Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

ĐĐVU 10 / PHÁP MÔN XẤU HỔ / Thánh giáo

Image result for KWANYIN
Thánh thất Minh Trung, ngày 17-11 Mậu Tuất (26-12-1958)
QUAN ÂM BỒ TÁT
. . .
Bần Nữ chào chư Thiên ân. Chào chư đạo hữu, đạo muội. Chư môn tọa thiền nghe dạy tiếp bài.
Buổi đời mạt pháp, nhơn loại tập nhiễm thói hư nết xấu của đời, tự vô thỉ dĩ lai ([1]) chồng chất ngập đầy trong khuôn trời đất. Cảnh sống phàm phu nhích chơn hả ming đều là ti lỗi. Loài người gây tạo dẫy đầy ác họa, nào biết nào hay, phải chịu quẩn quanh trong sáu đường ([2]) ba nghiệp.([3]) Làm sao thức tỉnh thế gian quày chơn trở lại?
Nói đến thế gian là một sự lầm lỗi to tát, không còn tồn tại lâu dài. Đời hạ nguơn đã mạt tận, thì người hạ nguơn cũng tiêu vong. Tất cả theo cõi đời này mà tiêu diệt, không còn một cái gì sót lại ngày mai, vì người hạ nguơn là người ác, đời hạ nguơn là đời cùng. Đã ác và cùng thì làm sao làm được con người ngày mai!
Con người ngày mai là con người bởi sứ mạng được chọn. Người ấy đã sống dậy ở cõi lòng, lòng họ dính liền cùng Tạo Hóa với vạn vật bình đẳng nhất thể. Họ không thấy ai là người thân kẻ thù. Vì họ biết xấu hổ, nên họ được tinh tiến trên đường đạo đức, buông xả mối hại danh sắc ái ân, giải thoát tất cả cái gì ràng buộc nhỏ nhen tà vọng. Nhờ biết xấu hổ mà chừa được lòng thèm muốn, tánh tham sân, đoạn ba nghiệp lấp sáu đường, diệt vô minh, bản giác trở nên sáng tỏ. Đó là người ngày mai.
Muốn có người ngày mai ở trong đời thượng nguơn thánh đức, gọi là nguơn tái tạo thanh bình, bắt đầu từ đây lo xây dựng đào tạo con người mới, con người chất phác đạo hạnh.
Con người mới ở trong nguơn mạt tận này dù cho họa hại đến đâu cũng không tuyệt diệt. Vì người đó sống bất diệt, không chạy theo cái chết của quỷ ma, vô minh [4] nghiệp chướng. Đời này làm sao có được con người ấy? Vì cõi phàm phu ma quỷ này không một vọng niệm [5] nào là trong sạch, thì đời sống họ làm gì có được trong sạch mà làm người ngày mai. Bởi biết xấu hổ, họ làm được người ngày mai.
Đã nói hạ nguơn là nguơn đen tối, tội ác; loài người cũng như đám cây bị hạn hán đốt thiêu, sinh khí khô cạn nơi thân cây. Nhưng khi có được dịp hồng ân mưa móc, cây nào còn nhựa sống thì đâm chồi nứt lộc. Cũng như người còn đôi chút lương tâm, nghe đến đạo đức sanh lòng ngưỡng mộ. Vì người đã ngưỡng mộ, biết điều lành nên theo, điều dữ nên tránh. Nếu thân bị lầm lỡ, bị thối hóa thấp hèn, mà biết xấu hổ, biết lập chí buông xả, là lòng người sống lại.
Vậy nói đến người mới là nói đến người nào? Đám người được chọn, đám người vì sứ mạng đến đây, đám người sớm đã được giác ngộ đạo đức. Người đó là ai? Có phải chư Thiên ân chức sắc, chức việc và đạo hữu không?
Nếu nói người đó là người Thiên ân hướng đạo, thì đã có khi nào biết xấu hổ không? Hay đã được cái danh Thiên ân, cái chức hướng đạo rồi đem lòng cao ngạo, không biết xấu hổ?
Đã là Thiên ân, mà không xứng đức hạnh, sao không xấu hổ? Đã là chức sắc, chức việc mà chưa đủ ân oai quyền pháp để trị đạo giáo dân sao không xấu hổ?
Người hướng đạo dẫn đạo nhơn sanh, mà chính mình mờ mịt tối tăm thì hướng dẫn ai? Một người mù dắt một bầy đui sao không xấu hổ?
Biết xấu hổ với thân phận, có ngôi phẩm chức vụ mà không tròn không xứng, lấy làm ăn năn lấy làm lo sợ. Nhờ biết xấu hổ mà cố gắng lòng mình, xa điều quấy thói hư, buông bỏ ý tham mê ưa muốn, để được nhẹ nhàng, để nên trong trắng, để được tự do chung cùng Tiên Phật. Đó là phương chỉnh tu, trảy sạch [6] phàm phu tội lỗi, cũng như trảy gai tề nhánh cho cây được suôn sắn, thẳng ngay.
Chư hiền Thiên ân nên xây dựng mình bằng pháp môn xấu hổ, để trọn ân nên Thánh [7] ngày mai.
. . .
Bần Nữ chào chư quý liệt vị.
Trích Thánh Truyền Trung Hưng
(Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài)



[1] Tự vô thỉ (thủy) dĩ lai 自無始以來: Từ khi chưa có khởi đầu tới nay (from non-beginning to the present).
[2] Sáu đường (lục đạo) 六道: Sáu nẻo tái sinh (the six paths of rebirth). <1> Địa ngục . <2> Ngạ quỷ 餓鬼 là quỷ đói. <3> Súc sinh 畜生. <4> A tu la 阿修羅 là thần ác (asura). <5> Nhân là người. <6> Thiên là thần cõi trời, thiên thần (deva).
[3] Ba nghiệp (tam nghiệp) 三業: <1> Thân nghiệp (身業): Nghiệp do hành vi gây ra. Thí dụ, giết hại, cướp bóc người khác là nghiệp ác; giúp đỡ người hoạn nạn là nghiệp lành. <2> Khẩu nghiệp (口業): Nghiệp do lời nói gây ra. Thí dụ, nói xấu, gièm pha người khác là nghiệp ác; thuyết pháp, giảng đạo là nghiệp lành. <3> Ý nghiệp (意業): Nghiệp do ý nghĩ, tư tưởng gây ra. Thí dụ, thấy sắc đẹp, tài sản người khác mà nổi lòng tham, bụng muốn chiếm đoạt là nghiệp ác; sau giờ tọa thiền đem tư tưởng lành hồi hướng, cầu nguyện cho bá tánh là nghiệp lành. (The three types of karmic deeds: the karma of body, words, and mind.)
[4] Vô minh 無明: Ngu dốt, tối tăm, không hiểu biết (ignorant).
[5] Vọng niệm 望念: Những điều mong mỏi và nhớ nghĩ (expectations and thoughts). Phân biệt với vọng niệm 妄念: Những nhớ nghĩ sái quấy (wrong thoughts).
[6] Trảy sạch: Róc bỏ sạch. Trảy lá: Tước trụi lá.
[7] Nên Thánh: Trờ thành bậc Thánh.
Huệ Khải chú thích (14-3-2014)