Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

ĐĐVU 10 / GIÁO XỨ ĐẠ TẺH TRÊN VÙNG ĐẤT MỚI

Image result for RAU SẠCH

Trước vấn đề an toàn thực phẩm cho cộng đồng người Việt, phải cứu lấy sức khỏe của dòng giống Lạc Hồng, toàn xã hội hãy cùng có ý thức rõ rệt và quyết tâm thay đổi cách trồng trọt, bán buôn nông sản…
Đạo Cao Đài dạy môn sanh đem đạo cứu đời. Không cứu lấy bữa ăn chay của chính chúng ta thì còn hòng cứu đời ở xa vời chốn nào nữa?! Người nông dân tín hữu Cao Đài và nông dân tín hữu các tôn giáo phải nghĩ gì? làm gì? Phổ độ chúng sinh để mà chi khi từ chính mâm cơm trong gia đình chúng ta mỗi ngày đều không an toàn cho sức khỏe?
Văn Uyển trân trọng chia sẻ với quý đạo hữu các bài viết sau đây từ tôn giáo bạn – các Kitô hữu.
Đạ Tẻh là một thị trấn nằm ở cửa ngõ rừng Cát Tiên, cách Tp.HCM 160km, với dân số khoảng 50.000 người, trong đó có trên 4.000 người Công Giáo. Đa số là di dân, đến từ nhiều miền trên đất nước, từ cả những miền xa xôi trên đất Bắc: Quốc Oai, Hà Tây, Hà Đông, Thường Tín, Nghệ Tĩnh hay từ rừng sâu như dân tộc Tày.
Xuất xứ khác nhau, nhưng cùng chung mục đích: trốn khỏi một cuộc sống khó khăn trên một mảnh đất ngày càng trở nên chật hẹp và cằn cỗi để tìm đến một nơi được thiên nhiên ưu đãi hơn. Đạ Tẻh đã mở rộng cửa đón tiếp họ.
Tuy nằm giữa núi đồi, nhưng Đạ Tẻh cũng có những cánh đồng bằng phẳng có vẻ như mầu mỡ với nhiều hồ nước thiên nhiên mênh mông như bể chứa một nguồn nước gần như vô tận. Có đất, có nước, đối với những người tha phương cầu thực, đây có thể là một bến đỗ đầy hứa hẹn. Và thực tế là sau những năm tháng cần cù lao động, và gặp thời, có người sở hữu đến hàng chục mẫu đất canh tác, có người có cả một cơ ngơi ngay tại thị trấn khiến không ít khách từ thành phố phải trầm trồ, thán phục.
Đi xuyên Đạ Tẻh vào những ngày cuối năm, người ta có cảm tưởng như đang đi giữa một khu triển lãm nông nghiệp, có gần như đủ cả các nông sản của đồng bằng và cao nguyên, nhưng mỗi thứ một ít: Những thửa ruộng xấp xánh nước với những bụi lúa chưa cao đủ để phủ kín mặt đất, những luống dưa hấu thẳng tắp, vườn điều, một mảng xanh cà phê đang còn điểm hoa trắng, đây đó mấy cọc tiêu, những mảnh vườn bắp mới thu hoạch…
Đạ Tẻh nay đã biến thành một thị trấn, nhà cửa tương đối khang trang, phố phường ngăn nắp, đường nhựa rộng rãi, thẳng tắp. Một thị trấn với sân vận động, ngân hàng, trường học rộng rãi, khách sạn, nhà trọ, quán ăn, quán cà phê…
… Những con đường mới ngày nào còn lởm chởm với những viên đá bằng nắm tay làm vỡ lốp xe đạp, cắt đứt các bàn chân trần, nay chỉ còn là ký ức được bà bán bánh mì ở góc phố nhắc lại với du khách như để khoe một sự thay da đổi thịt đã diễn ra với một tốc độ được đánh giá là khá nhanh.
Công Giáo tại Đạ Tẻh
Người Công Giáo cũng đã có mặt trong số các di dân ngay từ buổi đầu. Với con số trên bốn ngàn giáo dân trong một tổng dân số là 50.000 người, tỷ lệ Công Giáo của thị trấn Đạ Tẻh được xem là cao so với tỷ lệ trung bình của cả nước. Ngày 19-8-1999 Đạ Tẻh chính thức trở thành giáo xứ của giáo phận Đà Lạt nằm giáp ranh giáo phận Xuân Lộc với gần ba ngàn tín hữu người kinh và hơn một ngàn tín hữu người dân tộc, định cư tại nhiều khu vực khác nhau nhưng chỉ có một nhà thờ, được đặt dưới sự bảo trợ của Thánh Giuse Thợ.
Cùng với việc định cư và dưới sự đôn đốc của linh mục Phaolô Dương Công Hồ, vốn là cha phó của giáo xứ Madagui, được Đức Giám Mục địa phận Đà Lạt cử về làm chánh xứ Đạ Tẻh vào tháng 8 năm 1999, cộng đoàn Công Giáo tại đây đã sớm có được một ngôi thánh đường tương đối rộng rãi.
Nhà thờ Đạ Tẻh kính thánh Giuse Thợ, được hoàn tất sau gần mười bốn tháng kể từ ngày đặt viên đá đầu tiên (02-01-1998 / 23-02-1999). Tượng Thánh Giuse bế Chúa Hài Đồng, lưng mang gùi, vai đeo xà gạc cùng một bầu nước là những biểu tượng của người dân tộc sống trong núi, rừng, được đặt trước tiền sảnh nhà thờ. Một nhà dân tộc học người Việt đã xem đây như một nỗ lực hòa nhập của Công Giáo với cuộc sống của người Thượng.
. . .
Sự hiện diện của một niềm tin
Nhưng mối quan tâm mục vụ của giáo xứ tại đây còn là làm sao để sự hiện diện của cộng đoàn Công Giáo tại Đạ Tẻh, qua những biểu hiện bên ngoài này, cũng phải có nghĩa là sự hiện diện của một niềm tin, niềm tin ở tình thương của Thiên Chúa đối với con người, niềm tin vào một Tin Mừng đã được đón nhận, đang được sống và đang được loan báo cho mọi người xung quanh, không chỉ bằng các nghi lễ, lời ca, tiếng hát ở nhà thờ, mà còn bằng cả đời sống thường ngày, trên đồng ruộng, nơi chợ búa, nhà trường…
. . .
Sự phát triển bền vững
Nhưng, như cha xứ nhận định, hiện tại và cả tương lai của Đạ Tẻh trong một thời gian dài nữa, vẫn là nông nghiệp. Điều này cũng có nghĩa là môi trường sống đức tin của người Công Giáo Đạ Tẻh, trước mắt và trong tương lai, vẫn là công việc đồng áng, vườn tược và chăn nuôi.
Nhưng môi trường nông nghiệp hiện tại không còn như xưa nữa: nhiều cạm bẫy, nhiều cám dỗ chạy theo cái lợi trước mắt, bất kể cái hại về lâu về dài, bất kể cái hại người khác phải gánh chịu. Theo dõi báo chí, thông tin trong nước, quốc tế thì biết: Thế giới đang phải đối phó với một nền sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thuộc loại phá hoại môi trường, thù địch với thiên nhiên, đe dọa cả hành tinh của loài người. Đây không chỉ là cảnh báo của các chuyên gia, của các tổ chức xã hội, của các tôn giáo mà đã trở thành kinh nghiệm của gần như mỗi người.
Những thông tin trên các phương tiện truyền thông hay được truyền tai nhau trong câu chuyện thường ngày về những mớ rau, những củ, những quả vốn là những của ăn hằng ngày của con người đang dần biến thành thuốc độc, giết chết thay vì nuôi sống.
Lo âu như đang trở thành phản ứng tự nhiên của con người tiêu dùng: Ngắm những luống dưa hấu dài, thẳng tắp, mới trồng, có lẽ để chuẩn bị Tết âm lịch, của Đạ Tẻh, người ta có thể mừng vì một vụ thu hoạch phong phú. Nhưng khi tính nhẩm từ nay tới Tết chỉ còn vỏn vẹn đúng một tháng, người ta không thể không lo: Liệu chúng ta sẽ có những trái dưa là những món quà Tết lành mạnh của đất lành, của nắng trời rực rỡ, của bầu khí sạch trong, lớn lên trong nhẫn nại chờ đợi, từ một thiên nhiên đã được Thiên Chúa tạo dựng trong tình thương và trong sự khôn ngoan tính toán của Ngài để rồi đã phải thốt lên khi mọi sự hoàn tất “Thật là tốt lành”, hay lại là những sản phẩm của thuốc kích thích tăng trưởng do con người làm ra để đốt cháy giai đoạn và đốt cả hy vọng?
Ở trạm dừng chân Tân Phú trước khi tới Madagui, không ít khách tham quan đã chú ý tới tấm bảng nhỏ cắm giữa mấy luống ớt đang có trái. Tấm bảng nhỏ lưu ý mọi người là ớt mới xịt hóa chất. Cũng có thể là một cách hù dọa để bảo vệ vườn ớt được vẹn toàn. Nhưng cách bảo vệ này cũng đã cho thấy tính phổ biến của nỗi sợ hãi hóa chất độc hại có thể chứa trong sản phẩm nông nghiệp đang đè nặng lên người dân, có thể là ở mọi nơi.
Cơ may của Đạ Tẻh
Tư cách một bến đỗ đầy hứa hẹn như không ít người mơ ước của Đạ Tẻh còn ở phía trước. Nhưng “ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”, cha xứ Đạ Tẻh vốn là người hay hát, nhắc nhở với mọi người như với chính bản thân mình, bằng câu hát quen thuộc này. Với những mầm chuối mới đang được ươm trong phòng thí nghiệm mà cha xứ Đạ Tẻh đã gầy dựng và được giao cho hai nữ chuyên viên tốt nghiệp Đại Học Bình Dương điều hành, với những khóa tập huấn trồng chuối và cấy lúa theo phương thức SRI, cách làm phân compost [hỗn hợp chất hữu cơ gồm phân chuồng và rác thải] như đã được tổ chức cho người dân Đạ Nha hồi tháng 3-2013 vừa qua... có thể được xem như những nền móng, tuy còn rất khiêm tốn, của việc xây dựng ngày mai đang bắt đầu tại Đạ Tẻh hôm nay.
Và còn lòng tin của cộng đoàn Công Giáo tại Đạ Tẻh được tập họp tại nhà thờ ít là hằng tuần để cất tiếng ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa vì những kỳ công Ngài đã và đang làm cho hạnh phúc của loài người, và cũng để Lời của Ngài soi sáng cho những chọn lựa dẫn đến hạnh phúc đích thực vốn chỉ có thể xây dựng trên nền tảng của sự phát triển biết tôn trọng con người và thân thiện với thiên nhiên, hướng tới tương lai thay vì dừng lại ở cái trước mắt và ngắn hạn.
. . .
Được đối xử một cách thân thiện, có tình, đất đai, sông ngòi, biển cả sẽ chẳng nỡ hẹp hòi mà không mở rộng lòng mình một cách hậu hỹ:
“Các ngươi sẽ thi hành các luật điều của Ta, các ngươi sẽ giữ các phán quyết của Ta và thi hành như thế. Và các ngươi sẽ được an cư trên đất. Đất sẽ sinh ra hoa quả và các ngươi sẽ được ăn no phỉ nguyền, các ngươi sẽ được an cư trên đó.” (Lêvi 25:18-19)
Trích tuần báo Công Giáo Và Dân Tộc
số 1942-1943, ngày 24-01-2014, tr. 41-46

* Các dòng in xiên do Văn Uyển nhấn mạnh.