Tạp chí Nghiên Cứu Và Phát Triển (Huế: Sở Khoa
Học và Công Nghệ Thừa Thiên - Huế, số 3-4 [110-111] năm 2014, tr. 151-159) có
bài nghiên cứu BÀN VỀ VẤN ĐỀ
“HIẾU-NGHĨA” TRONG QUAN HỆ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH QUA MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA HOÀNG
VIỆT LUẬT LỆ, của tác giả MAI THỊ DIỆU THÚY (MTDT), thuộc Khoa
Luật, Đại Học Huế.
Văn
Uyển trân trọng trích
lại một số đoạn liên quan tới đạo HIẾU để chia sẻ cùng quý đạo
hữu, đạo tâm.
|
Trong phần 1. Mở đầu, tác giả MTDT giới thiệu:
“Bộ Hoàng Việt Luật Lệ do Tổng Trấn
Nguyễn Văn Thành [1758-1817] chỉ đạo biên soạn theo một quy trình chặt chẽ dưới sự
kiểm soát của Hoàng Đế Gia Long năm 12, nên còn được gọi là “Luật
Gia Long” với 398 điều, chia thành 22 quyển (…). Bộ Hoàng Việt Luật Lệ được
sử dụng trong suốt thời kỳ nhà Nguyễn, rồi dùng tiếp ở Trung Kỳ trong thời kỳ
thực dân Pháp chiếm đóng Việt Nam .”
Trong phần 2.
Bàn luận về giá trị đạo đức “hiếu-nghĩa” trong bộ Hoàng Việt Luật Lệ, liên
quan tới chữ HIẾU, nghiên cứu của tác giả MTDT cho biết (trích):
- Điều 2 Hoàng Việt Luật Lệ xác định hành vi bất hiếu là một trong thập ác tội (mười tội ác nghiêm trọng
nhất), gọi là tội ác nghịch và tội bất
hiếu.[2]
- Điều 307 Hoàng Việt luật lệ: “Khi ông bà, cha mẹ còn sống, con
cái được quyền nhận sự nuôi dưỡng, dạy bảo của cha mẹ. Con cháu có nghĩa vụ
phụng dưỡng ông bà cha mẹ, không được quyền trái giáo lệnh của ông bà cha mẹ.”
- Điều 306 nghiêm cấm con cháu không được thưa kiện, tố
cáo hoặc vu cáo ông bà cha mẹ trừ trường hợp mưu phản, mưu đại nghịch xâm
hại đến hoàng đế và sự an nguy của xã tắc (...).
- Trong trường hợp
ông bà cha mẹ phạm tội đi đày con cháu phải theo ông bà cha mẹ đi đến và ở tại nơi
lưu đày (Điều 14 Hoàng Việt Luật Lệ).
- Điều 17, Chương II, Quyển IX, quy định: “Tuổi già có bệnh ắt đợi cháu
con về phụng dưỡng để sau yên phần. Nếu con đối với cha mẹ, cháu đối với ông bà
già trên tám mươi tuổi mà lại bị bệnh nặng, trong nhà không có ai thay mình
chăm sóc, mà không chịu về hầu hạ, tham phú quý vinh hoa, lợi lộc, bỏ nhiệm vụ
hầu cha mẹ, tội này khép vào tội bỏ nhiệm vụ chăm sóc cha mẹ. (…) Như vậy một
là bỏ rơi cha mẹ, là bất nhân, (…) nên phạt tám mươi trượng.”
- Điều
307 quy định: “Con cháu nếu phụng dưỡng mà cố ý làm thiếu sót xử phạt một trăm trượng, lưu [đày] ba ngàn dặm”, hoặc là
“Con cháu phạm tội mạ lỵ, đả thương ông bà cha mẹ thì bị trừng trị nặng hơn
trường hợp phạm tội bình thường; mưu giết ông bà, cha mẹ bị xử giảo
quyết, nếu giết thì bị xử bêu xác hoặc lăng trì.” Kể cả
trường hợp con cháu xâm phạm đến mồ mả tổ tiên, ông bà, cha mẹ đều bị khép vào tội thập ác.
Tác giả MTDT viết:
“Trong trường hợp giữa hiếu đạo và pháp luật có xung đột nhau thì trong nội
dung của Hoàng Việt Luật Lệ hiếu đạo vẫn được coi là cái gốc để điều chỉnh hành
vi của con người, thể hiện qua quy định cho phép giảm hoặc hoãn hình phạt đối
với các can phạm có cha mẹ già yếu, không nơi nương tựa, can phạm lại là con
thừa tự.” [3]
Tác giả dẫn chứng:
- Đại Nam Hội Điển Sự Lệ nêu rõ: “Nếu người nào phạm vào tội
đồ, lưu mà còn ông bà (cao tổ, tằng tổ cũng thế), cha mẹ đã già, ốm cần phải
hầu nuôi mà nhà không có người nào đến tuổi thành đinh (mười sáu tuổi trở lên)
thay đỡ được, thì quan có trách nhiệm phải xét hỏi rõ ràng, kê khai người ấy
phạm vào tội danh gì và duyên cớ phải ở nhà hầu nuôi, thì chỉ phạt 100 trượng.
Còn các tội khác đều cho nộp tiền chuộc ở lại hầu nuôi ông bà, cha mẹ.” [4]
- Thậm chí, có khi để phụng dưỡng ông bà cha mẹ, luật pháp cho phép giảm
hình phạt đối với cả tội giết người: “Phàm các án mạng về đánh nhau chết,
trong khi khám nghiệm, phải xét hỏi rõ tên hung phạm ấy có ông bà, cha mẹ già,
ốm hay không, tên hung phạm có phải là con một hay không, báo cáo kèm luôn vào
một thể. Đến kỳ xử án, cho được ở lại hầu nuôi bề thân, chỉ lấy thêm giấy cam
kết nữa. Nếu khi xét hỏi, kẻ can phạm ấy không phải là hạng được ở lại hầu nuôi
bề thân mà đến khi xử án, thì ông bà, cha mẹ của kẻ can phạm ấy đã thành ra
già, ốm hoặc là anh em con cháu chết hết, cũng được viện lệ xin ở lại nuôi hầu
bề thân.” [5]
Liên quan tới tài sản trong gia đình, tác giả MTDT viết:
“Bên cạnh đó, trong quy định của bộ Hoàng Việt Luật Lệ việc đòi phân chia
tài sản khi ra ở riêng được coi là một trong những biểu hiện của tội bất hiếu.”
[6]
Tác giả dẫn chứng:
“Phàm ông bà cha mẹ còn sống, cháu con giữ lễ thì không được có của
riêng. Nếu đòi phân chia tài sản ra ở riêng thì đều là việc làm bất hiếu cả.
Hay khi ông bà cha mẹ còn sống, con cháu không được vì tài sản mà tỏ ra thiếu
lễ độ, cho dù ông bà cha mẹ không còn nữa thì anh em khi ở cùng nhau cũng phải
thể hiện lễ độ hơn với các bậc trưởng bối.” [7]
Tác giả MTDT nhận định:
“Đưa ra điều luật như thế chính là cách dạy người ta chữ hiếu, nói cách
khác, những quy định đó của Luật Gia Long [Hoàng Việt Luật Lệ] đã thể hiện tư
tưởng tôn trọng người già, thương xót người già, anh em yêu thương nhau…, thể
hiện rõ được việc đề xướng đạo hiếu trong Nho Giáo.
Khi ông bà, cha mẹ qua đời thì chữ “hiếu” vẫn tiếp tục ràng buộc con
cháu cả về mặt luân lý lẫn mặt luật pháp. Chính vì thế, trong nội dung Điều 2
Hoàng Việt Luật Lệ quy định: “Con cháu có nghĩa vụ phải tôn trọng thời kỳ cư
tang đối với ông bà cha mẹ. Con cháu chưa được phân chia tài sản thừa kế trong
thời kỳ để tang ông bà, cha mẹ. Nghe thấy tang ông bà cha mẹ mà giấu không
khóc, có tang cha mẹ mà làm giá thú, vui chơi ăn mặc như thường là can tội bất
hiếu.” [8]
[1] Huỳnh
Công Bá, “Một số vấn đề về pháp luật triều Nguyễn”, tập san Trường Đại Học Sư
Phạm Huế 2005, tr. 33.
[3] Tạp chí
Nghiên Cứu Và Phát Triển (bài đã
dẫn), tr. 154.
[4] Nội Các
triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ. Tập 11. Huế: Nxb
Thuận Hóa, 1993, tr. 57.
[6] Tạp chí
Nghiên Cứu Và Phát Triển (bài đã
dẫn), tr. 154.
[8] Tạp chí
Nghiên Cứu Và Phát Triển (bài đã
dẫn), tr. 154.
.