I. Hai chữ tu hành thường bị lợi dụng
Chúng
ta thường quen nói trên cửa miệng hai chữ TU HÀNH. Vì thường nói nhiều và nghe
quen tai quá nên phần đông chúng ta có lẽ ít khi chịu suy nghĩ sâu xa để hiểu
cho tường tận ý nghĩa thực sự của hai chữ tu hành là gì.
Nếu
hai chữ tu hành không có ý nghĩa gì đặc biệt thì Đức Vạn Hạnh Thiền Sư đã không
mất công rời cõi thượng giới xuống trần gian giảng giải cho chúng ta học hỏi.
Tại
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam vào Tuất thời, ngày rằm tháng
Tư Tân Hợi (Chủ Nhật 09-5-1971) Đức Thiền Sư giáng đàn. Chúng ta nhớ rằm tháng
Tư là kỷ niệm Phật Đản. Bởi thế, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư cho biết lý do Ngài
giáng đàn như sau:
“Nhân ngày lễ Phật Đản, Bần Tăng được sự thỉnh ý của đạo
hữu Ngọc Lịch Nguyệt đến với chư đạo hữu, thiện tín giờ này, trước là gặp gỡ các hàng Thiên ân hướng đạo, các hàng nguyên nhân trong
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và sau, nhân tinh thần ưu ái ấy, Bần Tăng có ít lời bày
tỏ. Vậy mời chư đạo hữu an tọa.”
Như
vậy, vì có một vị Tiền Khai Đại Đạo là Đức Ngọc Lịch Nguyệt thỉnh mời nên Đức
Thiền Sư mới giáng trần dạy đạo nhân ngày Phật Đản. Do nhân duyên này mà Đức
Thiền Sư giảng giải cho chúng ta ý nghĩa hai chữ tu hành. Đức Thiền Sư dạy:
“… Bần Tăng xin trình bày nơi đây một ý niệm rất thông thường cho chữ tu
hành. Tuy là rất thông thường, nhưng chính nhờ nó mới tạo cho con người
những yếu tố cao cả hơn trên bước đường tu thân tiến hóa.”
Đức Thiền Sư cũng xác
định hai chữ tu hành là một ý niệm thông thường. Tuy nhiên, thông
thường không có nghĩa là tầm thường, bởi vì nhờ tu hành mà chúng ta mới
tiến hóa lên một đẳng cấp cao siêu hơn chỗ đứng chúng ta trên mặt đất hiện nay.
Đức Thiền Sư dạy tiếp:
“Ngày xưa cho
tới ngày nay, trên xã hội loài người, nhứt là xã hội Việt Nam, người ta thường
dùng hai tiếng tu hành để làm kim chỉ nam cho cuộc sống, dù là cuộc sống
của bực ly gia cát ái, dù là cuộc sống của kẻ ra cúi vào lòn, dù là cuộc sống
của kẻ mua gánh bán bưng, và hơn nữa, ở cửa
thiền, mỗi khi đối diện với kẻ trần tục, thì người ta bảo tôi là kẻ tu hành,
rồi họ định nghĩa luôn rằng ăn chay niệm Phật, không sát sanh, không uống rượu,
không không và không...
“Ở giới
quan lại sĩ phu, mỗi khi muốn lấy lòng dân, muốn chiếm hữu một hữu thể vật chất
nào, họ cũng tỏ rằng mình là những bực trị dân có đức độ, biết tu hành, ban bố
ân sủng cho dân chúng đặng nhờ. Và đến cả những tay bán buôn tráo đấu, nhiều
mưu chước lường gạt tha nhân để cầu lấy cái lợi vật chất về mình, mỗi khi gặp
việc cần để thâu hút món ăn, họ cũng chẳng ngại đem hai tiếng tu hành để che
đậy thói hư tật xấu của mình.”
Qua đoạn thánh giáo vừa
rồi, chúng ta thấy hai chữ tu hành thường nằm trên cửa miệng đủ hạng
người trong xã hội từ xưa tới nay:
- Hoặc là người lìa xa
gia đình đi tu (ly gia cát ái),
- Hoặc là kẻ buôn gánh
bán bưng,
- Hoặc là kẻ gian thương
xảo quyệt,
- Hoặc là kẻ gian nịnh,
luồn cúi,
- Hoặc là kẻ làm quan,
v.v…
Bất cứ ai, bất cứ thành
phần nào trong xã hội, hễ cần lấy lòng thiên hạ, hễ muốn cho thiên hạ thấy mình
là người có đức độ đáng tin cậy, thì họ đều xưng mình là kẻ tu hành nhằm
mục đích mua chuộc tình cảm bá tánh.
Điều đó chứng tỏ hai chữ tu
hành rất có giá trị. Nếu không có giá trị thì ở đời đâu ai mất công lợi
dụng nó để mưu cầu lợi lộc cho họ.
Chính vì bị lợi dụng như
vậy mà hai chữ tu hành mất hết giá trị cao đẹp, trở nên cái vỏ che đậy
cho những con người lòng dạ xấu xa. Thậm chí những kẻ mất hết cả nhân phẩm, tư
cách con người cũng chẳng ngại ngần gì mà không tự xưng họ là kẻ tu hành.
Bởi vậy, Đức Thiền Sư nhận xét:
“Nói quanh nói quẩn cũng hai chữ tu hành. Nó đã
trở thành một từ ngữ phổ thông, mà phổ thông trong các giới. Giới nào xài cũng
được, thì tự nó không còn ý nghĩa đích thực của nó nữa. Tức là nó đã biến thiên
[thay đổi], nó được định nghĩa đủ thứ. Cho đến cả những thành phần băng hoại nhân
phẩm, đổ vỡ giá trị con người, cũng nhờ nó mà chở che.”
II. Thật sự, tu hành nghĩa là gì?
Lời
nói thường không đi đôi với việc làm. Muốn nói mình là kẻ tu hành thì
phải sống, phải làm ăn, cư xử như thế nào cho đúng nghĩa hai chữ tu hành.
Xã
hội đã có quá nhiều người làm sai lạc ý nghĩa hai chữ tu hành thì người tu
hành chơn chánh phải định nghĩa nó lại cho rõ ràng, để trả lại cho nó ý
nghĩa cao đẹp. Bởi vậy, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy như sau:
“Song dù thế nào chăng nữa, là người tu chánh đạo, cũng
nên đem nó trở lại ý nghĩa căn bản thực sự của nó hầu dùng nó cho đúng chỗ đúng
nơi.
Tu là sửa. Ấy chỉ là phần tiêu
cực, mà còn phải bồi bổ mới là phần tích cực. Nghĩa là sửa đổi đi những
điểm xấu xa tội lỗi để không còn một bợn nhơ, một mặc cảm nào về tội lỗi; và
còn phải bồi bổ nó thêm về những hành động hiền lành phước đức, đúng lời Phật
dạy: Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành.”
Trong
đoạn thánh giáo vừa rồi, Đức Thiền Sư nhắc tới hai câu trong Kinh Pháp
Cú của nhà Phật. Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành nghĩa là: Chớ làm các việc ác, vâng làm những
điều lành.
Những việc gì là việc ác? Những điều gì là điều
lành? Có bao nhiêu điều tất cả?
Dĩ
nhiên xưa nay không ai kể ra được tất cả có bao nhiêu việc ác và có bao nhiêu
điều lành. Nếu không kể ra được hết, thì mình làm sao biết rõ mà tránh ác trọn
vẹn và làm lành cho đủ?
Chính
vì vậy mà các bậc Giáo Tổ trong các tôn giáo Đông Tây kim cổ và trong đạo Cao
Đài ngày nay đã gom lại, thâu tóm tất cả việc ác điều thiện vào con số năm.
Có năm việc ác phải tránh, mà tránh được chúng tức là đã làm được
năm điều lành.
Nói
đến đây chúng ta đều hiểu ngay là Ngũ Giới Cấm. Hễ giữ trọn vẹn
Ngũ Giới Cấm thì đã làm đúng theo lời Phật dạy: Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng
hành.
Chúng
ta đừng tưởng lầm Ngũ Giới Cấm là ít ỏi. Thật ra chỉ có năm giới mà bao gồm hết
thảy lời ăn tiếng nói, hành động việc làm của con người rồi. Trong Thánh Huấn Hiệp Tuyển (quyển 1), Đức
Thái Thượng Đạo Quân dạy:
“Bởi vậy, Năm Giới Cấm rất quan trọng, người tu cần phải
giữ đúng tinh nghiêm quy điều, giới luật mới bước qua cơ siêu thoát được.”
Lấy
thí dụ như giới thứ năm là bất vọng ngữ. Nhiều
người hiểu lầm bất vọng ngữ là không nói dối. Thật ra bất vọng ngữ có nghĩa là
không nói sai trái đạo lý. Một chuyện xấu của đạo hữu, mặc dù việc ấy có thật,
nhưng khi chúng ta ngồi lê đôi mách mà kể cho nhau nghe, đó là đã phạm giới này
rồi.
Hoặc
lấy thêm thí dụ nữa là giới thứ nhất (bất sát sanh). Đâu cần giết ai
chết mới là sát sanh. Khi giận ai quá, thù ghét ai quá, trong bụng ta rủa thầm:
Sao nó không chết phứt cho rồi! Sao Thiên Lôi không cho nó một búa! Rủa
ác như vậy cũng là phạm tội sát sanh rồi.
Bây
giờ chúng ta trở về với ý nghĩa hai chữ tu hành.
Tu
là sửa. Cái xe hư ít ta sửa ít, gọi là tiểu tu.
Cái xe hư nhiều ta sửa nhiều, gọi là đại tu.
Cái
thân và cái tâm chúng ta sống trong đời bị lục dục thất tình phá hoại dần mòn
nên cũng hư hao chỗ này chỗ nọ, không nhiều thì ít. Vậy nên phải tu để sửa chữa
cái thân và cái tâm của ta.
Nhưng
ta còn hay nói tu bồi, tu bổ. Cái xe hư chỉ sửa chữa thôi cũng
chưa đủ; còn phải thường xuyên chăm sóc nó, vô dầu mỡ, lau chùi, đắp vá những
chỗ tróc sơn hay mục sét, v.v… Như vậy tức là bồi bổ cho cái xe. Đối với
thân và tâm ta, đối với cuộc đời chúng ta, cũng tương tự như cái xe vậy.
Khi
nói tu sửa thì chỉ mới được một phần; còn phải thêm phần tu bồi
cho đầy đủ. Tức là người tu phải siêng năng học đạo, học giáo lý để hiểu rõ lẽ
chánh tà mà thực hành cho đúng đạo lý. Nói tu mà không hiểu giáo lý, thì đâu
biết chỗ nào đúng để theo, đâu biết chỗ nào sai mà chừa bỏ! Đó là lý do
bên cạnh hai chữ tu hành, chúng ta còn nói là tu học. Học cái gì?
Học ra sao?
Biển
học minh mông, thời gian và khả năng chúng ta hạn chế. Biết học sao cho đủ?! Về
chỗ này, chúng ta hãy nghe Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy như sau:
“Phần tu là bồi bổ, chỉ cho người một cái hướng,
cái chỗ đi, nhưng chưa biết phải làm gì và đi tới đâu, tức phải nhờ vào sở học.
Nhưng học gì đây, trong khi mình là một người tu, một người phế đời hành đạo,
một người hướng thiện?
Học đạo, nếu chỉ một tiếng thôi, cũng chưa đủ. Nó còn phải hiểu thêm nhiều nữa (…).
“(…) Chư đạo hữu đã gặp
minh sư. Hiện hữu minh sư là Đức Cha Trời Thượng Đế, bạn hữu là những người
đồng hành trên Đại Đạo.
Trên Đại
Đạo ấy, chư đạo hữu đã, đang học những gì, và cái học đó để giúp yếu tố cho sự tu
đức, sự bồi bổ vậy.
Sự bồi
bổ về đạo này cũng gọi là hành, mà từ ngữ tu hành được gói
ghém trong đó.”
Như vậy, Đức Thiền Sư
nhắc nhở rằng chúng ta đang có Thầy Trời là Đức Cao Đài dạy cho ta tu học. Trời
là minh sư, là ông thầy sáng suốt dạy đúng để chúng ta tu đúng, khỏi lạc
lối lầm đường. Nếu chúng ta tu không thành công là lỗi của chúng ta.
Chúng ta còn được Đức
Thiền Sư giảng thêm ý nghĩa chữ hành trong hai tiếng tu hành. Hành
là bồi bổ cho mình được đức độ. Nếu chúng ta tu mà không thực hành giáo lý,
không sửa chữa bản thân thì chỉ là tu suông cái miệng, không đúng nghĩa tu
hành, không đúng nghĩa tu đức.
Tu
đức là sao? Trong đạo Cao Đài, ngoài Ngũ Giới
Cấm còn có Tứ Đại Điều Quy để giúp chúng ta tu đức. Thánh
thất thánh tịnh nào cũng treo Ngũ Giới Cấm và Tứ Đại Điều Quy trên vách để nhắc
nhở tín đồ, chức việc, chức sắc nhớ tu đức.
Lấy
thí dụ, Tứ Đại Điều Quy, Điều thứ Ba khuyên chúng ta như sau: Đối với trên, dưới đừng lờn dể, trên dạy
dưới lấy lễ, dưới gián trên đừng thất khiêm cung.
Nếu
ai cũng làm đúng như vậy, trong sinh hoạt thánh thất, khi họp hành, nếu lỡ có
chuyện trái ý thì anh chị em biết kềm chế, rồi lựa lời khuyên bảo nhau nhỏ nhẹ,
đừng nên a dua, theo hùa, kết bè với nhau để mà to tiếng nặng lời với nhau,
quên hết tôn ti trật tự trong thánh thất.
Làm
được như vậy là bảo toàn đức độ người tu. Không làm được như vậy là thất đức.
Thánh thất nào hay cãi cọ tức là người tu hành trong thánh thất đó thiếu đức.
III. Tu hành thì hướng tới lợi ích của người khác (độ tha)
Trong
sự tu hành có bao hàm ý nghĩa đem kết quả tu học của bản thân ra độ đời. Cho
nên hễ càng tu học được nhiều thì công quả độ đời càng nhiều. Nếu ta không tu
học, thì lấy gì làm “vốn liếng” độ đời.
Lấy
thí dụ, mỗi khi có người tới thánh thất tìm hiểu đạo Thầy, khách hỏi về nghi lễ,
về giáo lý mà chúng ta không rành nên nói không đúng, khiến khách hiểu sai về
đạo Thầy, như vậy là có lỗi.
Hoặc,
vì không hiểu giáo lý và nghi lễ, chúng ta tự ý thêm bớt bớt thêm cách hành lễ
hay sinh hoạt trong thánh thất, như vậy là có lỗi với Ơn Trên. Do sự tùy ý thêm
thêm bớt bớt, không làm đúng đạo lý thì nội bộ có ý kiến trái nghịch nhau, sinh
ra xích mích, khảo đảo, thánh thất mất thanh tịnh. Như vậy rất có lỗi với Ơn
Trên.
Bởi
thế cho nên, việc tu học phải luôn luôn siêng năng. Ngoài hai kỳ sóc vọng nghe
thuyết minh giáo lý còn phải siêng đọc kinh sách, và phải biết chọn những sách
có uy tín để đọc. Đọc sách là tự học, tự bồi dưỡng giáo lý rất tốt, rất hiệu
quả.
Xin
nhớ rằng Đức Giáo Tông Lý Thái Bạch dạy chúng ta mỗi ngày phải chừa ra ít nhất
là một giờ đọc kinh sách cho nghiêm túc. Ta tu Tam Công, thì đọc sách
cũng là Công Trình, bởi lẽ nhiều người làm biếng đọc sách. Công
Trình là sửa tánh xấu bản thân, trong đó có tật làm biếng học giáo lý, làm
biếng đọc sách.
Nếu
chúng ta nhớ rằng đạo Cao Đài dạy chúng ta tu hành phải đủ hai mặt tự
độ bản thân và độ tha (giúp người khác hiểu đạo) thì chúng ta
mới thấy tu học, bồi dưỡng đạo đức và hiểu biết giáo lý rất quan trọng cho
người tu hành.
Về
tự độ và độ tha, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
“Thường thường phần đông những nhà tu hành theo Đại Đạo
hiểu chữ tu hành được chia ra hai giai đoạn, cũng không phải giai đoạn
nữa, được chia ra hai phần là đúng hơn. Một phần tu đức, tu thân, sửa chữa thân mình cho đẹp, cho
thiện mỹ, cho trong sáng, khỏi những vô minh. Một phần nữa là hằng đem năng lực
và sự hiểu biết về lẽ tu, lẽ đạo để làm cho người khác nên, làm cho người khác
được yên vui cũng như mình, để đồng nhau dẫn
dắt về nơi tuyệt đỉnh của sự tu, là sự đắc đạo.
“Nói một
cách khác, là tự độ và độ tha đó.”
Thánh giáo Cao Đài thường
khuyên chúng ta đừng tu độc thiện kỳ thân, nghĩa là
đừng chỉ biết lo cho lợi ích riêng mình mà thôi. Các Đấng thiêng liêng luôn
luôn khuyên như thế. Cho nên Đức Vạn Hạnh Thiền Sư cũng nhắc nhở chúng ta thêm
một lần nữa. Ngài dạy:
“Quan trọng
hơn hết, là trong thời kỳ hạ nguơn này, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chủ trương không
tu thân độc thiện mà phải song hành độ tha nữa. Điều đó
chư đạo hữu tất cả hiểu rõ lắm rồi.”
Chúng ta đều hiểu Ơn Trên
chẳng bao giờ dạy thừa lời vô ích. Bản tánh con người phàm tục là dễ quên, mau
quên. Cho nên cái gì mà các Đấng luôn luôn nhắc đi nhắc lại thì đó là điều vô
cùng quan trọng để giúp chúng ta lập công bồi đức mới đủ điều kiện trở về với
Thầy Mẹ. Vậy thì hôm nay chúng ta tìm học ý nghĩa hai chữ tu hành qua bài thánh
giáo năm xưa của Đức Thiền Sư, chúng ta thấy Ngài giống như một ông thầy giáo
đang ôn bài cho học trò trước ngày đi thi.
Đúng như vậy. Hai chữ tu
hành quá quen thuộc, nên chúng ta ỷ lại, không để tâm coi trọng nó. Mà đây là
bài thi căn bản để con người được chấm đậu mới vào dự Hội Long Hoa hưởng đời
thuợng ngươn thánh đức.
Đức Thiền Sư biết rõ tâm
lý chúng ta, nên Ngài từ bi ôn bài cũ cho chúng ta nhớ lại mà thực hành cho
đúng đạo lý. Tóm tắt chúng ta có mấy điều ghi nhớ như sau:
- Hai chữ tu hành rất quý
nên luôn bị người đời lợi dụng cho tư tâm và quyền lợi riêng tư.
- Người tu hành chân
chánh nên biết rằng tu hành đúng nghĩa là phải tu sửa bản thân cho đủ đầy đạo
đức, phải bồi bổ những cái hư hao thiếu sót của bản thân, phải tránh các việc
ác mà làm các việc lành. Ngũ Giới Cấm và Tứ Đại Điều Quy là chín món bảo bối
giúp chúng ta xứng đáng được tuyển chọn để trở về gặp Thầy gặp Mẹ.
- Chúng ta tu hành vừa lo
cho bản thân là tự độ, vừa lo cho người khác là độ tha. Muốn độ tha thì phải có
bản lãnh, có trình độ. Do đó phải siêng năng tu học giáo lý, đọc nhiều kinh
sách trong Đạo mới có thể nâng cao hiểu biết theo chánh tín.
Tất cả những điều này ai
cũng biết, nhưng từ biết tới làm cho trọn vẹn là hai chuyện rất khác nhau. Bởi
lẽ chúng ta ngại khó, làm biếng. Thương chúng ta nên Đức Vạn Hạnh Thiền Sư
khuyên phải vượt qua tánh tình phàm tục ấy cho xứng đáng là học trò Cao Đài
Tiên Ông. Ngài dạy:
Lao khổ tu
đi một kiếp này
Tu là sửa đổi dở ra hay
Tu là bồi bổ nền âm chất
Tu rạng thanh danh mối đạo Thầy.
Chúng
ta cũng hay viện cớ mình còn bận bịu việc đời, việc gia đình, việc nọ việc kia
đủ thứ nên không rảnh rang mà tập trung lo tu hành cho nghiêm túc. Phần đông
chúng ta nhập môn rồi, tuổi đạo mấy chục năm rồi, tuổi đời cũng lớn hết rồi,
nhưng đâu phải ai ai cũng giữ được trường trai và lo tu thiền. Như vậy, đến khi
chúng ta lìa bỏ trần gian này thì xem lại cũng chẳng khác gì người đời chưa tu.
Thương
chúng ta, sợ chúng ta tiếp tục lơ là tu hành, bỏ lỡ kỳ thi cuối cùng trước Hội
Long Hoa nên Đức Thiền Sư ân cần khuyên nhủ thêm như sau:
Kỳ chót là
kỳ tuyển lựa đây
Hỡi ai còn
bận cõi trần ai
Mau chơn
kẻo trễ trường công quả
Điểm đạo
cho người chẳng lệch sai.
Trước khi từ giã chúng ta
trở về cõi thượng giới, Đức Thiền Sư còn ban ơn thêm bài thánh thi này:
Mấy lời đạo
lý hôm nay
Mong chư
đạo hữu đem tài chiếu tri
Dù cho gặp
buổi loạn ly
Mỗi người
mỗi ngả cứ y tu hành
Chẳng tu xa lánh nhơn sanh
Chẳng tu độc thiện để hành độc thân
Vi nhân cùng với chúng nhân
Xử sao cho vẹn mỗi phần thì thôi.
Xin
chúng ta hãy ghi nhớ hai câu kết bài thánh thi:
Vi nhân
cùng với chúng nhân
Xử sao cho
vẹn mỗi phần thì thôi.
Nghĩa là chúng ta hãy
ráng làm người tu hành cho đúng nghĩa, đúng đạo lý con người
trong lúc sống chung với mọi người. Chúng ta hãy cầu nguyện để giúp nhau cùng
tu hành tiến bộ trong một họ đạo tiến bộ, đạo đức.
TRẦN VĂN QUANG