Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

ĐĐVU 11 / DÒNG ĐỜI XUÔI NGƯỢC / Truyền Trạng Thanh Căn


Con người từ khi sanh ra đã bắt đầu bị chi phối theo chu trình sanh lão bệnh tử tương ứng với quy luật thành trụ hoại không của vũ trụ. Chu trình nầy gọi là vòng đời, vì nó diễn tiến theo vòng tròn có hạn định, trải qua các giai đoạn phát triển sinh lý, phát triển tri thức và phát triển tâm lý xã hội.
Thời kỳ anh nhi, ấu nhi từ mới sanh đến ba tuổi, tiền nhi đồng từ ba đến sáu tuổi, nhi đồng từ sáu đến mười hai tuổi.
Thời kỳ thiếu niên, thanh niên từ mười hai đến hai mươi tuổi.
Thời kỳ thành niên từ hai mươi đến bốn mươi tuổi.
Thời kỳ trung niên từ bốn mươi đến sáu mươi tuổi.
Thời kỳ lão niên từ sáu mươi đổ lên tám mươi tuổi.
Từng chặng trên vòng tròn sanh lão bệnh tử ấy nằm trên chiều ngang của không gian; khi các yếu tố sanh lão bệnh tử bắt đầu diễn tiến theo chiều dọc của thời gian thì gọi chung là dòng đời. Dòng nước cuộc đời cứ trôi xuôi từ thượng nguồn của quá khứ đến hạ nguồn của vị lai rồi đổ ra trùng dương của hư không luân chuyển.
Vòng luân chuyển ấy là vòng tái sinh của con người sau một kiếp đã trải qua, tùy theo nghiệp lực của mỗi người mà đi xuống hay đi lên kiếp đời tái sinh. Đi xuống là vào vai một người cùng khổ tới loài kim thạch. Đi lên là một người giàu sang, quyền quý, đến hàng chân nhân thoát tục.
Nói về vòng đời, có chuyện kể lúc Đức Thích Ca đang trú ở giữa dân chúng Vajji, tại làng Bhanda. Ngài gọi các tỳ kheo lại dạy:
Này các tỳ kheo, có bốn hạng người hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn? Hạng người đi thuận dòng, hạng người đi nghịch dòng, hạng người tự đứng lại, hạng người đã vượt qua bờ bên kia, đứng trên đất liền.
Này các tỳ kheo, thế nào là hạng người đi thuận dòng? Hạng người thọ hưởng các dục (ham muốn) và làm các ác nghiệp gọi là đi thuận dòng.
Thế nào là hạng người đi ngược dòng? Này các tỳ kheo, có hạng người không thọ hưởng các dục, không làm ác nghiệp, sống phạm hạnh [1] viên mãn gọi là đi ngược dòng.
Này các tỳ kheo, thế nào là hạng người tự đứng lại? Hạng người do diệt tận năm kiết sử,[2] được hóa sinh, không còn trở lại đời này nữa gọi là tự đứng lại.
Thế nào là hạng người đã vượt qua bờ bên kia, đứng trên đất liền? Này các tỳ kheo, có hạng người do diệt các lậu hoặc,[3] chứng ngộ và an trú vô lậu [4] tâm giải thoát, tuệ giải thoát là đã vượt qua đến bờ bên kia, đứng trên đất liền.
Này các tỳ kheo, có bốn hạng người như vậy có mặt ở đời.[5]
Đức Phật chỉ ra bốn hạng người đang có mặt trên dòng đời, ở đây chúng ta chỉ đề cập đến hai hạng người đi thuận dòngngược dòng, vì giai đoạn đứng lại hay vượt qua bến bờ bên kia là để tỏ rõ chỗ rốt ráo của hành vi ngược dòng đời của người chơn tu.
Mỗi người trong chúng ta, ai cũng đã từng trôi xuôi trên dòng sông của cuộc đời; cũng đều va phải biết bao khúc quanh, biết bao sóng dồi gió dập; cũng đều trải nghiệm buồn khổ thì nhiều sướng vui thì ít, và cũng đã gậm nhấm biết bao cay đắng của tình đời thay trắng đổi đen.
Tuy nhiên, nếu cứ để con thuyền đời của chúng ta trôi xuôi thì dễ hơn là bơi ngược dòng, vì thuyền trôi xuôi không cần dùng sức bơi, chỉ cần cầm lái, nhưng khi qua những ghềnh thác tay lái khó mà kềm nổi để tránh va đập mạn thuyền.
Ngày nay chúng ta may mắn gặp Đạo, Đức Chí Tôn và các Đấng đã dạy cho chúng ta phương thức bơi ngược dòng đời để kịp về bến bờ quê xưa vị cũ.
Trong những đoạn thánh giáo sau đây Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy về ý nghĩa của người đi ngược dòng đời.
Cảnh báo hiệu có dông to đến
Thì con lo lìa bến mê tân
Qua cơn, giác ngạn [6] yên thân
Thuyền khơi mặt bể sóng trần lao xao.
Khi khởi hành con rao cho lớn
Ai qua sông, khá xuống thuyền đây!
Bao nhiêu thì cũng không đầy
Bởi thuyền không đáy, cứ đầy đức tin.[7]
Thầy dạy lìa bến mê tân cũng có nghĩa là đi ngược dòng đời, và sóng to gió lớn nói ở đây là những thiên tai địa ách, những biến động của nhơn tình. Thuyền đạo mặc dù không đáy nhưng chở bao nhiêu người cũng không khẳm, điều cần yếu là phải có đức tin dũng mãnh để tạo thêm nghị lực chèo chống khi bước xuống thuyền bơi ngược về bến giác.
Thầy bảo chúng ta: Khi khởi hành phải rao cho lớn. Nhưng rao cho lớn là thế nào? Câu nầy ám chỉ người “rao” là người đã thực sự có đầy đủ đức tin và sáng suốt, quyết tâm lột xác đi ngược dòng đời, đứng ngoài vòng những tranh chấp hơn thua bởi thế quyền địa vị; trải rộng cõi lòng thực hành từ bi, hỷ xả theo Thánh hạnh, làm gương tốt cho người khác cùng hăng hái bước lên thuyền ngược về bến đạo.
I. LÊN THUYỀN NGƯỢC NƯỚC
Vậy thuyền nầy kêu gọi và rước những ai qua sông? Thầy dạy tiếp:
Rước những con hy sinh vì Đạo
Rước những trẻ hiếu thảo tâm thành
Rước người hiền đức trọn lành
Rước người chẳng mến lợi danh tục đời.                                        
Rước những khách ưu thời mẫn thế
Rước những con lời thệ gìn tròn
Rước người căn vị giữ còn
Rước người đầy đủ công bòn từ lâu.[8]
Chúng ta thử tìm hiểu từng câu của hai vế thi bài trên:
1. Thế nào là hy sinh vì Đạo?
Người hy sinh vì đạo là quên mình, không nghĩ tới tự do cá nhân, quyền lợi, danh vọng hay sinh mạng riêng mình để lo hành đạo, làm lợi ích cho nhơn sanh. Đức Mẹ dạy:
Hy sinh con mới được tồn sinh
Muôn một tằm tơ kén dệt thành
Nếu chẳng đem thân vì đại nghĩa
Thì đừng chôn lấp dưới hư vinh.[9]
2. Thế nào là hiếu thảo tâm thành?
Là thật lòng hiếu thảo. Người có lòng thành hiếu thảo với cha mẹ hữu hình thì cũng có lòng hiếu thảo với Cha Mẹ thiêng liêng là Đấng Cha Trời Thượng Đế và Đức Mẹ Diêu Trì. Lòng hiếu thảo được thể hiện qua sự vâng hành thánh ý, không làm điều chi trái đạo, trái với thánh ngôn về sự thương yêu, thánh huấn về tu thân luyện kỷ.
3. Thế nào là hiền đức trọn lành?
Là người sống đạo theo gương bậc hiền nhân quân tử, tu nhân tích đức, mong cầu tiến bộ đến chỗ chí thiện tức trọn lành, như lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú: Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý,[10] nghĩa là mọi điều xấu điều ác dù lớn dù nhỏ cũng đừng làm; mọi điều lành dù nhỏ dù lớn đều phải trân trọng làm theo, thường sống trong các pháp thiện thì tâm ý của mình tự nhiên thanh tịnh.
4. Thế nào là chẳng mến lợi danh tục đời?
Đối với phần đông người đời thì ai cũng mến chuộng lợi danh, nhưng người chơn tu thì luôn giữ lòng không cho ham danh mến lợi. Đã đành lợi cũng cần phải có để nuôi sống thân mệnh và làm phương tiện thực thi công đức bằng khả năng lao động của mình, nhưng không vì quá cầu lợi mà trở thành tham muốn vượt ngoài đạo nghĩa. Danh thì không cầu cũng sẽ có, bởi lẽ một khi tam công (công quả, công trình, công phu) dồi dào ắt hữu xạ tự nhiên hương, đâu cần phải bon chen tạo lấy danh vọng hão huyền.
5. Thế nào là ưu thời mẫn thế?
Là biết thương cảm cho thế nhân còn đang triền miên chìm đắm trong khổ đau bởi tham vọng tương tranh; biết lo lắng cho thời buổi thế đạo suy vi, nhơn tâm ly tán mà đem chút sức mình làm hạt nhân gieo mầm thánh đức.
6. Thế nào là lời thệ gìn tròn?
Lúc mới nhập môn, chúng ta ai ai cũng quỳ trước Thiên Bàn lập minh thệ: Từ đây biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư môn đệ, gìn luật lệ Cao Đài, như sau có lòng hai thì thiên tru địa lục. Trong lời minh thệ có ba lời hứa nguyện quan trọng:
 Biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế: Là trọn lòng trung tín với đạo Cao Đài của Đức Chí Tôn, không đặng phân tâm cải đạo, hoặc chia phe lập đảng, tác động tâm lý gây mất đoàn kết, mất đức tin trong đồng đạo.
Hiệp đồng chư môn đệ gìn luật lệ Cao Đài: Chung tâm hợp sức cùng đồng đạo từ trên xuống dưới gìn giữ và thực thi Tân Luật, Pháp Chánh Truyền và thi hành các quy điều giáo huấn của Hội Thánh để làm tròn vai trò và quyền hạn nhiệm vụ người đạo của mình.
ƒ Như sau có lòng hai thì thiên tru địa lục: Ăn ở hai lòng là bất trung bất chính, dối Thầy lừa bạn, đầu cơ tôn giáo, mượn đạo tạo đời và làm những việc trái với quy điều giới luật, bội nghịch cùng Hội Thánh, sẽ chịu luật hình trời tru đất diệt.
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư khuyên dạy:
Dù tu Phật, tu Trời, tu Thánh
Hoặc tu Tiên, Khổng Mạnh, Gia Tô
Chung quy một nẻo thù đồ [11]
Thủy chung vẹn giữ đạo cơ [12] mà thành.[13]
7. Thế nào là căn vị giữ còn?
Căn vị chính là bổn linh chơn tánh, là giọt ngọc Kim Bàn mà Phật gọi là bổn lai diện mục. Nếu giọt ngọc Kim Bàn còn thì tám món báu (Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ) không bị mất. Làm sao chúng ta biết tám báu này còn hay mất?
Tôn kính bậc trưởng thượng; không làm điều gì sai trái với thánh ý của Thầy Mẹ là Hiếu còn.
Trên hòa dưới thuận; cư xử có tình có nghĩa với anh chị em trong họ hàng, với đồng đạo và với xã hội nhân quần là Đễ còn.
Giữ lòng một mực chí thành vì đạo, vì nhơn sanh, không tư tâm thiên lệch mà làm mất lẽ công bình là Trung còn.
Tin Thầy, tin Đạo, thành thật tin tưởng lẫn nhau là Tín còn.
Khiêm cung, độ lượng, phận nào theo phận nấy là Lễ còn.
Hy sinh, vị tha, cứu khó trợ nguy, giúp người cô quả là Nghĩa còn.
Nghèo cho sạch, rách cho thơm là Liêm còn.
Biết hổ thẹn mà sửa sai chừa lỗi là Sỉ còn.
Thế mới hay:
Còn trời, còn nước, còn non
Ai còn tám báu là còn nguyên căn.
Nguyên căn còn thì không sợ lạc lối về quê xưa vị cũ:
Đừng e sợ lạc đường cựu vị
Lo là không khắc kỷ vô minh
Miệng thì tụng đọc câu kinh
Mà lòng lại có ẩn tình đâu đâu.[14]
8. Thế nào là đầy đủ công bòn?
 Ngọc Lịch Minh Kinh viết:
Ba ngàn công quả đặng viên thành,
Đơn thơ chiếu hiển danh Thiên tước.
Ơn Trên thường khuyên chúng ta mót bòn công quả, có ý dạy cho ta thấy rằng tòa nhà cao tầng kia được kết cấu bằng hằng vạn viên gạch nhỏ bé, thì cái tòa nhà công đức của người tu cũng thế, liên tục làm nhiều công quả nhỏ lâu năm chầy tháng sẽ thành một tòa công quả tức là tòa thiên nhiên như bài kinh Đệ Lục Cửu mô tả:
Vào Cung Vạn Pháp xem qua
Cho tường cựu nghiệp mấy tòa thiên nhiên.
Và trong Kinh Sám Hối cũng xác định điều nầy:
Năng làm phải, nhựt nhu ngoạt nhiễm [15]
Lâu ngày dồn, tính đếm có dư
Phước nhiều, tội quá ([16]) tiêu trừ
Phép Trời thưởng phạt, không tư chẳng vì.[17]
II. XUÔI NGƯỢC DÒNG ĐỜI
Trên là nói về điều kiện cần có của người được rước lên thuyền bát nhã, sau đây là sự phân biệt lẽ ngược xuôi của dòng đời bằng cách nêu lên tính cách của hai mặt đạo và đời theo lời Đức Lý Đại Tiên dạy:
Đời thì lo kinh dinh sự nghiệp
Đạo thì lo hội hiệp cất chùa
Đời thì vật chất tranh đua
Đạo thì tương trợ giúp vùa [18] lẫn nhau.
Đời chia rẽ đồng bào huynh đệ
Đạo kết đoàn bốn bể năm châu
Đời tạo oan nghiệp khổ sầu
Đạo dạy thoát khổ tránh câu tứ tường.[19]
Khách trần tục nhiều đường tội ác
Bực tu hiền tạo tác phước lành
Thần Tiên tại thế đắc thành
Là chư hiền đệ hiện hành đạo đây.[20]
Thiết tưởng chúng ta cũng nên tìm hiểu ý nghĩa đoạn thánh giáo trên:
1. Đời thì lo kinh dinh(doanh) sự nghiệp
Đời sống con người xuôi thuận dòng đời, sau khi rời mái nhà trường, bước vào đời là bước vào vòng xoáy của chợ đời với “bá nghệ hảo tùy thân”, và không ít người đã chọn nghề thương mãi vì quan niệm rằng “phi thương bất phú”, dù làm nghề gì nếu không kèm theo kinh doanh mua bán thì không thể giàu có được. Bởi vì, như Đức Chơn Thường Đạo Sĩ dạy:
Ở đời ai cũng muốn cho thân
Phú túc vinh hoa tại cõi trần
Để lại vợ con bao sự nghiệp
Đời nầy đời kế hưởng muôn phần.
Nhưng xét cho cùng việc thế gian
Dẫu cho sự nghiệp có muôn vàn
Thì nhiều ẩm thực cùng y phục
Vẫn có chừng ni thật phũ phàng.[21]
2. Đạo thì lo hội hiệp cất chùa
Người đạo ngoài việc tu thân hành đạo theo nhiệm vụ của mình, còn phải chung tay góp sức cùng nhau xây cất hay tu bổ chùa chiền, tịnh thất để làm cơ sở tín ngưỡng cho bổn đạo và bá tánh thập phương chiêm bái, công phu, công quả và học tập giáo lý, đáp ứng nhu cầu thăng tiến tâm linh. Ấy là đi ngược dòng đời.
3. Đời thì vật chất tranh đua
Một khi đã thuận dòng nhập cuộc với thị trường danh lợi, tất nhiên phải đua tài đua trí cạnh tranh. Cạnh tranh dù lành mạnh hay không lành mạnh cũng đều lao tâm khổ tứ tìm chước kiếm mưu để mong giành thắng lợi về mình. Đôi khi vì sự cạnh tranh đó, người ta dùng tới dã tâm để quật đổ đối thủ cho mình vươn lên đỉnh cao của tham vọng. Nhưng, Đức Chơn Thường Đạo Sĩ dạy:
Trong sự đua tranh kiếp sống còn
Ai ai cũng tính việc thua hơn
Gây điều oan trái vì danh lợi
Nhiều kiếp chất chồng tợ núi non.[22]
4. Đạo thì tương trợ giúp vùa lẫn nhau
Đạo đây không chỉ là người có tôn giáo mà cả những người có lương tri, có đạo đức trong xã hội, nhận thức được mối tương quan giữa đồng bào đồng chủng, cùng chia sẻ cho nhau về bao nỗi đau thương, bù đắp và bổ khuyết cho nhau bao điều mất mát. Đối với người đạo hữu chúng ta, ngoài việc giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống vật chất, còn phải tương trợ nhau về tinh thần, an ủi động viên nhau trong cơn khảo thí, cùng vượt qua chướng ngại tâm tình để củng cố đức tin, và để mong cho không một ai trong chúng ta bị rơi lại phía sau dòng đời đầy bão táp.
Đức Mẹ từng thiết tha nhắn nhủ:
Trước hết phải ngọt ngon lời nói
Hành động đừng xoi bói một ai
Tình thương ban rải đó đây
Khoan dung phá chấp ngày ngày nghe con!
Tình đạo hữu giữ tròn chữ tín
Cộng tình thương chí kỉnh chí thành
Thay vì hơn thiệt đua tranh
Kết đoàn hội hợp bạn lành dìu nhau.
Mẹ không quy đứa nào phải quấy
Phải quấy đều cả thảy như nhau
Khéo khôn là đứa cầm đầu
Dây dùn khó dứt, ngỏ hầu mới nên.
Con hỡi con, tiến lên hành đạo
Con hỡi con, dạy bảo thương yêu
Có thương mới có dắt dìu
Có thương mới có tìm điều dạy khuyên.[23]
Đức Mẹ cũng khuyên chúng ta giữ lòng một mực, không chỉ những lúc gió lặng trời êm mới tỏ niềm tương thân tương ái, mà cả những khi gió dạt sóng đùa cũng nắm chặt tay chèo mà thương yêu khoan thứ lẫn nhau, chớ không nên:
Vui thì nói những câu non nỉ
Rằng đó đây chị chị em em
Những khi gió tạt ướt rèm
Chở che không quản, ngày đêm chẳng sờn.
Nhưng đến lúc giận hờn thì chấp
Rằng đó đây tu thấp tu cao
Rằng là kẻ trước người sau
Buông lời chua chát tao tao mày mày.
Trong cửa đạo sớm rầy chiều trách
Giữa thánh đường hạch sách nặng ngôn
Quên rằng trước mặt Chí Tôn
Quên rằng Diêu Điện Từ Tôn trên đầu.
Hỏi có tốt gì đâu hỡi trẻ?
Đụng chạm nhau chia rẽ đó đây
Tưởng là đi Bắc đi Tây
Nhưng rồi cũng ở Đạo Thầy mà thôi! [24]
5. Đời chia rẽ đồng bào huynh đệ
Tâm địa người đời thường hay chực chờ những thời khắc “trai cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi”, hoặc chủ động gieo rắc tư tưởng hoài nghi, thêu dệt điểm xấu giữa nhau để chia bè kết cánh, thỏa mãn lòng tự tôn tự thị, mưu cầu danh lợi cho mình. Bởi thói đời như vậy, Đức Di Lạc Thiên Tôn có lần giáng cơ than thở:
Dân một nước không hòa dân tộc
Người một nhà không dốc làm nên
Chia nhau vì tuổi vì tên
Xa nhau vì nặng cái nền tảng riêng.
Ôi!
Nhìn công cuộc đảo huyền thiên hạ
Nghĩ xót thương chí cả tài cao
Lỡ giam vào bức tường rào
Khó đem đạo lý nêu cao hòa đồng.[25]
6. Đạo kết đoàn bốn bể năm châu
Nói đến sự đoàn kết bốn bể năm châu thì bao la quá đối với thường dân như chúng ta vì việc giao tiếp với các cộng đồng dân tộc trên thế giới, thường dành cho các nhà lãnh đạo của một đất nước.
Ở đây, Đức Lý gợi nhắc chúng ta điều nầy nhằm ngụ ý rằng, muốn kết đoàn cùng các sắc dân trên năm châu bốn bể thì trước hết phải kết đoàn cùng đồng bào dân tộc mình và trước nữa phải kết đoàn trong tổ chức tôn giáo và láng giềng, gia tộc mình.

7. Đời tạo oan nghiệp khổ sầu

Người đời thì hay xuôi theo dòng trái oan, thù hận từ trước, trả vay vay trả để phải gây thêm ác nghiệp sầu khổ triền miên. Người xưa vì thế cảnh tỉnh:

Sanh sự sự sanh hà nhựt liễu,

Hại nhân nhân hại kỷ thời hưu.[26]

(Gây việc nầy sanh việc khác ngày nào dứt,

Hại người thì người hại lúc nào thôi?)

8. Đạo dạy thoát khổ tránh câu tứ tường 
Sách Minh Tâm Bửu Giám, thiên Tĩnh Tâm có bài thi về tứ đổ tường:
Tửu sắc tài khí, tứ đổ tường
Đa thiểu hiền ngu tại nội sương
Nhược hữu thế nhân khiêu đắc xuất
Tiện thị Thần Tiên bất tử phương,[27]
Có người dịch:
Tửu sắc khí tài, bốn vách tường
Nhiều ít hiền ngu nhốt bụng rương
Nếu có thế nhân tung thoát khỏi
Chính bởi Thần Tiên bí diệu phương.
Thuận theo dòng đời sẽ đẩy người ta vào vòng xoáy của bốn vách tường tửu, sắc, tài, khí – là nơi mà người hiền kẻ ngu cũng đều bị nhốt ở trong đó, như nằm chung trong cái rương chật chội.
Chỉ có bước lên thuyền đạo bơi ngược dòng mới nhảy qua khỏi bốn vách giam hãm đó, và đó cũng là phương thuốc Thần Tiên giúp người trường sinh bất tử (nghĩa bóng là không còn trở vào vòng luân hồi sanh tử nữa).
9. Khách trần tục nhiều đường tội ác
Do mãi mê đắm mình trôi lăn theo dòng chảy cuộc đời nên con người dễ sa vào nhiều đường tội ác chung quanh bốn vách vừa nêu trên, như:
* Hành hung, thóa mạ, chém giết lẫn nhau cũng từ việc “tửu nhập tâm như hổ nhập lâm” (rượu vào lòng cũng [tung hoành] như cọp vào rừng).
* Gia đình đổ vỡ, hạnh phúc ly tan, bơ vơ con cái, thậm chí sát hại nhau vì ghen tuông, tranh giành sắc đẹp mà quên câu: Sắc bất ba đào dị nịch nhân (sắc đẹp không phải là sóng nhưng dễ nhận chìm người), hay đa tình đa cảm đa oan trái (càng nhiều tình cảm lăng nhăng càng nhiều oan trái).             
* Con bất hiếu, anh em bất nghĩa, đồng sự bất hòa đến nỗi ra tay tàn độc hãm hại lẫn nhau vì tranh quyền đoạt lợi. Người đời không nghĩ đến những bản án chung thân hay tử hình, chỉ vì ham nhanh chóng làm giàu nên đi buôn ma túy, buôn lậu, cướp của giết người, v.v… Vì vậy người xưa khuyên bảo:
Người vì tham của chết oan
Chim vì tham thực vạ mang vào mình.[28]
Quả như lời Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy:
Đời đấu tranh giựt giành non nước
Chữ lợi quyền, quyền tước sang giàu
Hại nhau mà chẳng biết đau
Khác nào trẻ dại cầm dao dứt mình.[29]
Tóm lại, hầu như không thể kể hết những nẻo đường tội ác xuất phát từ bốn vách tường tửu, sắc, tài, khí.         
10. Bực tu hiền tạo tác phước lành
Người trần tục hay làm nhiều điều tội ác, còn người tu hiền hay làm nhiều việc phước lành. Đã mang tiếng là người tu, tất nhiên là hiền lương nhân hậu, chớ không phải dữ dằn như người trần tục chưa tu. Tu hiền ở đây là gồm cả tu thân để thân hiền (không có hành vi tội lỗi), tu khẩu để khẩu hiền (không có lời nói tội lỗi) và tu ý để ý hiền (không có tư tưởng tội lỗi). Thí dụ:
Thân hiền: Không sát sanh, không dùng bạo lực để bồi bổ lòng nhân từ, thương người mến vật. Không đạo tặc để bồi bổ tính hạnh thanh liêm. Không tà dâm, không gieo tình cảm bất chính để để giữ gìn phong hóa và hạnh phúc gia đình.
Khẩu hiền: Không vọng ngữ (lộng giả thành chơn); không dùng lời như đao kiếm làm thương tổn lòng người. Đức Mẹ dạy:
Trước hết phải ngọt ngon lời nói
Hành động đừng xoi bói một ai
Tình thương ban rải đó đây
Khoan dung phá chấp ngày ngày nghe con!
Tình đạo hữu giữ tròn chữ tín
Cộng tình thương chí kỉnh chí thành
Thay vì hơn thiệt đua tranh
Kết đoàn hội hợp bạn lành dìu nhau.[30]
Ý hiền: Không có ý niệm xấu ác với mọi người; luôn bồi dưỡng tư tưởng lành, ý nghĩ lành; gieo rắc tư tưởng lành khắp nơi không phân biệt thân sơ. Tư tưởng lành được truyền đi đến từng người sẽ là hạt giống lành giúp họ nhận được sự chuyển hóa tốt.
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
Còn ở thế vai tuồng thế sự
Tùy cơ duyên cư xử cho xong
Dùng phèn nước đục lóng trong
Tập rèn tư tưởng tâm hồn thanh cao.[31]
Thân Khẩu Ý một khi được hiền từ thì phước lành tự nhiên sẽ được thành toàn.
11-12. Thần Tiên tại thế đắc thành
Là chư hiền đệ hiện hành đạo đây                                                
Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy:               
Tiên Phật trước bởi người nhân thế
Biết tu hành dành để nhiều đời
Tuy rằng trong kiếp luân hồi
Có tu có tiến nhiều đời mới nên.[32]
Chư Phật Tiên Thánh Thần cũng là con người tại thế gian, nhờ tu hành nhiều kiếp mà chứng đắc quả vị. Chúng ta là những người đệ tử Cao Đài đang tu học và hành đạo theo thánh hạnh của Phật Thánh Tiên Thánh Thần bằng năm phương thức tùng khổ, thắng khổ, thọ khổ, thoát khổ giải khổ.[33] Thần Tiên tại thế là người đầy lòng từ bi, bác ái, công bình; tam nghiệp thanh tịnh, không bị trói buộc bởi sợi dây não phiền dục vọng, chấp ngã chấp nhơn.
Dòng đời ngược xuôi đã bày ra trước mắt, chúng ta đã lên thuyền, đồng lòng cùng nhau bơi ngược nước để mau về bến đỗ. Hy vọng mọi người không vì nản lòng thối chí mà thả thuyền trôi xuôi theo dòng đời đầy phong ba bão táp.
Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Thuyền từ đưa khách tục sang sông
Lèo lái hỡi ai gắng hiệp đồng
Nước ngược sóng dồi tâm giữ vững
Hướng về bái mạng với Tiên Ông.[34]
Truyền Trạng THANH CĂN
01-9 Quý Tỵ (2013)




[1] Theo Kinh Hoa Nghiêm, quyển mười bảy, phẩm mười sáu, thì phạm hạnh tức là hạnh thanh tịnh.
[2] Năm kiết (kết) sử 五结使: Năm thứ ràng buộc: Tham kết (lòng tham muốn trói buộc), sân kết (lòng sân hận trói buộc), mạn kết (lòng kiêu căng trói buộc), tật kết (lòng ganh ghét trói buộc), khan kết (lòng keo kiệt trói buộc).
[3] Lậu hoặc: Lậu hoặc hay ô nhiễm gồm ba loại: dục lậu (trói buộc con người vào khoái lạc giác quan), hữu lậu (trói buộc con người vào tư tưởng quan niệm), và vô minh lậu (trói buộc con người vào sinh tử luân hồi).
[4] Vô lậu: Không còn khổ đau, phiền não, lo lắng, sợ hãi, tức giận, sầu bi, v.v..
[5] Đại Tạng Kinh Việt Nam, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Bhandagàma, phần Thuận Dòng. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành 1996, tr. 557.
[6] Giác ngạn: Bờ giác.
[7] Huỳnh Long Phủ Tự, 09-3 Đinh Dậu (08-4-1957).
[8] Huỳnh Long Phủ Tự, 09-3 Đinh Dậu (08-4-1957).
[9] Thánh thất Bình Hòa, 15 rạng 16-8 Canh Tuất (15-9-1970).
[10] 諸惡莫作, 眾善奉行, 自淨 .
[11] Chung quy một nẻo thù đồ: Do câu Đồng quy nhi thù đồ 同歸而殊途 (Đường tuy khác nẻo nhưng cùng về một chỗ.)
[12] Đạo cơ 道基: Nền tảng đạo đức.
[13] Minh Lý Thánh Hội, 08-4 Canh Tuất (12-5-1970).
[14] Đức Vạn Hạnh Thiền Sư. Minh Lý Thánh Hội, 08-4 Canh Tuất (Thứ Ba 12-5-1970).
[15] Nhựt (nhật) nhu ngoạt (nguyệt) nhiễm 日濡月染:  Ngày ngày thấm ướt thì tới tháng sẽ nhuốm sâu vào; Lâu ngày chầy tháng sẽ ngấm sâu vào. Ý tương tự như mưa lâu thấm đất.
[16] Tội quá 罪過: Tội lỗi.
[17] Không tư chẳng vì: Không tư vị 私為, không thiên lệch, chẳng vì tình riêng, vô tư và công bình.
[18] Vùa: (Tiếng Việt cổ) giúp đỡ.
[19] Tứ tường: Bốn vách, là tửu khí sắc tài giam hãm con người.
[20] Cửu Khúc Tòa, 01-3 Đinh Dậu (31-3-1957).
[21] Minh Lý Thánh Hội, 22-7 Tân Hợi (11-9-1971).
[22] Minh Lý Thánh Hội, 22-7 Tân Hợi (11-9-1971).
[23] Thánh thất Tân Định, 15-8 Canh Tuất (15-9-1970).
[24] Thánh thất Tân Định, 15-8 Canh Tuất (15-9-1970).
[25] Trúc Lâm Thiền Điện, 17 rạng 18-7 Canh Tuất (18-8-1970).
[26] 生事事生何日了, 害人人害幾時休.
[27] 酒色財氣四堵牆,/ 多少賢愚在內廂./ 若有世人跳得 ,/ 便是神仙不死方.
[28] Nhân tham tài tắc tử. Điểu tham thực tắc vong. (Tăng Quảng Hiền Văn) 人貪財則死, 鳥貪食則亡. (増廣賢文)
[29] Thanh Liên Đàn, 08-6 Tân Sửu (20-7-1961).
[30] Thánh thất Tân Định, 15-8 Canh Tuất (15-9-1970).
[31] Minh Lý Thánh Hội, 08-4 Canh Tuất (12-5-1970).
[32] Thánh thất Tân Định, 15-8 Canh Tuất (15-9-1970).
[33] Xem: Thanh Căn, Tìm Hiểu Ngũ Chi Đại Đạo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2014. Quyển 82-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
[34] Thánh thất Nam Thành, 14-10 Canh Tuất (12-11-1970).