Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

ĐĐVU 11 / ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TINH THẦN ĐOÀN KẾT TRONG TỔ CHỨC LIÊN GIAO


Trích tham luận của đại diện Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên trong Hội Nghị Liên Giao lần thứ VII (tại Hội Thánh Cao Đài Minh Chơn Đạo, Cà Mau, 17-3-2014)
Trải qua sáu lần Hội Nghị Liên Giao (trước đây là Giao Lưu) các Hội Thánh và Tổ Chức Cao Đài, cũng là sáu lần lặp đi lặp lại những định hướng hành đạo chung được thể hiện qua Bản Ghi Nhớ của từng niên trình do Hội Nghị đồng thuận thông qua. Nhìn chung, trong sáu năm hoạt động Tổ Chức Liên Giao đã đạt được một số thành quả nhất định, dù không toàn mãn nhưng cũng đủ nói lên sự chuyển mình để vươn cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp của hàng lãnh đạo các Hội Thánh trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Thành quả đó là sự ra đời của tạp chí Cao Đài; là sự hình thành Ban Soạn Thảo những giáo trình Hạnh Đường sơ cấp, Hạnh Đường trung cấp và các khóa Hạnh Đường chung; là sự hợp tác trong hoạt động từ thiện xã hội và ngoại giao đối với các ban ngành Nhà Nước cũng như các đoàn thể, tôn giáo bạn. Tuy nhiên, một số mặt còn lại vẫn còn giậm chân tại chỗ, như chưa “kiện toàn tổ chức nhân sự đủ sức điều hành Tạp Chí”; chưa có buổi thảo luận chuyên đề nào về “kế hoạch xây dựng trường đào tạo chức sắc kế thừa” hay “lập chương trình sinh hoạt tuổi trẻ, thanh niên con em nhà đạo”.[1] Khoảng trống nầy cho thấy sức đoàn kết chung tay, chung lòng của chúng ta chưa đủ mạnh để phát triển theo hướng đã định sẵn. Cho nên, để có một định hướng chuẩn xác về lộ trình liên giao giữa các Hội Thánh và các Tổ Chức Cao Đài, cần có những bước tích cực và vững chắc hơn như sau:
I. PHÁT HUY TINH THẦN LIÊN GIAO ĐOÀN KẾT
Phát huy tinh thần liên giao là đem cái thật nghĩa sâu kín về liên giao trong lòng mà biểu hiện tỏa rộng ra, biến thành hành động đoàn kết một cách có hiệu quả dựa trên quan điểm liên giao không phải là xã giao và tính liên tục của sự đoàn kết.
1. Liên giao không phải là xã giao
Liên giao là sự kết nối giữa những sự vật hay giữa những con người lại với nhau; liên giao không phải là xã giao, xã giao chỉ mang tính hình thức nhất thời trong việc giao tiếp bình thường ở xã hội bên ngoài. Cho nên chúng ta không thể ngộ nhận sự xã giao bên ngoài qua những hình thức lễ nghi, qua những giao tiếp ân cần, lịch sự trong những cuộc gặp gỡ với nhau mà cho rằng đó là đã hoàn thành công vụ liên giao. Xã giao chỉ là bề nổi của liên giao, là sứ giả của liên giao; xã giao có là sứ giả thật sự của liên giao hay không còn phải xem nó xuất phát từ tấm chân tình, từ lòng thành tín hay không.
Muốn phát triển tinh thần đoàn kết, trước hết phải xây cho được nền tảng liên giao; lấy liên giao làm thể, đoàn kết làm dụng, thể dụng tương tề,[2] và cái sở dụng đoàn kết luôn có tính liên tục mới có thể duy trì tổ chức liên giao bền vững, đồng thời ứng dụng tinh thần liên giao có nghĩa là giao tiếp để xây dựng hoặc tăng cường kết nối và sự hiểu biết giữa con người với con người.
2. Tính liên tục của sự đoàn kết
Đoàn kết là liên kết, thắt chặt lại với nhau thành một khối; hợp làm một, nối làm một; là sự gắn kết xã hội dựa trên sự phụ thuộc giữa cá nhân với nhau trong các xã hội tiên tiến. Trong xã hội tôn giáo, khi đề cập tới sự đoàn kết, thường được hiểu theo lối đoàn kết cơ học. Đoàn kết cơ học là kết nối các cá nhân với xã hội, với tổ chức mà không bị khống chế bởi bất kỳ trung gian nào; có nghĩa là mỗi cá nhân sau khi giác ngộ, tự nguyện nhập môn, tham gia vào guồng máy hành chánh đạo theo tam thừa cửu phẩm như Pháp Chánh Truyền, Tân Luật quy định, và mỗi thành viên tín hữu được chia sẻ cùng một niềm tin vào tổ chức tôn giáo mình. Các cá nhân gắn bó với nhau do sự kềm chế mạnh mẽ từ phía tập thể xã hội và vì lòng trung thành của cá nhân đối với truyền thống đạo đức, luân lý và quan hệ gia đình. Sức mạnh của ý thức tập thể có khả năng chi phối và điều chỉnh suy nghĩ, tình cảm và hành động của các cá nhân quy hướng vào cảnh giới của chân, thiện, mỹ. Sự khác biệt và tính độc đáo của cá nhân là thứ yếu, nên ý thức vị tha xả kỷ, vị đạo, vị nhơn sanh được xem là trọng yếu.
Vì đoàn kết mang ý nghĩa là sợi dây thắt chặt nối dài đến đích điểm, nên tính liên tục rất cần thiết để tránh bị đứt quãng giữa chừng; như đường sắt xe lửa trên tuyến Bắc Nam, người ta thường xuyên kiểm tra để kịp thời sửa chữa chỗ hư hỏng, bảo đảm an toàn cho đoàn xe đi tới nơi, về tới chốn đúng thời gian ấn định cuộc hành trình.
Cũng như thế, đầu tàu Liên Giao các Hội Thánh và Tổ Chức trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ kết nối những toa chuyên chở biết bao con cái của Đức Chí Tôn trên lộ trình hoàn nguyên phản bổn, tất nhiên không thể phó mặc cho đường ray đoàn kết bị gián đoạn bởi những chướng ngại lý trí hay hỏng hóc sự thương yêu. Cho nên từng thành viên trong Tổ Chức Liên Giao luôn bảo đảm rằng mỗi thành viên vừa là mỗi mắt xích của bánh xe lịch sử Đại Đạo, vừa là mỗi đoạn đường ray kiên cố an toàn giúp con tàu Đại Đạo tiến nhanh, kịp về bến đỗ quy nguyên một trăm năm Cao Đài Giáo. Đường ray kiên cố là ý chí sắt thép bảo vệ lập trường thuần chơn vô ngã.
a.Thuần chơn vô ngã
Thuần chơn vô ngã có thể nói là bốn chữ vàng cần khắc tạc thành tấm biển son cẩn trọng treo ở những vị trí tôn nghiêm, với chủ ý nhắc chúng ta ghi nhớ mà tu tâm sửa tánh. Thuần chơn là rặt ròng một tính chất chơn thật, không xen lẫn chút giả dối nào. Vô ngã là không có cái ta tà vọng, cái ta huyễn ảo; cái ngã nầy là giả ngã phản nghĩa với chơn ngã. Vậy thuần chơn vô ngã có tác dụng gì trong quan hệ liên giao?
Thành thật, ngay thẳng khi cùng nhau đối thoại. Không hành xử theo cảm tính do tà vọng điều khiển là “trước mặt sau lưng cũng đồng một mực”; không “kính trước rồi lại khi sau”; thật lòng tôn trọng nhau như tình thân thủ túc.
Nếu đã coi trọng nhau về ưu điểm thì cũng không coi khinh nhau về nhược điểm. Không gián tiếp tham gia vào dư luận thị phi khen chê mà chỉ có trực tiếp biểu dương và nâng đỡ. Nếu đã không buồn lòng vì ý kiến của mình không được tập thể quan tâm thì mình cũng vui vẻ tiếp thu ý kiến của mọi người. Nếu đã xem cái ta là nhỏ nhoi và ảo hóa, thì cũng không chấp nê những lời chỉ trích đầy ác ý nhắm vào mình.
Tâm linh có được thuần chơn vô ngã, sẽ phát sinh niềm cảm thông và cởi mở.
b. Cảm thông và cởi mở
Nhờ vào sự gần gũi, hiểu biết nhau nên mới có cảm xúc giống nhau về một tình trạng, một hoàn cảnh nào đó, thì tâm tình, tư tưởng sẽ dễ dàng được cởi mở hơn, và không còn mang não trạng bằng mặt không bằng lòng nữa.
Khái niệm về cởi mở của mỗi thành viên trong Tổ Chức Liên Giao có thể hiểu là chúng ta mở toang cánh cửa Tòa Thánh, thánh thất, thánh tịnh để nhìn ra ngoài bầu trời quang đãng và ân cần tiếp đón lữ khách hành hương, đồng thời để công chúng nhìn vào thấy được vẻ đẹp của tinh thần nhân ái. Có cởi mở mới có cảm thông, hay có cảm thông mới có cởi mở.
Cảm thông (sympathy) sinh ra đồng cảm (empathy), đồng cảm có nghĩa là thể hiện sự quan tâm và lắng nghe để đạt được sự hiểu biết của những người khác ý tưởng và cảm xúc. Lắng nghe những gì người khác đang nói là một đặc điểm quan trọng giữa các cá nhân đồng cảm. Đồng cảm thực sự có thể hiểu được nhu cầu của người khác; nhận thức được cảm xúc của mình và làm thế nào tác động đến nhận thức của người khác một cách hài hòa, và có khả năng đánh giá cao những gì người khác đang trải qua; tôn trọng thành quả, học hỏi những kinh nghiệm quý giá của người khác cho đạo sự của mình. Bằng cách hiểu biết lẫn nhau, chúng ta có thể phát triển các mối quan hệ gần gũi với nhau hơn qua sự hỗ trợ, đáp ứng được những nhu cầu thiết thực của nhau. Hỗ trợ hoặc hợp tác lẫn nhau là một nhân tố quan trọng trong sự phát triển của các tổ chức Đại Đạo. Những hoạt động hỗ trợ đối với người khác không phát sinh từ sự mong đợi của phần thưởng, của sự tán dương, mà là từ cảm xúc bản năng của tình đoàn kết.
Đức Chí Tôn dạy:
Hễ chữ đạo đại đồng hòa hiệp
Mới nên công tay tiếp vai nâng
Một cây đứng ở giữa chừng
Dông to khó nỗi đàng ưng xoay chiều.
Câu tục ngữ Thầy khêu đuốc tuệ
Vỗ nhiều tay mới xuể tiếng vang
Một tay nghe lắm lỡ làng
Nhờ khi đoàn tụ hoàn toàn mới yên.[3]       
Như thế, đoàn kết là một hành động hiệp nhất giữa những người đang tu thân hành đạo trên các lãnh vực khác nhau, các chi phái hay tôn giáo khác nhau nhưng cùng một mục tiêu giải thoát cho mình và cho sanh chúng. Cũng ý nghĩa đó, con ong cần mẫn làm việc không ngừng, vai trò nào nhiệm vụ nấy, và không phải chỉ trông cậy vào sức của một vài con ong, mà cả một đàn ong. Chúng được ca tụng không phải vì chúng làm việc cho chính mình, mà cho tất cả. Cho nên, nếu không có sự đoàn kết rộng rãi thì các cá nhân riêng lẻ, các tổ chức biệt lập không thể tạo thành một khối tinh thần thống nhứt với tư cách là một thánh thể hoàn chỉnh của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
II. SỨ MẠNG HÒA HỢP
Thấm nhuần thánh ngôn của Đức Chí Tôn từ ngày mới khai Đạo, sứ mạng hòa bình, hòa hợp luôn phải được tôn trọng và đề cao. Sứ mạng nầy không chỉ thuộc về đôi tay hay khối óc, mà còn thuộc về tâm linh, thực hành tâm linh như một cái gì đó đưa chúng ta ra khỏi thế giới, nhưng chúng ta cũng nhận thức được rằng thế giới trời, khi chúng ta được nối đất tốt, chúng ta có thể làm việc với thiên đường ngay trên mặt đất. Đất trời trong chúng ta là sứ mạng hòa bình thông qua sự hợp nhứt tinh thần, hoằng khai Đại Đạo; đoàn kết và gặp gỡ nhau với tình yêu và lòng tốt đ chúng ta tìm thấy sự bình an của mình trong ngôi nchung của Đức Thượng Đế. Tất cả con cái Đức Chí Tôn đều có quyền bình đẳng cho tình yêu và di sản của Ngài. Ngài không phải là Tây Ninh, Ban Chỉnh, Tiên Thiên hay Minh Chơn Lý… Không có bức tường hoặc hàng rào nào ở trên trời, vì bản thể của Ngài không phải là tông phái hay giáo điều, mà là tình yêu sanh bác ái: “Thầy lại trao cho các con một triết lý bác ái để xướng ra mưu cuộc hòa bình.” [4] Trước hết là hòa bình, hòa hợp trong nội bộ Cao Đài Giáo được trải qua từ giai đoạn đối thoại, vượt qua thách thức và gieo mầm hòa hợp.
1. Đối thoại
Khi đã nhận lãnh sứ mạng hòa hợp, thì vấn đề quan trọng đầu tiên là đối thoại, và đối thoại như là một phương pháp để hiểu biết qua từng bản sắc của nhau. Về phương tiện đối thoại, ngoài những cuộc họp, những hội nghị giao lưu, chúng ta còn có một tạp chí Cao Đài, có những khóa Hạnh Đường chung, chỉ cần chúng ta phát huy hơn nữa về thế mạnh của phương tiện truyền thông và giáo dục thì lộ trình tiến tới sự hình thành một Hội Đồng Lãnh Đạo Tinh Thần cho một Giáo Hội Cao Đài Trung Ương có đủ tư cách đại diện trước cộng đồng quốc tế nhất định sẽ hình thành. Xin đơn cử vài điểm đáng lưu ý trong đối thoại liên chi:
Thứ nhất: Người tham gia đối thoại liên chi không thể sử dụng các cuộc gặp gỡ để làm cơ hội bảo vệ truyền thống và truyền bá chi phái mình; nhưng với tinh thần trao đổi, học hỏi chung, tạp chí Cao Đài sẽ là nơi quy tụ các sắc hoa trong khu vườn Đại Đạo, tức là khu vườn hòa bình giữa các chi phái và tôn giáo khác nhau. Cho nên từ hình thức tới nội dung của tạp chí phải được kiện toàn sau khi kiện toàn được nhân sự trong Ban Biên Tập và Ban Phát Hành.
Thứ hai: Chúng ta không phải quan ngại rằng sự đánh giá cao về các chi phái bạn và tham gia lễ kỷ niệm hay sinh hoạt của họ có thể pha loãng hoặc phản bội đức tin vào chi phái mình; trái lại nó sẽ làm tăng trưởng sự hiểu biết và kính trọng của người ở chi phái khác đối với chi phái mình.
Thứ ba: Một yếu tố cần thiết cho sự tiến bộ của đối thoại là chúng ta nhận ra ưu điểm các chi phái khác. Nếu chúng ta cứ nhận mình là vượt trội so với đường lối, những pháp môn khác về sự giải thoát, cho chi phái của mình là chơn pháp duy nhất và những chi phái khác là sai, điều nầy sẽ gây nguy hiểm cho tinh thần liên giao giữa các chi phái, đồng thời đi ngược lại tôn chỉ mục đích của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Đối thoại liên chi phái là một biểu hiện cuộc sống đức tin và nhận thức về tầm quan trọng của tinh thần đại đồng nơi thành viên tham gia, hơn nữa nó là dấu hiệu cho thấy các chi phái Cao Đài đang trở nên ý thức hơn về trách nhiệm chung của mình đối với hòa bình, hạnh phúc trong gia đình Đại Đạo và gia đình nhân loại. Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều ý thức rằng thế giới ngày nay càng trở nên phụ thuộc lẫn nhau như một hệ quả của toàn cầu hóa, để từ đó tìm thấy những giá trị chung mà kết hợp chúng lại ngõ hầu phát huy sự đa dạng của nền văn hóa và văn minh Cao Đài. Mặc dù có một số khác biệt tiểu tiết trong các chi tiết thờ phượng và hành chánh đạo, tất cả các chi phái đều chia sẻ nhau một giáo lý chung: hòa bình, hiệp nhứt trong Thương Yêu.
2. Vượt qua thách thức
Cuộc hành trình nào cũng có chướng ngại, công việc nào cũng có thách thức. Nếu chúng ta xem Tổ Chức Liên Giao là một lộ trình, lộ trình dẫn tới quy nguyên Đại Đạo, thì những thách thức xảy ra trước mắt là điều chúng ta cần tiên liệu để chuẩn bị đủ ý chí vượt qua.
* Thách thức đầu tiên là thiếu tập trung. Để thành công đối với bất kỳ cuộc hội họp liên giao nào, tất cả các bên phải rõ ràng về mục tiêu cuộc thảo luận. Chúng ta không để thành viên nào né tránh các cuộc thảo luận vì nghĩ rằng những vấn đề không liên quan tới mình.
Thí dụ: Khi bàn bàn về phương thức soạn thảo giáo trình Hạnh Đường chung, thì quý vị đại diện Cao Đài Chơn Lý, hay Cao Đài Việt Nam bảo rằng do tổ chức hành chánh đạo của quý vị ấy không theo Pháp Chánh Truyền nên xin miễn tham dự vào việc soạn thảo hay hội thảo, chỉ tham gia vào công tác từ thiện thôi. Tuy nhiên, dù bất cứ Hội Thánh hay Tổ Chức nào trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ cũng cùng chung một giáo lý, một tôn chỉ Tam Giáo quy nguyên, Ngũ Chi phục nhứt, đủ nói lên lý do tại sao trong bàn tròn Liên Giao phải có nhiều loại hình (vấn đề) khác nhau để thích nghi cho mỗi thành viên tham dự không cảm thấy bị ngăn cách bởi sự khác biệt về tiểu tiết.
* Thách thức thứ hai là khi một thành viên nào đó cảm thấy mình bị xúc phạm đến lòng tự tôn, rằng mình phải xuống nước (water down) hay thỏa hiệp giao ước có tính đồng nhất để phù hợp với tinh thần Liên Giao. Để giải quyết vấn đề nầy, mỗi thành viên chúng ta phải chấp nhận sự tồn tại của những mặt khác biệt và tìm cách hiểu nhau mà không ảnh hưởng đến niềm tin, điểm đặc thù và lòng tôn kính của toàn Đạo. Chúng ta nhất tề bảo đảm với nhau rằng Tổ Chức Liên Giao các Hội Thánh và Tổ Chức Cao Đài dựa trên quan điểm bình đẳng trước Đức Chí Tôn mà hành sự, không lấy hình thức lớn nhỏ, cao thấp làm cơ sở để đưa ra phán quyết, chỉ lấy tinh thần thuần chơn vô ngã, vì lợi lạc nhơn sanh, vì tiền đồ Đại Đạo làm cơ sở để xúc tiến công cuộc liên giao.
* Thách thức thứ ba là ý thức hệ khác biệt. Trong thế kỷ 20, đất nước Việt Nam trải qua ba thời kỳ chiến tranh, người dân chúng ta ít nhiều đã bị chi phối do hai dòng ý thức hệ đối kháng, cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn hòa nhập chung dòng ý hệ, đây là một thực tế không tránh khỏi, và cũng là một phần trở ngại cho tiến trình hiệp nhứt tinh thần Đại Đạo. Tuy nhiên chúng ta tin tưởng trở ngại nầy sẽ được giải tỏa khi mỗi người nhận ra được mối nguy hại do chưa xóa đi ý thức hệ đối kháng, lúc bấy giờ chúng ta mới thật sự đứng vững trên lập trường thuần túy tôn giáo, cùng chung tay gieo mầm hòa hợp cho thế hệ tương lai Đại Đạo.
3. Gieo mầm hòa hợp
Trong thế giới ngày nay giáo dục cực kỳ quan trọng. Đó là một con đường chắc chắn đến một thế giới thống nhất, một thế giới mà tất cả mọi người được chấp nhận và yêu thương. Nó cũng là con đường hướng tới sự vắng mặt của chiến tranh và thù hận. Ngoài ra, giáo dục còn là chìa khóa mở cửa tâm hồn thống nhất Đại Đạo, đưa con người gần gũi với nhau hơn. Ở đây, điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra vai trò quan trọng của giáo dục trong việc góp phần xây dựng một nền tôn giáo hòa bình, một nền văn hóa hòa bình và lên án những trường hợp lợi dụng tôn giáo làm lũng đoạn khối đại đoàn kết dân tộc, lũng đoạn tôn giáo, chia rẽ phái chi.
Chúng ta đang sống trên hành tinh nhơn loại, đều liên quan đến nhau, thông qua kiến ​​thức và sự hiểu biết sâu sắc hơn, chúng ta có thể hiểu được nhau và đạt được một thế giới hòa bình hơn. Đây là lý do tại sao học tập về ý nghĩa liên giao, về lý tưởng hòa bình là rất quan trọng, không chỉ dừng lại ở những nhà lãnh đạo các chi phái hay những thành viên trong Tổ Chức Liên Giao, mà còn phải phổ biến trong toàn Đạo, nhất là thế hệ kế thừa, mầm non Đại Đạo.
* Gieo mầm hòa hợp trong toàn Đạo: Đối với toàn thể chức sắc, chức việc và tín đồ trong mỗi chi phái, cần thiết phải nhận được thông tin thường xuyên về sinh hoạt của Tổ Chức Liên Giao các Hội Thánh; hiểu biết tầm quan trọng của ý nghĩa Liên Giao trước tình hình mới của cơ Đạo đang tiến tới ngưỡng cửa một trăm năm tuổi thông qua các lần hội nhóm thường lệ tại Tòa Thánh và các kỳ đàn sóc vọng tại thánh thất, thánh tịnh. Mặt khác, tạo điều kiện tốt nhất để tạp chí Cao Đài đến tay bổn đạo để họ tiếp nhận thêm về thông tin hành đạo và bổ sung kiến thức về giáo lý.
* Gieo mầm hòa hợp trong tư duy tuổi trẻ: Đối với con em nhà đạo trong mỗi chi phái, thông qua các lớp Lễ Nghi và Phổ Huấn dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên, chúng ta lồng vào chương trình hướng dẫn có tiết mục về sứ mạng hòa hợp, thánh ngôn về sự thương yêu, về chủ nghĩa hòa bình của đạo Cao Đài. Hướng tư tưởng các em về chỗ đại đồng; tôn kính chư vị tiền khai Đại Đạo không phân biệt chi phái nào; chỉ cho các em có cái nhìn bao dung, khách quan về lịch sử Đạo. Làm thế nào để các em hiểu rằng chúng ta ngồi lại với nhau không phải để phán xét lịch sử Đạo, không phê phán ai đúng ai sai; ai bàng môn ai chánh đạo, vì điều đó chỉ làm đau lòng Đức Chí Tôn và Đấng Từ Mẫu mà thôi.
Mọi người chúng ta dù ở vào thế hệ nào, vị trí nào cũng đều có phần trách nhiệm hàn gắn những rạn nứt về tinh thần đoàn kết; xóa đi những hận thù và ngờ vực lẫn nhau; xoa dịu những vết thương lòng mà lịch sử còn lưu lại, để cùng nhau nhìn chung một hướng, hướng về phía trước là ánh hào quang rực rỡ của đoàn kết, tiến bộ và an lạc trong thế đạo nhân hòa.
*
Nền đạo Cao Đài hiện đang đứng trước một thực tế không thể phủ nhận là chưa quy tụ lại thành một bó đũa, thậm chí những bó đũa nhỏ đã bị xé lẻ vẫn còn chưa gom lại! Vấn nạn nầy phần nào làm trở ngại cho con đường Liên Giao. Tuy nhiên, với hùng tâm tráng chí, chúng ta nguyện tiếp bước tiền nhân đã từng bôn ba xuôi ngược vận động cơ quy nhứt và trung thành theo định hướng phát triển tinh thần đoàn kết trong Tổ Chức Liên Giao.




[1] Bản Ghi Nhớ, Hội Nghị lần thứ VI.
[2] Tương tề 相齊: Đầy đủ, đồng đều, ngang bằng với nhau; không so le, không chênh lệch giữa hai bên. [Văn Uyển chú]
[3] Đại Đạo Quy Nguyên Lược Luận, số 1, năm 1938, tr. 24.
[4] Đại Đạo Quy Nguyên Lược Luận, số 9, năm 1938, tr. 19.

============

NHƯ LÀ …
hoa cười nở,
thanh thản tàn.
lá xanh như thể
để vàng
nhẹ rơi.
gió vô tư lự
rong chơi
bốn mùa con nước
đầy vơi
chẳng màng.
bên trời mây hát
lang thang
hợp tan
mặc chuyện thế gian
cơ cầu.
người hoài khát vọng
về đâu?
ta hoài một kiếp
mái đầu điểm sương.
cảm ơn dâu bể
vô thường
cho tâm hiển ngộ
mười phương như là…

VÕ VĂN PHO
Họ đạo Trung Minh