Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

ĐĐVU 09 / MƠ ƯỚC LÚC GIAO MÙA / Thanh Căn

Image result for pegasus


Vòng luân chuyển của một đời người là sanh, lão, bệnh, tử; vòng luân chuyển của sự vật là thành, trụ, hoại, không; vòng luân chuyển của thời tiết là xuân, hạ, thu, đông. Vòng tuần huờn luân chuyển lại qua từ vô thỉ đến nay vẫn không ngưng nghỉ. Tuy nhiên, nếu chúng ta tách riêng ra hai mảng thời gian của mùa đông và mùa xuân rồi gắn vào thân phận con người để xem kiếp người bị hai mảng thời gian đó chi phối ra sao, thì chúng ta sẽ thấy được khoảnh khắc giao mùa.
Giao mùa khiến chúng ta liên tưởng đến sự thay cũ đổi mới, đến sự chuyển giao hiện tại cho tương lai, cho những việc đã qua và những điều sắp tới. Thừa dịp giao mùa, có lẽ ai trong chúng ta cũng đều cảm nhận những nỗi vui buồn pha trộn trong lòng trước sự ra đi của năm cũ, nhường chỗ cho năm mới bắt đầu, khiến chúng ta hình dung hai ý nghĩa mà điểm giao mùa đã hiện ra.
1. Giao mùa: mùa đông của năm Rắn (Quý Tỵ) chuyển sang mùa xuân của năm Ngựa (Giáp Ngọ)
Xưa nay rắn được dùng làm biểu tượng cho nhiều điều, cả thiện lẫn ác, như trong Kinh Thánh Cựu Ước, rắn tượng trưng cho sự hiểm độc vì đã dụ dỗ ông Adam và bà Eva ăn trái cấm. Rắn còn tượng trưng cho sự thông thái, có khả năng trị bịnh, cải tử hoàn sanh theo truyền thuyết Hy Lạp; về sau ngành Y dùng hình ảnh rắn thần quấn quanh gậy thép của Esculape (Asclepius) để làm biểu tượng, và Esculape được tham dự vào hàng tinh tú trong chòm sao Nhân Mã (Sagittaire) mà đời sau xem ông là thần bổn mạng, là ông tổ của thầy thuốc.
Ở đây, chúng ta giả thiết con rắn mùa đông của năm Quý Tỵ tượng trưng cho loài rắn nham hiểm như con rắn trong vườn Địa Đàng (Eden), và con ngựa của năm Giáp Ngọ tượng trưng cho loài ngựa chiến có tính năng như chòm sao Phi Mã (Pegasus) để ngầm nói lên sự chuyển hóa từ xấu ra tốt, từ dữ ra lành. Vì theo lẽ sinh khắc của Thiên Can và Địa Chi đối với Ngũ Hành, thì Quý thuộc Thủy, Tỵ thuộc Hỏa; Thủy khắc Hỏa tức Thiên Can và Địa Chi của năm Quý Tỵ khắc nhau, rất xấu (đại hung). Còn Giáp thuộc Mộc, Ngọ thuộc Hỏa; Mộc sinh Hỏa tức Thiên Can và Địa Chi của năm Giáp Ngọ tương sinh với nhau, rất tốt (đại cát).
Từ đó ta suy ra, mùa đông của năm Quý Tỵ có nhiều điều xấu ẩn tàng và lắng đọng trong đó. Tình hình kinh tế, xã hội của nước nhà và cả thế giới đã chứng minh điều nầy. Nhưng quy luật của sự chuyển luân không dừng lại một chỗ, âm cực thì dương sinh, yếu tố hung hiểm của mùa đông năm Rắn sẽ dần dà tiêu hoại đi để mầm cát tường của mùa xuân năm Ngọ tuần tự sinh sôi nảy nở trong thời khắc giao mùa.
Con ngựa tới đây chắc chắn sẽ là con ngựa quý (bảo mã), là thiên lý mã, vì họ tên (Thiên Can, Địa Chi) của nó hợp nhau: cây làm củi (Mộc), củi đốt lên thành lửa (Hỏa). Nếu chúng ta cho rằng các mặt tiêu cực trong đời sống xã hội, kinh tế… là sức mạnh hung hiểm, là số phận nghiệt ngã làm cho đời sống con người bị trì trệ thì con ngựa đầy sức lực nầy sẽ mạnh hơn về lòng dũng cảm và kiên định lập trường để chịu đựng và vượt qua nghịch cảnh.
2. Giao mùa: thời khắc bàn giao và nhận lãnh; củng cố và triển khai
Giao mùa đối với người tu thân, hành đạo cũng được cho là thời khắc rất hệ trọng. Ở đây, chúng ta chỉ căn cứ theo âm lịch mà phân ra bốn mùa: tháng Giêng, Hai, Ba là mùa xuân; tháng Tư, Năm, Sáu là mùa hạ; tháng Bảy, Tám, Chín là mùa thu; tháng Mười, Mười Một, Mười Hai là mùa đông.[1] Theo cách tính này, ngày mùng 1 tháng Giêng là ngày đầu của mùa xuân. Còn tính theo đúng khí tiết giao nhau là ngày Xuân Phân, nhằm ngày 4 hoặc 5 tháng 2 dương lịch.[2]
Thời tiết giao mùa đối với thiên nhiên khiến ta liên tưởng đến việc bàn giao và nhận lãnh hay củng cố và phát triền đối với con người.
Bàn giao và nhận lãnh. Ai bàn giao và ai nhận lãnh? Khái niệm về bàn giao và nhận lãnh ở đây chỉ dành cho một chủ thể, một người. Sở dĩ có cái để bàn giao là vì những việc làm theo chỉ tiêu của năm cũ kiểm lại chưa xong, còn tồn đọng, nên tự mình hứa hẹn với mình phải hoàn tất trong khoảng thời gian nhất định nào đó ở năm sau.
Củng cố và phát triển. Điều gì cần phải làm lại cho bền vững chắc chắn thì gọi là củng cố để đủ năng lực mở mang rộng lớn hơn lên. Giai đoạn củng cố là thời điểm cuối năm, thời điểm của đông tàng lắng đọng, tâm tư ta cũng lắng đọng để nhận thức rõ những thành công và thất bại, những ưu điểm đã gặt hái và những sai lầm đã va vấp. Có mạnh dạn nhìn thẳng vào vấn đề ưu khuyết là đã có dũng khí tiến thủ. Bánh xe bị vướng đầy bùn đất nếu không cạy rửa sẽ không chạy nhanh hoặc không chạy được. Lộ trình tu tiến của ta cũng vậy, nếu không quay vào tâm để soi xét lỗi lầm đã qua còn vương lại thì không thể tiến thẳng đến mục tiêu giải thoát được, cho dù có tiến thì cũng bị lệch lề ngả sang đường khác không phải đường chánh (chánh đạo).
Hành vi bàn giao và nhận lãnh hay củng cố và phát triển suy cho cùng chẳng khác nào hành vi tống cựu nghinh tân: từ biệt cái cũ, tiếp đón cái mới.
Thời nhà Thương bên Trung Hoa, vua Thang cho khắc trên bồn tắm của mình hàng chữ để hằng ngày nhìn vào ghi nhớ mà sửa mình: Cẩu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân. 苟日新, 日日新, 又日新; có nghĩa là nếu muốn ngày hôm nay đổi mới thì ngày ngày đều phải luôn đổi mới, lại tiếp tục đổi mới nữa.
Thật ra, “dưới ánh mặt trời không có gì là mới cả”,[3] như sách Giảng Viên (Cựu Ước) đã ghi. Nhưng nói mới là nói những điều tốt chưa làm; bỏ qua hóa ra cũ, làm lại trở nên mới; như tấm gương dính bụi lâu ngày, nhìn vào không rõ mặt, trông gương cũ kỹ, một khi lau chùi sạch sẽ rồi thì lại thấy mới.
Đố kỵ, hẹp hòi là cũ / xấu. Từ tốn, bao dung là mới / tốt.
Háo thắng, hận thù là cũ / xấu. Khiêm nhượng, thương yêu là mới / tốt.
Hám danh vị, chuộng quyền uy là cũ / xấu. Danh vị bất cầu, lợi quyền vô dục là mới / tốt.
Giả tâm xảo ngữ là cũ / xấu. Thành ý cẩn ngôn là mới / tốt.
Vọng tưởng vạn duyên là cũ / xấu. Nhất tâm bất loạn là tốt / mới…
Kể ra vài đặc tính của cái cũ và mới để ta lấy đó làm gương soi mình lúc giao mùa giữa khoảng đông-xuân.
Con bảo mã Giáp Ngọ ngẩng cao đầu hướng thẳng trên đường thiên lý để phi mau đến đích vinh quang. Cũng thế, là đàn con áo trắng của Đức Chí Tôn, với nghị lực kiên định lập trường, chúng ta hãy nên nhắm thẳng mục tiêu Thế Đạo đại đồngThiên Đạo giải thoát mà gia công, ráo riết đạt cho được những gì còn dở dang, để bù lại những thời gian đã vì lý do này hay lý do khác mà trót để vuột mất, đến nỗi trễ tràng.

THANH CĂN



[1] Theo dương lịch, việc phân ra bốn mùa không giống nhau ở các vùng trên trái đất. Chẳng hạn, ở bắc bán cầu, mùa xuân từ tháng 3 tới tháng 5; còn ở nam bán cầu, mùa xuân từ tháng 9 tới tháng 11 (… in the northern hemisphere from March to May and in the southern hemisphere from September to November. www.oxforddictionaries.com). [Văn Uyển chú]
[2] Xuân Phân, là điểm giữa của mùa xuân. Tuy nhiên, theo phương Tây thì Xuân Phân (Vernal Equinox) lại là thời điểm bắt đầu mùa xuân tại bắc bán cầu. Theo quy ước, tiết Xuân phân là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 20 hay 21 tháng 3 và kết thúc vào khoảng ngày 4 hay 5 tháng 4 dương lịch. Ở nam bán cầu thì thời điểm đó lại là điểm Thu Phân (Autumnal Equinox). [Theo vi.wikipedia.org]
[3] There is nothing new under the sun. Ecclesiastes 1:9. 


Đại Đạo Văn Uyển trân trọng giới thiệu quý đạo hữu
blog UNDERSTANDING CAODAISM gồm các bài tiếng Anh của
HUỆ KHẢI viết về đạo Cao Đài tại địa chỉ: