Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

ĐĐVU 09 / ĐỨC QUAN THẾ ÂM CỦA TRẺ THƠ / Huệ Ý


Thuở nhỏ, tôi sống với bà nội ở tỉnh.
Từ Sài Gòn, ba tôi về…
- Tâm, ba cho con cái này.
Hộp kem Hynos với anh Bảy Chà nhe hàm răng trắng và bàn chải răng được ba giơ lên cao. Tôi theo ba ra lu nước dưới gốc me.
- Coi và làm theo ba.
Lột bàn chải ra khỏi bao, vặn nút hộp kem, bóp nhẹ một ít kem vào đầu lông bàn chải, lấy gáo múc nước. Hớp một ngụm nước rồi nhổ ra, nhúng đầu bàn chải vào nước cho mềm, đưa lên miệng, chà hàm trên, chà hàm dưới, chà sâu vào bên trong, chà lại bên ngoài. Thêm mấy ngụm nước, súc miệng cho sạch, rửa bàn chải, rửa mặt. Ba làm trước, tôi làm sau.
- Chải răng, súc miệng, rửa mặt được, con bữa nay làm người lớn rồi nhe!
Quay qua người em họ, dù lớn tuổi hơn, đang đứng kế bên nhe răng cười coi tôi học chải răng:
- Tui bữa nay làm người lớn rồi nhe!
- Làm người lớn đâu chỉ biết chải răng, súc miệng; mình phải làm nhiều việc lớn khác, phải không con?
- Dạ.
Tôi nhanh nhẩu hét to.
- Đi theo ba.
Tôi oai vệ bước theo, đi ngang chỗ bà nội đứng, tôi cũng dõng dạc:
- Bà nội, con bữa nay làm người lớn rồi.
Bà nội xoa xoa đầu tôi:
- Ừ, làm người lớn rồi nội khỏe; tối không cho đứa nào nằm trong nách hết.
Tôi tần ngần chưa biết trả lời sao, thì ba vừa mang đến trước mặt bà một bao vải nhỏ được gói cẩn thận. Bà tháo dây ra, bên trong là một cái mõ nhỏ với cái dùi. Ba tôi trao cho bà nội vừa mõ lẫn dùi, với hộp Hynos và bàn chải răng:
- Má dạy nó Kinh Cứu Khổ, rồi mỗi tối, trước khi đi ngủ, súc miệng, chải răng xong, vô tụng kinh.
Chưa biết mặt chữ, tôi được nội dạy học miệng hết một tuần lễ mới thuộc Kinh Cứu KhổChú Vãng Sanh.
Lốc, cốc... cốc... Từ đó hằng đêm, nội thắp cho tôi một cây nhang; cả nhà nghe tôi tụng kinh, lần lượt ba biến Cứu Khổ, ba biến Vãng Sanh là hoàn kinh.
Tôi bắt đầu làm người lớn như thế.
Mỗi mùa xuân tới, về thăm nội, tôi đứng trước tủ đựng đồ chơi của mình thuở nhỏ vẫn còn y nguyên và tần ngần tìm cái mõ xưa...
*
Thêm một lần nữa, ba tôi về Thủ Dầu Một…
- Cậu dặn bà ngoại dạy anh Tâm đọc Kinh Cứu Khổ để chi vậy, thưa cậu Hai?
Thủy, em họ, con cô Tư tôi hỏi.
- Lớn lên rồi con biết. Cuộc đời nhiều đau khổ lắm: bệnh khổ, buồn khổ, lo khổ, giận khổ… Đọc kinh hết khổ. Đức Quan Thế Âm dạy: Đọc một ngàn lần con sẽ hết khổ; đọc mười ngàn lần cả nhà sẽ hết khổ.
Tôi không hiểu các điều ba tôi giải thích cho Thủy, tôi chỉ nhớ một câu “đọc kinh hết khổ”.
*
Mấy năm sau, ba đem tôi xuống Sài Gòn để đi học. Về nhà, mỗi ngày tôi phải trình tập: một là sạch, hai là chữ không cua bò, ba là từ bảy điểm trở lên thì Chủ Nhật được đi nhà sách và ăn kem. Thiếu một trong ba tiêu chuẩn trên là tay bị khẻ roi mây.
Một hôm, tôi với đứa bạn giành nhau cái bình mực không đổ, vậy mà ba giọt mực cũng văng ra tòe loe trên tập. Tôi sắp bị đòn rồi, tôi sắp khổ rồi, làm sao? Ký ức hiện về: “Đọc kinh hết khổ.” Đọc kinh mau lên! Tôi trốn vào kẹt tủ thờ và lâm râm: “Nam mô…”
Dựng xe đạp xong, ba bước vào phòng, nhìn thấy ba cái nút khoén mực trên tập, ba vói tay lấy roi mây…
- Tâm đâu? Tại sao?
- Dạ.
Tôi rón rén rời kẹt tủ thờ.
- Xòe tay ra…
Cây roi giơ cao lên.
- Bà cố xuống, bà cố xuống, ông ngoại ơi!
Tiếng Hưng gọi ngoài sân.
Ba hạ roi xuống bàn, bước ra đón bà.
- Thưa má mới xuống.
Còn tôi đứng một mình. Tôi chắp tay lên trán vái thầm: “Con xin cám ơn Đức Quán Thế Âm. Con chưa đọc hết ba biến kinh, Ngài đã cho bà nội đến cứu con rồi.”
- Tâm của nội đâu?
- Dạ.
Chỉ chờ có thế, tôi bỏ chỗ thụ hình chạy ra sân.
- Bà nội, bà nội.
- Con làm gì đó?
Ba dòm tôi.
Tôi níu bà xuống thì thầm vào tai:
- Dạ, ta bà ha. Con đang tụng Kinh Cứu Khổ.
*
Sau này vào đời, tôi nhiều lần đọc Kinh Cứu Khổ; đó không còn là niềm tin của trẻ thơ nhưng chính là đã trực nhận sự ban ân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và diệu dụng của Kinh Cứu Khổ: “Năng cứu ngục tù, năng cứu trọng bịnh, năng cứu tam tai bát nạn khổ.”
HUỆ Ý
____________

* Hãy có lòng tin, hãy dõng mãnh và hãy tin ở bạn!!! / Have faith, be strong and believe in you!!!
RICARDO HOUSHAM
(Huấn luyện viên thể thao, nhà tư vấn, người Úc)


Đại Đạo Văn Uyển trân trọng giới thiệu quý đạo hữu
blog UNDERSTANDING CAODAISM gồm các bài tiếng Anh của
HUỆ KHẢI viết về đạo Cao Đài tại địa chỉ: