹ, sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và người đó sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu ai mất mẹ, sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng...
“Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.”
Sau khi cuốn sách được xuất bản một thời gian, có dịp vào thăm chơi một số chùa trong dịp lễ Vu Lan, tôi thấy các anh chị Phật tử cài những bông hoa màu hồng lên áo của bạn mình, thì biết được tác dụng của một lời gợi ý hay. Phong tục cài bông hồng lên áo du nhập vào Việt Nam, tuy chưa thật phổ biến lắm, có lẽ bắt đầu từ đó.
Trở lại nội dung chính của Bông Hồng Cài Áo, nhà sư Nhất Hạnh đã đưa ra một cách nhìn khá mới lạ. Ông cho thương mẹ là quyền lợi mà người con phải biết tận hưởng chứ không phải nghĩa vụ, vì “Mẹ già như chuối ba hương / Như xôi nếp một như đường mía lau.”
Ông lý giải: “Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên... Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ... Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc Hoàng Thượng Đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng.”
Có lẽ còn rất nhiều điều cần nói thêm về tập đoản văn đặc biệt này, nhưng khi đọc lại những lần sau, tôi tâm đắc nhất một đoạn tác giả nhắc nhở những người đang còn mẹ, mà nay tôi muốn mượn để nhắc lại những người trẻ tuổi hơn: Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: ‘Trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!’ Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi… Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con… Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất mình có cảm nghĩ: ‘Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!”
Tôi có người bạn năm nay tuổi đã ngoại lục tuần, mỗi khi nhắc chuyện về người mẹ đã quá cố, anh đều rơm rớm nước mắt, nghẹn ngào không nói nên lời. Và dường như ở những người khác, phần lớn cũng đều như vậy. Lý do có thể thuộc những vấn đề tâm-sinh lý phức hợp, nhưng cũng đơn giản dễ hiểu, có lẽ vì ai cũng có mẹ, mà giữa mẹ với con vốn có sợi dây liên kết gắn bó thiêng liêng hơn tất cả những người khác trên đời.
Văn chương viết về người mẹ từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, luôn gây xúc động lòng người, có lẽ cũng chỉ vì một lý do tương tự như thế mà thôi.
TRẤN VĂN CHÁNH
23-7-2013



[1] 遊子吟/慈母手中線/遊子身上衣/臨行密密縫/意恐 遲遲歸 / 誰言寸草心 / 報得三春暉.
[2] 子曰:父母在,不遠游,游必有方. (Luận Ngữ 4 :19)
[3] Mạnh Giao người Vũ Khang, Hồ Châu (nay là huyện Vũ Khang, tỉnh Chiết Giang). Lúc trẻ, đi thi nhiều lần không đậu. Năm bốn mươi sáu tuổi, đậu Tiến Sĩ; năm mươi tuổi, mới được bổ làm Huyện Úy Lật Dương (tỉnh Giang Tô). Đối với chức quan nhỏ này, ông không hứng thú, suốt ngày rong chơi, ngâm vịnh, kết giao với các nhà thơ danh tiếng đương thời như Trương Tịch, Giả Đảo, Hàn Dũ... Quan huyện lệnh cử một viên úy khác làm thay, và chia nửa số lương với ông; ông liền từ chức. Sau, được Trịnh Dư Khánh tiến cử, ông trở lại làm quan, lên đến chức Hiệp Luật Lang ở Lạc Dương. Sáu mươi ba tuổi, Trịnh Dư Khánh (bấy giờ làm Trấn Thủ ở Hưng Nguyên) lại mời Mạnh Giao về làm tham mưu cho quân Hưng Nguyên. Ông đi đến Vân Hương thì chết, thọ sáu mươi bốn tuổi. Bà con, bạn bè đưa xác về chôn ở Lạc Dương. [Văn Uyển chú]
[4] Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939) là nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch nổi tiếng Việt Nam. Bút danh Tản Đà ghép tên núi Tản Viên và sông Đà ở quê ông. [Văn Uyển chú]
[5] Trương Tửu (1913-1999) là nhà giáo, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam. Bút danh: Nguyễn Bách Khoa, Mai Viên, v.v… [Văn Uyển chú]
[6] “Ngọc” trong bài thơ ví với hạt gạo.

------------
Thượng Đế không thể có mặt ở khắp mọi nơi, vì thế Ngài tạo ra các bà mẹ. / God could not be everywhere and, therefore, He made mothers.
Ngạn ngữ Do Thái