Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

ĐĐVU 09 / NIỀM VUI THEO QUAN NIỆM ĐẠO CAO ĐÀI / Thiện Quang


Nhân kỷ niệm ngày sinh của Thánh Phanxicô Atxidi, (26-9-1181 / 03-10-1226), theo tinh thần sống hòa bình và vui tươi của Thánh Phanxicô, cũng như theo chủ trương đối thoại liên tôn của Ngài, sáng Thứ Bảy 28-9-2013, tu viện Phanxicô Đa Kao tổ chức một buổi hội thảo chia sẻ liên tôn với chủ đề “Quan Niệm Niềm Vui theo Phật Giáo, Cao Đài và Công Giáo”. Sau đây là bài tham luận của hiền hữu Thiện Quang (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo).
“Vui” là một trạng thái tình cảm mà trong đó con người đạt được sự hài lòng do thỏa mãn ước muốn của mình. Trong tiếng Việt của chúng ta, chữ “niềm” trong cụm từ “niềm vui” được dùng để nhấn mạnh rằng trạng thái tình cảm này là một trạng thái của nội tâm hơn là trạng thái của ngoại cảnh; người Việt mình hiểu rằng, trên thực tế, không bao giờ tồn tại những cảnh vật vui tươi đối với một người đang buồn, mà cũng không có chuyện gì thật sự đáng buồn đối với một người đang vui. Như vậy, niềm vui là một trạng thái nội tâm thể hiện sự hài lòng do thỏa mãn ước muốn; và bản chất của niềm vui phụ thuộc vào bản chất của ước muốn.
Quán xét những kinh nghiệm nơi bản thân và nơi tha nhân, chúng ta thấy rằng mọi niềm vui của con người ở thế gian này có thể được phân thành hai loại cơ bản: một loại giúp con người nâng cao giá trị của mình, còn một loại lại làm cho phẩm giá của con người bị hạ thấp. Nếu sử dụng ngôn từ theo phong cách Cao Đài, loại thứ nhất là niềm vui đúng đạo lý, và loại thứ hai là niềm vui trái đạo lý. Trong niềm vui đúng đạo lý, con người càng đạt được sự hài lòng bao nhiêu thì càng thánh hóa được bản thân và tha nhân bấy nhiêu; ngược lại, với niềm vui trái đạo lý, con người hễ càng thỏa mãn thì càng trở nên vô minh, mê muội, và do đó càng dễ lầm lỗi. Thế nên, niềm vui đúng đạo lý là loại niềm vui mà mỗi cá nhân cần tạo ra, nuôi dưỡng, và phát triển nơi bản thân cũng như tha nhân; còn niềm vui trái đạo lý là cái mà tất cả chúng ta phải phòng ngừa và xa lánh.

Niềm vui đúng đạo lý

Nói đến đạo lý là nói đến cả ba giá trị: chân, thiện, mỹ. Thuộc về đạo lý phải là những gì vừa đúng đắn (chân), vừa tốt lành (thiện), vừa đẹp đẽ (mỹ). Đây cũng là ba giá trị nhân bản, nghĩa là ba giá trị căn bản của nhân loại tính, mà mọi người từ tận trong tiềm thức của mình đều khát khao hoặc ngưỡng vọng. Bởi vậy, trong sự vươn đến chân, thiện, mỹ, một bước tiến bé nhỏ cũng có thể đem đến cho con người sự hài lòng to lớn. Điều này giải thích tại sao bất cứ con người nào trên cõi đời này cũng tìm thấy những niềm vui tuyệt diệu khi nắm bắt được một vài tia sáng của chân lý, trải nghiệm được một vài ý tưởng thánh thiện, hay thực hiện được một vài hành động đẹp đẽ. Chúng ta hãy xét mấy ví dụ.
Thứ nhất là niềm vui do trải nghiệm cái đúng đắn (chân). Khi còn là học sinh, nhiều người trong chúng ta đã trải nghiệm được niềm vui khó tả khi giải được một bài toán hóc búa. Lớn lên, bước vào đời, mỗi lần phát huy trí tuệ và giải quyết thành công những bài toán trong bổn phận làm người, niềm vui tương tự lại xuất hiện. Các nhà tư tưởng trên thế giới vẫn trải nghiệm được niềm vui đó mỗi khi khám phá ra được một sự thật còn đang được ẩn giấu trong tự nhiên hay xã hội. Còn với những người có đức tin tôn giáo, mỗi khi chứng nghiệm được một sức mạnh của tâm linh, một điều kỳ diệu của đức tin hoặc nhận thức được một nội dung giáo lý cao siêu, đều thấy cả trí tuệ lẫn tâm linh mình phấn khởi lạ thường. Đó là những trải nghiệm hồn nhiên và có ý nghĩa về niềm vui dưới ánh sáng chân lý.
Thứ hai, niềm vui do trải nghiệm cái tốt lành (thiện). Mỗi khi chúng ta làm được một việc thiện, giúp ích cho thế nhân, lòng chúng ta thấy vui sướng nhẹ nhàng. Chúng ta hãy thử xem điều gì sẽ xảy ra nếu mình mở rộng phạm vi giúp ích? Chẳng hạn, ban đầu là việc giúp cho những người nghèo đói bệnh tật có được cơm áo thuốc men, dần dần tiến đến việc cảm hóa những thành phần bất hảo trong xã hội trở nên những người có ích cho xã hội. Càng mở rộng phạm vi giúp ích, việc thiện càng trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi chúng ta phải quên mình nhiều hơn, hy sinh cho tha nhân nhiều hơn, nhưng chính vì vậy, tác dụng của sự giúp ích sẽ sâu rộng hơn, số người hưởng được sự giúp ích cũng nhiều hơn, và niềm vui của chúng ta cũng gia tăng thêm. Như vậy, niềm vui của sự thánh thiện càng to lớn khi chúng ta càng dẹp bỏ bản ngã riêng tư của mình và hy sinh cho hạnh phúc của đại chúng.
Thứ ba, niềm vui do trải nghiệm cái đẹp đẽ (mỹ). Chúng ta tìm thấy niềm vui này khi chúng ta hạ mình để đem những vinh quang đến cho tha nhân trong ánh sáng của đạo đức, hoặc khi chúng ta thương yêu những người oán ghét chúng ta, lấy tình thương đền đáp lại sự thù hận. Đây là sự trải nghiệm cái thẩm mỹ, cái trác tuyệt trong nhân cách, và rõ ràng, bất cứ ai cũng tràn ngập hạnh phúc khi thấy được cái thẩm mỹ, cái trác tuyệt đó xuất hiện trong nhân cách của chính mình.
Đó là một số ví dụ về niềm vui đúng đạo lý, do sự trải nghiệm chân, thiện, mỹ. Trên thực tế, cả ba giá trị chân, thiện, mỹ thường xuất hiện đồng thời. Chẳng hạn, việc đem yêu thương báo đáp sự thù hận chẳng những là một lối hành xử tuyệt đẹp, mà còn là một việc làm hết sức tốt lành, hết sức đúng đắn.
Mọi niềm vui đúng đạo lý đều có bản chất sâu xa là sự an lạc. Chữ “an lạc” ở đây có nghĩa là “vui, vì đạt được sự bình yên trong tâm hồn”. Sự bình yên này không thể do một tác nhân ngoại tại nào đem đến, mà chỉ có thể do chúng ta chủ động tạo ra bằng cách tự giữ cho nội tâm của mình thanh tịnh trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Người thanh tịnh sẽ không để cho mình bị xao động, và dĩ nhiên, không để cho mình bị kích động vì những tác động khác nhau của ngoại giới. Một người như vậy càng gặp những thử thách qua những nghịch cảnh càng cảm nhận được những niềm vui thánh khiết, vì những cái khắc nghiệt ấy của cuộc đời là cơ hội để trui rèn và gia tăng những giá trị nhân bản trong con người mình.
Mục đích của đạo Cao Đài là “thế đạo đại đồng, thiên đạo giải thoát”. Diễn giải ra, mục đích ấy có nghĩa là vừa đưa toàn nhân loại đến thế giới đại đồng, vừa đưa từng cá nhân trở về cõi thiêng liêng hằng sống mà Kitô Giáo gọi là Nước Trời và Phật Giáo gọi là Niết Bàn. Trong cả phạm vi cá nhân lẫn phạm vi xã hội, sự an lạc đều đóng một vai trò quan trọng.
Ở phạm vi cá nhân, sự an lạc là một động lực tích cực trong việc giải thoát tâm hồn ra khỏi những dục vọng tầm thường. Những dục vọng này, tự chúng, không hề tồn tại trong bản thể của con người. Chúng chẳng phải là cái gì khác hơn những trạng thái bị kích động của tâm hồn dưới tác động của ngoại cảnh; nhưng nếu chúng cứ xuất hiện liên tục, cái này được sinh ra và rồi chồng chất lên cái khác, chúng sẽ trở thành những cơn bão ham muốn không giới hạn, ngăn cản không cho con người sống với bản thể của chính mình. Thế nên, càng giữ cho tâm hồn được thanh tịnh, thì theo thời gian, những dục vọng càng suy thoái rồi tiêu vong. Một khi chúng đã tiêu vong, con người sẽ thấy được bản thể, và hơn nữa, sẽ thấy rằng bản thể ấy chính là Thượng Đế, là Phật trong tự tại. Vì sự an lạc chỉ có thể có nơi một tâm hồn thanh tịnh, nên sự an lạc là một động lực mạnh mẽ giúp cho tâm linh của con người tiến hóa, trở thành Phật và huyền đồng với Thượng Đế.
Ở phạm vi xã hội, sự an lạc là một trong những yếu tố giúp xây dựng các xã hội nhân hòa, nghĩa là những xã hội hòa bình. Trong phạm vi này, giáo lý Cao Đài chủ trương “tạo lập trật tự an lạc để thực hiện hạnh phúc cho nhân sanh.” [1] Chỉ khi nào trật tự xã hội là một trật tự do sự an lạc mà có thì mọi người mới thật sự hạnh phúc và xã hội mới thật sự trở thành xã hội an lạc. Nhưng muốn có được xã hội an lạc, trước hết, phải có được những cá nhân an lạc. Những cá nhân ấy không phải là những con người cầu an, nhưng là những con người đã giải thoát được tâm hồn mình ra khỏi những dục vọng tầm thường và đạt được sự an lạc tự tại. Nhờ vậy, con người đó mới phát huy được lòng từ bi bác ái để dấn thân vào những nghịch cảnh của cuộc đời, giải tỏa những khổ nạn của chúng sinh, trong khi vẫn duy trì và phát triển được sự thanh tịnh, sự bình an trong tâm hồn và thể xác của chính mình. Đây cũng là điều mà Thánh Phanxicô Átxidi đã viết: “Những ai chịu đựng mọi gian khổ trên đời vì lòng yêu mến Chúa Giêsu Kitô, mà vẫn giữ được tâm hồn và thân xác bình an, họ mới thật là người xây dựng hòa bình.” [2]

Niềm vui trái đạo lý

Những niềm vui trái đạo lý là những cái vui không phù hợp với ba giá trị căn bản của nhân loại tính. Đó là những cái vui không đúng đắn, chẳng tốt lành, mà cũng chẳng đẹp đẽ. Chúng không nằm trong bản thể chân như. Khi Thiên Chúa tạo dựng con người, Ngài không tạo ra chúng. Thế thì chúng do đâu mà có?
Theo giáo lý Cao Đài, trong cơ cấu của một con người mà Thiên Chúa đã tạo dựng, có sáu cơ quan làm nền tảng tâm-sinh lý cho sự nhận thức. Sáu cơ quan đó được gọi là lc căn, bao gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý (nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, và ý). Đây là “sáu cơ quan tối trọng để tạo thành con người hiện hữu nơi thế gian”.[3] Tựa như những hệ thống radar, chúng thường ở vào tình trạng sẵn sàng thu nhận các tác nhân kích thích tương ứng của ngoại cảnh. Tình trạng sẵn sàng này của chúng tạo thành sáu loại ham muốn ở cả mức độ cảm giác và lẫn mức độ tri giác của con người. Sáu loại ham muốn ấy được gọi là lc dc, bao gồm: nhãn dục, nhĩ dục, tỵ dục, thiệt dục, thân dục và ý dục. Nếu linh hồn biết làm chủ lục căn, sử dụng chúng vào những việc đúng đạo lý, thì lục dục sẽ trở thành sáu phép mầu nhiệm để thông thiên đạt địa. Ngược lại, nếu linh hồn không làm chủ được lục căn, thì lục dục sẽ mù quáng thực hiện những điều sai đạo lý và trở thành “sáu ngã đường tà vạy” [4] làm cho con người phải sa đọa triền miên.
Mức độ và cường độ của sự thỏa mãn hoặc không thỏa mãn các loại dục vọng nói trên sẽ làm xuất hiện trong con người bảy trạng thái tình cảm khác nhau; đó là các trạng thái: mừng (hỷ), giận (nộ), buồn (ai), vui (lạc), thương (ái), ghét (ố), sợ (cụ). Bảy trạng thái tình cảm này được gọi là thất tình. Chúng đều là những trạng thái bị kích thích của nội tâm, xuất hiện khi con người chịu những tác động từ ngoại cảnh mà không có sự chủ động an định nội tâm của linh hồn. Những trạng thái này chỉ là những trạng thái giả tạo và tạm thời; mỗi trạng thái trong số chúng sau khi xuất hiện chỉ có thể tồn tại một thời gian nào đó rồi chuyển hóa thành một trạng thái khác.
Niềm vui trái đạo lý chính là trạng thái “vui” trong bảy trạng thái tình cảm vừa nêu. Những niềm vui này phát sinh và tồn tại dựa vào lục dục, nên chúng chỉ là những hưng phấn giả tạm do sự thỏa mãn các ham muốn tâm-sinh lý trong bản năng vô thức của con người. Nếu nói một cách khác, qua ngôn ngữ tâm phân học của Sigmund Freud chẳng hạn, những niềm vui này bắt nguồn từ những “xung lực phát ra từ [những] tổ chức thể chất” [5] và là sự thỏa mãn những đòi hỏi thể chất trong tâm thần của con người.[6]
Nếu người ta vui vì mắt của họ được nhìn thấy những sắc đẹp giới tính, hay những sắc thái hoa lệ của sự giàu sang về vật chất… thì đó chỉ là cái vui của nhãn dục. Nếu vui do tai được nghe những lời tâng bốc, ngợi khen, những lời thêu dệt, xiểm gièm… thì đó chỉ là cái vui của nhĩ dục. Nếu vui do mũi được ngửi những mùi hương tạo nên sự phấn khích cho thể xác, đó chỉ cái vui của tỵ dục. Nếu vui do lưỡi được nếm những thức ăn ngon, đó chỉ là cái vui của thiệt dục. Nếu vui do thân được thỏa mãn những ham muốn khác của xác thịt, đó chỉ là cái vui của thân dục. Và nếu vui do tư tưởng được thỏa mãn những suy nghĩ càn quấy, phóng túng, sa đọa… đó chỉ là cái vui của ý dục.
Cái vui của ý dục là môi trường dung dưỡng những cái vui của mọi loại dục vọng khác. Đằng sau khả năng nhận thức sinh lý học của các cơ quan thể chất (ví dụ cái thấy của đôi mắt sinh học, cái nghe của đôi tai sinh học…) còn có khả năng nhận thức tâm lý học của những bản năng vô thức tương ứng (ví dụ cái thấy của bản năng vô thức, cái nghe của bản năng vô thức…). Cái thấy, cái nghe… của bản năng được khơi dậy trong tâm thần thông qua hoạt động của các cơ quan thể chất và được nuôi dưỡng bằng ý dục. Những ham muốn do bản năng vô thức như vậy mới là phần đáng sợ nhất của lục dục.
Đối với những ham muốn do bản năng vô thức, con người không thể kiểm soát và chế ngự chúng bằng ý thức hay lý trí, nhưng phải bằng một quá trình tu tập lâu dài trong suốt cuộc đời mình. Việc hướng dẫn cho con người cách thức tu tập hiệu quả, trên thế gian này, ngoài các tôn giáo ra, không ai có thể thực hiện thành công. Và đây cũng là một lý do giải thích vì sao nhân loại cần đến tôn giáo.

SỐng vỚi nhỮng niỀm vui hàng ngày

Niềm vui đúng đạo lý và niềm vui trái đạo lý, như vừa được trình bày bằng những ngôn từ của giáo lý Cao Đài, cũng đã được các tôn giáo trên thế giới đề cập đến với những cách thức có thể ít nhiều khác nhau nhưng nội dung về cơ bản thì tương đồng. Trong Phật Giáo, có những kinh sách dùng chữ “an lạc” và “dục lạc” để chỉ hai loại niềm vui này.[7] Trong Kitô Giáo, Thánh Thomas Aquinas phân biệt cái vui thực và cái vui giả, cũng như cái vui tốt và cái vui xấu.[8]
Nơi những con người bình thường, mỗi niềm vui đều có thể thuộc một trong hai, hoặc cũng có thể là một tổ hợp nào đó giữa hai loại niềm vui trên đây. Việc nhận diện ra bản chất mỗi loại có ý nghĩa thiết thực trong việc tạo nên giá trị của bản thân. Điều này đòi hỏi con người phải rèn luyện thói quen theo dõi, kiểm soát, chế ngự và chọn lọc các trạng thái tâm lý của chính mình.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta có thể gặp những niềm vui mà dường như không thuộc loại nào trong hai loại kể trên. Vui vì tốt nghiệp được đại học, vui do mới tìm được việc làm, vui nhờ đi du lịch, vui bởi Tết sắp đến… Thật ra, tính chất “đúng đạo lý” và “trái đạo lý” không nằm ở bản thân những sự kiện như “tốt nghiệp đại học”, “tìm được việc làm”, “du lịch” hay “Tết”, mà nằm ở mức độ bình an của nội tâm, nghĩa là mức độ tự chủ lấy nội tâm, khi chúng ta trải qua sự kiện đó. Ví dụ, nếu trong tâm hồn của người sinh viên, tốt nghiệp đại học là niềm vui do hoàn tất một bổn phận đối với gia đình, đánh dấu một bước tiến của bản thân, thì đó là niềm vui đúng đạo lý; bởi ở chỗ này, giống như đã được Thánh Thomas Aquinas định nghĩa, sự vui sướng là trạng thái an tĩnh của tâm hồn sau khi đã đạt được mục tiêu, tức là điều thiện.([9]) Tuy nhiên, nếu người sinh viên xem việc tốt nghiệp đại học là cái vui trút bỏ vĩnh viễn những nhiệm vụ học hỏi, hoặc, trong một sự hào hứng bốc đồng khác, là cái vui dẫn đến việc nhậu nhẹt ăn mừng, rồi say sưa không làm chủ được bản thân, dẫn đến những tai nạn cho bản thân hoặc người khác, thì đó là cái vui trái đạo lý.
Để nhận diện được trong tâm hồn mình niềm vui đúng đạo lý và niềm vui trái đạo lý, cũng như, để ngăn ngừa cái thứ hai và phát triển cái thứ nhất, con người rất cần đến sự giúp đỡ của tôn giáo. Mỗi tôn giáo đều có những phương thức thích hợp dành cho những đối tượng khác nhau. Đạo Cao Đài có phương pháp Tam Công. Phương pháp này bao gồm: Công Quả, Công Trình và Công Phu.
Công Quả là làm những việc có ích cho tha nhân trong tinh thần hiến dâng, không nghĩ đến bản thân mình, cũng không vọng cầu bất kỳ hình thức tưởng thưởng nào kể cả những phần thưởng do Thượng Đế hay các Đấng thiêng liêng ban cho. Thánh giáo Cao Đài dạy: “Hãy lấy niềm vui khi làm cho kẻ khác. Hãy lấy làm hãnh diện khi xả thân cho tha nhân.” [10] Việc hy sinh cho tha nhân là một niềm vui mà trên đời không phải ai cũng có cái may mắn được trải nghiệm, mặc dù những cơ hội hy sinh như vậy xuất hiện mọi lúc mọi nơi. Và niềm vui này tự nó đã là một phần thưởng vô giá.
Công Trình là rèn luyện cá tính, trau dồi nhân cách và sửa đổi tác phong theo tiêu chuẩn chí chân, chí thiện, chí mỹ. Với sự trợ giúp của giới luật, Công Trình là cách thức chủ yếu để theo dõi, kiểm soát, chế ngự hoặc đào thải những niềm vui trái đạo lý. Nỗ lực căn bản của Công Trình là làm chủ lấy lục dục và thất tình, chuyển hóa chúng thành những sức mạnh đúng đạo lý của bản thân.
Công Phu là thiền định. Ở mức độ phổ thông, việc thiền định được thực hiện thông qua sự tập trung tư tưởng lúc đọc kinh, cầu nguyện trong các thời cúng, trong các buổi lễ, và trong nhiều sinh hoạt thường nhật khác (trước khi ăn cơm, trước khi đi ra đường, sau khi trở về, trước khi đi ngủ…). Ở các mức độ nâng cao và chuyên sâu, việc thiền định được thực hiện nhờ hệ thống các pháp môn thuộc phần nội giáo tâm truyền của đạo Cao Đài. Sự thiền định một mặt giúp con người thường xuyên giao cảm với các Đấng thiêng liêng, nhưng mặt khác quan trọng hơn, giúp con người rèn luyện sự thanh tịnh tự chủ trong nội tâm. Do đó, thiền định là giải pháp cho phép vừa diệt trừ mọi nguồn gốc phát sinh những niềm vui trái đạo lý, vừa xây đắp nền tảng vững bền cho sự an lạc nội tâm.
Như vậy, sống với những niềm vui hằng ngày, theo đạo Cao Đài, là “đạo lý hóa” bản chất của chúng, làm cho chúng trở thành những niềm vui chân, thiện, mỹ nếu như chúng chưa đạt được những giá trị căn bản ấy của nhân loại tính. Cách sống này, tự nó, cũng là một niềm vui đúng đạo lý, một niềm vui bất tận trong cuộc đời mỗi con người đang tìm lại bản thể chân như trong ơn cứu độ của Thượng Đế.
Khóa tịnh Thu Phân, Quý Tỵ (27-9-2013)
THIỆN QUANG
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo



[1] Đại Tiên Lê Văn Duyệt, Văn Phòng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 14 rạng 15-02 Canh Tuất (21-3-1970).
[2] Norbertô Nguyễn Văn Khanh, ofm., Thánh Phanxicô Átxidi, Con Người Của Hòa Bình. http://www.ofmvn.org/linh-dao/thanh-phanxico/1378-. . ., 27-09-2013.
[3] Đức Chí Tôn, “Đoạn Trừ Lục Dục”, Tam Thừa Chơn Giáo, quyển 2. Đàn ngày 08-11-1961.
[4] Đức Chí Tôn, “Đoạn Trừ Lục Dục”, Tam Thừa Chơn Giáo, quyển 2. Đàn ngày 08-11-1961.
[5] D. Stafford-Clark, Freud Đã Thực Sự Nói Gì?, tr. 151.
[6] Sách đã dẫn, tr. 154.
[7] Pháp Nguyện, An Lạc Và Dục Lạc, http://chuahaiquang.com.vn/ NewsDetails.aspx?_214=268. 25-9-2013.
[8] Lm Giuse Phan Tấn Thành, op., Thần Học Niềm Vui 03: Chứng Nhân Niềm Vui, http://2010menchuayeunguoi.blogspot.com/ 2010/01/ than-hoc-niem-vui-03-chung-nhan-niem.html. 25-9-2013.
[9] Lm Giuse Phan Tấn Thành, op., đã dẫn.
[10] Đức Cao Triều Phát, thánh thất Nam Thành, 01-01 Ất Tỵ (02-02-1965).

* Khi bạn làm những điều xuất phát từ tâm hồn, bạn cảm thấy trong bạn một niềm vui như dòng sông tuôn chảy. / When you do things from your soul, you feel a river moving in you, a joy
RUMI (nhà thơ Ba Tư, 1207-1273)


Đại Đạo Văn Uyển trân trọng giới thiệu quý đạo hữu
blog UNDERSTANDING CAODAISM gồm các bài tiếng Anh của
HUỆ KHẢI viết về đạo Cao Đài tại địa chỉ: