Phùng Hữu Lan 馮友蘭 (1895-1990)
LÝ LUẬN VỀ HÔN LỄ
… ít nhất
có một số Nho Gia không tin vào sự bất tử của linh hồn sau khi người ta chết.
Tuy lý trí không thừa nhận thuyết linh hồn bất tử, nhưng thực tế cái chết không
thể xem là hoàn toàn tuyệt diệt, bởi vì con cháu của người chết là một phần
thân thể của người chết vẫn còn tiếp tục sống. Cho nên ai có con cháu tức là bất
tử. Sinh vật đều như thế cả, không cần phải chứng minh.
Mặt khác,
một cá nhân sống vào một thời gian và địa điểm nào đó chính là một sự thật cố định
trong vũ trụ; bất luận thế nào, người ta không thể phủi sạch đi sự thật đó. Bất
cứ cái gì đã tồn tại thì không thể bị khiến cho không tồn tại. Ở phương diện
này, ta không thể nói rằng một người bình thường sống vào thời Khổng Tử thì
không tồn tại như Khổng Tử. Sự khác biệt là: Khổng Tử thì được người ta biết đến,
còn người bình thường ấy thì không ai biết đến.
Con người
ngày nay cũng vậy, họ được xem là lớn hay nhỏ tùy theo danh tiếng của họ nhiều
hay ít. Ngay đến một kẻ vô danh tiểu tốt, chúng ta không thể nói là hắn không tồn
tại. Sự tồn tại hay không tồn tại của hắn không liên quan đến việc người ta biết
hay không biết hắn. Ở phương diện này, ta có thể nói con người đều bất tử. Cái
bất tử này khác với sự bất tử theo sinh vật học, và ta có thể gọi là sự bất tử
lý tưởng hay sự bất hủ.
Nhưng cái
bất hủ mà đời không ai biết thì thông thường bị xem là vô giá trị. Cho nên hai
chữ bất hủ này thói thường được lấy để gọi đại
nhân vật nào từng tồn tại và được đời biết đến.
Có ba điều
khiến con người bất hủ: lập đức,
lập công, lập ngôn. Tùy theo
ta đã lập thành cái gì, đời sẽ biết đến ta, nhớ đến ta, tức là ta bất tử (hay bất
hủ). Nhưng nếu chỉ giới hạn trong tam
bất hủ (lập đức, lập công, lập
ngôn) mới được đời biết đến, thì người bất hủ trên đời này hẳn ít lắm vậy.
Hầu hết
con người đều bình thường, không có gì đặc biệt, nên không thể khiến cho xã hội
nhớ đến. Người có thể nhớ đến họ chính là con cháu họ và gia tộc của họ. Nho Gia
đặc biệt chú trọng cúng tế tổ tiên tức là muốn người đã khuất có được sự bất hủ
trong ký ức của con cháu họ. Đấy là hàm nghĩa trong tang lễ và tế lễ mà Nho Gia
đã lý luận hóa.
Về sau, sự
chú trọng của Nho Gia đối với vấn đề bất tử có thể nhận thấy trong lý luận về
hôn lễ. Ý kiến của Nho Gia đối với hôn nhân hoàn toàn nhắm vào công dụng theo
sinh vật học. Lễ Ký nói:
- Hôn lễ nhằm hợp lại cái [nòi giống] tốt của hai họ; đối với trên là để phụng sự
tông miếu, đối với dưới là để nối tiếp đời sau.[1]
- Trời đất không giao hợp thì vạn vật không
sinh sôi. Nhờ hôn lễ lớn mà có sự nối dõi vạn đời. Sao ngài nói hôn lễ này quá
lớn? [2]
- Cha mẹ chú rể đi xuống từ bậc thềm phía tây;
cô dâu đi xuống từ bậc thềm phía đông; tức là nhà cửa được trao cho cô dâu.
[...] Hôn lễ không cần chúc mừng, vì là sự
nối dõi vậy.[3]
- Gia đình nhà gái ba đêm không tắt đuốc vì
nghĩ sắp chia tay với con gái. Gia đình nhà trai ba ngày không cử nhạc vì nghĩ
đến việc nối dõi.[4]
Mạnh Tử nói: Bất hiếu có ba điều, trong đó việc không có con là đại bất hiếu. Ông
Thuấn tự ý lấy vợ mà không báo cho cha mẹ biết, vì ông sợ tội đại bất hiếu.[5]
Cứ theo
các trích dẫn trên thì thấy Nho Gia xem công dụng của hôn nhân là để có người nối
dõi. Kết hôn rồi sinh con là tạo ra “cái tôi mới” để thay cho “cái tôi cũ”, khiến
con người được sự bất tử theo sinh vật học.
Từ quan điểm
này, chuẩn bị kết hôn và sinh con cũng đáng buồn như chuẩn bị quan tài. Nếu người
ta không phải chết thì đâu cần phải kết hôn và sinh con. Mục đích chân chính của
việc nam nữ giao hợp tức là sinh con. Nếu do việc ấy mà có ái tình và khoái cảm,
thì đó chỉ là tình trạng tâm lý phụ thuộc.
Xét theo
sinh vật học, ái tình và khoái cảm không phải là hệ quả quan trọng, cho nên Nho
Gia cũng không xem trọng. Khi nói đến quan hệ vợ chồng, Nho Gia nói “nam nữ hữu
biệt” (nam nữ phải có sự phân biệt) chứ không hề nói “nam nữ hữu ái” (nam nữ phải
có yêu đương).
Con người
đều phải chết, mà hầu hết họ đều sợ chết. Vì thế phát sinh vô số mê tín, và nhiều
tôn giáo đều lấy thuyết linh hồn bất tử để hô hào tín đồ. Nho Gia – tối thiểu
là một số Nho Gia – không chủ trương thuyết linh hồn bất tử, mà chỉ chú trọng
làm sao để con người được sự bất tử theo sinh vật học, đạt sự bất tử lý tưởng.
Trong xã hội
Trung Quốc ngày xưa, một người đến tuổi xế chiều, sau khi đã cưới vợ cho con
trai và có cháu bồng, thì cho rằng mình đã gởi gắm sinh mệnh của mình vào đấy rồi,
nên an nhiên chờ chết và không băn khoăn sau khi chết linh hồn của mình còn hay
mất. Tinh thần ấy là do tư tưởng Nho Gia nuôi dưỡng thành.
LÝ LUẬN VỀ HIẾU
Nho Gia
xem công dụng của hôn nhân là tạo ra “cái tôi mới” để thay cho “cái tôi cũ”. Niềm
hy vọng của “cái tôi cũ” là muốn “cái tôi mới” có thể kéo dài sinh mệnh và sự
nghiệp của “cái tôi cũ” cho đến vạn đời sau. Nếu “cái tôi mới” thực hiện được sự
kỳ vọng ấy, thì đó là hiếu tử.
Đạo hiếu
có hai mặt: nhục thể và tinh thần. Về mặt nhục thể, đạo hiếu có ba điều:
<1>
Phải nuôi dưỡng cha mẹ;
<2>
Phải nghĩ rằng thân thể của mình là do tinh cha huyết mẹ lưu lại, nên phải bảo
vệ, không được hủy hoại;
<3> Phải
tạo ra “cái tôi mới” khác nữa (tức phải lấy vợ sinh con) để nối tiếp sinh mệnh
của cha mẹ.
Lễ Ký nói:
Nhạc Chính Tử Xuân xuống phòng khách, bị
thương ở chân, mấy tháng không ra khỏi nhà, nét mặt buồn bã.
Các đệ tử
hỏi: “Chân thầy đã đỡ hơn nhiều, nhưng vẻ mặt còn buồn rầu, tại sao vậy?”
Nhạc Chính
Tử Xuân nói: “Tốt thay câu hỏi của các trò! Tốt thay câu hỏi của các trò! Ta
nghe ở Tăng Tử, Tăng Tử nghe ở Khổng Phu Tử rằng: ‘Trong các thứ trời sanh đất
dưỡng, chẳng thứ nào lớn bằng con người. Cha mẹ sinh con lành lặn; con chết
lành lặn; đó có thể gọi là hiếu vậy. Không làm suy yếu thân thể, không làm ô nhục
tấm thân; đó có thể gọi là toàn vẹn vậy. Cho nên quân tử mỗi khi cất bước đều
không dám quên hiếu.’ Nay ta đã quên đạo hiếu, nên ta có nét mặt buồn bã. Khi cất
bước không dám quên cha mẹ; khi nói năng không dám quên cha mẹ. Khi cất bước
không dám quên cha mẹ, nên đi đường lớn chứ không đi đường tắt và đi thuyền chứ
không bơi qua sông, vì không dám hủy hoại di thể của cha mẹ ở trong ta. Khi nói
năng không dám quên cha mẹ, nên không mở miệng nói lời ác, và lời phẫn nộ không
trở ngược vào mình, nó không làm nhục mình, không làm xấu hổ cha mẹ; đó có thể
gọi là hiếu vậy.’” [6]
Cha mẹ
sinh con lành lặn, con phải giữ thân thể lành lặn cho đến khi chết; đó mới là
hiếu.
Luận Ngữ chép: “Tăng Tử bệnh nặng, gọi môn đệ đến, nói: ‘Giở chân ta ra
xem, giở tay ta ra xem. Kinh Thi nói:
‘Phải nơm nớp lo sợ như đi xuống vực sâu, như đi trên băng mỏng.’ Từ nay ta biết
mình tránh được tội để thân thể bị hủy thương đó các trò.’” [7]
Tăng Tử mừng
vì đã giữ thân thể lành lặn cho đến
khi chết. Tuy nhiên, nếu chỉ giữ cho thân lành lặn cho đến lúc chết mà cái sinh
mệnh của cha mẹ không được “cái
tôi mới” kế tục thì cũng là bất hiếu. Mạnh
Tử nói “vô hậu” (không con nối dõi) là tội lớn nhất trong ba tội bất hiếu,
bởi vì nếu không con nối dõi, sự di truyền nòi giống vạn đời từ tổ tiên xuống đến
đấy là chấm dứt hoặc mất đi một chi. Cho nên vô hậu là đại bất hiếu vậy.
Về phương
diện tinh thần, khi cha mẹ còn sống, con cái phải thuận theo ý chí của cha mẹ chứ
không chỉ biết nuôi dưỡng vật chất mà thôi. Nếu cha mẹ có sai lầm thì con cái
phải khuyên lơn cha mẹ sửa chữa. Sau khi cha mẹ qua đời, con cái phải cúng tế
và tôn kính tưởng nhớ để cha mẹ trở nên bất hủ trong tâm trí của mình. (…)
Mặt khác,
con cái phải nối tiếp sự nghiệp của cha mẹ, hoàn thành chí hướng còn dang dở của
cha mẹ; hoặc bản thân người con có những tạo tác khiến mình nổi danh, nhờ đó mà
cha mẹ được tiếng thơm, đạt được sự bất hủ trong ký ức và mến mộ của mọi người.
Trung Dung nói: “Khổng Tử nói: ‘Hiếu của
vua Thuấn lớn thay! Ngài có đức làm thánh nhân, được tôn kính làm thiên tử,
giàu có trong bốn biển. Ngài được cúng tế ở tông miếu, con cháu ngài gìn giữ
hương khói.’” [8]
Lại nói: “Khổng Tử nói: ‘Vũ Vương, Chu Công đạt được
hiếu rồi! Con hiếu thì giỏi nối chí tổ tiên và giỏi thuật lại sự nghiệp tổ
tiên. Mùa xuân và mùa thu thì tu bổ tổ miếu, bày đồ tế tự, bày biện y phục tổ
tiên, dâng cúng thức ăn theo mùa. [...] Ngồi vào chỗ của tổ tiên, hành lễ, tấu
nhạc, kính điều mà tổ tiên kính, yêu người mà tổ tiên yêu, phụng sự lúc chết y
như lúc còn sống, phụng sự lúc mất y như lúc còn; đó là chí hiếu vậy.’” [9]
Hiếu về
phương diện tinh thần như vậy là đại hiếu, chí hiếu; và nó quan trọng hơn hiếu
về phương diện nhục thể.
Lễ Ký nói: “Tăng Tử nói: ‘Hiếu
có ba bậc: đại hiếu là tôn kính cha mẹ, kế đến là không làm cha mẹ mang nhục,
thấp nhất là nuôi dưỡng cha mẹ.’ Công Minh Nghi hỏi Tăng Tử: ‘Ngài đáng gọi là
có hiếu chưa?’ Tăng Tử viết: ‘Sao nói thế! Sao nói thế! Hiếu của quân tử chính
là đón trước ý muốn cha mẹ và kế thừa chí hướng của cha mẹ, rồi dẫn dắt cha mẹ
theo đạo. Sâm [Tăng Tử] chỉ mới nuôi dưỡng được cha mẹ thôi, sao gọi là có hiếu
được?’” [10] Đó tức là đạo hiếu xem trọng
phương diện tinh thần.
Di thể của
cha mẹ có ở nơi con, nên hiếu tử phải giữ gìn toàn vẹn cho đến chết, phải làm
cho thân thể bất hủ, và chớ làm bản thân mang nhục. “Đại hiếu là tôn kính cha mẹ, kế đến là
không làm cha mẹ mang nhục.” Tôn kính cha mẹ nghĩa là tích cực làm việc tốt để
cha mẹ thơm lây; không làm cha mẹ mang nhục nghĩa là không làm điều ác để cha mẹ
khỏi mang tiếng ác. Hễ ai giữ được cái tâm ấy thì tự mình cố gắng trau dồi đạo
đức. Cho nên Hiếu Kinh và mấy thiên trong Lễ Ký đã xem hiếu là căn bản của mọi đức
hạnh.
Lễ Ký nói: “Tăng Tử nói: ‘Tấm
thân ta là di thể của cha mẹ. Vận hành di thể của cha mẹ, dám không tôn kính ư?
Cư xử không trang nghiêm, chẳng phải là hiếu. Thờ vua bất trung, chẳng phải là
hiếu. Làm quan không được dân kính, chẳng phải là hiếu. Bạn bè chẳng tin nhau,
chẳng phải là hiếu. Chiến trận không dũng cảm, chẳng phải là hiếu. Năm điều ấy
chẳng trọn, họa lây đến cha mẹ, dám không tôn kính ư? Thức ngon vật lạ thường
dâng cho cha mẹ, chẳng phải là hiếu, mà là nuôi dưỡng thôi. Quân tử được gọi là
hiếu chừng nào người trong nước đều khen: ‘Ai có phước lắm mới được người
con như thế.’ Như vậy mới gọi là có hiếu. Bài học cơ bản cho mọi người là
hiếu, thực hành đạo hiếu là nuôi dưỡng cha mẹ. Nuôi dưỡng cha mẹ có thể làm được,
cái khó là tôn kính cha mẹ. Tôn kính cha mẹ có thể làm được, cái khó là làm cho
cha mẹ an lòng. Có thể làm cho cha mẹ an lòng, cái khó là duy trì nó đến lúc
cha mẹ qua đời. Cha mẹ mất rồi thì phải thận trọng hành vi của mình, chớ để lây
tiếng ác cho cha mẹ, như vậy có thể gọi là hiếu trọn đời. Nhân là yêu đạo hiếu; lễ
là làm đạo hiếu; nghĩa là xem đạo hiếu là đúng; tín là tin vào đạo hiếu; cường là làm mạnh thêm đạo hiếu. Niềm vui
phát sinh do thuận đạo hiếu; hình phạt phát sinh do nghịch đạo hiếu.’ Tăng Tử
nói: ‘Khiến đạo hiếu lấp đầy trời đất, phổ biến nó lan ra bốn biển, thi hành nó
cho đời sau, tuân giữ nó suốt ngày đêm, khiến đạo hiếu thành chuẩn mực ở đông hải,
tây hải, nam hải, và bắc hải. Kinh
Thi nói: ‘Từ đông sang tây, từ
nam chí bắc, không ai không phục. Đó là nói đạo hiếu vậy.’” [11]
Hiếu Kinh nói: “Hiếu là gốc của
đức, từ đó sinh ra giáo hóa. [...] Thân thể da tóc là nhận lãnh từ mẹ cha,
không dám hủy thương, đó là bắt đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, nêu danh hậu
thế, để rạng rỡ mẹ cha, đó là cuối cùng của hiếu. Nói chung, hiếu bắt đầu là phụng
sự cha mẹ, giữa là phụng sự vua, và sau chót là lập thân. Đại Nhã nói: “Giữ gìn tổ tiên trong tâm,
hãy trau dồi đạo đức.” [...] Đạo hiếu là thiên
kinh địa nghĩa (chân lý bất biến của trời đất), là sự thực hành của dân
chúng. Đã là chân lý của trời đất thì dân phải noi theo.” [12]
Theo đó mà
nói, hễ có hiếu hạnh thì ắt có mọi đức hạnh. Cho nên hiếu là căn bản của đạo đức.
Vào đời Hán, học thuyết này ảnh hưởng rất mạnh. Hễ ai hiếu đễ thì được trọng
thưởng. Thụy hiệu của các vua đời Hán đều có chữ Hiếu.[13] Như vậy có thể thấy hiếu rất được xem trọng vào thời đó.
PHỤ CHÚ CỦA PHÙNG HỮU LAN
* Lý thuyết
“hiếu là căn bản của mọi đức hạnh” xuất hiện về sau. Luận Ngữ chép lời Khổng Tử nói
về hiếu rất nhiều. Thí dụ: “Hữu Tử nói: [...] quân tử chú trọng gốc, gốc đã lập
thì đạo sinh. Hiếu đễ là gốc của nhân ái.”
[14]
Nói hiếu
là yếu tố của nhân ái, là suy bụng ta ra bụng người. Quan hệ giữa ta và cha mẹ
ta là thân thiết nhất. Nếu cha mẹ ta mà ta không thương thì sao thương được cha
mẹ người khác, và thương được mọi người? Do đó mới nói “hiếu đễ là gốc của nhân
ái.”
Khổng Tử
và Mạnh Tử đều chú trọng hiếu, nhưng chưa hề nói hiếu là căn bản của mọi đức hạnh.
Căn bản của đạo đức chính là lòng nhân, mà người nhân ái thì tự nhiên có hiếu.
Cho nên Mạnh Tử nói: “Chưa hề có người nhân ái nào bỏ bê cha mẹ cả.” [15]
* Tác giả
mấy thiên của Lễ Ký đều cho những lời thuật lại trong
đó là của Tăng Tử. Quyển Hiếu
Kinh cũng nêu rõ là lời Khổng
Tử đối đáp Tăng Tử, vì Tăng Tử đương thời có tiếng là hiếu. Cho nên Mạnh Tử mấy
lần nói: “Phụng sự cha mẹ phải như Tăng Tử mới được.”
Tăng Tử
tuy hiếu hạnh, nhưng chúng ta khó đoán định lý thuyết “hiếu là căn bản của mọi
đức hạnh” có phải là chủ trương của Tăng Tử hay không. Mạnh Tử và Tuân Tử đều không đề cập điều ấy, mà trong Lễ Ký hay thuật lại người này nói thế
này, người kia nói thế kia rất nhiều, rốt cuộc ta không biết thật sự ai đích thực
là người nói.
Nguyên tác: PHÙNG HỮU LAN
LÊ ANH MINH dịch &
chú
[1] Lễ Ký (Hôn Nghĩa 昏義): “Hôn lễ giả, tương hợp nhị
tính chi hảo, thượng dĩ sự tông miếu, [nhi] hạ dĩ kế hậu thế dã. Cố quân tử trọng
chi.”
昏禮者, 將合二姓之好, 上以事宗廟, [而]下以繼後世也. 故君子重之.
LAM chú: Chữ hôn (trong hôn nhân, hôn lễ) ngày nay viết
là 婚 nhưng ngày xưa nó
được dùng lẫn với chữ hôn 昏 (trong hoàng hôn, hôn ám).
Derk Bodde (chép lại James Legge) hiểu chữ hảo 好 là tình yêu nên dịch: “The
ceremony of marriage is intended to be a bond of love between two families of
different names.” (Hôn lễ nhằm trở thành một ràng buộc tình yêu giữa hai
gia đình khác họ.)
Trong xã hội Trung Quốc cổ đại, hôn nhân không chủ yếu dựa
trên tình yêu. Phùng Hữu Lan nói: “Nho Gia đối với hôn nhân hoàn toàn nhắm vào
công dụng theo sinh vật học.”
Ở đoạn sau ông nói: “Mục đích chân chính của việc nam nữ
giao hợp tức là sinh con. Nếu do việc ấy mà có ái tình và khoái cảm, thì đó chỉ
là tình trạng tâm lý phụ thuộc.” Vì thế chữ hảo này ngụ ý nòi giống tốt, để nối dõi
tông đường.
[2] Lễ Ký (Ai Công Vấn): “Thiên địa bất hợp, vạn vật bất
sinh. Đại hôn, vạn thế chi tự dã, quân hà vị dĩ trọng yên?”
天地不合, 萬物不生. 大昏, 萬世之嗣也, 君何謂已重焉?
[3] Lễ Ký (Giao Đặc Sinh): “Cữu cô giáng tự tây giai,
phụ giáng tự tộ giai, thụ chi thất dã. [...] Hôn lễ bất hạ, nhân chi tự dã.”
舅姑降自西階, 婦降自阼階, 授之室也.[...] 昏禮不賀, 人之序也.
Derk Bodde chú: Thềm tây là của
khách, thềm đông là của chủ.
[4] Lễ Ký (Tăng Tử Vấn): “Giá nữ chi gia, tam dạ bất tức
chúc, tư tương ly dã. Thủ phụ chi gia, tam nhật bất cử nhạc, tư tự thân dã.”
嫁女之家, 三夜不息燭, 思相離也. 取婦之家, 三日不舉樂, 思嗣親也.
[5] Mạnh Tử (Ly Lâu, thượng): “Bất hiếu hữu tam, vô hậu
vi đại, Thuấn bất cáo nhi thú, vi vô hậu dã.”
不孝有三, 無後為 大, 舜不告而娶, 為無後也.
LAM chú: Ba điều bất hiếu là: Làm việc sái quấy khiến cha mẹ mang nhục; Nhà nghèo, cha mẹ già yếu, nhưng không làm lụng nuôi cha mẹ; Không sinh con để nối dõi tông đường. Trường hợp ông Thuấn, cha đần
độn, mẹ ghẻ ác độc; nếu xin cha mẹ lấy vợ ắt là không được, tức là sẽ mang tội vô hậu 無後 (không con nối dõi), cho nên ông tự ý kết hôn với con gái của vua
Nghiêu.
[6] Lễ Ký (Tế Nghĩa): “Nhạc Chính Tử Xuân hạ đường nhi
thương kỳ túc, sổ nguyệt bất xuất, do hữu ưu sắc. Môn đệ tử viết: ‘Phu tử chi
túc sưu hĩ, sổ nguyệt bất xuất, do hữu ưu sắc, hà dã?’ Nhạc Chính Tử Xuân viết:
‘Thiện như nhĩ chi vấn dã! Thiện như nhĩ chi vấn dã! Ngô văn chư Tăng Tử. Tăng
Tử văn chư Phu Tử viết: ‘Thiên chi sở sinh, địa chi sở dưỡng, vô nhân vi đại.
Phụ mẫu toàn nhi sinh chi, tử toàn nhi quy chi, khả vị hiếu hĩ. Bất khuy kỳ thể,
bất nhục kỳ thân, khả vị toàn hĩ. Cố quân tử khoảnh bộ nhi phất cảm vong hiếu
dã.’ Kim dư vong hiếu chi đạo, dư thị dĩ hữu ưu sắc dã. Nhất cử túc nhi bất cảm
vong phụ mẫu, nhất xuất ngôn nhi bất cảm vong phụ mẫu. Nhất cử túc nhi bất cảm
vong phụ mẫu, thị cố đạo nhi bất kính, chu nhi bất du, bất cảm dĩ tiên phụ mẫu
chi di thể hành đãi. Nhất xuất ngôn nhi bất cảm vong phụ mẫu, thị cố ác ngôn bất
xuất vu khẩu, phẫn ngôn bất phản vu thân, bất nhục kỳ thân, bất tu kỳ thân, khả
vị hiếu hĩ.’”
樂正子春下堂而傷其足, 數月不出, 猶有憂色. 門弟子曰:«夫子之足瘳矣, 數月不出, 猶有憂色, 何也?» 樂正 子春曰:«善如爾之問也! 善如爾之問也! 吾聞諸曾子. 曾子聞諸夫子曰天之所生, 地之所養, 無人為大. 父母全而生之, 子全而歸之, 可謂孝矣. 不虧其體,不辱其身,可謂全矣. 故君子頃步而弗敢忘孝也今予忘孝之道, 予是以有憂色也. 壹舉足而不敢忘父母, 壹出言而不敢忘父母. 壹舉足而不敢忘父母, 是故道而不徑, 舟而不游,不敢以先父母之遺體行殆. 壹出言而不敢忘父母, 是故惡言不出于口, 忿言不反于身, 不辱其身, 不羞其親, 可謂孝矣.»
[7] Luận Ngữ (Thái Bá): “Tăng Tử hữu tật, triệu môn đệ tử
viết: ‘Khải dư túc, khải dư thủ. Thi vân: ‘Chiến chiến căng căng như lâm
thâm uyên, như lý bạc băng.’ Nhi kim nhi hậu, ngô tri miễn phù, tiểu tử.’”
曾子有疾, 召門弟子曰啟予足, 啟予手. 詩云戰戰兢兢如臨深淵, 如履薄冰而今而後, 吾知 免夫, 小子.
[8] Trung Dung (chương 17): “Tử viết: Thuấn kỳ đại hiếu dã
dư! Đức vi thánh nhân, tôn vi thiên tử, phú hữu tứ hải chi nội. Tông miếu hưởng
chi, tử tôn bảo chi.”
子曰: 舜其大孝也 與. 德為聖人, 尊為天子, 富有四海 之內. 宗廟饗之, 子孫保之.
[9] Trung Dung (chương 19): “Tử viết: Vũ Vương, Chu Công kỳ đạt hiếu hĩ hồ! Phù hiếu
giả, thiện kế nhân chi chí, thiện thuật nhân chi sự giả dã. Xuân thu tu kỳ tổ
miếu, trần kỳ tông khí, thiết kỳ thường y, tiến kỳ thời thực. [...] Tiễn kỳ vị,
hành kỳ lễ, tấu kỳ nhạc, kính kỳ sở tôn, ái kỳ sở thân, sự tử như sự sinh, sự
vong như sự tồn, hiếu chi chí dã.”
子曰: 武王周公其達孝矣乎夫孝者善繼人之志, 善述人之事者也春秋, 修其祖廟, 陳其宗器設其裳衣荐其時食.[...]踐其位行其禮奏其樂敬其所尊愛其所親事死如事生事亡如事存孝之至也.
[10] Lễ Ký (Tế Nghĩa): “Tăng Tử viết: ‘Hiếu hữu tam: đại hiếu tôn
thân, kỳ thứ phất nhục, kỳ hạ năng dưỡng.’ Công Minh Nghi vấn ư Tăng Tử viết:
‘Phu tử khả dĩ vi hiếu hồ?’ Tăng Tử viết: ‘Thị hà ngôn dư! Thị hà ngôn dư! Quân
tử chi sở vi hiếu giả, tiên ý thừa chí, dụ phụ mẫu ư đạo. Sâm trực dưỡng giả
dã, an năng vi hiếu hồ?’’ 曾子曰: «孝有三: 大孝尊親, 其次弗辱, 其下能養.» 公明儀問於曾子曰: «夫子可以為孝乎?» 曾子曰: «是何言與! 君子之所謂孝者: 先 意承志, 諭父母於道. 參, 直養者也, 安能為孝乎? »
[11] Lễ Ký (Tế Nghĩa): “Tăng Tử viết: ‘Thân dã giả, phụ
mẫu chi di thể dã. Hành phụ mẫu chi di thể, cảm bất kính hồ! Cư xử bất trang,
phi hiếu dã. Sự quân bất trung, phi hiếu dã. Lỵ quan bất kính, phi hiếu dã.
Bằng hữu bất tín, phi hiếu dã. Chiến trần vô dũng, phi hiếu dã. Ngũ giả bất
toại, tai cập ư thân, cảm bất kính hồ! Phanh thục chiên hương, thường nhi tiến
chi, phi hiếu dã, dưỡng dã. Quân tử chi sở vị hiếu dã giả, quốc nhân xưng
nguyện nhiên viết: Hạnh tai hữu tử như
thử, sở vị hiếu dã dĩ. Chúng chi bản giáo viết hiếu, kỳ hành viết dưỡng.
Dưỡng khả năng dã, kính vi nan. Kính khả năng dã, an vi nan. An khả năng dã,
tốt vi nan. Phụ mẫu ký một thận hành kỳ thân, bất di phụ mẫu ác danh, khả vị năng
chung hĩ. Nhân giả nhân thử giả dã. Lễ giả lý thử giả dã. Nghĩa giả nghi thử
giả dã. Tín giả tín thử giả dã. Cường giả cường thử giả dã. Lạc tự thuận thử
sinh; hình tự phản thử tác.’ Tăng Tử viết: ‘Phù hiếu trí chi nhi tắc hồ thiên
địa, phổ chi nhi hoành hồ tứ hải. Thi chư hậu thế nhi vô triêu tịch. Suy nhi
phóng chư đông hải nhi chuẩn, suy nhi phóng chư tây hải nhi chuẩn, suy nhi
phóng chư nam hải nhi chuẩn, suy nhi phóng chư bắc hải nhi chuẩn. Thi vân: ‘Tự tây tự đông, tự nam tự bắc,
vô tư bất phục. Thử chi vị dã.’”
[12] Hiếu Kinh: “Phù hiếu, đức chi bản dã, giáo
chi sở do sinh dã. [...] Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm hủy
thương, hiếu chí thủy dã. Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, dĩ hiển phụ
mẫu, hiếu chi chung dã. Phù hiếu, thủy ư sự thân, trung ư sự quân, chung ư lập
thân.” Đại Nhã viết: “Vô niệm nhĩ tổ,
duật tu quyết đức. [...] Phù hiếu, thiên chi kinh dã, địa chi nghĩa dã, dân chi
hành dã. Thiên địa chi kinh nhi dân thị tắc chi.”
[13] LAM chú: Các vua Hán thường lót thêm chữ Hiếu vào tên của mình. Xem ra đạo hiếu của Nho Giáo rất mạnh vào thời Hán. Thí dụ: Đời Tây Hán có
Hiếu Huệ Đế (Lưu Doanh), Hiếu Văn Đế (Lưu Hằng), Hiếu Cảnh Đế (Lưu Khải), Hiếu
Vũ Đế (Lưu Triệt), Hiếu Chiêu Đế (Lưu Phất Lăng), Hiếu Tuyên Đế (Lưu Tuân),
Hiếu Nguyên Đế (Lưu Thức), Hiếu Thành Đế (Lưu Ngao), Hiếu Ai Đế (Lưu Hân), Hiếu
Bình Đế (Lưu Khản). Đời Đông Hán có: Hiếu Minh Đế (Lưu Trang), Hiếu Chương Đế
(Lưu Đát), Hiếu Hòa Đế (Lưu Triệu), Hiếu Thương Đế (Lưu Long), Hiếu An Đế (Lưu
Hỗ), Hiếu Thuận Đế (Lưu Bảo), Hiếu Xung Đế (Lưu Bỉnh), Hiếu Chất Đế (Lưu Toản),
Hiếu Hoàn Đế (Lưu Chí), Hiếu Linh Đế (Lưu Hoành), Hiếu Hiến Đế (Lưu Hiệp).
Xem: Ninh Nghiệp Cao, Ninh Nghiệp Tuyền, Ninh Nghiệp
Long, Trung Quốc Hiếu Văn Hóa Mạn Đàm,
Trung Ương Dân Tôc Đại Học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1995, tr. 137.
[14] Luận Ngữ (Học Nhi):
“Hữu Tử viết: [...] quân tử vụ bản, bản lập nhi đạo sinh. Hiếu đễ dã giả, kỳ vi
nhân chi bản dư.”
[15] Mạnh Tử (Lương Huệ Vương,
thượng): “Vị hữu nhân nhi di kỳ thân giả dã.”