Trên tuần báo Công Giáo
Và Dân Tộc số 1942-1943, trang 40, linh mục Phaolô Dương Công Hồ, Chánh xứ
Đạ Tẻh (giáo phận Đà Lạt) kể: “Một hôm,
hai cha mẹ trong giáo xứ đến xin cử hành lễ cưới cho con mình và biếu cha xứ
một cặp dưa hấu cây nhà lá vườn. Tôi cám ơn và nói: Ở đây ai mà dám ăn dưa hấu
kẻo ngộ độc mà chết sớm? Ông bà liền trả lời: Xin cha yên tâm vì gia đình chúng
con để dành một luống riêng để ăn và đi biếu, không có chất trừ sâu và thuốc
kích thích tăng trưởng.”
Ngài bình luận: “Hóa ra
chỉ những người tiêu dùng lại bỏ tiền ra mua những trái trông đẹp mắt để đưa
vào cơ thể mình những hóa chất độc hại! Không riêng gì hoa quả, ngay cả từng
cọng rau muống, những mầm giá đỗ cũng nhiễm đầy chất ‘phóng xạ’. Có đến khoảng
90% đồ ăn thức uống trên thị trường bị nhiễm độc mà người dân thông thường đành
phải làm ngơ để cho qua ‘cửa khẩu’ mỗi ngày.”
Ngài nhắc lại một thực trạng mà nhiều năm nay ai ai cũng biết
nhưng cứ đành bó tay chịu trận: “Đọc trên
báo chí, nghe qua loa đài, xem các phóng sự và hình ảnh phát đi trên truyền
hình, chẳng còn biết ‘vệ sinh ăn uống’ dơ sạch thế nào cả, đành phải chấp nhận
‘sống chung hòa bình’ với những cái vốn được gọi là ‘nước tinh khiết’, ‘rau
sạch an toàn’… mà chẳng tinh toàn chút nào cả.”
Bài viết của linh mục khoảng bảy trăm từ; non phân nửa nội
dung đó, ở phần sau và kết, giọng văn của ngài dường như trào lên một nỗi bức
xúc, có tính quyết liệt:
“Chẳng lẽ người nông dân,
doanh nhân Công Giáo chỉ biết có lợi nhuận, lo bảo vệ sức khỏe cho riêng mình
và những người thân, còn lại sống chết mặc bay sao? Không thể thế được! Đã đến
lúc lương tâm Công Giáo buộc chúng ta phải nhập cuộc và dấn thân xây dựng một
cộng đồng trách nhiệm và đạo đức thật sự trong lãnh vực sản xuất và tiêu dùng.
Không thể làm giàu trên sự đau khổ, chết dần chết mòn vì những sản phẩm độc hại
mà chúng ta vô tình ép uổng người khác phải chuốc lấy.
Đã đến lúc những nhà sản
xuất, những doanh nhân, những người chế biến nông sản, thực phẩm, gia súc, gia
cầm, nước uống Công Giáo không thể cứ theo dòng xoáy cuộc đời mà nhấn chìm sinh
mạng anh chị em mình xuống những hố sâu tử thần. Đó chẳng phải là tội sát hại
đồng loại một cách tiệm tiến mà chẳng cắn rứt lương tâm chút nào sao?”
Đọc tới đây, tôi không khỏi nghĩ xa tới cộng đồng Cao Đài
chúng tôi. Từ khi đạo Cao Đài ra đời, nhiều tác giả trong và ngoài nước đều có
hàm ý rằng đây là đạo của nông dân,
vì phần lớn tín đồ, chức sắc, chức việc là nông dân; các thánh thất phần lớn
cất trong những vùng thôn quê mộc mạc. Đáng lưu ý là người Cao Đài ngoan đạo ăn
chay rất đông, nghĩa là ăn rau củ quả quanh năm vì phần lớn đều giữ giới luật
chay trường; ai chưa ăn được như vậy thì giữ mười ngày chay một tháng, để còn
tập thiền, và để khi chết còn được làm một số bí tích.
Tôi không biết hiện nay trong cả nước có bao nhiêu người nông
dân Cao Đài trồng lúa, trồng rau quả, nhưng chắc là nhiều, là đông. Thế thì có
bao nhiêu người nông dân Cao Đài biết trồng và bán gạo, rau quả an toàn cho sức
khỏe cộng đồng? Bên cạnh đó có bao nhiêu người nông dân Cao Đài hành xử giống
như hai ông bà giáo dân đã biếu cha chánh xứ cặp dưa hấu “biệt sản”, tức là nông
sản trồng riêng, dành ăn riêng cho an toàn, như chính miệng họ khai thật với
linh mục của mình.
Xưa nay tín đồ Cao Đài đều biết quý trọng và tụng đọc mười
điều răn trong Kinh Cảm Ứng. Điều thứ
sáu ngăn cấm phạm tội uế thực ủy nhân 穢食餧人 (đưa cho người ta ăn thực
phẩm không sạch). Vậy thì đem bán gạo và rau quả tẩm ướp hóa chất độc hại để
thu lợi cho mình mà gieo mầm bệnh nan y cho đạo hữu, cho đồng bào, cho cộng
đồng xã hội, há chẳng phải vi phạm giới răn thứ sáu hay sao?!
Tôi cũng tin rằng giới luật đạo Phật, Phật Giáo Hòa Hảo, v.v…
đều sẵn có các giới răn tương tự như Cao Đài. Thế thì, thay vì chỉ để một vị
linh mục ở Đạ Tẻh cất tiếng kêu thống thiết “Hồi
chuông nhà thờ và cả xã hội như đồng loạt cùng điểm lên để lay động và thức
tỉnh lương tâm con người, đặc biệt lương tâm Công Giáo”, tại sao các tôn
giáo trong nước ta không cùng đồng loạt cất tiếng kêu thức tỉnh LƯƠNG TÂM NGƯỜI
NÔNG DÂN TÍN HỮU của mình?
Linh mục Dương Công Hồ không hề kêu gọi suông. Ngài đã thực
sự đưa giáo xứ Đạ Tẻh làm một địa chỉ ươm trồng rau quả an toàn cho đồng loại.
Tôi mơ ước các vị chức sắc Cao Đài lãnh đạo tinh thần tín hữu nông dân của mình
sẽ sớm tạo nên những thửa ruộng, vườn rau, vườn cây ăn trái như Đạ Tẻh. Đó
chẳng phải là con đường Thế Đạo, là đạo sống vì người, mà Đức Chí Tôn hằng dạy
con cái thực hành hay sao?
DŨ LAN LÊ ANH DŨNG
Phú Nhuận, 12-3-2014
Công Giáo
Và Dân Tộc
số 1948, ngày 14-3-2014