Minh
Lý Thánh Hội
Tuất thời, 06-02 Quý Sửu (Thứ Bảy 10-3-1973)
Thông công: Hiệp Thiên Đài Cơ Quan
Phổ Thông Giáo Lý
Đồng tử: Hoàng Mai và Thanh Thủy.
Pháp đàn: Chơn Tâm.
THI
THIỀN định khai tâm tu luyện tánh
VẠN HẠNH THIỀN SƯ
Bần Tăng chào chư Thiên ân hướng đạo,[5]
mừng chư đạo hữu lưỡng phái [6]
đàn trung.[7]
Bần tăng xin mời chư vị đồng an tọa.
Hồi giờ Dậu tại thế gian này Bần Tăng
có hội kiến Đức Hưng Đạo Đại Vương để luận đàm đạo sự và tìm phương độ dẫn các
hàng nguyên nhân và hóa nhân [8]
trên đường siêu thoát. Vừa xong Bần Tăng trở lại đây để cùng chư đạo hữu luận
đàm đạo sự.
(...)
Chư đạo hữu! Thật là một vinh hạnh
cho chư đạo hữu Minh Lý Thánh Hội trong thời kỳ đại ân xá đã và đang hạnh ngộ
Đức Hưng Đạo Đại Vương. Không nệ sự khó nhọc nơi chốn hồng trần ô trược này,
Người đã đến đây dìu dắt dạy dỗ chư đạo hữu mọi phương diện tu học để có thể
trở nên hàng hướng đạo uyên thâm tại thế gian và đắc vị Tiên Phật ngày căn viên
quả mãn.[9]
(...)
Lời Tiên Phật đã từng dạy trước kia
rằng sau đây sẽ có Tiên Phật xuống phàm gian [10]
tiếp tay Thượng Đế dìu dắt nguyên căn, độ dẫn sanh linh quy hồi cựu vị.[11]
Có nhiều người hiểu lời dạy đó như
vầy: Sau này sẽ có Tiên Phật hiện thân xuống thế gian đủ đầy phép tắc, phép
thuật nhiệm mầu, siêu nhân quán chúng.[12]
Sự hiểu ấy không đúng chân lý đạo, vì
cõi thế gian là cõi hữu thể hữu chất nhưng vô thường.[13]
Trong cái hữu thể hữu chất ấy, có con người là tối linh, trong con người đã có
Thiên tính, có Phật tâm. Khi con người ngộ đạo, tu tâm luyện tính thì tâm tính
sẽ phát huệ, hiểu đường chơn nẻo giả, lẽ siêu lẽ đọa.
Tiên Phật không phải hiện thân người
đâu, nhưng khi người đã biết chế ngự phàm tâm, nuôi dưỡng Thánh tâm, phát triển
Thiên tâm, đó là mối dây hoặc vị trí để điển lành của các Đấng trọn lành nương
vào đó để làm những công việc của Phật Tiên Thánh Thần giúp thế độ đời. Đó là
hình thức thay hồn đổi xác tạm thời, tùy cơ tâm [14]
của mỗi người hành đạo mà ứng mà hiện vào ý nghĩ, lời nói đến việc làm.[15]
Thế nên Thiêng Liêng đã đặt các cơ
cấu hành đạo mang danh Hội Thánh là thế đó.
Hội Thánh là cơ sở của chư thánh hội
hiệp để làm thánh sự, suy nghĩ thánh ý, phát xuất thánh ngôn. Cơ duyên sắp bày
đưa đẩy các hàng nguyên căn từ Nhứt Kỳ Phổ Độ, từ Nhị Kỳ Phổ Độ đến Tam kỳ Phổ
Độ, trải qua một chuỗi dài tiến hóa trui rèn luyện đúc bản linh chơn tánh. Ngày
nay, nếu vị nào còn hiện diện trong lãnh vực xả thân giúp đời hành đạo, tế
chúng [16]
dìu nhân, xem công danh phú quý, lợi lộc tiền tài nhẹ hơn sứ mạng thế Thiên
hành hóa,([17])
đó là những hàng nguyên căn sắp đỗ đạt đến nơi vào hàng
Tiên Phật.
Chư đạo hữu ngày hôm nay còn đeo đuổi
việc tu học hành đạo, đó không phải duyên nhứt kiếp ngộ nhứt thời đâu, mà đó là
những hạt chuỗi kết xâu liên tục trong nhiều kiếp dĩ vãng.
(...)
Nói về lãnh vực tu học thì tất cả là
huynh đệ tỷ muội bình đẳng dưới mái thánh đường.
Còn nói về lãnh vực hành đạo thì phải
có tôn ty trật tự, kính nể thương yêu lẫn nhau. Trong hàng huynh đệ tín hữu
không nên vì trội hơn một vài lãnh vực nào đó hơn cấp lãnh đạo mà lờn dể uy
quyền đức độ đối với đàn anh được giao phó. Nhưng cũng không nên giao phó tất
cả [việc đạo cho lãnh đạo] thiếu sự xem xét thiệt hư để giúp đàn anh hành tròn
nhiệm vụ.
Còn đứng về phương diện cấp lãnh đạo
tinh thần, không phải vì sự được Thiêng Liêng thương yêu trìu mến hộ trì, ban
phát quyền uy rồi dụng cái quyền vượt phạm vi đạo pháp và ngăn cách giữa tình
huynh đệ đồng môn.
Hai lãnh vực ấy cần được nương nhau,
phối hợp nhau, tương trợ nhau để cùng hành đạo tiến hóa trên đường thánh thiện.
Xưa kia, trong giới tu hành đã vấp
phải một điều đáng tiếc, đó là khi được tôn sư thì bao nhiêu các hàng tín hữu
đều nhắm vào vị sư ấy rồi quên xét về phương diện chánh pháp.
Ngày nay chư đạo hữu nên tránh vết xe
đã gãy đổ của hai thời kỳ ấy, vì khi còn mang nhục thể mấy ai được toàn thiện,
toàn mỹ, toàn chân.
Câu Thiên nhân hiệp nhứt đã
thể hiện trong Hội Thánh. Trên có Thiêng Liêng vạch đường chỉ nẻo, dưới có cấp
lãnh đạo tinh thần làm giới trung gian để dìu dắt sanh linh. Trong hàng sanh
linh ráng lo tu học tu hành để tiến lên thay lần cấp lãnh đạo trong luật tre
tàn măng mọc. Đó là một chuỗi dài thường hành tiếp nối.
Chư đạo hữu ý thức và hành đạo được
như vậy mới khỏi phụ lòng dạy dỗ của Hưng Đạo Đại Vương và khỏi phụ lòng nuôi
dưỡng dẫn dắt của Thiền Sư Bác Nhã.
(...)
Bần Tăng xin giã từ lui điển.
Thăng.
[3] Nguyên căn 原根 (nguyên
khách 原客, nguyên
nhân 原人): Những linh căn 靈根 nguồn gốc từ cõi trời, xưa kia nhận lãnh sứ
mạng xuống thế gian độ đời.
[9] Căn viên quả mãn (căn quả
viên mãn): Nhân quả trả xong, công tu tròn vẹn đủ đầy.
[12] Siêu nhân 超人: Vượt
lên tất cả mọi người (transcending all people). Quán chúng 冠眾: Đứng đầu, giỏi hơn hết mọi
người (the best of all).
[15] Xem thêm lời Đức Lý Giáo Tông dạy
ông Geoffrey Hodson (1886-1983) và bà Sandra Chase tại Huờn Cung Đàn (Tam Giáo
Điện Minh Tân, Sài Gòn) ngày 17-9-1959:
Geoffrey
Hodson và Sandra Chase nhị hiền. Bất ngờ thay! Diễm phúc thay! Đây không phải
là lần đầu tiên, mà đã nhiều lần Lão đến với nhị hiền trong vài trường hợp và
nhị hiền nên lấy trực giác để biết điều ấy.
Quả
thực, những mối liên lạc giữa Lão với nhị hiền, cũng như giữa nhị hiền với
Christ luôn luôn hòa quyện lẫn nhau. Nếu nhị hiền biết rằng nhiệm vụ của nhị
hiền trên đời này là hết lòng trợ giúp tất cả chúng sanh bằng cách phổ thông
phổ truyền lẽ đạo Trời, thì đó là nhị hiền bắc một nhịp cầu đưa nhị hiền trở
lại với Thượng Đế.
Lão luôn
luôn sống trong tâm nhị hiền. Nhiều phen, nhị hiền đã ngỡ ngàng khi biết ra
điều đó. Rồi liền ngay khi Lão xuất ra, nhị hiền có được một tư tưởng lành để
trợ giúp loài người.
Huệ Khải chú thích (21-4-2014)
*
* Nếu
bạn nhận chân rằng Thượng Đế ở trong bạn, thì đó là tri thức chân thật.
Sri
Ramakrishna (Ấn Độ, 1836-1886)