Theo truyền thống đạo đức Á Đông từ ngàn xưa, dân tộc Việt Nam ta
vẫn luôn xem hiếu hạnh đứng đầu trăm nết tốt qua câu Nhơn sanh bách hạnh hiếu vi tiên. Và cũng xuất phát từ truyền thống
hiếu đạo này mà dân gian ta lại có câu: Sự
vong như thể sự tồn, nghĩa là phụng thờ ông bà tổ tiên đã khuất như lúc các
vị còn sống. Chính vì thế mà trong nhà hầu hết các gia đình người Việt đều có
bàn thờ gia tiên với hoa quả hương đăng cúng kính hằng ngày.
Ngoài ra, hằng năm con cháu còn tổ chức lễ giỗ, kỷ niệm ngày thoát xác
của ông bà cha mẹ. Vào những ngày giỗ kỵ này, tùy theo điều kiện của mỗi gia
đình, người ta thường làm mâm cơm cùng các thức bánh ngon truyền thống như bánh
ít, bánh tét, v.v… để dâng cúng người đã khuất. Nhiều gia đình tổ chức lễ giỗ
thật linh đình với đủ các món cao lương mỹ vị. Ở vùng nông thôn, nhiều nhà còn
mổ heo mổ gà rồi mời cả làng đến dự, chè chén say sưa.
Truyền thống hiếu đạo tưởng nhớ tổ tiên ông bà của người Việt Nam thật
đáng quý, tuy nhiên, về hình thức tổ chức giỗ kỵ như thế đã đúng chưa, chúng ta
cần phải xem xét lại.
Từ khi đạo Cao Đài ra đời, qua phương tiện cơ bút, các Đấng Phật Tiên
Thánh Thần đã ban truyền cho nhơn sanh rất nhiều thánh ngôn thánh giáo, trong
đó có cả lời dạy về ý nghĩa và cách thức tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ người thân đã
quá vãng.
Thật vậy, Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn đã chấn chỉnh những suy nghĩ sai
lầm của thế nhân trong việc cúng giỗ như sau:
“Hằng năm, đến ngày kỵ giỗ ông bà tổ
tiên nơi nhà thờ phụng tự, nếu tất cả con cháu còn tưởng nhớ đến người được
tưởng nhớ, thì dù có phương tiện gì cứ theo phương tiện ấy mà đến thể hiện lòng
thành của mình. Chớ nên mang ý nghĩ rằng đến ngày kỵ giỗ tiên nhơn [1] rồi, trong nhà thì nghèo túng, biết làm món gì để cúng và đãi khách bây
chừ, rồi đi chạy nợ chạy nần để lo tròn những cỗ đầy thịnh soạn. Đối với những
hàng họ ở xa cũng nao nao trong lòng rằng nếu không đến thì xem chừng không
được, mà đến lễ ông bà thì phải có vật gì đây. Và tất nhiên phải cố gắng lo đủ
lễ phẩm vật để cúng dường tiên tổ cho hả lòng theo thông lệ nhân gian. Hơn nữa,
nếu người đời mượn giỗ kỵ để chung nhau ẩm thực say sưa, không ơn ích gì cho
tinh thần mình, chỉ miễn cưỡng trả rồi cái lệ giả tạo hời hợt ấy thôi. Lão muốn
chư hiền đệ muội và các cháu lưu ý điều đó.” [2]
Nhiều năm trước đó, Ngài đã dạy về cách tưởng nhớ tổ tiên đúng nghĩa
nhất:
“Nếu còn tưởng đến Lão thì hãy làm và
làm cho thật nhiều những gì Lão đã truyền dạy khi còn sanh tiền và những điều
đã dạy xuyên qua các đàn cơ từ ngày Lão thoát xác đến giờ. Nếu đặt vấn đề sùng
phụng cúng bái Lão mà không làm được việc đạo có ích lợi cho gia đình và cho
nhơn sanh thì Lão khuyên nên tạm gác phần cúng bái mà thiếu
ý nghĩa đó.” [3]
Một lần khác, Ngài căn dặn:
“Cúng tế các Đấng vô hình là để trọn
lòng cung kính. Dầu một cây nhang, một chung nước mà thể hiện được lòng thành,
vẫn được chứng nhận như đại lễ. Đừng sát sanh hại vật cúng tế như thời kỳ thứ
hai [4] mà không nên và phản
tiến hóa.
Bần Đạo muốn nói về lãnh vực cúng tế
để cho các cháu quan niệm rõ ràng cái chơn lý của nó. Mỗi sinh vật đều có thực
phẩm riêng biệt của nó. Mỗi thế giới đều có sự sinh hoạt riêng biệt, nhưng cái
chơn lý duy nhứt là tâm thành cùng tư tưởng và đức tin để giao cảm nhau. Đừng
quan trọng quá hình thức cúng tế mà phạm tội sát sanh.” [5]
Về ý nghĩa và tác dụng của việc tổ chức ngày giỗ kỵ, tế lễ tiên linh, Đức
Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy như sau:
“Người xưa để phần hương hỏa lại cho
phủ thờ không phải đánh giá ở sự nhiều hoặc ít, mà chỉ đánh giá ở tinh thần
thương yêu gắn bó giữa con cháu của bổn tộc đó. Vì hễ phần hương hỏa là không
ai được quyền bán. Nhờ đó mỗi năm tới ngày lễ kỵ, các tông chi trong bổn tộc
đều tựu họp quây quần về đó để gặp mặt nhau, thăm viếng nhau, han hỏi nhau nỗi
thành bại hưng vong, vui buồn đắc thất, còn mất của người thân. Đó là mối tình
nhứt thống của bổn tộc mà người xưa đặt điều lệ rồi trở thành tập quán, và đó
cũng là điển hình cho mối tình ‘Cây có cội, nước có nguồn, chim
có ổ, người có tổ tiên’, và đó cũng nhắc cho con người phải nhớ giống dòng dân
tộc quốc gia mà đừng chia cắt lãnh thổ, phân rẽ giống nòi dân tộc.
Đó ý nghĩa trọng đại của phần hương
hỏa đã nói lên ý nghĩa cao quý như vậy, chớ không phải người xưa để phần hương
hỏa rồi bắt buộc con cháu phải thờ phượng cúng kiếng cho mình đâu. Vì khi rũ bỏ
thể xác, linh hồn sang qua sinh sống ở một thể xác khác hoặc thế giới này hoặc
thế giới khác. Có hiểu như vậy mới đánh giá được ngày giỗ kỵ tế lễ tiên linh.” [6]
Trong một lần giáng đàn tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý vào ngày 26-8-1969,
Đức Diệu Hạnh Tiên Cô dạy đạo tỷ Ngọc Kiều ([7]) về trường hợp mẫu thân của đạo tỷ là
bà Nguyễn Thị Hồ đã quá vãng như sau:
“Hiện giờ hiền muội Ngọc Kiều đã có
công tu bồi âm chất trong mọi mặt để trợ giúp cho mẫu thân. Trong lúc đó còn
những người khác trong gia quyến lại sát sanh hiến lễ trong ngày kỷ niệm. Biết
rằng linh hồn đã qua một thế giới khác, không thể nào ẩm thực những lễ vật hiến
tế của thế giới này, nhưng nếu thân nhân nói rằng vì ngày kỷ niệm cho linh hồn
người này tôi sát sanh để cúng tế, linh hồn đương nhiên phải gánh nặng thọ lãnh
phần sát sanh đó.
Ngu Tỷ thường thường gặp gỡ hiền tỷ
Nguyễn Thị Hồ, chỉ dùng lời đạo đức khuyên giảng chớ không làm cách nào hơn
trong sự cứu rỗi. Ngu Tỷ xin chuyển lời của hiền tỷ đến hiền muội Ngọc Kiều:
Nếu vì quyền hạn hoặc uy tín đức độ của hiền muội có giới hạn đối với người anh,
không thể độ dẫn vào đường đạo lý để cùng góp sức siêu bạt cho vong linh hiền
tỷ, thì cũng cố gắng khuyên người anh đừng sát sanh hại vật trong ngày lễ giỗ.
Nếu có lòng thành thương mẹ, chỉ sắm hoa quả hương đăng với tấm lòng thanh
tịnh, anh chị em út lớn bé trong nhà hãy thương yêu hòa thuận trong bầu không
khí yên lặng để tưởng nhớ đến mẹ hiền, sẽ có hiền tỷ về chứng lễ.
Nhân tiện đây, Ngu Tỷ cũng xin trình
bày khía cạnh đó cho quý hiền huynh, hiền tỷ còn tại tiền có quan niệm về sự
hiến tế người quá vãng.
Với luân lý của người Việt Nam, phần
lớn ảnh hưởng về Khổng Giáo, đã xem sự sanh như thể sự tồn. Do đó, đến ngày kỷ
niệm thân nhân quá vãng, đều sắm lễ vật hiến dâng để thể hiện ‘Cây có cội, nước
có nguồn, chim có tổ, người có tông’, làm gương hiếu đạo cho con cháu hậu tấn.
Đó là việc làm quý báu. Nhưng sự cúng tế phải trọng tâm về mặt tinh thần hơn là
mặt vật chất.
Một thí dụ: Người sống tại thế gian
này, mỗi quốc gia dùng tiền tệ mỗi khác, từ quốc gia này sang du lịch hoặc
thương mãi ở quốc gia khác phải đổi tiền tệ khác.
Một thí dụ khác: Người trước khi lìa
bỏ cõi đời này, từ bịnh nhẹ đến bịnh nặng, lần hồi không ăn không uống, rồi dứt
hơi thở cuối cùng. Có thể nói vì không ăn uống để thu nhập sự dinh dưỡng mới
gọi là chết. Khi qua thế giới khác, linh hồn phải tùng theo mọi sinh hoạt ở thế
giới đó, đâu thể nào trở lại dùng thực phẩm ở thế giới này. Do đó sự cúng tế
trong đạo Cao Đài tuyệt đối không dùng giấy tiền vàng bạc, giấy đất đồ mã cùng
sát sanh để hiến lễ. Nếu có làm vì muốn đáp ơn trả nghĩa thì làm một dịp khác,
đừng nói rằng sát sanh để cúng người quá vãng mà tội
nghiệp cho linh hồn.”
Đức Ngọc Lịch Đại Tiên năm xưa cũng đã từng dạy ái nữ của Ngài là đạo tỷ
Bạch Tuyết [8] về việc tổ chức lễ giỗ của Ngài:
“Bạch Tuyết nhục nữ! Ta mừng thương
cho con được noi chí Ta mà hành đạo. Vậy ngày kỷ niệm thoát xác của Ta đúng với
ngày phái đoàn khởi hành thăm viếng miền Trung. Con vì lòng hiếu đạo có thể sắm
một nhành bông, một trái cây, một chén bạch thủy, vào đầu giờ Mẹo mùng 2 tháng
9 Mậu Thân. Ta sẽ đến chứng cho con tại bàn thờ Tiền Bối quá vãng, rồi con kịp
giờ khởi hành cùng phái đoàn. Khi biết được Đạo, muốn báo đáp hiếu thân thì con
hãy hành cho được cái đạo và cái chí của Ta năm xưa mới là đáng kể, chớ phần hình
thức trang trọng đối với Ta không thành vấn đề.
Các cháu con đến ngày kỷ niệm Ta hãy
tụ họp lại Vĩnh Nguyên với lễ nghi đơn giản và đạm bạc. Cần yếu là soạn lại
những lời của Ta đã dạy từ mấy năm qua và hành cho được cái lý đạo đó. Có Ta
đến chứng lễ cho.” [9]
Qua các lời dạy trên đây của Thiêng Liêng, chúng ta có thể ghi nhớ những
điểm chính yếu sau đây:
<1> Không được sát sanh để cúng tế vong linh người thân trong các
ngày giỗ kỵ, vì làm như vậy chẳng những người còn sống mang tội sát sanh mà
người quá vãng cũng phải gánh chịu nghiệp quả nặng nề ấy, khó mong siêu thoát
khỏi địa ngục A Tỳ hoặc thăng tiến phẩm vị thiêng liêng.
<2> Sau khi rũ bỏ nhục thể, linh hồn hoặc đi đầu thai mang một thể
xác khác hoặc sang qua một thế giới khác, đâu thể nào dùng những thực phẩm mà
người còn sống cúng tế. Vì thế, tưởng nhớ đến tổ tiên ông bà, chỉ cần sắm hoa
quả hương đăng dâng cúng với tấm lòng thanh tịnh. “Dầu một cây nhang, một chung nước mà thể hiện được lòng thành, vẫn
được chứng nhận như đại lễ.” [10] Tuyệt đối không đốt giấy tiền vàng
bạc hay đồ hàng mã.
<3> Tưởng nhớ đến tổ tiên ông bà cha mẹ, điều quan trọng và ý nghĩa
nhất là phải biết noi theo tấm gương đạo đức của người xưa, sống và làm theo
lời dạy dỗ của người xưa để lại hoặc lập thân hành đạo làm rạng rỡ tông môn và
cứu độ cửu huyền thất tổ, chứ không phải tưởng nhớ bằng cách tổ chức cúng tế
linh đình tốn kém.
<4> Các ngày lễ giỗ hằng năm trong gia tộc là dịp để bà con họ hàng
quyến thuộc tụ họp quây quần, gặp gỡ thăm hỏi nhau hầu gìn giữ và thắt chặt
thêm mối tình gia tộc huyết thống. Đôi khi hàng xóm láng giềng cũng được mời
đến tham dự, góp phần củng cố thêm tình làng nghĩa xóm và truyền thống đoàn kết
dân tộc.
Mong rằng người tín hữu Cao Đài sẽ luôn thực hành đúng lời dạy của các
Đấng thiêng liêng trong Tam Kỳ Phổ Độ để góp phần làm tăng thêm nét đẹp văn hóa
đạo đức của truyền thống hiếu đạo tưởng nhớ tổ tiên từ ngàn xưa của dân tộc
Việt Nam .
DIỆU NGUYÊN
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo
[2] Vĩnh
Nguyên Tự, 03-12 Tân Hợi (18-01-1972).
[3] Thánh
tịnh Ngọc Minh Đài, 01-12 Bính Ngọ (11-01-1967).
[4] Thời
Nhị Kỳ Phổ Độ.
[5] Vĩnh
Nguyên Tự, 21-6 Kỷ Dậu (03-8-1969).
[6] Vĩnh
Nguyên Tự, 21-6 Kỷ Dậu (03-8-1969).
[7] Thế
danh Lê Thanh Kiều, nguyên Chủ Tịch Nữ Chung Hòa, đắc quả vị Hồng Quang Thánh
Nương.
[8] Thế
danh Lê Ngọc Trang, nguyên Cố Vấn Nữ Chung Hòa, đắc vị Quán Pháp Chơn Tiên.
[9] Minh
Lý Thánh Hội, 28-8 Mậu Thân (19-10-1968).
[10] Đức
Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, Vĩnh Nguyên Tự, 21-6 Kỷ Dậu (03-8-1969).
Đại Đạo Văn Uyển trân
trọng giới thiệu quý đạo hữu
blog UNDERSTANDING CAODAISM gồm các bài
tiếng Anh của
HUỆ KHẢI viết về đạo Cao Đài tại địa chỉ:
|