Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

ĐĐVU 10 / GIÁO DÂN ẤP ĐÌNH TRỒNG RAU AN TOÀN / Đinh Mưa


Ấp Đình thuộc xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Tp.HCM, có đại đa số dân cư là giáo dân giáo xứ Sơn Lộc (giáo phận Phú Cường), hàng chục năm qua đã nổi tiếng với nghề trồng rau. Hơn mười lăm năm qua, người dân Ấp Đình đã chuyển sang trồng rau an toàn và là một trong những địa phương trồng rau an toàn đầu tiên trên địa bàn Tp.HCM.
Ông Đặng Ngọc Hùng, Phó Chủ Tịch UBND xã Tân Phú Trung nói: “Nghề trồng rau ở Ấp Đình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân nhờ trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP. Về phía chính quyền chúng tôi phối hợp với Hội Khuyến Nông hộ trợ bán rẻ (50%) máy cày tay cho các xã viên đồng thời thường xuyên mở các lớp khuyến nông giúp nông nhân nắm được kỹ thuật trồng rau và xử lý thuốc. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên tổ chức kiểm tra việc trồng rau của các xã viên và vấn đề ô nhiễm môi trường trong địa phương.”
Có mỘt Đà LẠt khác
Nhắc đến nghề trồng rau tại Tp.HCM hẳn không thể không nhắc đến Ấp Đình, nơi mà hơn 95% dân số là người Công Giáo. Vào những năm đầu thập niên 1980, Ấp Đình đã nổi như cồn về nghề trồng rau, đứng đầu là linh mục Nguyễn Hữu Huân, cá nhân điển hình của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Ngày ấy, Ấp Đình từng là mô hình tiêu biểu cho các tập đoàn sản xuất học tập. Người dân giáo xứ Sơn Lộc đã biến hàng chục héc ta đất “thép” bỏ hoang thành những luống rau xanh mơn mởn nhờ công trình điện khí hóa nông thôn và tổ chức sản xuất lại.
Cuộc sống bà con ở đây ngày một ổn định và khấm khá nhờ rau quả. “Cứ năm hết tết đến, nhà nào nhà nấy thu hàng chục tấn bắp cải, đó là chưa kể đậu đũa, đậu bắp, khổ qua… Có thể nói, Đà Lạt có thứ gì là giáo dân giáo xứ Sơn Lộc trồng được thứ ấy trừ cà rốt, nhưng bù lại là dưa leo, đậu bắp, su hào… rất ngon và giòn,” ông Nguyễn Tất Trúc, một người trồng rau lớn tuổi trong vùng nhớ lại.
Nhờ cây rau mà một bộ phận người dân Ấp Đình không phải đạp xe hàng chục cây số mỗi ngày lên Sài Gòn bán bánh bò, đổi nồi niêu xoong chảo, chiếu, đồ nhựa, đồ gia dụng lấy lương thực hằng ngày. Và cũng chính cây rau ở vùng đất “thép” này đã “cứu” người dân Sài thành một bàn thua trông thấy trong thời kỳ cả thành phố “đói” rau Đà Lạt.
Có lẽ vì thế mà Sở Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn đã triển khai sản xuất rau an toàn tại Ấp Đình với quy mô năm hécta từ vụ Đông Xuân 1997-1998 rồi kéo dài đến vụ Hè Thu 2000. Sản lượng trong ba năm sản xuất là 1.912 tấn rau an toàn, trong đó 70% đã bán cho các đơn vị khách hàng như siêu thị Cống Quỳnh, hợp tác xã Triều Dương, Fresco. Đây là mô hình duy nhất trên địa bàn thành phố duy trì sản xuất rau an toàn quanh năm vào thời điểm lúc bấy giờ.
Lúc đầu, chỉ có mười hộ tham gia trồng rau an toàn, nhưng sau một vụ đã là hai mươi hộ và rồi cứ tăng dần. Cho đến hiện nay, hầu hết các hộ trồng rau an toàn ở Ấp Đình đã tham gia chương trình Viet GAP với hơn mười hécta đất canh tác và cung cấp cho thị trường trên mười tấn rau mỗi ngày.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Chủ Nhiệm hợp tác xã Nông Nghiệp Thương Mại – Dịch Vụ Phú Lộc, 80% rau ở Ấp Đình cung cấp cho các hệ thống siêu thị Co.op mart, Lotte Mart, Big C; 20% còn lại là rau loại hai, loại ba được bán ở các chợ đầu mối.
“Tôi còn nhớ, những ngày đầu, cha Huân đã kêu gọi mọi người trồng rau phải có đạo đức vì mình là người Công Giáo. Có lẽ vì thế mà mọi người đã tham gia trồng rau an toàn một cách hăng hái trong thời gian đầu và đến giờ thì hầu như là tất cả,” ông Trúc chia sẻ.
SỐng “khỎe” nhỜ rau an toàn
Trong khi nhiều nông dân tại một số địa phương trên cả nước, kể cả nông dân tại Tp.HCM đang điêu đứng vì giá rau lên xuống thất thường thì nông dân Ấp Đình vẫn có cuộc sống ổn định với rau an toàn.
Ông Toản cho biết: “Hiện nay, một sào đất (1.000 mét vuông) canh tác rau ăn lá ở Ấp Đình mỗi tháng thu về khoảng mười tới mười hai triệu đồng, trừ các chi phí phân giống khoảng 30%, nông dân lời từ bảy tới chín triệu đồng mỗi sào một tháng, cao gấp nhiều lần so với làm lúa. Qua tìm hiểu của chúng tôi, một nông dân có thể canh tác tốt một sào rau; tuy nhiên phần đông ở Ấp Đình, một hộ thường có khoảng hai sào với hai người làm chính, thỉnh thoảng họ mới cần tới người phụ, thường là con cái trong gia đình nên thu nhập của họ tương đối cao so với mặt bằng chung.”
Rau ở Ấp Đình khi đưa vào các siêu thị thường có giá cao hơn giá chợ truyền thống từ 5-7% nhưng đó là giá ổn định suốt trong năm vì đã tham gia chương trình bình ổn giá của Tp.HCM. Trong khi đó, rau ở chợ truyền thống có lúc rẻ hơn giá rau siêu thị vì rau dội chợ, cũng có lúc giá cao hơn do nông dân mất mùa nên nhìn chung trong một năm giá rau an toàn vẫn không cao hơn các loại rau khác là bao nhưng bù lại chất lượng và độ an toàn thì hoàn toàn ăn đứt những sản phẩm tại chợ truyền thống.
Để đảm bảo nguồn cung cho các hệ thống siêu thị cũng như độ an toàn cho rau, các hợp tác xã ở Ấp Đình phải lên kế hoạch trồng rau luân canh cho các xã viên để ngừa sâu bệnh và cải tạo đất. Nhờ đó mà những nông dân Ấp Đình vẫn cung cấp đủ những mặt hàng rau củ quả cho các siêu thị trong suốt một năm.
Để đảm bảo chất lượng rau theo tiêu chuẩn Viet GAP khi đưa ra thị trường, các hợp tác xã ở Ấp Đình thường xuyên lấy mẫu tự nhiên để gửi kiểm định, cũng như phải qua các khâu kiểm tra khắt khe của các siêu thị. Anh Nguyễn Anh Tuấn, một người đi thu mua rau cho hợp tác xã Phú Lộc kể: “Trong quá trình đi mua rau từ các xã viên, chúng tôi để ý hộ nào làm ăn lem nhem là báo cáo để tổ chức kiểm tra, nếu mẫu không đạt chất lượng chúng tôi loại bỏ để giữ uy tín cho thương hiệu cũng như làng rau Ấp Đình.”
Về phía nông dân muốn tham gia vào chương trình Viet GAP phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt trong sản xuất. Ông Nguyễn Văn Trình, sáu mươi sáu tuổi, một xã viên thổ lộ: “Chúng tôi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải có nguồn gốc rõ ràng và nằm trong danh mục cho phép. Trước khi thu hoạch luôn phải có thời gian cách ly (dừng phun thuốc theo quy định trước khi thu hoạch), ngoài ra phải ghi nhật ký từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch. Tuy đó là những cái khó cho đa số nông dân lớn tuổi như tôi nhưng sau một thời gian tôi cũng thấy không khó lắm. Cơ bản là trồng rau Viet GAP đầu ra được bảo đảm và không làm hại người tiêu dùng.”
Ấp Đình đang thay da đổi thịt nhờ những luống rau an toàn xanh tốt. Đây là một trong số ít địa phương mạnh dạn sản xuất rau an toàn bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng một cách khoa học, tránh tình trạng gieo trồng không có kế hoạch nên dễ bị sâu bệnh, mất mùa và khó khăn trong việc tiếp thu khi chuyển giao kỹ thuật.
ĐINH MƯA

Tuần báo CGvDT số 1947, tr. 30-31.