Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

ĐĐVU 11 / HỌC GIẢ TRẦN TRỌNG KIM / Trần Văn Chánh


Tạp chí Nghiên Cứu Và Phát Triển (Huế: Sở Khoa Học và Công Nghệ Thừa Thiên - Huế, số 6-7 [104-105] năm 2013, tr. 108-142) có bài TẢN MẠN NHÂN VẬT LỊCH SỬ TRẦN TRỌNG KIM QUA NHỮNG TRANG HỒI KÝ của nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh. Văn Uyển đã xin phép tác giả và tạp chí để trích đăng lại đây phần viết về tiền bối Trần Trọng Kim ở cương vị là một học giả đầy uy tín, rất đáng kính trọng và rất có công với văn hóa dân tộc.
Thuộc thế hệ tuổi trên dưới sáu mươi như chúng tôi, ở miền Nam, hễ có quan tâm ít nhiều tới chuyện sách vở thì hầu như không ai không biết đến nhân vật Trần Trọng Kim (1883-1953), một học giả tên tuổi, có thời gian ngắn tham gia chính trị với tư cách Thủ Tướng của Đế Quốc Việt Nam (1945), và là người tiên phong cho một số công trình biên khảo có giá trị lâu dài thuộc nhiều lĩnh vực học thuật khác nhau, như Việt Nam Sử Lược, Nho Giáo, Truyện Thúy Kiều...
Khởi đầu sự nghiệp trứ tác từ năm 1914 khi phụ trách mục “Học Khoa” trên Đông Dương Tạp Chí, với loạt bài viết có tính giáo khoa về luân lý và về khoa sư phạm học, nếu tính đúng và đủ, Trần Trọng Kim là tác giả của tất cả những công trình đã in thành sách, liệt kê theo thứ tự thời gian như sau:
- Sơ Học Luân Lý (Nhà in Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội, 1914),
- Sư Phạm Khoa Yếu Lược (Trung Bắc Tân Văn, 1916),
- Việt Nam Sử Lược (hai quyển Thượng và Hạ, Trung Bắc Tân Văn, 1919),
- Truyện Thúy Kiều Chú Giải (1925, soạn chung với Bùi Kỷ),
- Quốc Văn Giáo Khoa Thư (ba tập: lớp Đồng Ấu, lớp Dự Bị, và lớp Sơ Đẳng), Luân Lý Giáo Khoa Thư, Sử Ký Giáo Khoa Thư (cả ba loại giáo khoa thư này xuất bản năm 1926, và đều soạn chung với Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận, do Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ vẽ minh họa),
- Bốn Mươi Bảy Điều Giáo Hóa Của Nhà Lê (Trung Bắc Tân Văn, 1928, dịch Lê Triều Giáo Hóa Điều Luật Tứ Thập Thất Điều ra tiếng Pháp: Les 47 articles du Catéchisme moral de l’Annam d’autrefois),
- Nho Giáo (Trung Bắc Tân Văn, 1930, ba quyển; sau in gộp lại thành hai quyển, 1932-1933),
- Việt Thi (sao lục và chú giải),
- Phật Lục (Nxb Lê Thăng, Hà Nội, 1940),
- Phật Giáo (Tân Việt xuất bản),
- Vương Dương Minh (1940),
- Việt Nam Văn Phạm (Lê Thăng, Hà Nội, 1941, soạn chung với Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ),
- Tiểu Học Việt Nam Văn Phạm (Tân Việt xuất bản),
- Phật Giáo Thủa Xưa Và Phật Giáo Ngày Nay (Tân Việt, 1953; “Lời Mở Đầu” của tác giả đề tháng 10-1952),
- Hạnh Thục Ca (Tân Việt xuất bản),
- Đường Thi (Tân Việt xuất bản),
- Lăng Ca Kinh (Tân Việt, 1964),
- Một Cơn Gió Bụi (hồi ký, viết từ năm 1949, xuất bản năm 1969 tại Sài Gòn do Nxb Vĩnh Sơn).
Ngoài những sách đã in chính thức trên đây, Trần Trọng Kim còn có:
- Loạt bài biên khảo dài về Đạo Giáo (đạo Lão Tử) đăng nhiều kỳ trên Nam Phong Tạp Chí (từ số 67 năm 1923), chưa xuất bản thành sách.
- Vũ Trụ Đại Quan Thiên Văn Học là hai công trình biên khảo khác nữa nhưng dường như chỉ ở dạng bản thảo đã bị thất lạc trong thời kỳ chiến tranh Việt-Pháp (1946-1954). Quyển đầu thấy tác giả có nhắc qua trong một bức thư gởi Giáo Sư Hoàng Xuân Hãn mới được công bố gần đây; còn quyển sau, chỉ được biết qua sự ghi nhận của nhà văn, nhà báo Lãng Nhân Phùng Tất Đắc trong tập hồi ký Nhớ Nơi Kỳ Ngộ (do Ziên Hồng xuất bản ở Hoa Kỳ năm 1997).
- Riêng cuốn Pháp Bảo Đàn Kinh nói là do ông dịch, chúng tôi chỉ thấy giới thiệu sau bìa lưng một quyển sách khác do Nxb Tân Việt in năm 1964, nên chưa thể xác định.
Nếu xét trên phương diện đề tài thì tác phẩm của Trần Trọng Kim bao quát một phạm vi rất rộng, từ giáo khoa nhiều môn học sang các lĩnh vực văn, triết, sử, tôn giáo, và đều có tính cách tiên phong đi đầu trên mỗi lĩnh vực học thuật trong giai đoạn chuyển giao từ nền cựu học sang tân học, trong số đó riêng bộ Việt Nam Sử Lược từ khi ra đời đã được đánh giá là một trong những bộ sử quy mô đầu tiên của Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ, vừa có phong cách ngắn gọn, súc tích, vừa đầy đủ dễ hiểu, đọc rất hấp dẫn, và được tái bản cho đến nay có đến chục lần.
Điều khá đặc biệt là những cuốn giáo khoa tiểu học nêu trên do ông chủ trì biên soạn đều là những sách viết rất hay, mà một số bài trong đó đến nay lớp người từng học tiểu học khoảng nửa trước thế kỷ Hai Mươi vẫn còn thuộc nằm lòng. Một số câu, đề bài đã trở thành những câu khẩu ngữ rất quen thuộc: Ai bảo chăn trâu là khổXuân đi học con người hớn hở… Cách biên soạn đơn giản, dễ nhớ như thế của nhóm soạn giả Trần Trọng Kim rất có giá trị thuyết phục, mà ngày nay có lẽ còn phải phấn đấu học hỏi nhiều nữa giới sư phạm mới có thể vượt lên hơn được.
Trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Giáo Sư Dương Quảng Hàm (1898-1946) xếp Trần Trọng Kim vào chương Các Văn Gia Hiện Đại cuối sách, ở tiểu mục Khuynh Hướng Về Học Thuật, chỉ với ba dòng nhận xét rất ngắn gọn nhưng đủ khái quát hết sự nghiệp học thuật của ông: “Trần Trọng Kim (hiệu Lệ Thần) là một nhà sư phạm đã soạn nhiều sách giáo khoa có giá trị và một học giả đã có công khảo cứu về Nam sử và các học thuyết cổ của Á Đông.” [1]
Đến Nhà Văn Hiện Đại (bốn tập, Tân Dân, Hà Nội, 1942-1945), nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan (1902-1987) xếp Trần Trọng Kim vào “Các nhà văn lớp đầu”, nhóm biên khảo (cùng với Bùi Kỷ, Lê Dư, Phan Khôi, Nguyễn Quang Oánh, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Tố, Đào Duy Anh), đã giới thiệu khá tỉ mỉ văn nghiệp của ông (chiếm đến ba mươi trang giấy), đặc biệt giới thiệu, phân tích, phê bình một cách tập trung, chi tiết vào ba quyển Việt Nam Sử Lược, Nho GiáoViệt Nam Văn Phạm.
Riêng Việt Nam Sử Lược, Vũ Ngọc Phan cho rằng “tuy gọi là ‘lược’ nhưng cũng đủ được mọi việc trong thời kỳ đã qua của nước nhà và đáng coi là một bộ sách giá trị.” [2] Rồi đi tới một kết luận chung cho toàn bộ sự nghiệp biên khảo của Trần Trọng Kim:
“Đọc tất cả các văn phẩm của Trần Trọng Kim, người ta thấy tuy không nhiều, nhưng quyển nào cũng vững vàng chắc chắn, không bao giờ có sự cẩu thả.
“Ông có cái khuynh hướng rõ rệt về loại biên khảo; chỉ đọc qua nhan đề các sách của ông, người ta cũng có thể thấy ngay: hết lịch sử, đến đạo Nho, đến đạo Phật, rồi lại đến mẹo luật tiếng Việt Nam. Ông là một nhà giáo dục, nên những sách của ông toàn là sách học cả.
“Văn ông là một thứ văn rất hay, tuy rất giản dị mà không bao giờ xuống cái mực tầm thường; lời lời sáng suốt, giọng lại thiết tha như người đang giảng dạy. Lối văn ấy là lối văn của một nhà văn có nhiệt tâm, có lòng thành thật.” [3]
Lại đến Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên của Phạm Thế Ngũ (1921-2000), tập III, phần Văn Học Hiện Đại 1862-1945 (Sài Gòn: Quốc Học Tùng Thư, 1965), nhà nghiên cứu văn học rất tài hoa uy tín này tiếp tục xếp Trần Trọng Kim vào hàng ngũ các nhà biên khảo tiêu biểu của giai đoạn 1907-1932, chung với Phan Kế Bính (1875-1921), Nguyễn Hữu Tiến (1874-1941) – hai tác giả đã được Vũ Ngọc Phan xếp vào nhóm Đông Dương Tạp Chí và nhóm Nam Phong Tạp Chí – và Phan Khôi (1887-1959). Phạm Thế Ngũ gọi Trần Trọng Kim là nhà giáo dục mới, lần lượt điểm qua các tác phẩm tiêu biểu, trước khi đi đến nhận định tổng quát có thể bổ sung được cho sự đánh giá của Dương Quảng Hàm và Vũ Ngọc Phan vừa nêu trên:
“Ở Trần Trọng Kim ta thấy một đặc điểm là mặc dù sớm theo Tây học, lại sang cả Pháp du học, song ông đã có với văn hóa Đông phương một mối kính cẩn sâu xa. Có thể nói ông chủ trương bảo tồn, thủ cựu hơn cả Phạm Quỳnh. Về đường trước tác thì có thể nói ông đã thực hiện đúng cái đường lối... là đem tất cả cái gia tài văn hóa của ông cha mà bàn giao lại cho thế hệ mới... Tuy có Tây học song ông tự đặt mình vào phái cũ, đem cái phương pháp mới học được của Tây học mà làm những công trình bàn giao ấy cho được rõ ràng hơn hoàn bị hơn. Sự phối hợp giữa một phương pháp biên khảo mới mẻ và một kho kiến thức phong phú cộng thêm vào một thiện chí theo đuổi ‘cúc cung tận tụy’ đã khiến cho những công trình của ông có một giá trị vững bền và đặt ông vào hàng đầu các nhà biên khảo ở giai đoạn này.
“Về hành văn thì ông có một lối văn đặc biệt bình dị... Không ưa những hình ảnh cao kỳ, lối sắp đặt đối ngẫu, sự bay bổng hay hào hoa, chỉ muốn dùng cách thông thường nhất dễ hiểu nhất, để dẫn giải ôn tồn cho người ta hiểu. Văn bình đạm song có khí có lực, cũng như con người vậy.” [4]
Trần Trọng Kim, còn có bút hiệu Lệ Thần, sinh năm 1883 (Quý Mùi) tại làng Kiều Lĩnh, xã Đan Phổ (nay là Xuân Phổ, trước thuộc tổng Đan Hải), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo Vũ Ngọc Khánh, họ Trần của Trần Trọng Kim là một họ lớn ở Đan Phổ (lúc đầu gọi Đan Phố, sau theo cách phát âm mới đọc là Phổ), cụ thân sinh ra Trần Trọng Kim là Trần Bá Huân, có tham gia phong trào Cần Vương. Em gái ông tên Trần Thị Liên là một cán bộ Xô Viết, hoạt động năm 1930 (mất năm 1964). Ngoài ra, ông còn có người con gái hiện đang ở Pháp.[5] Riêng vợ ông là em gái của nhà nghiên cứu văn học Bùi Kỷ (1888-1960).
Xuất thân trong một gia đình Nho Giáo, ông học chữ Hán từ nhỏ. Năm 1897, học chương trình Pháp ở trường Pháp-Việt Nam Định. Năm 1900, thi đỗ vào trường Thông Ngôn, tốt nghiệp năm 1903. Năm 1904, làm Thông Sự ở Ninh Bình.
Ít ai biết rõ thuở hàn vi của Trần Trọng Kim ra sao, vì ngay trong tập hồi ký viết cuối đời, cuốn Một Cơn Gió Bụi (tên phụ Kiến Văn Lục, Sài Gòn: Nxb Vĩnh Sơn, 1969), cũng không thấy kể. Chỉ biết ông nhà nghèo, nên năm 1906 mới nhờ bạn học cũ là Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) giúp, khi ông Vĩnh được nhà nước bảo hộ Pháp giao trách nhiệm tổ chức đi dự Hội Chợ Marseille ở Pháp (hồi đó gọi là “đấu xảo”), sắp xếp cho ông đi theo với tư cách thợ khảm, mà thật ra mục đích chính chỉ để tranh thủ ở lại Pháp học thêm: “Thì mục đích mình là kiếm đường du học, chứ tôi có biết khảm khiếc gì đâu!” [6]
Từ đó ông trải qua học trường Thương Mại ở Lyon, rồi được học bổng vào trường Thuộc Địa Pháp. Năm 1909, vào học trường Sư Phạm Melun, tốt nghiệp ngày 31-7-1911 rồi về nước, do học bổng của mọi sinh viên lúc đó đột nhiên bị bãi. Sau đó, ông lần lượt dạy ở trường Trung Học Bảo Hộ (trường Bưởi), trường Hậu Bổ và trường Nam Sư Phạm.
Ông là nhà giáo mẫu mực, có uy tín trong xã hội, từng giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục thời Pháp thuộc như: thanh tra các trường tiểu học Pháp-Việt (1921), trưởng ban soạn thảo sách giáo khoa tiểu học (1924), giáo viên trường Sư Phạm Thực Hành (1931), giám đốc các trường nam tiểu học tại Hà Nội (1933). Ngoài ra ông còn là phó trưởng ban Ban Văn Học của Hội Khai Trí Tiến Đức và nghị viên Viện Dân Biểu Bắc Kỳ. Ông về hưu năm 1942 khi vừa tròn sáu mươi tuổi.
Theo lời kể lại của Lãng Nhân, một người được Trần Trọng Kim coi là bạn trẻ khá thân thiết, thì ông người vóc đậm nên trông hơi thấp, nước da ngăm ngăm, đi đứng khoan thai vững vàng, tuy gốc Nghệ Tĩnh nhưng ở Bắc lâu nên giọng nói nhẹ nhàng. Thấy ông là nhà giáo đạo mạo, lại chuyên viết những công trình nghiêm túc gần như giảng đạo, ít ai nghĩ Trần Trọng Kim là người có óc trào lộng, thích kể chuyện tiếu lâm, và cũng theo Lãng Nhân cho biết, cuốn sách nhỏ do nhà Ích Ký, phố Hàng Giấy xuất bản năm 1910, có những chuyện “xứ Nghệ” xem vỡ bụng cười, đều do ông Trần kể lại với tác giả Thọ An, tức Phạm Duy Tốn (1883-1924), một nhân vật trọng yếu của nhóm Nam Phong.
Có những chi tiết rất lý thú về nền nếp sinh hoạt hằng ngày của ông. Cũng theo Lãng Nhân: “Sở dĩ ông thực hiện được những tác phẩm có giá trị cả về phẩm lẫn lượng, là nhờ sự kê cứu tỉ mỉ công phu cùng đức tính cần cù, nhẫn nại và cương quyết ít thấy ở ai khác. Thật vậy, nhà ông, trên lầu, riêng một căn làm thư phòng, giữa kê một bàn giấy lớn, sách vở bày trên từng chồng xếp đặt ngay ngắn, bên đèn bên quạt điện, trước bàn là một ghế bành gỗ gụ không có nệm. Điều khác thường là bao nhiêu đó được vây kín trong một khung hình lớn lúc nào cũng buông [mùng] sùm sụp để tránh muỗi. Mỗi ngày cơm chiều xong là ông tản bộ đi chơi, đi thăm hỏi bạn bè, khi chuyện trò trong Hội Khai Trí, nhưng nghiêm luật bất di bất dịch là đúng mười giờ đêm, dù mưa gió bão bùng, thế nào ông cũng có mặt nơi ‘bàn mùng’ để cặm cụi dùi mài cho đến hai giờ sáng.” [7]
Chỉ một năm sau khi về hưu (1943), thời cuộc bắt đầu đưa đẩy chuyển ông sang một hướng rẽ đầy phong ba bão táp mà bình sinh có lẽ ông chưa bao giờ kịp nghĩ tới. “Một cơn gió bụi” nổi lên bao trùm hoàn hải trong bối cảnh cuộc Chiến Tranh Thế Giới thứ Hai đến hồi quyết liệt đã làm cho cuộc đời nhà giáo, nhà nghiên cứu Trần Trọng Kim không còn được êm ả một cách tương đối như trước.
(…)
Đầu tháng 3-1948, ở tuổi sáu mươi lăm, vừa túng thiếu vừa mệt mỏi và bất lực trước thời cuộc, lại bị đám chính khách cơ hội tối ngày bao vây trong căn nhà ở đậu chật hẹp của người anh vợ, ông quyết định bỏ Sài Gòn qua Nam Vang (Phnompenh, Campuchia) sống với người con gái, cũng trong cảnh nghèo túng. Trong thời gian này, ông đã tập hợp các bản thảo nhật ký của mình viết thành cuốn hồi ký Một Cơn Gió Bụi, mà phần kết thúc là nêu lên một số nhận xét về những chỗ hay dở của phong trào Việt Minh và khẳng định tấm lòng chân thành của ông đối với dân tộc. Đây là quyển sách có nhiều sử liệu quý hiếm mà ta không thể tìm thấy bất kỳ ở đâu trong số những tập “chính sử” hiện đại, rất cần được giới nghiên cứu sử học quan tâm khảo định kỹ vì có thể còn một số chi tiết chưa chính xác, để viết lại bộ thông sử sau này, nhất là về những sự kiện lịch sử Việt Nam liên quan giai đoạn 1945-1949.
Tâm trạng ông vào khoảng thời gian tạm trú Nam Vang được ghi lại ngay trong đầu sách qua hai câu thơ trích dẫn của Đái Thúc Luân (732-789) thời Đường:
Liêu lạc bi tiền sự
Chi li tiếu thử thân.
(Quạnh hiu buồn nỗi trước kia
Vẩn vơ chuyện vặt, cười khì tấm thân.)
Và trong đoạn tâm sự gần cuối tập hồi ký: “Tôi nay già rồi, không còn hăng hái làm được việc gì nữa. Tôi chỉ mong được yên ổn, để về nghỉ ngơi cho trọn tuổi già, ấy là cái sở nguyện chân thực của tôi. Vả trong quãng đường tôi vừa đi qua, trải bao những cảnh huống đau buồn khổ sở, may như Trời Phật cứu giúp, tôi duy trì được đến bây giờ, mà không trụy lạc vào đâu cả, thật là cái phúc lớn vậy.” [8]
Lãng Nhân kể: “Vốn là người nho nhã phác thực và chân thành, khi không [9] bị lôi cuốn vào trường chính trị, phải đối phó với một canh bạc thò lò sáu mặt, không thích ứng với lòng mình, nên mỗi khi nhàn thoại ông hay mân mê điếu thuốc lá vấn tay, chặc lưỡi một đường triết lý: Nghĩ cho cùng, ở đời chẳng cái đếch gì ra cái đếch gì…” [10]
Ít lâu sau ông trở về Việt Nam, rồi thuê nhà định cư tại Hà Nội.
Sau do lời mời của Quốc Trưởng Bảo Đại, ông vào Sài Gòn dự Đại Hội Đồng Quốc Gia (còn gọi “Quốc Dân Đại Hội”) từ ngày 06-9-1953, được bầu làm Chủ Tịch Chủ Tịch Đoàn nhưng chỉ hư vị và không thực tế làm gì, ông lên Đà Lạt định sống an dưỡng cùng với gia đình nhưng chưa được bao lâu thì mất đột ngột tại đây vì bị đứt mạch máu ngày 02-12-1953, thọ bảy mươi mốt tuổi, thi thể được đưa máy bay về Hà Nội an táng, cạnh chùa Láng.[11]
(…)
Trần Trọng Kim được đánh giá là một học giả uyên thâm cả tân học lẫn cựu học, là người tận tụy cho ngành giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ Hai Mươi.
(…)
Khoảng hơn chục năm gần đây, qua lớp bụi thời gian, (…) người ta bắt đầu biết đến rồi nhận ra giá trị, cho in đi in lại nhiều lần những Việt Nam Sử Lược, rồi Nho Giáo, Phật Giáo, Phật Lục… nhất là bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa ThưLuân Lý Giáo Khoa Thư do ông [Trần Trọng Kim] chủ trì nhóm biên soạn.
Từ năm 2000, tức bốn mươi bảy năm sau khi Trần Trọng Kim qua đời, mới thấy mục từ TRẦN TRỌNG KIM bắt đầu xuất hiện trong cuốn Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam do Đinh Xuân Lâm và Trương Hữu Quýnh chủ biên (Nxb Giáo Dục).
Năm 2004, khi bộ sách quy mô Từ Điển Văn Học bộ mới ra đời (Nxb Thế Giới), mục từ TRẦN TRỌNG KIM lại được đưa vào một cách trân trọng hơn, do nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Huệ Chi trình bày, với gần đầy ba trang giấy khổ lớn, bỏ hết mọi lời công kích.
      25-11-2013
      TRẦN VĂN CHÁNH
Nguồn: Tạp chí Nghiên Cứu Và Phát Triển
(Huế: Sở Khoa Học và Công Nghệ Thừa Thiên - Huế, số 6-7 [104-105] năm 2013.



[1] Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu. Sài Gòn: Bộ Giáo Dục, Trung Tâm Học Liệu, 1968, tr. 450.
[2] Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại. Nxb Văn Học - Hội Nghiên Cứu Và Giảng Dạy Văn Học TpHCM, 1994. Tập I, tr. 181.
[3] Vũ Ngọc Phan, sách đã dẫn, tr. 208-209.
[4] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên. Sài Gòn: Quốc Học Tùng Thư, 1965. Tập III, tr. 301-302.
[5] Xem bài Bàn Thêm Về Trần Trọng Kim, tạp chí Văn Hóa Nghệ An, 26-11-2009.
[6] Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, Nhớ Nơi Kỳ Ngộ. Hoa Kỳ: Nxb Ziên Hồng 1997, tr. 84.
[7] Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, sách đã dẫn, tr. 84-85.
[8] Trần Trọng Kim, Một Cơn Gió Bụi. Sài Gòn: Nxb Vĩnh Sơn, 1969, tr. 185.
[9] Khi không: Bỗng dưng, vô tình, bất ngờ… [Văn Uyển chú]
[10] Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, sách đã dẫn, tr. 67.
[11] Chùa Láng (Chiêu Thiền Tự 昭禪寺) ở làng Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. [Văn Uyển chú]