Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

ĐĐVU 10 / CHIA SẺ MỘT BÀI BÁO / PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương


Trên nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc, số 231 (tháng 3-2014, tr. 107-115) có đăng bài Những Vấn Đề Cấp Bách Trong Mối Quan Hệ Giữa Nhà Nước Và Giáo Hội Hiện Nay, của PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương (nguyên Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo).
Văn Uyển trích lại một số đoạn ở hai trang 108 và 115 và in lại đây, gọi là chia sẻ đôi điều đáng cho người tôn giáo nói chung, người đạo Cao Đài nói riêng, quan tâm và suy gẫm cho bước đường hoằng giáo của mình.
Cần mở rộng nhìn nhận vai trò, chức năng của tôn giáo, tín ngưỡng. Đó là: tôn giáo, tín ngưỡng tạo ra hệ giá trị xã hội, là nguồn lực trí tuệ; tôn giáo, tín ngưỡng có vai trò trong văn hóa và phát triển ở Việt Nam.
Hệ giá trị mà tôn giáo, tín ngưỡng tạo ra bao gồm cả giá trị tinh thần và giá trị vật chất. Nguồn lực trí tuệ mà tôn giáo, tín ngưỡng đem lại không chỉ giải thích mà còn để nhận biết thế giới, nhận biết nhân sinh quan góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Tôn giáo, tín ngưỡng có vai trò trong văn hóa và phát triển là hệ luận của việc tôn giáo, tín ngưỡng tạo ra hệ giá trị xã hội, là nguồn lực trí tuệ. Tôn giáo thuộc vào cơ tầng sâu kín nhất, bản chất nhất của văn hóa. Nhưng văn hóa ở đây là văn hóa động, văn hóa trong phát triển. Có nhìn nhận như vậy mới có cách ứng xử “có văn hóa” đối với tôn giáo. (tr. 107)
*
Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để tôn giáo tham gia đóng góp vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội.
(…)
Về văn hóa – xã hội: tổ chức tôn giáo cần được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động như dạy nghề, giáo dục, y tế… Dạy nghề không chỉ là những lớp ngắn hạn mà có thể tới cấp cao đẳng.
Ngoài việc tôn giáo mở trường lớp giáo dục hệ mầm non như đang làm, thời gian tới, nên cho tổ chức tôn giáo mở bậc giáo dục đại học. Những ngành học thuộc về khoa học tự nhiên như: y khoa, tin học, quản trị kinh doanh… cũng có thể là ngoại ngữ. Tuy điều kiện hiện nay chưa mở được trường riêng thì cho phép lập các khoa thuộc vào các trường đại học có ngành học tương ứng. Tổ chức tôn giáo nên được mở bệnh viện. Có thể là loại bệnh viện bình dân khám, chữa bệnh cho người nghèo, có thể là bệnh viện chất lượng cao. Có như vậy mới huy động tối đa nguồn lực tôn giáo vào xây dựng và phát triển đất nước. (tr. 115)