Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

ĐĐVU 09 / Đọc sách: CÔNG GIÁO & CAO ĐÀI HỘI NGỘ GIÁNG SINH / Nghê Dũ Lan


Kính mừng Giáng Sinh Quý Tỵ (2013), Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo liên kết nhà xuất bản Tôn Giáo (Hà Nội) vừa kịp thời ra mắt quyển sách thứ 70, với nhan đề CÔNG GIÁO & CAO ĐÀI HỘI NGỘ GIÁNG SINH (dày 96 trang 14,5x20,5cm, kèm thêm 4 trang phụ bản màu).
Như nhan đề sách nói rõ, đây là một hiệp tuyển đặc biệt vì gồm hai bài thuyết đạo của hai tín hữu Cao Đài cùng với hai bài thuyết đạo của hai vị linh mục Công Giáo, sắp xếp theo trình tự thời gian:
- Sống Hiển Vinh Cùng Thiên Chúa (Đơn Tâm, 1991)
- Kinh Thánh Tân Ước Qua Góc Nhìn Cao Đài (Thiện Quang, 1993)
- Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta (Lm Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, 2012)
- Giáng Sinh Hòa Bình (Lm Giuse Trần Đình Thụy, 2013)
Kể từ thập niên 1960 đến nay, tính ra đã hơn nửa thế kỷ, hàng năm vào sáng ngày 24 tháng 12 dương lịch, thánh thất Bàu Sen đều trân trọng tổ chức đại lễ kính mừng Đức Chúa giáng sinh; vào buổi tối (giờ Tý, 23.00) thì thiết thánh lễ tại chánh điện (trên lầu), sau khi đêm nhạc mừng Giáng Sinh trong khuôn viên thánh thất, có hang đá, có cây thông… của các đạo hữu áo trắng đã khép lại.
Điểm nhấn của cuộc lễ 24-12 hàng năm tại thánh thất là bài thuyết đạo, trước đây thường do tín hữu Cao Đài trình bày. Từ năm 2012 trở đi, thánh thất muốn có “làn gió mới” nên đã mời quý linh mục Công Giáo đến thuyết giảng (và sẽ lần lượt mời thêm các nữ tu Công Giáo đến giảng). “Làn gió mới” này nhằm tích cực hưởng ứng đường lối Công Đồng Vatican II, nhất là hưởng ứng lời mời gọi đối thoại liên tôn khắp hoàn vũ từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô - một cuộc đối thoại liên tôn trong tinh thần xây dựng, tôn trọng xác tín và căn tính tôn giáo của nhau.
Bởi thế cũng dễ hiểu vì sao thánh lễ Giáng Sinh hàng năm tại thánh thất Bàu Sen luôn luôn có đông khách quý đến từ các nhà thờ, dòng tu, giáo xứ Công Giáo. Những cuộc hội ngộ này thể hiện tinh thần hòa ái giữa hai cộng đồng tín hữu Kitô và Cao Đài càng ngày càng nảy nở, giống như những bông trái mỗi lúc một thêm sum suê tươi tốt. Ban Cai Quản thánh thất nhận định (tr. 7):
“Đây là ơn phước chung cho cả hai đạo. Không có ơn phước này mà chỉ cậy nhờ vào ý phàm trí tục trên thế gian thì chúng ta làm sao đủ sức bắc được nhịp cầu tương tri tương kính, đắp được con đường tương ái tương liên để nối liền con tim Công Giáo với con tim Cao Đài, mang lại sinh khí tu học và hành đạo hăng say trong ý hướng phụng sự nhân quần xã hội, điểm tô văn hóa đạo đức nước nhà.”
Cầm tập sách xinh xắn trên tay, ngắm trang bìa thanh nhã như tấm thiệp Giáng Sinh, nhìn hai quả châu được cách điệu, chúng ta không chỉ liên tưởng tới trái châu thường dùng trang trí cây thông noël, mà còn nghĩ xa hơn: Mỗi trái châu tượng trưng cho một tôn giáo trong cuộc hội ngộ song phương đầy đạo vị này. Có lẽ ẩn ý của họa sĩ là như vậy.
Tập sách còn cung cấp khá nhiều ảnh minh họa cho những lần hội ngộ thân thương, hòa ái giữa Công Giáo và Cao Đài. Ảnh đen trắng và ảnh màu, đều là những chứng từ xác định các dấu mốc trên hành trình tìm hiểu nhau, chia sẻ với nhau về đức tin giữa hai cộng đồng tín hữu. Trong đó, đặc biệt hơn cả là hình ảnh Đức Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn trò chuyện với các đạo hữu Cao Đài trong một buổi cơm chay mừng Giáng Sinh tại Tòa Tổng Giám Mục năm nào.
Đức tin Cao Đài chấp nhận không tranh biện về sự tái lâm của Đức Giêsu trong Tam Kỳ Phổ Độ, qua cơ bút. Người Cao Đài vì thế từ năm 1926 tới nay rất cung kính thờ Chúa Giêsu trên bàn thờ (Thiên Bàn) của mình, và thành tâm tìm học lời Chúa dạy bằng quốc ngữ trong thánh giáo Cao Đài. Khá nhiều thánh thi của Đức Giêsu được dẫn lại trong tập sách chúng ta đang nói tới. Trong đó còn có cả một bài thánh giáo dài được tiếp nhận tại thánh thất Bàu Sen vào giờ Ngọ ngày 24-12-1967.
Hôm ấy, Chúa đến thế gian, cất lời tha thiết (tr. 9):
Ta đến với một mùa đông đầy gió rét
Để hy sinh cứu rỗi cho nhân loài.
Ta lại đến trong cơn lửa bỏng dầu sôi
Để cất tiếng từng hồi gọi đàn chiên lạc lõng
Chúa Cứu Thế muôn đời còn mãi sống
Sống muôn đời và sống mãi muôn đời
Việt Nam ơi! Hồng Lạc ơi!
Đấng Thượng Đế, Đức Cao Đài đang ngự trị.
Đức Chúa gọi dân tộc Việt này là dân tộc được chọn cho sứ vụ mới để thực thi ơn cứu độ Kỳ Ba. Thánh giáo Cao Đài chép lại lời châu tiếng ngọc của Chúa ban trao:
“Hỡi dân tộc được chọn! Hỡi dân tộc được thương yêu!” (tr. 10)
“Hãy xem gương Do Thái, lấy đó làm gương cho chư hiền. Không một phần thưởng nào không ban cho đứa khôn ngoan. Không một trách phạt nào không ban cho đứa phản lại ý thành của Bề Trên.” (tr. 11)
“Kìa, xem quá khứ, hiện tại và tương lai. Có bao giờ Ta ngự trên ngai vàng vua Do Thái. Chính cái ngai vàng David đã vùi chôn về cho David, mà cái tâm tư của nhơn sinh âu vẫn là ngai vàng bất diệt. Hãy noi gương Ta mà hành tròn sứ mạng.” (tr. 12)
“Sứ mạng của kẻ chăn chiên trong mùa đông là canh chừng. Phải hiền từ hơn tất cả kẻ hiền từ. Phải khôn ngoan hơn tất cả kẻ khôn ngoan.” (tr. 13)
“... hãy làm con chiên khôn ngoan hơn là làm người chăn chiên u tối. Giá rét nào không trở lại mùa đông? Sứ mạng nào không trao cho người đã chọn?” (tr. 14)
*
Là một tín hữu Cao Đài, tác giả Đơn Tâm trình bày lý lẽ sống hiển vinh cùng Thiên Chúa như sau:
“Tôn vinh Thiên Chúa chẳng phải chỉ trong ngày vui Noël hằng năm. Con người thật sự biết tôn vinh Thiên Chúa sau khi giác ngộ rằng nếu không nhờ ánh sáng cứu độ của Ngài thì đời mình sẽ quẩn quanh trong vòng tội lỗi, chẳng biết đường ngay nẻo chánh để quay về nguồn cội vinh quang của mình. Do đó mà người hiểu đạo ngày ngày thầm tạ ơn Thiên Chúa, biết ơn Thượng Đế, và không ngớt tôn vinh Ngài.
Tôn vinh Thiên Chúa cũng chẳng phải chỉ bằng những hình thức lễ bái bề ngoài, mà tôn vinh Thiên Chúa với thâm tâm gần gũi, thương yêu, tôn kính và nguyện xin được đón mừng Chúa ngự nơi tâm mình.” (tr. 20)
Tác giả Đơn Tâm trình bày cách hiểu Phúc Âm qua góc nhìn Cao Đài rất thú vị như sau:
“Kinh Thánh chép rằng một hôm Chúa cùng môn đồ đi thuyền trên biển Galilê. Trong khi Chúa ngủ quên thì sóng to gió lớn nổi lên sắp nhận chìm thuyền. Các môn đồ đánh thức Chúa dậy, Chúa bèn giơ tay phán: “Hỡi sóng to, hãy yên lặng!” và quả thật sóng gió lại yên. (Matthêu 8:23-2 )
Câu chuyện dụ ngôn (parable) này giúp chúng ta suy nghĩ: Bảo rằng Chúa ngủ quên, nhưng phải tự xét rằng tại chúng ta quên Chúa, để Chúa ngủ quên, mà hễ bỏ quên Chúa, không thường xuyên giữ đường dây thông công liên lạc để trao đổi tín hiệu, báo cáo tiến độ công quả, công trình, công phu, và tình hình cơ đạo cùng Ngài, hễ bỏ quên Ngài thì lập tức tà nim cùng lc dc thất tình dấy lên, gây sóng gió trong đời sống tâm linh của chúng ta.” (tr. 26)
Cũng vậy, bài của Thiện Quang phản ánh kiến giải của người môn đệ Cao Đài khi học Phúc Âm. Sau khi trích dẫn Matthêu (6:1-4; 6:14-15; 7:1-5), Thiện Quang viết:
“Nhìn theo quan điểm thế nhân, những lời giảng dạy trên đây của Chúa cho phép khẳng định rằng Thiên Chúa Giáo là mt tôn giáo nhân bản, bởi vì tôn giáo này không hướng về việc thờ cúng thần linh, mà hướng về vic hoàn hảo hóa con người và xã hi; hơn nữa, thực hiện đường hướng đó bằng mt phương cách đầy tình người.” (tr. 33)
Trích dẫn Phúc Âm rất nhiều, lấy đó làm chứng cứ, Thiện Quang xác tín:
“Đức Chúa Giêsu không bảo nhân sanh phải từ bỏ những nhu cầu vật chất thiết yếu trong đời sống thường nhật, cũng không bảo nhân sanh sống ỷ lại vào Thượng Đế; nhưng nếu con người hoàn toàn không nhận thức được sự an bài của Thượng Đế, thì mọi cố gắng của con người trong cuộc đời trước sau cũng đều hướng vào việc giải quyết những ham muốn về vật chất; và nếu thế thì tư tưởng con người tất yếu phải bị lệ thuộc nhiều vào vật chất.
Vì vậy, Chúa nói về s an bài của Thưng Đế là để dẫn dắt nhân sanh trở về với đời sống tâm linh. Hơn nữa, Ngài nhấn mạnh đến sự đối lập giữa tính chất giả tạm của cuộc sống vật chất và giá trị vĩnh cửu của cuộc sống tâm linh để từ đó, Ngài chỉ ra con đường tu tâm cho các tín đồ.” (tr. 35)
Nghe người Cao Đài nói về Thầy Giêsu của mình, nói về Đạo Chúa của mình như thế, có lẽ người Kitô hữu sẽ hân hoan nhận ra rằng, khi suy niệm lời Chúa qua Phúc Âm, các đạo hữu Cao Đài đã bày tỏ trọn cả tấm lòng thành kính.
*
Linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc bày tỏ: “Chúa Giêsu là Anh Cả của mọi người và thay mặt đàn em phụng sự Cha, đồng thời nhân danh Cha dưỡng dục nhân loại theo ý Cha.” (tr. 65).
Khi nghe như vậy thì người Cao Đài lập tức cảm thông, thấu suốt liền tức khắc. Bởi lẽ trong đạo Cao Đài dạy rằng Trời (Ngọc Hoàng) là Cha; còn Phật Tiên, Thánh Thần mỗi khi giáng cơ đều gọi tín đồ là các em (hiền đệ, hiền muội).
Linh mục Giuse Trần Đình Thụy nói:
“Các tôn giáo phải quy về một mối để khỏi xung đột nhau. Quy nguyên, phục nhất không có nghĩa là các tôn giáo sẽ tổng hợp lại thành một tôn giáo mới duy nhất là đạo Cao Đài. Nói như vậy là trái với giáo lý Cao Đài.” (tr. 80)
Rõ ràng vị giáo sư Đại Chúng Viện Thánh Quý (Cần Thơ) đã hiểu đạo Cao Đài rất tường tận và chính xác! Người đạo Cao Đài nào đọc tới đó ắt cũng sung sướng và càng thêm cảm phục tâm hồn rất Đại Đạo của vị học trò Chúa Giêsu.
*
CÔNG GIÁO & CAO ĐÀI HỘI NGỘ GIÁNG SINH là thế đó, là tình thương chân thật chan hòa giữa hai cộng đồng tôn giáo chung thờ một Đức Chúa Trời theo tín lý riêng của mình, nhưng vẫn gặp nhau ở con tim rộng mở để cùng nhìn nhận Tâm Linh không hề có ranh giới phân chia, không hề mang sắc màu dị biệt.
NGHÊ DŨ LAN

Phú Nhuận, 16-12-2013


Đại Đạo Văn Uyển trân trọng giới thiệu quý đạo hữu
blog UNDERSTANDING CAODAISM gồm các bài tiếng Anh của
HUỆ KHẢI viết về đạo Cao Đài tại địa chỉ: