Đất Thần Kinh trai hiền, gái lịch,
Non xanh nước biếc, điện ngọc, đền rồng,
Tháp bảy tầng, Thánh Miếu, Chùa Ông,
Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Tòa...
Chúng
ta, ai cũng biết trong tác phẩm Tam Quốc
Diễn Nghĩa của La Quán Trung, Quan Công (162-219) được mô tả là người trung
nghĩa, khi mất lại hiển thánh cứu dân hộ quốc. Người đời cho rằng Quan Thánh có
các đức tính Trung đồng nhật nguyệt, nghĩa
đồng thiên,[1] nghĩa là
lòng trung thì sáng như mặt trời mặt trăng, còn nghĩa khí thì như trời xanh bao
la.
Rất nhiều câu
chuyện về cuộc đời ngài, như về lòng trung, người ta kể rằng khi anh em Đào
Viên kết nghĩa bị ly tán, Quan Công bị quân Tào vây hãm và dụ hàng, ngài ra ba
điều kiện trong đó có hai câu tỏ lòng trung là Hàng Hán (họ Lưu) chứ không hàng Tào; và khi biết được Lưu hoàng thúc ở
đâu thì cũng tìm đến. Tào Tháo đồng ý cho hàng và quý trọng ngài đến nỗi Tam nhật tiểu yến, thất nhật đại yến (ba
ngày mở một tiệc nhỏ, bảy ngày mở một tiệc lớn để chiêu đãi). Nhưng cuối cùng
ngài vẫn bỏ họ Tào để đi tìm người anh kết nghĩa họ Lưu:
Uy lừng ba nước tiếng anh hào,
Nam nữ riêng nhà, nghĩa khí cao.
Gian tướng uổng công mua chuốc hão,
Ai hay Quan Vũ chẳng hàng Tào.
Về nghĩa khí, người
ta kể rằng khi Tào Tháo thua trận Xích Bích, thế cùng lực kiệt chạy đến Hoa
Dung thì gặp Quan Công đang chờ bắt ở đó:
Tào Man thua chạy đến Hoa Dung,
Gặp phải Quan Công xiết hãi hùng.
Chạnh nghĩ xưa kia ơn nghĩa nặng,
Nên đành mở khóa, thả giao long.
Trước khi Quan
Công xin đi bắt Tào Tháo, ngài đã viết quân lệnh trạng với quân sư Gia Cát Lượng
thề sẽ chấp nhận bị xử theo quân lệnh nếu thả giặc Tào, nhưng trong giây phút
trả nghĩa cho họ Tào, ngài đã:
Liều đem một chết đền tri kỷ,
Nên được nghìn thu nổi nghĩa danh.
Trải
qua các triều đại phong kiến Trung Hoa, từ thời Tống, Nguyên, Quan Công đều được
phong tước, xem là vị Thánh, và lập đền thờ ngài. Rồi đến thời Minh Vạn Lịch
(1573-1620) được tôn là Đế, đến thời
Thanh Càn Long (1736-1795) lại được tôn là Trung
Nghĩa Vũ Thần Đại Đế, Quan Phu Tử...
Khi
Thanh chiếm diệt Minh vào năm 1644, các trung thần triều Minh phần lớn rời bỏ
Trung Quốc ly hương đến các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam để lánh nạn
Mãn Thanh. Vì Quan Thánh là hình tượng bảo quốc an dân của người Hán, nên đi
đâu họ cũng mang theo tín ngưỡng này; do vậy mà tục thờ Ông được du nhập Việt
Nam theo những người Minh Hương...
*
Tết
năm nay [Giáp Ngọ, 2014], tôi không đi thăm bạn bè hoặc đồng nghiệp, mà dành thời
gian tìm hiểu các đền thờ Quan Thánh, và được biết ở Huế có năm điện thờ ngài
là:
1.
Quan Thánh Điện ở đô thị cổ (thương cảng
cổ) Thanh Hà, nay thuộc thôn Địa Linh, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, do Hoa
kiều thành lập năm 1689.
2.
Chùa Tường Quang, ở số 213 đường Chi
Lăng, thành phố Huế; chính điện có thờ Đức Quan Thánh, được xây dựng từ năm
1887.
3.
Quảng Triệu Hội Quán, tức hội quán của
người Quảng Đông, ở số 223 đường Chi Lăng, thành phố Huế, chính điện có thờ Đức
Quan Thánh, do Hoa kiều thành lập năm 1894.
4.
Quan Thánh Tự, ở số 344 đường Bạch Đằng,
thành phố Huế; chính điện có thờ Đức Quan Thánh, được xây dựng năm 1925.
5.
Chùa Ông, sau này có tên là chùa Thuận Hóa, ở số 114 đường Bạch Đằng,
thành phố Huế; một ngôi chùa đã điêu tàn hầu như ít mở cửa vì quá nhiều
năm không có sư.
Cũng
như nhiều đền thờ Quan Thánh tại Việt Nam đã có từ xa xưa, phần lớn là đền do
dân lập;[2] nhưng ngày Tết ắt
chùa Ông sẽ mở cửa, và vào chính điện, tôi thật bất ngờ...
Trên chính điện, có bức hoành bốn chữ Trung nghĩa chi
tắc,[3]
nghĩa là Tấm gương trung nghĩa. Ở lạc
khoản, bên phải người đọc, có ghi niên đại là Giáp Ngọ niên, Mạnh Hạ nguyệt, cốc nhật,([4]) tức ngày tốt, tháng 4
(âm lịch), năm Giáp Ngọ. Người viết, được ghi ở lạc khoản bên trái là Quốc chủ Thiên Túng đạo nhân đề, ([5])
tức là do Minh vương Nguyễn Phúc Chu viết ban tặng năm 1714.
Đọc lại Đại Nam Nhất Thống Chí,
ta được biết: Đền Quan Công 關
公 祠: Ở ấp Xuân Lập ngoài kinh thành. Khi quốc sơ, làm ở phía tả chùa Thiên
Mụ, năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) dời đến đây, nóc chính điện và nóc tiền đều ba
gian. Ngày Tỵ tháng 8, mạng quan đến tế.[6]
Dòng sử này cho thấy, ban đầu đền thờ được xây dựng ở phía bên trái chùa
Thiên Mụ, tức ở gần các quầy hàng lưu niệm ở đường Nguyễn Phúc Nguyên ngày nay.
Đến năm 1845, được dời về ở vị trí mới này. Và có lẽ đây là đền “công lập”, do “nhà nước” xây đầu tiên ở
Việt Nam, nay vừa đúng ba trăm năm. Do vậy trong bài viết này, tôi chỉ đề cập về
ngôi chùa Ông này, còn các ngôi đền thờ kia, xin dành dịp khác.
Niên đại và thư pháp ghi trên bức hoành Trung nghĩa chi
tắc ở chùa Ông hoàn toàn giống trên bức Linh Thứu cao phong [7] ở chùa
Thiên Mụ, nên ta có thể nghĩ rằng sau khi chọn chùa Thiên Mụ làm thánh địa của
Phật Giáo Đàng Trong, Minh Vương cho dựng thêm đền thờ Quan Công và đền thờ
Thiên Hậu Thánh Mẫu,[8]
rồi cùng ngày đến viết các bức hoành phi ngự đề này.
Bài thơ ngự chế của vua Tự Đức. Ảnh: Nguyễn Anh Huy
Phía dưới bức hoành của
Minh Vương, ta thấy có bức ngự chế của vua Tự Đức (phiên âm Hán Việt):
Ngự chế: ĐỀ QUAN CÔNG TỪ
Đỉnh quốc
phân tranh sự dĩ trần
Anh hùng
trung nghĩa uyển nhiên tân
Phủ thôn nhật
nguyệt thiên quân phế
Khí tác sơn
hà vạn cổ thân
Đao hạ chung
kỳ tiêm Hán tặc
Chúc tiền
đoan khả biện quân thần
Cánh năng tâm
ái Xuân Thu chỉ
Tự thị Xuân
Thu đệ nhất nhân.
Diễn nghĩa:
Ngự chế: ĐỀ ĐỀN
QUAN CÔNG
Đỉnh quốc (thế ba
chân vạc) phân tranh, việc đã bày rõ,
Bậc anh hùng
trung nghĩa càng ngày càng tươi mới.
(Ý chí của ngài
như) Dạ nuốt nhật nguyệt (vũ trụ), dẹp bỏ ngàn quân,
Khí tượng [của
ngài] phổ trùm núi sông, đã tỏ bày từ ngàn xưa.
Dưới ngọn đao,
cho đến cuối đời, vẫn dùng để diệt trừ giặc Hán,
Trước ngọn đuốc sáng
ấy biện biệt rõ đạo quân thần.
Mới hay tấm lòng
ta yêu mến ý chỉ thời Xuân Thu,
Và [ngài] là người
xuất chúng nhất thời Xuân Thu ấy.
Cung kính khắc [gỗ] vào năm Canh Tuất [1850], thời Tự Đức.
Dịch thơ:
Ngự chế: ĐỀ ĐỀN QUAN CÔNG
Đỉnh quốc phân tranh việc sẵn bày,
Anh hùng trung nghĩa rõ hôm nay.
Dạ nuốt trăng trời, ngàn quân dẹp,
Khí trải non sông, vạn thuở hay.
Đao xuống, một đời trừ giặc Hán,
Đuốc ngời, soi rõ đạo sâu dày.
Mới biết lòng yêu Xuân Thu buổi,
Xuân Thu kiệt xuất một người thay!
Cung khắc năm Tự Đức Canh Tuất (1850).
Trong điện, có
hai câu đối còn nguyên vẹn như sau:
1. Câu đối 1:
Trung nghĩa khuông
quân, chính khí thiên chi thượng chi hạ.
Từ bi cứu thế,
linh thanh hải dĩ bắc dĩ nam.
Nghĩa là:
Trung nghĩa giúp vua, chính khí vút trời, trên cao, dưới thấp.
Từ bi cứu đời, âm thiêng vang khắp biển, trải bắc, trải nam.
(Câu đối và hai bức
liễn, do người đội ơn [Quan Thánh] là Tả Tham Tri Bộ Công Nguyễn Tri Kiểm cúng
vào mùa thu năm Khải Định thứ 2, tức năm 1917.)
2. Câu đối 2:
Bẩm Kim Tinh [12]
bất nạo dĩ sanh, Đào Viên kết nghĩa, tam chân huynh đệ quân thần, vô luận anh hùng vạn nhân địch.
Trị Hỏa Đức [13]
tương hôi chi tế, Mạch Thành tao thương,
cửu ly hoạn nạn khảng cừ, trực tướng khí tiết thiên cổ sư.
Nghĩa là:
Vốn sinh ra khi sao Kim không
nhiễu (phạm), ba người anh em [cũng là] vua tôi tốt kết nghĩa vườn Đào, không
thể so bậc anh hùng chỉ địch được vạn người.
Gặp buổi sao Hỏa Đức [ý nói thời cuộc hỗn loạn, Hỏa Đức
cũng được dùng để biểu thị tâm tính, hình dáng “mặt đỏ như gấc” của Quan Vũ]
đang cháy bùng, gặp thương vong chốn Mạch Thành, nhiều lần hoạn nạn vẫn khảng
khái, bậc tướng thẳng thắn với khí tiết ấy đáng là bậc thầy từ thiên cổ.
(Câu đối
và hai bức liễn, do Thị giảng Học Sĩ lãnh chức Tri Phủ phủ Điện Bàn Tôn Thất
Túy phụng cúng vào mùa xuân năm Khải Định thứ 10, tức năm 1925.)
Bức hoành Càn khôn chính khí. Ảnh: Nguyễn Anh Huy
Ngoài ra,
còn có một số bức hoành ghi các chữ Càn khôn chính khí,[15] hoặc Hiển thánh linh [16] ... do những tín đồ Quan Thánh cúng tặng.
Phía bên phải tượng Quan Thánh trong điện, còn bức liễn lẻ
một vế đối Vô luận anh hùng địch vạn nhân,[17] không có lạc khoản; vế đối kia đã mất;
và một chỗ trống cho thấy đã mất một số bức hoành câu đối khác...
Vì đền thờ “ông” Quan Công, nên dân gian gọi là chùa
Ông, rồi hình thành một địa danh nổi tiếng ở Huế để chính phủ đặt tên một con
đường đi đến nó, được gọi là đường Chùa Ông. Theo nhiều tài liệu,[18]
năm 1996, Ủy Ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định cắt một phần đường Mạc
Đỉnh Chi từ ngã tư với Nguyễn Du đến đường Ngự Viên và đặt lại tên là đường
Chùa Ông, vì nằm phía sau lưng chùa Ông.
Tuy con đường Chùa Ông ngày nay đang còn, nhưng ngôi chùa có cái tên này
chỉ còn trong ký ức của những người già, vì nó không còn mang tên chùa Ông nữa,
mà đã bị đổi tên là chùa Thuận Hóa,[19] và việc thờ Ông nay chỉ còn là thứ yếu, vì
hiện nay trước điện chùa này đã thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni.
Nguyên nhân của
việc đổi tên và đổi chức năng này, có thể là do thời cuộc chính trị: Năm 1932,
tại Huế đã thành lập Hội Phật Học An Nam [20] do vua Bảo Đại làm Hội Trưởng danh dự,
và bác sĩ Lê Đình Thám làm Hội Trưởng chính thức để chấn hưng Phật Giáo; trong
đó có việc thành lập các trường đào tạo tăng ni. Theo sách Lịch Sử Phật Giáo Xứ Huế [21] cho biết An Nam Phật Học Đường cấp tiểu
học của An Nam Phật Học Hội dời đến chùa Ông năm 1936. Như vậy, rất có
thể chùa Ông đã biến thành chùa Phật, và được đổi tên thành chùa Thuận Hóa vào
dịp chấn hưng Phật Giáo này.
Một điều khá trùng hợp là trong Bách Khoa
Toàn Thư mở Wikipedia, mục từ Gia đình Phật tử Việt Nam, thời kỳ sơ
khai tại Trung Kỳ, tức An Nam Phật Học Hội, trong thành phần nòng cốt có ghi tên
ông Tôn Thất Túy, tức có thể chính là
vị Tri Phủ Điện Bàn đã cúng câu đối dẫn trên.
Còn vì sao đền được dời từ Thiên Mụ về đây
(?), theo tôi là do: Ta được biết
thương cảng cổ Thanh Hà (Địa Linh, Hương Vinh) có lẽ hình thành vào năm 1636 và
từ đó hình thành khu Hoa kiều đô hội ở đây. Để đánh dấu sự ổn định khu Hoa kiều
ở Thanh Hà, năm 1689, họ đã xây ranh giới phía bắc khu này là Thiên Hậu Cung và
phía nam là Quan Thánh Điện để hàng năm cúng tế.
Để biểu hiện sự quan tâm đến lực lượng Hoa kiều,
năm 1714, Minh Vương cũng đã cho xây hai đền tương tự ở gần chùa Thiên Mụ, có
vai trò mang tính biểu tượng của trung tâm tôn giáo tín ngưỡng do “nhà nước” dựng
nên thời chúa Nguyễn.
Đầu thế kỷ 19, cảng Thanh Hà suy tàn, khu Hoa
kiều được dời lần lên phố Chợ Dinh (tức đường Chi Lăng ngày nay). Việc cúng tế
đền Quan Thánh ở Minh Hương - Thanh Hà có phần xa xôi khó khăn. Do vậy, rất có
thể vua Thiệu Trị đã cho dời đền Quan Công từ Thiên Mụ về bên cạnh Diệu Đế Quốc
Tự để vừa biểu hiện khu vực này là trung tâm tôn giáo của nước Việt Nam, vừa
thuận tiện cho Hoa kiều ở phố Chợ Dinh đến làm lễ.
Vì từ khi phong trào chấn hưng Phật Giáo rộ
ra vào đầu thế kỷ 20, chùa chỉ là nơi sinh hoạt của Phật tử khuôn Thuận Hóa,
hàng chục năm không có sư, không có sự tu bổ nên đã xuống cấp trầm trọng. Qua nhiều đợt bão, các cột kèo của chùa đã gãy, và người ta đã lấy
các hoành phi, câu đối cổ sơn son thếp vàng, cưa ra để bổ trợ các nơi hư hỏng, làm rui lợp mái
ngói, thật đáng tiếc!
Và mới
đây, chỉ có một sư cô pháp danh Tuệ Phương đã phát tâm đến “Sớm khuya lá bối phướn mây / Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện
sương.” Tuy vậy, do không có kinh phí trùng tu nên hiện nay chùa vẫn
trong tình trạng hư nát... Cũng rất may, tấm biển thủ bút ngự đề đúng ba trăm
năm năm của Minh Vương và bức ngự chế thi của vua Tự Đức nay vẫn còn. Đây là những
di vật quý báu chứng minh là một đền công lập, do vua chúa đương thời quan tâm
dựng nên. Vì vậy tôi kính mong Giáo Hội quan tâm trùng tu một ngôi đền danh tiếng
xứ Huế, và phục hồi đúng tên, đúng chức năng như xưa. Làm được như vậy, tức Việt
hóa một tín ngưỡng của người Hán, và nhờ đó, sẽ làm rực rỡ thêm sắc màu cho văn
hóa Huế...
Việc tình cờ
phát hiện bức Trung nghĩa chi tắc ở đền
Quan Thánh, làm tôi nghĩ rằng cho dù các chúa Nguyễn xiển dương Phật Giáo,
nhưng ngài vẫn tôn trọng các tín ngưỡng khác, với mục đích đoàn kết các thế lực,
mà ở đây là Hoa kiều, một lực lượng rất lớn góp phần phát triển sự nghiệp của
các chúa ở Đàng Trong.[22]
Huế, Tết Giáp Ngọ 2014
BS NGUYỄN ANH
HUY
Tạp chí Huế Xưa Và Nay, số 122, tháng 3 và 4 năm 2014.
[2] Xem thêm: Huệ Khải, Quan
Thánh Xưa Và Nay. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013. Quyển 59-1 trong Chương Trình
Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
[6] Quốc Sử Quán
triều Nguyễn (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch). Đại Nam Nhất Thống Chí. Sài Gòn: Nha Văn Hóa, Bộ Quốc Gia Giáo Dục xuất bản 1960. Tập 1. Phần Kinh Sư, tr. 45.
[8] Đại Nam Nhất Thống Chí còn cho biết: Đền
Thiên Phi 天妃 祠: Ở phía hữu
miếu Nam Hải Long Vương. Khi quốc sơ ở phía hữu chùa Thiên Mụ, năm Thiệu Trị thứ
5 dời đến đây. Quy chế y như đền Quan Công, dùng ngày Tỵ tháng 2, tháng 8 và lựa
ngày tốt tháng trọng hạ, trọng đông, Quản Vệ Thủy Sư đến tế. Tôi đã tìm đến
đền này nhưng dấu xưa không còn.
[9] 御製 / 題關公祠 / 鼎國分爭事已陳 / 英雄忠義宛然新 / 腑吞日月千軍廢 / 氣作山河萬古伸 / 刀下終期殲漢 賊 / 燭前端可辦君臣 / 更能心愛春秋旨 / 自是春秋第 一人 / 嗣德庚戌恭鐫.
[10] Chữ Hán “Mộc ân” là từ cung xưng của người dưới đối với người trên, như
ta hay nói: Kẻ đội ơn là / Kẻ chịu ơn là
/ Thuộc hạ là / Tín đồ là...
[12] Kim Tinh: tức
Thái Bạch Kim Tinh, cai quản sao Kim, tượng trưng cho phương Bắc (màu trắng).
[13] Hỏa Đức: tức Hỏa
Đức Tinh Quân, cai quản về lửa, sao Hỏa, tượng trưng cho phương Nam (màu đỏ).
啟定拾年春.侍講學仕領奠磐府知府
尊室譢奉供.
[18] Chẳng hạn: Dương
Phước Thu, Huế, Tên Đường Phố Xưa &
Nay. Huế: Nxb Thuận Hóa 2004, tr. 79.
[22] Tác giả xin chân
thành cảm ơn nhà nghiên cứu thư pháp Hán Nôm Phan Quốc Tuấn và nhà nghiên cứu
Hán Nôm Võ Vinh Quang đã hộ trợ để hoàn tất đề tài này.
* Bác sĩ y khoa Nguyễn Anh Huy hiện sống
và làm việc ở Huế, là hội viên Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam tỉnh Thừa Thiên -
Huế. Ngoài ra ông còn chuyên khảo cứu về tiền cổ Việt Nam; đã xuất bản Lịch Sử Tiền Tệ Việt Nam (Nxb Văn Hóa
Sài Gòn, 2010).
Văn Uyển chân thành cảm tạ BS Nguyễn Anh Huy đã gởi tặng
bài viết và hình ảnh về ngôi chùa Ông ở Huế.
(Ban Ấn Tống)