Đây là cuộc trao đổi giữa
báo Công
Giáo Và Dân Tộc và linh mục Phaolô
Dương Công Hồ, chánh xứ Đạ Tẻh, về rau an
toàn, rau sạch – một chương trình mục vụ
mà linh mục đang tha thiết theo đuổi. Văn Uyển xin phép báo CGvDT trích đăng bài và ảnh (có đặt lại nhan đề bài báo).
CGvDT:
Anh em được biết, với tính cách thành viên của Caritas giáo phận Đà Lạt, cha
đang theo đuổi một chương trình rau an toàn và rau sạch với bà con giáo dân
trồng rau tại Đà Lạt. Chương trình cha theo đuổi có liên quan gì đến công việc
mục vụ của một linh mục?
Lm DCH: Thưa các anh, nói theo đuổi thì
cũng được, nhưng đúng hơn phải nói là từ lâu tôi rất trăn trở về lãnh vực này
và muốn dấn thân vào đấy như là một chương trình Pro-life [ủng hộ, bảo vệ sự sống]. Tôi liên tưởng đến chuyện này vì
dường như các loại thực phẩm không an toàn đang từng ngày hủy diệt sức khỏe,
tiền của và mạng sống con người. Nhiều phong trào trên thế giới và đặc biệt
trong Hội Thánh ra sức bảo vệ sự sống mong manh của con người. Vậy tại sao những điều phải nói là đáng sợ và
kinh tởm đe dọa mạng sống con người qua từng miếng ăn thức uống lại có thể ở
ngoài lãnh vực mục vụ của một linh mục?
* Cha có thể nói rõ hơn một chút được
không?
Chắc hẳn các anh làm nghề báo cũng quá rõ về những bài phóng sự về vấn đề
an toàn thực phẩm đã và đang được rất nhiều báo đài phản ánh. (…)
Theo Tiến Sĩ Nguyễn Thị Nhung, Trưởng Bộ Môn Thuốc, Cỏ Dại, Môi Trường (Viện
Bảo Vệ Thực Vật, Bộ Nông Nghiệp – Phát Triển Nông Thôn), nếu người trồng rau sử
dụng thuốc kích thích quá độc, liều lượng cao, gần ngày thu hoạch, không đảm
bảo thời gian cách ly thì dư lượng thuốc còn lại trong rau sẽ vượt quá mức cho
phép, gây ngộ độc cho người tiêu dùng, kể cả với các loại thuốc kích thích sinh
học.
Bà Nhung nói: Tùy theo mức độ tồn dư thuốc trong rau mà người dùng có thể
bị ngộ độc cấp tính với các biểu hiện như buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, tiêu
chảy... hoặc sẽ bị ngộ độc mãn tính, lâu dần tích tụ lại các cơ quan nội tạng,
đủ lượng sẽ gây ra các loại ung thư… Đó là chưa kể tới những loại thuốc nằm
trong danh mục cấm, có nguồn gốc từ Trung Quốc... vẫn được người dân mua về sử
dụng để phun lên rau vì giá rẻ, lại có tác dụng song song trong việc kích thích
rau phát triển cũng như trừ được sâu bệnh. Những loại thuốc này vô cùng nguy
hiểm, gây độc mạnh hơn và nhanh hơn vì nó thường chứa hoạt chất methamdophos
như thuốc monitor 50EC nhưng lại có tác dụng mạnh nên được người dân ưa chuộng.
(Tri Thức Trẻ, ngày 18-6-2013)
Theo các anh đó có được xét như là một
tội ác đang ngấm ngầm hủy diệt đồng loại không?
Nhà sản xuất trở thành đồng loại của
người tiêu dùng.
* Vậy theo cha, chúng ta phải làm
gì?
Hiện tại, nhà trồng rau, và làm nông nghiệp nói chung, đang đứng trước
những cám dỗ to lớn. Khoa học kỹ thuật đang cung cấp cho họ những phương tiện
có hiệu năng ngoài sức tưởng tượng. Chỉ một đêm hay trong mấy tiếng đồng hồ là
người ta đã có thể biến đổi gần như hoàn toàn sản phẩm của mình: từ sần sùi
biến thành láng bóng, từ xanh thành chín mùi, từ nhỏ thành lớn, tròn trịa…
Nhưng, như các nhà chuyên môn trên thế giới cũng như trong nước, đó là những
“phép lạ” được thực hiện bằng hóa chất vô cùng độc hại cho sức khỏe của người
tiêu dùng.
Nhà sản xuất rau quả hiện nay đang bị đặt trước một cám dỗ nặng nề: lợi
nhuận cho riêng mình hay tôn trọng quyền được cung cấp thực phẩm thực sự – chứ
không phải … thuốc độc – cho người tiêu dùng? Người Công Giáo làm nghề trồng
rau cung cấp cho thị trường cũng không thoát khỏi sự cám dỗ này. Như những nhà
trồng rau khác, họ cũng bị đặt trước những vấn đề của lương tâm, trước những
chọn lựa mang tính đạo đức khó khăn hơn, từng cá nhân riêng rẽ nhiều khi không
giải quyết nổi.
Theo tôi, đây là vấn đề mục vụ mang tính cấp bách của các giáo xứ, đặc
biệt của giáo phận Đà Lạt vì là xứ sản xuất rau củ nổi tiếng, ở đó, không ít
giáo dân làm nghề trồng rau từ bao thập niên qua.
Giúp người trồng rau trong giáo xứ
thực thi nghề của mình làm sao để có thể luôn là đồng loại của người tiêu dùng,
đó là công việc của các nhà làm mục vụ… Nói một cách tổng quát hơn, công việc mục vụ giáo xứ là
giúp anh chị em giáo dân thực hiện sứ vụ dành riêng cho họ là sống và loan báo
Tin Mừng bằng chính đời sống, bằng chính việc thực thi nghề nghiệp của họ trong
xã hội. Sứ vụ của người giáo dân làm nghề trồng rau là cung cấp cho xã hội
những mớ rau lành mạnh, ngon lành, hay như người ta nói hiện nay, an toàn và
sạch.
Chúng ta không thiếu những điều kiện
thuận lợi để làm đồng loại của nhau, đặc biệt, qua chương trình rau sạch, rau
an toàn.
* Theo cha, đây là một chương trình
thiết thực hay chỉ là ảo tưởng vì khó thực hiện trong xã hội hiện nay?
Chẳng thể ngây ngô để nghĩ rằng đây là chuyện đơn giản. Chương trình sản
xuất rau an toàn, rau sạch còn liên quan đến nhiều vấn đề khác nữa. Để thắng
được cơn cám dỗ nói đến trên đây – cơn cám dỗ nào cũng vậy thôi – cần phải có
sự thay đổi, thay đổi quan niệm sống, quan niệm về hạnh phúc, thay đổi lối
sống, từ bỏ “thế gian” để chọn lấy Tin Mừng… Mục vụ của Giáo Hội, cuối cùng, là
giúp giáo dân cộng tác với ơn Chúa thực hiện sự thay đổi, sự trở lại này.
Ở đây, xin mở một ngoặc đơn, theo tôi, đây là cơ hội thuận lợi, để dấn
thân vào lãnh vực sản xuất rau sạch, rau an toàn. Thiết nghĩ Giáo Hội, cụ thể
là các giáo xứ, cần vạch ra một chương trình hoạt động mục vụ tổng quát hơn, ăn
khớp với nhau một cách chặt chẽ để phát triển đời sống đức tin trên những cơ sở
thực tế của đời sống thường ngày, của chính việc thi hành cái nghề mình đã chọn
đặt ra... (…)
* Dẫu sao, như cha cho biết, thì
đây cũng là một hoạt động mục vụ cấp thiết, thuộc bổn phận chứ không phải thuộc
quyền chọn lựa?
Như các anh hiểu, nhà trồng rau theo định hướng của Tin Mừng có bổn phận
cung cấp những sản phẩm lành mạnh, ngon bổ, chứ không phải những sản phẩm có
lẫn chất độc hại. Thực thi đòi hỏi của Tin Mừng là trở thành đồng loại của
nhau, nhà sản xuất trở thành đồng loại
của người tiêu dùng.
Tôi hy vọng đây không phải là chuyện không tưởng... Vả lại, chúng ta đã
có luật của Tin Mừng nhắc nhở chúng ta bổn phận làm người và làm con Chúa. Chúng
ta có giáo huấn xã hội của Giáo Hội giúp chúng ta áp dụng luật của Tin Mừng
trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống làm người Kitô hữu trong xã hội. Chúng
ta có tổ chức giáo xứ để mọi người giúp
đỡ nhau, nhắc nhở nhau, liên đới với nhau trong việc thực thi ơn gọi là
người tín hữu, và còn bao nhiêu người khác cũng đang nỗ lực xây dựng một xã hội
lành mạnh trên nền tảng của sự tôn trọng con người và thân thiện với thiên
nhiên… Nghĩa là chúng ta không thiếu những điều kiện thuận lợi để làm đồng loại
của nhau, đặc biệt, qua chương trình rau sạch, rau an toàn. (…)
CGvDT số 1942-1943,
ngày 24-01-2014, tr. 42-46.