Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

ĐĐVU 09 / NÂNG CAO Ý THỨC TU HỌC CỦA NỮ PHÁI / Cát Tường

Image result for caodai
Ảnh: Arienne Parzei (seeyousoon.ca) 

Trong những lần Hội Thánh Truyền Giáo mình có lễ lớn, chị em bạn đạo các nơi tụ hội về Trung Hưng Bửu Tòa, hễ gặp nhau lại hay xúm xít hàn huyên, tâm sự nhiều điều. Có lần, một chị từ họ đạo L.B. kể với tôi, giọng bức xúc. Đại để thế này:
Chị cất công ra quầy sách của Ban Kinh Hộ ở Hội Thánh mình thỉnh một số kinh sách của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo và đem về một dòng tu nữ của Hội Thánh mình để giới thiệu nữ phái trau dồi, nâng cao trình độ giáo lý... Nhưng có vài chị nữ tu lắc đầu bảo: “Đạo Thầy chuộng học trò dốt chớ không cần học nhiều. Học nhiều thì hay ỷ giỏi chữ giỏi nghĩa rồi canh cải mất chơn truyền. Cứ tu dốt cũng về với Thầy Mẹ. Bằng cớ hồi mới truyền đạo ra Trung, Thầy tuyển chọn các môn đệ là thiếu niên nhỏ tuổi, học hành đâu có bao nhiêu, thế mà ngày nay vẫn lập thành Hội Thánh lớn đó! Không thấy sao?”
Tôi nghe kể cũng muốn… bức xúc như chị bạn nọ, nhưng lòng vẫn mong rằng ý kiến đó chỉ là cá biệt của một vài người, rất ít ỏi trong hàng ngũ chị em chúng ta.
Nhớ tới chuyện ấy tôi suy nghĩ và thử chia sẻ xem nữ tín đồ chúng mình có cần học không? Học những gì, học ở đâu, học vào thời gian nào?
1. Từ ngày khai Đạo đến nay đã gần chín mươi năm, chỉ hơn mười năm nữa là Đại Đạo tròn một trăm tuổi. Một thế kỷ qua đi là có biết bao điều đáng nói.
Về những ứng dụng trong đời sống xã hội, khoa học kỹ thuật đã có sự tiến bộ thần tốc, vượt bực để phục vụ con người. Máy móc, phương tiện sử dụng cho con người đều là những thành tựu từ công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, y học... Họ miệt mài tìm kiếm những kết quả ngày một tốt hơn ngõ hầu làm cho đời sống con người trên mặt đất ngày càng thoải mái, sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn.
Ấy là sự tiến bộ về phương diện vật chất; và để đạt được những điều đó, người ta đều phải tích cực học tập, mở mang sự hiểu biết, giỏi giang trong tính toán mới có thể phát minh, sáng chế những máy móc phương tiện hiện đại phục vụ loài người.
Vai trò của người phụ nữ ngày nay đã có nhiều thay đổi chứ trước đây vẫn còn khiêm tốn lắm. Thế kỷ trước, chị em chúng ta đâu được học hành nhiều, thường chỉ được học nữ công, gia chánh... Nếu chị em nào thuộc hàng danh gia vọng tộc, con nhà khá giả thì được học thêm phần lễ chứ ít được chú trọng chữ nghĩa để mở mang trí tuệ.
Thế thường là vậy, còn nữ tín đồ mình thì sao? Chị em chúng ta đa phần là giới bình dân nên hầu như không được học hành nhiều. Nữ tiền bối Trần Doãn Cơ (sau đắc quả vị Bảo Thọ Thánh Nương) được theo học thầy Huỳnh Ngọc Trác (Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn), đây là một trong mấy trường hợp hiếm hoi.
Thời kỳ mới đưa Đạo về Trung, luôn luôn lo lắng, thương yêu, tội nghiệp cho đám con gái nên Đức Mẹ thường giáng đàn dạy dỗ nữ phái ráng lo tu học:
“Điều quan trọng là ngày nay nữ phái thất học, đành chịu phận quê mùa, kiến thức chưa mở mang, lý tưởng chưa đầy đủ, nghe đâu tin đó, mê tín dị đoan, dễ bị tà ma gạt gẫm. Mẹ đau lòng cho lập NỮ PHÁI LIÊN ĐOÀN và dạy các con có hai điều trước nhất:
- Chị em đoàn kết, thương yêu dìu dắt, nhắc nhở nhau.
- Vận động chống nạn thất học ở nữ lưu, hầu sớm dắt nhau lên con đường tân đạo đức.” [1]
Đạo mới sơ khai thôi mà Đức Mẹ đã vận động chống nạn thất học ở nữ lưu, huống chi nữ tín đồ chúng ta hôm nay, nền Đạo Kỳ Ba trải qua tám mươi tám năm thì sự học của chị em ta là một yêu cầu càng phải được coi trọng.
“Nhìn lên cao. Học rộng thêm nữa, tìm cách vươn lên cao mãi.” Louis Pasteur (1822-1895). Dù là đời hay đạo, sự học lúc nào cũng cần thiết, không bao giờ là đủ. Từ cổ chí kim, chúng ta thấy rõ cách đối nhân xử thế giữa người hiểu biết (và ngược lại) rất khác biệt nhau, cũng do sự học.
2. Chính vì vậy nữ tín đồ chúng ta nhất thiết phải mở mang hiểu biết, để làm gì? và bằng cách nào?
- Lớp trẻ: Cần trau dồi văn hóa, chuyên môn để kịp sự tiến hóa của xã hội song song với việc rèn luyện đạo đức của người tín đồ.
- Lớp trung niên hoặc lớn tuổi hơn: Chúng ta không còn hoặc ít điều kiện tham gia công việc ngoài đời thì hãy thiên về mặt tinh thần hay tâm linh, tìm hiểu tư tưởng đạo giáo. Điều đó sẽ giúp chúng ta rất nhiều trên đường tu học.
Có người nghĩ rằng cần chi phải học cho nhiều, ngày xưa quý tiền bối có học nhiều đâu mà vẫn đạt phẩm vị khi quy thiên? Cũng có đấy! Nhưng thử hỏi một trăm năm trước và một trăm năm sau, sự tiến hóa xã hội có chịu đứng yên? Những thay đổi không ngừng kéo theo văn hóa, tư tưởng của con người (nhất là lớp trẻ) thay đổi theo chiều hướng mới. Về vấn đề tín ngưỡng tâm linh, họ không dễ tin một cách mù quáng mà thường tìm hiểu kỹ, dựa trên những lý luận tôn giáo vững chắc, đi kèm đức tin. Một số khác còn có sự phản biện, tỏ ra hoài nghi bởi chuyện buôn thần bán thánh đội lốt tôn giáo. Đó là điểm khác biệt rõ ràng của thời nay so với thời kỳ mở Đạo. Chính điều đó làm công cuộc truyền giáo trở nên khó khăn hơn.
Nam mô nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai. Đại Đạo hoằng khai đứng hàng thứ nhất trong Ngũ Nguyện; mà muốn hoằng khai thì cần phải làm cho nhơn sanh, chúng dân đều biết đến Đạo, biết thánh sở, biết tín đồ Cao Đài, nhất là còn phải biết đến nữ phái – vì nữ chiếm số đông trong hàng ngũ tín đồ.
Vậy, người nữ tín đồ có góp phần làm cho Đại Đạo hoằng khai được không? Chắc chắn được! Ngoài những vị lãnh trách nhiệm trong công tác phổ tế, phước thiện... có diện hoạt động rộng thì nữ tín đồ chúng ta cần chứng tỏ được đạo hạnh, sự hiểu biết lý Đạo cao siêu, ưu việt của tôn giáo mình cho người ngoại giáo thấy và hiểu, giải thích cặn kẽ những thắc mắc cần giải đáp... Nếu mỗi nữ tín đồ đều làm được vậy thì lo gì cơ Đạo không sớm thành công.
Người xưa nói: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Ra vậy, cái gì cũng cần phải học. Trong bổn đạo ta, có người nói: Học chi cho nhiều, ỷ mình giỏi, làm theo ý mình, lần lần mất chơn truyền của Đạo. Có đúng thế không? Chúng ta cần xem xét kỹ. Thật ra, một người tin Đạo, yêu Thầy thật lòng, một tín đồ chân chính thì dù có tài giỏi bao nhiêu cũng giữ vững Thiên điều, giới luật, không thể đi chệch hướng, làm sai lệch chánh pháp của Đạo Thầy. Ta học những gì thuộc về đạo pháp, giữ vững, đi theo đúng đường lối, tôn chỉ, mục đích Đại Đạo thì chẳng bao giờ mất chơn truyền được. Muốn vậy ta cần:
- Học và làm theo thánh giáo: Thánh giáo là một kho tàng khổng lồ chứa biết bao lý Đạo cao siêu, bao nhiêu lời hay ý đẹp mà Thầy Mẹ, chư Phật Tiên Thánh Thần dạy dỗ. Chúng ta cần học, hiểu và hành. Nếu thuộc lòng được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, để luôn được nhắc nhở, ngăn ngừa mình khỏi làm điều sai trái.
- Tân Luật, Pháp Chánh Truyền: Chúng ta cần biết rõ để giữ đúng giới luật, làm đúng các quy định Thiêng Liêng đã dạy. Nhờ đó mà giữ mình, phát triển mình trở nên người đạo hạnh, tôn trọng đạo pháp.
- Kinh sách Đại Đạo: May mắn vô cùng cho tín đồ chúng ta hôm nay khi nguồn kinh sách nhà Đạo vừa phong phú về nội dung, vừa rất đẹp về hình thức. So với kinh sách nhà Đạo được in xưa nay, thì sách của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo luôn luôn dùng loại giấy ngoại nhập trắng nhất, tốt nhất. Quan trọng hơn thế nữa là các câu văn, chữ nghĩa rất được chăm chút; lỗi chánh tả hầu như không có, từ ngữ điển tích Đông Tây được giảng giải kỹ càng... Thế mới biết quý huynh tỷ phụ trách Chương Trình đã dày công nhọc trí như thế nào!
Chịu khó đọc kỹ trên bảy mươi quyển do Chương Trình Ấn Tống thực hiện và đã phát hành rộng khắp, với nhiều thể loại và chủ đề phong phú khác nhau, chúng ta có dịp lãnh hội những trang thánh ngôn, thánh giáo cao siêu mà thật gần gũi với cuộc đời tu học. Chúng ta biết thêm nhiều gương sáng hy sinh hành đạo của quý tiền bối khả kính để lấy đó làm gương cho mình tu học, vượt qua thử thách. Chúng ta thưởng thức nhiều mẩu chuyện đạo lý góp nhặt Đông Tây kim cổ để chứng minh cho câu Vạn Giáo Nhứt Lý. Chúng ta cũng được những giây phút rung cảm theo những áng thơ hay và đẹp của đạo hữu Cao Đài để mà vui mừng biết rằng đồng đạo chúng ta đang làm giàu thêm cho văn hóa Cao Đài, góp phần phụng sự văn hóa đạo đức của dân tộc…
Một nguồn sách đạo bổ ích như thế, lại được biếu tặng miễn phí! Nếu chị em chúng ta vì lý do này hay lý do khác mà không trang bị đầy đủ cho tủ sách gia đình, không dành thời gian để đọc kỹ, suy gẫm… há chẳng là uổng phí biết bao! Trí tuệ, kiến thức nữ phái chúng ta làm sao mở mang?
3. Chúng ta sẽ học như thế nào? Ở đâu?
Với những nữ tín đồ có yêu cầu học để chu toàn nhiệm vụ giáo hóa nữ đồ, nâng bậc phẩm vị, thì có Hội Thánh tổ chức những lớp bài bản dài ngày, ngắn ngày: năm năm, ba năm, một tháng, một tuần...
Còn nữ tín đồ cấp thấp hơn hoặc hàng đạo tâm thì rất dễ dàng. Ta có thể học tất cả điều hay ở người chung quanh mình, hoặc rút tỉa điều dở từ họ để bản thân tránh vết xe đổ của họ. Cho nên Đức Khổng Tử dạy: Ba người cùng đi ắt có người làm thầy ta. (Luận Ngữ, Thuật Nhi)
Nữ tín đồ chúng ta còn học bằng cách nghe giảng đạo trong những ngày sóc vọng ở thánh thất, thánh tịnh, sinh hoạt Thiên bàn, giáo lý hằng tuần...
Dễ hơn nữa là tự học bằng cách đọc kinh sách. Có thể khi nghỉ ngơi buổi trưa hoặc tối, mỗi ngày ta dành từ ba mươi phút đến một giờ đồng hồ để đọc. Sách in là một thuận lợi với nữ tín đồ chúng ta. Mang theo trong túi xách để tiện dịp thì lấy đọc, bớt đi thói quen nhàn rỗi thì túm tụm “buôn dưa lê” những điều vô bổ mà các cụ chê là ngồi lê đôi mách.
Làm được như thế cũng là thực hành Công Trình trong pháp môn Tam Công. Làm được như thế tức là thi hành đúng lời khuyên dạy của Đức Chí Tôn:
Theo lối thẳng góp vào chương sự
Bước Công Trình hội dự nữ nam
Thì giờ rỗi rảnh con làm
Dạy nhau lập chí lần đam đức hiền.
. . .
Bỏ những lúc nhàn dung đôi mách
Dạy từng lời tư cách tiếp giao
Bỏ xa thế lực phú hào
Dạy tôn phẩm vị đặt vào nhơn phong.
. . .
Bỏ khi lêu lổng chiều mai
Dạy nên cần mẫn giồi mài điểm linh.[2]
Tóm lại, chị em chúng ta hãy dành nhiều thời gian hơn trong việc học hỏi nâng cao hiểu biết về đạo lý, giáo lý; giữ vững đức tin, truyền rao đức tin để công cuộc hoằng dương Đại Đạo sớm được thành công như Thầy Mẹ hằng mong. Đó còn là nghĩa vụ của mỗi tín đồ chúng ta, nhất là nữ phái, hãy gắng làm theo lời Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo:
Tu đi, phải học lý cho thông
Vạn vật thiên nhiên cũng một dòng
Chỉ tại vô minh mà ám muội
Bao giờ trở lại chốn hư không.[3]
Đức Mẹ dạy:
Tu phải học hiểu qua giáo lý
Giáo lý là kim chỉ hướng nam
Cho con nhập thánh siêu phàm
Khỏi vòng luân chuyển con tằm nhộng tơ.
Học cho hiểu bến bờ mê giác
Học cho thông thiện ác đọa siêu
Học nhiều con sẽ hiểu nhiều
Hiểu hành càng kỹ càng siêu thoát về.[4]
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư nhắc nhở:
“Đạo pháp trường lưu, bao la lớn rộng, nào ai dám nói rằng mình đã hiểu rốt ráo, biết tận cùng, dầu đó là hàng Phật Tiên Thánh Thần, và các bậc ấy vẫn còn đang học đạo kia mà...” [5]
Đó! Phật Tiên Thánh Thần vẫn còn đang học đạo, hà huống là chị em chúng mình!
CÁT TƯỜNG
Thánh thất Trung Thành




[1] Hồi Ký Thanh Long. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2007, tr. 399.
[2] Tam Thừa Chơn Giáo. Phẩm Tiểu Thừa. Bài Tam Công, đàn 17-8 Canh Tý (07-10-1960).
[3] Thánh tịnh Ngọc Chiếu Đàn, ngày 05-01 Ất Tỵ (06-02-1965).
[4] Thánh tịnh Kim Thành Long, 18-02 Quý Sửu (22-3-1973).
[5] Minh Lý Thánh Hội, 01-8 Kỷ Dậu (12-9-1969).


Đại Đạo Văn Uyển trân trọng giới thiệu quý đạo hữu
blog UNDERSTANDING CAODAISM gồm các bài tiếng Anh của
HUỆ KHẢI viết về đạo Cao Đài tại địa chỉ: