Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

ĐĐVU 09 / BẢN HỢP XƯỚNG GIỮA XUÂN TÂM VÀ XUÂN CẢNH / Thiện Quang

Image result for spring

Khi những cơn gió lạnh đầu tháng Chạp thổi về, người Việt Nam chúng ta bắt đầu chuẩn bị đón xuân. Ở các làng quê, người ta chuẩn bị lá dong, gạo nếp, hành kiệu… để gói bánh và làm dưa. Ở những thành phố, người ta cũng vội vã kết thúc những công việc cuối năm để có thể ăn một cái Tết nhàn hạ. Trong bầu không khí xuân ấm cúng của người Việt, các tôn giáo vốn được du nhập từ những nền văn hóa khác cũng chia sẻ những xúc cảm về mùa xuân theo bản sắc văn hóa Việt Nam cổ truyền. Các chùa Phật Giáo thường mở cửa cho khách thập phương đến lễ Phật và xin lộc vào đêm giao thừa. Nhiều giáo xứ Công Giáo tổ chức thánh lễ Misa vào đêm giao thừa lẫn sáng mồng một; còn chiều mồng hai thì có thêm lễ ở nghĩa trang của giáo xứ để tưởng nhớ tổ tiên, và giáo dân có dịp thắp hương trên mộ những người đã khuất.
Đối với đạo Cao Đài – một nền đạo được khai sinh ngay trên đất nước Việt Nam và được xây dựng từ quốc hồn, quốc túy Việt Nam – mùa xuân là một chủ đề giáo lý hấp dẫn và gần gũi dành cho đại chúng. Bất kỳ một người Việt Nam nào cũng có thể tìm thấy nơi đạo Cao Đài một sự đồng cảm qua những trang giáo lý đầy ắp văn chương thi phú về mùa xuân. Không phải là những vần điệu tả cảnh tả tình để thư giãn đầu năm, giáo lý về mùa xuân đóng một vai trò đặc biệt trong việc minh họa sống động cho sự hiện diện của Thiên Đạo trong nhân thế. Và hơn nữa, Đức Thượng Đế – Đấng khai minh Đại Đạo Cao Đài – còn dạy chúng ta:
“Phương pháp làm cho các con đủ năng lực và tính chất bảo vệ quyền hạn của địa vị con người đều đặt trọn vào ý nghĩa mùa xuân, vì nó là biểu tượng cho sự ấm áp, cho tình thương nơi Thầy và cho sự sống vĩnh cửu hằng hữu với vũ trụ không gian.
Vậy thì các con nên căn cứ vào nghĩa lý ấy mà gìn giữ tâm linh được điều hòa thanh tịnh luôn, hầu nuôi nấng chơn tánh toàn thiện toàn giác của Thầy đã ban cho mỗi con ngày nào. [1]
Hòa điệu giữa xuân cảnh và xuân tâm
Trong giáo lý về mùa xuân của đạo Cao Đài, mới nhìn, chúng ta sẽ thấy có đến hai mùa xuân: một mùa xuân thông thường của ngoại cảnh, được gọi tắt là xuân cảnh; và một mùa xuân huyền diệu của nội tâm, được gọi tắt là xuân tâm.
Tuy nhiên, xuân cảnh mà thiếu xuân tâm thì chỉ là một quang cảnh vô thường giả tạm, còn xuân tâm mà thiếu xuân cảnh lại chỉ là những ý thức cao siêu của bậc tu hành. Muốn thưởng thức được một mùa xuân đúng nghĩa, phải có sự hòa hợp giữa xuân tâm của hồn người và xuân cảnh của thiên nhiên:
Xuân là cảnh thiên thời địa lợi
Có nhân hòa xuân mới thành xuân
Năm qua tháng lại vô ngần
Biết xuân thưởng được ngày xuân huy hoàng.[2]
Xuân chỉ thật sự là xuân nếu có sự phối kết giữa xuân cảnh với xuân tâm. Khi trời đất khởi xướng mùa xuân trong cảnh vật, thì con người phụ họa lại bằng mùa xuân trong lòng mình. Rồi khi xuân tâm nơi con người phát khởi, thì cảnh vật trong trời đất cũng phụ họa theo và trở nên đẹp đẽ hơn, vui tươi hơn đối với con người. Đây là một chuỗi xướng họa liên tiếp nhau giữa xuân tâm và xuân cảnh: khi xuân tâm khởi xướng thì xuân cảnh phụ họa; và rồi ngược lại, cứ như vậy mà diễn tiến một cách nhịp nhàng khoan nhặt qua những cung bậc trầm bổng khác nhau giữa tâm hồn con người và cảnh sắc vạn vật. Những khúc xướng họa giữa xuân tâm và xuân cảnh như vậy sẽ tạo nên những hòa điệu hoành tráng giữa trời đất và con người. Những hòa điệu này làm nên bản hợp xướng mà ta gọi là mùa xuân.
Trong một bản hợp xướng, thường có nhiều bè được phân chia theo âm vực của chất giọng: nữ cao (soprano), nữ trung (alto), nam cao (tenor), nam trầm (basso)… Đây là một loại âm nhạc có nguồn gốc từ Pythagore Giáo ở Hy Lạp cổ đại và được phát triển trong lòng văn hóa châu Âu, nên người Việt Nam mình khi nghe từng bè (của một ca đoàn hợp xướng) hát riêng rẽ, thường có một cảm giác rất khó chịu: sao mà mỗi bè đều hát dở theo một kiểu! Bè này thì eo éo, bè kia cứ ồm ồm, bè nọ lại ngang phè; đó là chưa kể đến việc các bè phụ cứ hát như thể đổi ngược dấu tiếng Việt – ví dụ, thay vì “văn hiến Tiên Rồng” lại hát thành “văn hiền tiền rống” – nghe thật quá sức mâu thuẫn với bè chính! Tuy nhiên, khi tất cả các bè này hợp xướng, tức là đồng loạt hát lên theo một sự điều khiển có kế hoạch, thì một phép lạ lập tức xuất hiện: mọi mâu thuẫn ngổn ngang trước đây bỗng nhiên biến thành một sự bổ túc đồng điệu cho nhau, bè chính thổi linh hồn vào bè phụ, bè phụ tạo ra sức sống của bè chính, và tất cả những cái dở khác nhau trước đây cũng đồng loạt trở thành những cái hay trong việc tạo ra sức truyền cảm của bài hát vào tâm hồn thính giả.
Phép lạ mà một bản hợp xướng có được – đơn giản thay! – chỉ nằm trong một chữ Hòa. Những điều mầu nhiệm của mùa xuân chỉ xuất hiện trong sự hòa hợp giữa xuân tâm và xuân cảnh. Sống được với sự hòa hợp ấy thì cuộc đời mỗi người chúng ta sẽ luôn luôn:
Có xuân, có cảnh, có tình
Có tâm, có đạo trường sinh bảo tồn
Xuân là đức của Chí Tôn
Thưởng xuân vui với tâm hồn thiên nhiên.[3]
Xuân cảnh
Ngàn hoa đua nở, muôn lộc đâm chồi, cảnh vật trở nên xinh tươi, cuộc đời bừng lên bao sức sống; dưới những nét vẽ vô hình của tình Tạo Hóa, xuân cảnh nơi thế gian này quả là những bức tranh tuyệt tác để con người thưởng ngoạn. Tuy vậy, Đức Chí Tôn đang cách tân những tập quán thưởng ngoạn cảnh xuân mà nhân loại đã có từ bao đời, để nhân loại biết đi tìm dáng vẻ tương lai của mùa xuân thánh đức:
“Đại khái xuân đời, cảnh vật có chi các con! Cành hoa chớm nở tươi xinh, các con nâng niu cành lá, vun tưới gốc cây, ngửi mùi thơm trong nhụy. Sao các con không vun tưới cội lành Đạo cả, nâng niu sang sửa chơn tâm cho thật tươi nhuận sáng suốt để rồi ngửi lấy đạo vị nhiệm mầu tự lòng con khai phát?” [4]
Có phải chăng đạo Cao Đài muốn “tôn giáo hóa” mùa xuân, muốn “tuyên truyền” một bầu không khí tu hành vào trong mọi sự việc bình thường của nhân thế? Không phải đâu. Đạo Cao Đài đang dốc sức giải quyết một thảm kịch có thật của hành tinh này: Cả nhân loại chúng ta đang phải sống trong một mùa đông hạ nguơn lồng lộng gió sương – những động đất, sóng thần, bão lụt, hạn hán, bệnh dịch, chiến tranh, khủng bố… ngày càng tràn ngập trên khắp năm châu – và đạo Cao Đài đang đem đến cho nhân loại nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng những nhận thức mới về đạo lý trường tồn của mùa xuân thánh đức. Cuộc đời sẽ không bao giờ có hạnh phúc nếu nhân loại chỉ hài lòng với những niềm vui ngắn hạn, phát xuất từ những sự kiện bên ngoài; mọi cảnh xuân huy hoàng rồi cũng phải nhường chỗ cho những nắng hạ mưa thu giữa cuộc đời dâu bể. Bởi vậy, ta chẳng trách được những vần thơ xuân buồn bã của nhiều thi sĩ ngoài đời:
Mùa xuân hiện giữa ngàn mai,
Nguyên hình Nữ Chúa trên ngày phù du.[5]
Trong nỗi buồn của hai câu lục bát này, dù Chúa Xuân có đến cùng với những cảnh vật xinh tươi, thì đó cũng chỉ là những nét đẹp vô thường. Thế nên Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn Huỳnh Ngọc Trác đã để lời cảnh tỉnh:
“Còn người hướng đạo phải thấy xa hơn, hiểu xa hơn. Chớ nên chú trọng vào xuân cảnh mà phải chú trọng vào cái xuân tâm, vì xuân cảnh là một thời tiết đổi thay trong máy tuần hoàn của Tạo Vật. Xuân cảnh là tạm ngừng nghỉ một mùa đông gió rét, để làm lại, sắp xếp lại cho tiết đầu năm, rồi cũng hết xuân, chuyển lần qua hạ, thu, đông, luân chuyển xây vần trong cái thiên luân, trong vòng lẩn quẩn, hết nhân rồi quả, hết quả rồi lại nhân. Hỏi người đời mấy ai hưởng được một mùa xuân bất tận, mà tránh khỏi hạ về thiêu đốt, đông đến cắt thịt se da?” [6]
Cũng may mắn làm sao, từ rất lâu đời, tổ tiên chúng ta đã biến mùa xuân ngoại cảnh của thiên nhiên thành mùa xuân văn hóa trong quốc hồn quốc túy của dân tộc. Người Việt ngày xưa rất chú trọng đến bầu không khí thiêng liêng của những thời khắc đầu năm, vì bầu không khí đậm đà màu sắc tâm linh này có thể đánh thức trong lòng con người những giá trị nhân bản tính. Nhờ vậy, phong vị Tết cổ truyền nằm ở bầu không khí đầm ấm, thân thuộc trong gia đình, dòng tộc, thôn làng, chứ không đơn thuần là những vui chơi hời hợt bên ngoài.
Tuy nhiên, phải chi chúng ta có dịp ăn một cái Tết ở những thời Lý Trần hay ở một thời đại mà Tam Giáo còn hưng thịnh trong xã hội Việt Nam để cảm nhận cái xuân cảnh mang thực chất của xuân tâm đậm đà hồn Việt, chứ trong gần một trăm năm trở lại đây, phong vị Tết truyền thống của dân tộc cũng đã dần dần bị phôi pha theo sự lãng quên những giá trị đạo lý cổ truyền. Văn học sử Việt Nam còn ghi lại hình ảnh cụ đồ Nho bị mờ nhạt dần qua những cái Tết miền Bắc từ thời tiền chiến, với bài thơ Ông Đồ của thi sĩ Vũ Đình Liên (1913-1996):
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
(…)
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay…
Sự quên lãng mà người miền Bắc dành cho ông đồ già ngồi bên hè phố trong những phiên chợ Tết ở đầu thế kỷ 20 cũng là một sự báo động xót xa về sự quên lãng mà xã hội Việt Nam hiện đại không chỉ dành cho Nho Giáo mà còn cho cả những giá trị văn hóa tinh thần và những phẩm chất đạo đức cổ truyền trong đời sống của mình. Hậu quả là, người Việt Nam mình dần dần có khuynh hướng vật chất hóa mùa xuân, phàm tục hóa ngày Tết. Người ta chi tiêu nhiều tiền bạc cho việc ăn uống và hưởng thụ trong mấy ngày Tết, tạo ra những dư thừa về ẩm thực quá mức cần thiết trong những ngày đầu năm để… lấy hên; trong khi đó, những giá trị đạo lý và văn hóa căn bản của ngày Tết lại bị xao lãng. Việc thưởng xuân và ăn Tết rõ ràng đã bị… “thất chơn truyền”, vì sa đà vào xuân cảnh, không phải thứ xuân cảnh thanh tú của thiên nhiên mà là một thứ xuân cảnh trần tục nặng nề do con người tạo nên trong sự hám vọng tiêu thụ vật chất của chính mình. Mùa xuân cũng không còn vẹn toàn những dáng vẻ thiêng liêng, mà bị chìm vào những tuồng đời ấm lạnh, vui buồn trong cõi vô thường giả tạm này.
Xuân tâm
Đằng sau những nét tưng bừng rực rỡ của xuân cảnh, chúng ta luôn luôn có thể nhìn thấy xuân tâm của vạn vật và nhân loại, tuy mang những đường nét khác biệt với xuân cảnh, nhưng cũng huy hoàng không kém gì xuân cảnh, nếu không nói là còn hơn cả; bởi vì chính xuân tâm là sức sống thật sự của xuân cảnh. Đức Hưng Đạo Đại Vương dạy cho chúng ta thấy điều này:
“Thu mãn, đông tàn, xuân lại đến. Cứ như thế, nhựt nguyệt âm dương xoay vần theo bánh xe luân, vạn vật đồng luân chuyển quanh theo vòng định luật. Cứ mỗi độ xuân về, cỏ cây đã cởi bỏ lớp lá vàng rơi rụng, mang lên một màu tươi nhuận thắm xanh. Cỏ cây hoa quả tuy rằng là vật vô tri vô giác, nhưng tiềm năng linh ứng Tạo Hóa đã ban cũng chuyển mình trong tiềm thức đón lấy tiết xuân sang để hòa đồng cùng vạn vật.
Mỗi một mùa xuân là mỗi vật đều chuyển mình theo luật tiến hóa từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ một trẻ hài nhi thơ ngây mộc mạc, trí hiểu biết đã trưởng thành dần theo cơ thể đang tiến, người già cao niên lần hồi sức khỏe giảm bớt để trở về trong quá khứ của lứa tuổi sơ sinh để nhường lại cho mùa xuân đang lên của tuổi trẻ.
Luật sinh trưởng thâu tàng không chờ đón một riêng ai, lẽ vô tư của đất trời không dành riêng cho một sinh vật nào. Mỗi độ đông tàn xuân đến là con người đã mang một thể xác vi nhơn, chứa đựng những tâm tư thầm kín, một khối óc tinh khôn, sự hiểu biết phải trái, dở hay, chánh tà cùng khôn dại. Dầu cho từ hạng cùng đinh dân thứ đến hàng trí sĩ đạo đức uyên thâm, dầu muốn dầu không, tâm tư cũng dao động với tiết xuân về. Người vinh hoa phú túc vật chất thãi thừa đua đòi thụ hưởng đành rồi, nhưng đối với hạng cơ bần thiếu thốn, sớm có chiều không, dầu lòng có muốn quên đi hoặc phôi pha cho mau qua những ngày xuân đến, cũng cảm thấy nơi tâm tư có những gì rộn rực.” [7]
Sự nẩy lộc đâm chồi ở cỏ cây là một biểu hiện của xuân tâm trong tiềm thức của thực vật. Sự rộn rực khi xuân đến ở mỗi người là một biểu hiện của xuân tâm nơi con người. Nhưng, xuân đâu chỉ có thế – Đức Thánh Trần bảo:
Xuân đến lồng trong khắp mọi người
Sang hèn thanh trược cũng vui tươi
Lẽ đâu xuân chỉ xuân chừng ấy
Mà nợ tang bồng quên đấy thôi.[8]
Người, cùng với Trời và Đất, là ba ngôi của vũ trụ mà đạo học phương Đông gọi là Tam Tài. Trong trời đất thì có Đạo, trong con người thì có Tâm. Cái Tâm này vốn là mùa xuân bất diệt, trường tồn trong con người, và sứ mạng của mỗi chúng ta là gieo rải những hạt giống bất diệt trường tồn ấy vào thế hạ. Đức Chí Tôn dạy:
Là một trong tam tài định vị
Là muôn trong một lý nhứt nguyên
Con ôi! Phú bẩm do Thiên
Máy linh Tạo Hóa ban truyền cho con.
Có vũ trụ sông non gồm đủ
Có hình hài riêng thú kiền khôn
Có xuân bất diệt trường tồn
Cho vào thế hạ chiêu hồn vạn sanh.
Một sứ mạng Thầy dành hai ngõ
Một ra đi, một trở lại Thầy
Dù cho nam bắc, đông tây
Cổ kim nhơn vật do Thầy định phân.[9]
Vì con người đã bị lục dục thất tình bao phủ từ lâu đời nhiều kiếp – bởi luân chuyển qua nhiều vòng luân hồi – nên mùa xuân tâm này tự nó không hiển lộ, mà con người phải tìm lại, phải khôi phục, phải đánh thức nó trong lòng mình. Đức Chí Tôn dạy:
“Không cứ phải một mùa xuân cách hạ thu đông, hai mùa xuân hoặc trăm vạn mùa xuân phát sinh vào thời gian ngắn ngủi, mà mùa nào chí những mùa nào, các con vẫn trau luyện tâm mình được tươi nhuận, ấm áp, dịu hiền, không sân hận, không si mê, không tham vọng, thì các con tự khắc đã gần gũi với Thầy rồi đó.
(...)
Như vậy, các con được sống trong mùa xuân miên viễn, không hạn định, không hủy bỏ theo thời gian. Ấy là xuân đạo đức. Ngày xuân năm nay, Thầy chỉ mong các con dọn sạch lòng mình để chào đón mùa xuân và phải nhớ là mùa xuân đạo đức vĩnh cửu nghe các con.” [10]
Như vậy, xuân tâm là trạng thái tâm hồn tươi nhuận, ấm áp, dịu hiền, không sân hận, không si mê, không tham vọng… của chính bản thân mỗi người chúng ta. Mùa xuân tâm sẽ đến trong lòng ta, nếu chúng ta thay thế những trạng thái nội tâm thường tình của lục dục thất tình bằng những trạng thái xuân tâm đẹp đẽ này. Đức Chí Tôn dạy:
Xuân là Đạo, Đạo Trời ban phát
Đạo là xuân, xuân lạc thiên nhiên
Vui xuân vui với tâm điền
Tiết thời hòa dịu người yên vật lành.[11]
Xuân thời thơ ấu
Chúng ta đã nhiều lần thấy được xuân cảnh trong những bức tranh xuân vạn sắc của thiên nhiên. Chúng ta cũng không ít lần thấy được xuân tâm trong trạng thái tâm hồn tươi nhuận, ấm áp, dịu hiền, không tham, sân, si của chính bản thân mình. Bây giờ, bản hợp xướng giữa hai mùa xuân này, chúng ta có thể chứng minh được sự hiện diện của nó ở đâu?
Trời đất minh minh
Hoa cỏ xinh xinh
Non nước hữu tình
Tìm đâu khúc nhạc thanh bình
Cho nguyên nhân khỏi lộ trình phong ba? [12]
Trong cuộc đời không lấy gì làm dài của mỗi con người, vào những ngày còn bé thơ, chúng ta đã từng sống trong khúc nhạc thanh bình tưởng chừng như bất tận đó. Và Đức Chí Tôn khơi lại khúc nhạc đó trong ký ức của chúng ta:
Con nhớ chăng thời xuân thơ ấu
Một thời xuân hòa tấu thiên nhiên? [13]
Khi mới chào đời, tâm tánh con người hãy còn thánh thiện hồn nhiên. Đạo học gọi trạng thái đó của tâm tánh là “xích tử chi tâm” (tâm của đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn). Cái tâm xích tử này còn trong sáng, chưa bị nhuốm bụi trần, và cũng là cái tâm xuân được Trời phú bẩm, tạo nên mùa xuân tự nhiên trong cơ thể con người. Suốt những năm tháng ấu thời, khi mà con người chưa bị lục dục thất tình của chính mình chi phối, chưa biết đến những âu lo, tạp niệm, chấp nhứt, cũng chưa biết tham, sân, si, thì con người cũng chưa bị bất kỳ một thứ khổ đau, phiền não hay oan trái nào ràng buộc, mà cứ vui sống thung dung tự tại trong thế giới hồn nhiên của trẻ thơ. Đó là xuân tâm ở thời thơ ấu mà mỗi người trong chúng ta đều đã từng có. Xuân tâm ấy không bao giờ phản kháng lại ngoại cảnh mà luôn biết hòa hợp với ngoại cảnh, nghĩa là biết tuân theo quy luật “Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong”. Nhờ sự hòa hợp này giữa tâm và cảnh, nên đối với trẻ con, mùa nào cũng đẹp như mùa xuân, ngày nào cũng vui như ngày tết. Đó là một trạng thái kỳ diệu của đời sống, y hệt như điều mà Đức Chí Tôn mô tả:
Riêng nhơn loại năng tri vốn sẵn,
Một mùa xuân tất thắng huy hoàng,
Sá chi hạ trưởng đông tàng,
Cung trời ba sáu thanh nhàn thưởng xuân.[14]
Mùa hạ thật nóng nực nhưng con nít vẫn sướng rơn nô đùa giữa nắng trưa thời Ngọ, trong khi người lớn lại mệt mỏi thở than vì không khí ngột ngạt oi bức. Mùa thu mưa bão dầm dề nhưng con nít vẫn khoan khoái tắm mưa từ giờ này qua giờ khác, trong khi người lớn lại rầu rĩ sụt sùi với những ho hen cảm cúm vì mắc một chút mưa dọc đường. Mùa đông gió sương lạnh lẽo nhưng con nít vẫn hớn hở vui chơi suốt những chiều tà lạnh cóng, mặc cho người lớn co ro với những áo ấm áo lạnh. Rồi sang đến mùa xuân, cái mùa duy nhất mà người lớn có thể vui vẻ mặc dù cũng rối bời lo lắng giữa trăm thứ từ tết gần đến tết xa, thì dĩ nhiên đối với con nít, đó phải là mùa vui sướng nhất. Dường như vào mùa nào người lớn cũng thấy có chuyện để mà khổ, trong khi con nít bao giờ cũng tự thấy vui sướng, những niềm vui sướng vô hạn giữa một càn khôn rỗng rang chứ chẳng phải vui vì một lý do vật chất nào, đến nỗi ai cũng có thể mạo muội viết lại câu nói lừng danh của Descartes cho thời thơ ấu của mình: “Tôi vui sướng, vậy tôi hiện hữu!” [15] Té ra cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” lại là cái thời “sá chi hạ trưởng, đông tàng; cung Trời ba sáu, thanh nhàn hưởng Xuân” của mỗi con người. Thế thì tại sao, khi lớn lên, con người lại không còn sống được với những trạng thái nội tâm đầy hạnh phúc này nữa? Đức Chí Tôn giải thích:
Vì vật dục, quả nhân kết cấu
Bởi xa nguồn, lạc dấu quày chơn
Mưa thu nắng hạ bao lần
Kim thân lại hóa phàm thân đọa đày.[16]
Vật dục – nghĩa là sự ham mê (dục) tất cả những gì thuộc về vật chất một cách trực tiếp hay gián tiếp (vật) – là nguyên nhân muôn thuở của tấn bi kịch này. Cái “vật dục” này trong lòng chúng ta nó đáng sợ làm sao, vì nó thường điều khiển chúng ta theo kiểu “ném đá giấu tay”, nên ta khó nhận ra được mặt mũi của nó. Người đời ham tiền ham của, ta bảo đó là do vật dục sai khiến. Đúng rồi! Nhưng người đạo chấp nhứt một chữ, một câu trong lời nói của tha nhân, thì cũng là do vật dục sai khiến đó thôi. Vì sao vậy? Các nhà ngôn ngữ học bảo, lời nói là cái vỏ vật chất của tư tưởng. Khi ta chấp vào lời nói, tức là ta chấp vào cái vỏ vật chất này, ta bám lấy cái vỏ vật chất này, và hành vi này thật sự cũng là một hành vi ham muốn thuộc về vật chất, mà bằng ngôn ngữ bình dân hơn, người ta gọi là… ham cãi cọ. Vậy thì, dù là ham tiền bạc hay là ham cãi cọ (chẳng hạn), tất cả đều là những cách hiện hình khác nhau của bóng ma “vật dục”. Bóng ma ấy dẫn dụ con người đi dần dần ra khỏi thế giới hồn nhiên thuần phác của xích tử chi tâm, lạc bước dần dần vào những rừng rậm mịt mùng của nhân duyên quả nghiệp.
Cái thuở chào đời, tâm con người chưa bị vật dục sai khiến. Hồi tưởng lại tuổi ấu thơ, chúng ta hiểu được cội nguồn đạo lý của giai đoạn hạnh phúc nhất trong đời mình. Sự hạnh phúc đó phần nào hẳn do bản chất hồn nhiên thuần phác của xích tử chi tâm, nhưng phần quan trọng hơn chính là do khả năng hòa hợp của xích tử chi tâm với ngoại cảnh của trời đất. Giữa hai yếu tố tâm và cảnh, phải có một sự hòa điệu thì mùa xuân mới thật sự xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta như một bản hợp xướng diệu kỳ, còn ngược lại, thiếu một trong hai thì mùa xuân vẫn cứ là mùa xuân của những ai xa lạ chứ chẳng thể nào là của chính bản thân ta. Quả vậy, dù trong lòng chúng ta có tràn ngập xuân tâm với những tư tưởng ấm áp, hiền lành, mà cái xuân tâm ấy chưa hòa hợp nổi với xuân cảnh của thiên nhiên, thì có khi chỉ một làn gió Tết mát rượi đầu năm cũng khiến ta phải uống đến mấy ngày thuốc đủ loại – nào trụ sinh, ho, cảm, long đờm… – mà đã vậy thì còn gì là thưởng xuân với ăn Tết nữa!
Nghe qua những cái chuyện rắc rối này, nhiều người cứ tiếc hùi hụi: “Úi chu choa, uổng cho cái tâm xích tử của tui quá, mà lỡ để mất rồi làm sau tui tìm lại đây?” Ôi, may mắn thay cho những ai biết đặt câu hỏi đó giữa thời đại ân xá Kỳ Ba này. Chính tân pháp Cao Đài dạy con người cách thức khôi phục xích tử chi tâm, làm sống lại bản tâm hồn nhiên thánh thiện. Chẳng thế thì “bác tiều phu già” Đông Phương Lão Tổ đã không nói về sự nghiệp đạo đức trong sứ mạng vô vi của mình tại trời Nam như vầy:
Tiều già vui vẻ cảnh vân tuyền
Đốn củi, dọn rừng, cắt nghiệp duyên
Đổi chút gạo châu, nuôi xích tử
Gây dòng đạo đức chốn Nam thiên.[17]
Sự nghiệp đạo đức này bắt nguồn từ một ý nghĩa sâu xa khác của mùa xuân: đại ân xá Kỳ Ba giữa đời hạ nguơn mạt pháp.
Mùa xuân của đời mạt pháp
Khi nói về lý đạo của mùa xuân, Đức Chí Tôn đã nhấn mạnh một ý nghĩa rất đặc biệt:
Kỳ ân xá Thầy khai chánh pháp
Mở rộng đường thâu thập thiện duyên
Sông mê sẵn bát nhã thuyền
Khôn ngoan, cửa Thánh nhà Tiên trở về.[18]
Mùa xuân hiện diện ở chỗ nào trong mấy câu thơ này? Chúng ta có thể tìm thấy lời giải đáp của Đức Chí Tôn trong một đàn cơ khác:
“Thầy mở cơ tận độ Kỳ Ba này cho các con, cho thế giới nhân loại, cũng như mùa xuân đến với vạn vật.” [19]
Mùa xuân của đời mạt pháp chính là chiếc bát nhã thuyền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ mà Thầy đã sẵn chờ trên bến sông mê để đưa vạn linh trở về bờ giác. Thế nên, Đức Giáo Tông Đại Đạo đã khuyên các nguyên nhân trên đường Thiên Đạo phải phát huy cho được mùa xuân này để tự độ và độ tha:
Non linh đất Thánh trời xuân
Đường trần bao dấu chơn quân lạc loài
Lộc Trời đã giữ trong tay
Đạo Trời vun quén ngày ngày cho xinh
Vui say non nước hữu tình
Đơn phòng bạn lữ vân trình vào ra
Ngoài ta nào có cái ta
Vẻ chi thế sự trần la buộc ràng
Bến đời thuyền khách dọc ngang
Biển trần sóng gió phũ phàng ngược xuôi
Trí nhơn biết đạo biết mùi
Há hoài công của như người phàm phu.[20]
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một mùa xuân thiêng liêng bất diệt mà Thượng Đế mang đến cho toàn nhân loại giữa mùa đông của cơ tận diệt này. Chỉ nơi mùa xuân ấy, nhân loại mới có thể hy vọng vào tương lai, dân Việt mới có thể khai được Hội Niết Bàn cho vạn quốc. Chính vì phải gầy dựng mùa xuân ấy, mà bao hàng Thiên sứ từ các thời kỳ phổ độ trước đây của Thượng Đế đã xuống thế trong Kỳ Ba để làm dân Việt, chia sẻ những nỗi niềm lịch sử của dân Việt, và khai đường cho sứ mạng lịch sử của dân Việt. Các Tiền Khai Đại Đạo từng tâm sự:
Một mùa xuân thiêng liêng bất diệt
Xuống cõi trần điểm xuyết non sông
Cỏ hoa chuốc lục khoe hồng
Người người góp mặt đẹp lòng cùng xuân.
Giữa cuộc đời hương xuân ngào ngạt
Riêng tình chăng mảnh đất Giao Châu
Non non nước nước một màu
Ta trông ải Bắc, người sầu Nam quan.
Trước án thư mơ màng khói quyện
Vẳng bên tai những tiếng giao thừa
Vòm trời lấm tấm sao thưa
Gió xuân chợt thổi tình xưa lạnh lùng.
Đốt trầm hương hầu nung nấu lại
Nhắc bút thần họa dải đồng tâm
Ý xuân bình dị thâm trầm
Muôn loài đều hưởng xuân tâm rạng ngời.
Xuân tâm ấy của Trời ban phát
Không thời gian, truyền đạt mỗi người
Đời ôi mấy kẻ khóc cười
Dang tay nắm lấy thuyền từ ái tha
Phận bé nhỏ đạo nhà nắm giữ
Vai nặng oằn hai chữ nghĩa nhân
Có Trời, có nước, có dân
Dân nguy nước loạn xả thân giúp đời.[21]
Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn Huỳnh Ngọc Trác dạy:
“Có xuân tâm, con người mới giải thoát, vô ngã, vô chấp, khoan dung, tha thứ. Có xuân tâm, con người mới có tình thương ở tự đáy lòng, đem ra chan hòa cho muôn người, cho vạn vật. Có xuân tâm mới có thể dẫn dắt dân tộc này ra khỏi cảnh tiêu trầm, hướng dẫn nhân loại tránh khỏi nạn diệt vong. Cái xuân tâm ấy là Cao Đài Đại Đạo, mà dân tộc này đã được Thượng Đế bố ban. Cái của quý vô giá đó chỉ chờ nơi lòng xuân của người đời làm cho nó sáng lên, gióng cho nó vang lên, bày cho nó tỏ rạng lên.” [22]
Sự hiện diện của đạo Cao Đài trên thế gian đặt vào tay con người một sự lựa chọn giữa hai lối rẽ tại ngã ba đường của lịch sử: lối rẽ thứ nhất là con người phải thắp sáng ánh đạo đức trên cõi trần này để biến mùa đông hạ nguơn mạt kiếp thành mùa xuân thượng nguơn thánh đức; còn lối rẽ thứ hai là con người sống theo vật dục để chứng kiến sự hoành hành của những nghiệp chướng do chính mình tạo ra, đẩy nhân loại đến hố sâu tận diệt. Đức Cao Triều Phát dạy:
“Đông tàn, xuân đến. Mấy mùa đông, mấy mùa xuân, đạo đức không tạo được thế nhân hòa, không bình phục được nhơn tâm. Loài người không nhìn nhận, không thực hiện đạo đức chánh đạo. Tôn giáo chỉ là tôn giáo. Hỗn độn vẫn là hỗn độn. Nhân loại sẽ theo đông mà tàn, cơ tận diệt sẽ theo xuân mà đến. Đó là lẽ dĩ nhiên trong nhận xét của mọi người.” [23]
Trên lối rẽ thứ hai, “nhân loại sẽ theo đông mà tàn, cơ tận diệt sẽ theo xuân mà đến”; chúng ta nhìn thấy những mùa xuân cảnh rùng rợn của cơ tận diệt. Vậy thì người Cao Đài dứt khoát phải đưa nhân loại sang lối rẽ thứ nhất. Phải đánh thức xuân tâm trong nhân loại, phải “làm cho nó sáng lên, gióng cho nó vang lên, bày cho nó tỏ rạng lên” như chí hướng của Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn. Bởi vậy, người đạo Cao Đài nếu chưa có đại chí cứu thế thì ít ra cũng phải có tinh thần phụng sự nhân sanh. Những tâm chí, tinh thần như vậy sẽ khởi phát và duy trì mùa xuân nội tâm nơi mọi người. Chẳng những có thể thưởng xuân mà còn giúp mình có đủ sức mạnh thực hiện sứ mạng phụng Thiên sự dân. Chúng ta có thể đọc thấy những điều này từ một lời dạy của Đức Chí Tôn:
“Xuân là Đạo vận hành biến dịch trong thế dinh hư tiêu tức, còn Đạo vô vi thì huyền nhiệm trường lưu. Con muốn thưởng xuân phải có tâm đạo thì tâm xuân mới phát hiện. Tâm xuân có phát hiện thì thế cuộc dầu có đổi thay phiền não, lòng con vẫn an định tự nhiên. Có an định tự nhiên mới thông đạt được lý Đạo. Có thông đạt được lý Đạo mới bảo trì quyền pháp phụng Thiên sự dân.” [24]
Muốn làm việc đó, ta hãy làm giàu cho tâm hồn của chính mình bằng xuân tâm; làm cho tấm lòng mình tràn ngập những làn gió tươi mát của khoan dung, những tia nắng ấm áp của tình thương, những đường nét dịu hiền của từ hòa. Một khi lòng chúng ta đã đầy ắp xuân tâm, tự nhiên chúng ta sẽ có nhu cầu trao tặng mùa xuân ấy một cách ân cần và hào phóng cho mọi người chung quanh, dù người ấy là ai, bạn hay thù, thân hay sơ. Và cách làm này thật sự rất giống cách làm của Thượng Đế khi Ngài ân cần và hào phóng đem mùa xuân đến trao tặng cho cả vạn linh trên trái đất này:
“Mặc dầu thời cuộc tang thương, thế trần biến đổi, Thầy cũng dành riêng một mùa xuân ấm áp với vẻ đẹp thiên nhiên, để bù sớt lại những lúc đông tàn giá rét, nắng hạ đốt thiêu, mưa thu ảm đạm. Thầy đến với các con một mùa xuân mới. Các con hãy vui vẻ thưởng xuân, đem Đạo Thầy truyền bá khắp nơi, đem hột giống lành gieo rải lan tràn và đem ân lành phổ cập cho tất cả con cái của Thầy, cho chúng hiểu được lý Đạo, trở về nguyên lý hiệp nhứt cùng Thầy, hầu tái lập cõi đời thượng nguơn thánh đức.” [25]
Thưởng thức đạo vị của mùa xuân
Là sự khởi đầu của một năm mới trong cõi vô thường, mùa xuân mang đến cho chúng ta những cảm thức rõ rệt về thời gian, và từ đó, về sự vô thường, nhất là những ai đã mỏi mệt vì sự chồng chất nặng nề những tuổi đời trên xác thân tứ đại của mình. Đối với người tín đồ Đại Đạo, những cảm thức về thời gian và sự vô thường nhắc chúng ta tự kiểm điểm lại thân tâm của mình sau một năm sống đạo và hành đạo trong cõi đời. Đức Chí Tôn dạy:
“Mùa xuân, một mùa lập lại công cuộc sanh trưởng thâu tàng. Các con hãy nghĩ lại cái gì nên bỏ và những gì nên đem theo cho cuộc hành trình sắp đến để bước đường trọn vẹn những tiến bộ và trong sạch.” [26]
Chính sự kiểm điểm thân tâm này khiến chúng ta thưởng thức được đạo vị của mùa xuân. Điều này thật đáng ngạc nhiên: Tại sao sự tự kiểm lại có tác dụng thưởng xuân? Đức Đông Phương Chưởng Quản giảng giải:
“Ý nghĩa chân thật của hai tiếng thưởng xuân phải ngấm ngầm bộc lộ từ nội tâm mới thật là đúng nghĩa. Còn thưởng xuân trên phương diện hình thức vật chất chỉ tạm cho người thế gian mà thôi. Vì thưởng xuân về vật chất có nhiều khía cạnh, nhưng sau đó thì mệt mỏi uể oải từ thể chất đến tinh thần. Đó là chưa nói đến hậu quả của sự buồn lo, sợ sệt, oán thù theo sau một cơn quá độ. Còn thưởng xuân trong vòng đạo lý là kiểm điểm, ôn cố phần đạo đức hành thiện của mình trong một năm qua. Khi thấy được phần tiến triển với lòng bác ái vị tha trên phương diện Tam Công, lòng hân hoan cởi mở, bát ngát tình thương, động lòng trắc ẩn đối với kẻ bạc phước gối đất màn sương. Với tinh thần hân hoan ngấm ngầm và bộc phát từ nội tâm, rồi ngồi lại với chén trà đạm bạc, bánh mứt thô sơ, nhưng cõi lòng được nhẹ nhàng và chứa chan niềm hy vọng, tràn đầy đức tin ở phần hộ trì của các Đấng.” [27]
Nhờ việc kiểm điểm thân tâm sau một năm hành đạo và nhất là thấy được sự tiến bộ của bản thân, xuân tâm của ta bộc phát những hòa điệu với xuân cảnh. Quả thật, niềm vui có ý nghĩa nhất trong một mùa xuân là vui vì thấy được những thành quả vĩnh cửu mà tâm linh của mình đã gặt hái được trong cõi đời giả tạm. Chỉ khi đó, dòng chảy của thời gian mới không tạo nên những tiếc nuối về một kiếp làm người:
Đông tàn cảnh ướm trở nên xuân
Xuân nở vườn mai há mấy lần
Lần lựa cho đò xa bến Thánh
Thánh Tâm mấy kẻ vẹn trau thân? [28]
Bốn câu thơ này nói gì? Chúng ta có thể mượn lời Đức Mẹ để giải thích:
“Con ôi! Mỗi độ Xuân về, lòng Mẹ như bâng khuâng lo ngại. Xuân về, xuân lại đi. Con rước lấy của xuân thêm một tuổi đời chồng chất và sắp vượt qua khoảng thời gian trên đường thiên luân trong cõi tạm. Mẹ ngại rằng các con có biết thời gian ấy là quý báu không, để chú trọng đến thời gian qua không bao giờ trở lại? Nếu các con không kịp ghi vào lịch sử đời hoặc đạo một điểm son nào, thì cũng chỉ là triền miên sanh trưởng thâu tàng theo định luật của mọi loài trong vạn vật.” [29]
Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, thật không có ai dám nói rằng mình sẽ nhìn thấy mùa xuân đến được mấy lần mà chần chừ trong việc trau sửa thân tâm. Con đò cứu độ cũng không thể cắm sào đợi chờ mãi mãi – vì đợi chờ mãi mãi có nghĩa là không cứu độ được một ai cả – mà phải rời bến mê trở về bờ giác theo đúng ngày giờ của cơ Trời máy Tạo.
Vài dòng kết
Nếu lắng nghe được những hòa điệu giữa xuân tâm và xuân cảnh trong lòng ta, hoặc nhớ lại được bản hợp xướng ấy của thời thơ ấu, ta thấy có biết bao lý đạo siêu mầu giúp chúng ta gìn giữ tâm linh của mình được điều hòa, thanh tịnh, và nhờ đó, bảo tồn được bản vị cao quý của con người. Ta đã bỏ quên xích tử chi tâm của mình trong sự đi qua của thời thơ ấu, đánh mất cả bản hợp xướng mùa xuân trong những chiều sâu của tâm thức. Có ai giúp cho ta tìm lại bản hợp xướng giữa xuân cảnh với xuân tâm? Chỉ có Đức Chí Tôn Thượng Đế. Và giờ đây, với tân pháp Cao Đài mà Thượng Đế mang đến trong lần cứu độ thứ ba này, chúng ta đang có trong tay bức đồ thơ để tìm lại những giai điệu xuân mầu nhiệm ấy.
THIỆN QUANG
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo




[1] Đức Chí Tôn, thánh thất Nam Thành, 01-01 Canh Tuất (06-02-1970).
[2] Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 29-12 Mậu Ngọ.
[3] Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 29-12 Mậu Ngọ.
[4] Đức Chí Tôn, thánh thất Nam Thành, 01-01 Canh Tuất (06-02-1970).
[5] Thơ Bùi Giáng (1926-1998).
[6] Thánh thất Bình Hòa, 26-12 Đinh Mùi (25-01-1968).
[7] Minh Lý Thánh Hội, 03-01 Giêng Canh Tuất (08-02-1970).
[8] Minh Lý Thánh Hội, 03-01 Giêng Canh Tuất (08-02-1970).
[9] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 30-12 Quý Sửu (22-01-1974).
[10] Thánh thất Nam Thành, 01-01 Canh Tuất (06-02-1970).
[11] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 30-12 Giáp Dần (10-02-1975).
[12] Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Hườn Cung Đàn, 29 rạng 01 Quý Mão (24-01-1963).
[13] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 30-12 Quý Sửu (22-01-1974).
[14] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 30-12 Quý Sửu (22-01-1974).
[15] Descartes (1596-1650) nói: Tôi suy tư, vậy là tôi hiện hữu. / Je pense, donc je suis.
[16] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 30-12 Quý Sửu (22-01-1974).
[17] Thiên Lý Đàn, 23-12 Giáp Thìn (25-01-1965).
[18] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 30-12 Quý Sửu (22-01-1974).
[19] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 30-12 Giáp Dần (10-02-1975).
[20] Minh Đức Tu Viện, 25-01 Giáp Dần (16-02-1974).
[21] Thánh thất Nam Thành, 01-01 Canh Tuất (06-02-1970).
[22] Thánh thất Bình Hòa, 26-12 Đinh Mùi (25-01-1968).
[23] Thánh thất Bình Hòa, 26-12 Đinh Mùi (25-01-1968).
[24] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 30 rạng 01-01 Bính Thìn.
[25] Thiên Lý Đàn, 29-12 Ất Tỵ (20-01-1966).
[26] Thánh thất Nam Thành, 01-01 Canh Tuất (06-02-1970).
[27] Thiên Lý Đàn, 01-01 Kỷ Dậu (16-02-1969).
[28] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển 2, phần Thi Văn Dạy Đạo, bản in 1970, tr.126.
[29] Thánh thất Tân Định, 06-01 Bính Ngũ (26-01-1966).
____________
* Âm nhạc có cần chi người thông ngôn hay phiên dịch. / Music doesn’t need interpreters and translators.
* Âm nhạc là ngôn ngữ của vũ trụ càn khôn, cho phép tất cả mọi người hiệp thông với nhau. / Music is the universal language that allows all people to communicate with each other. ELLEN J. BARRIER


Đại Đạo Văn Uyển trân trọng giới thiệu quý đạo hữu
blog UNDERSTANDING CAODAISM gồm các bài tiếng Anh của
HUỆ KHẢI viết về đạo Cao Đài tại địa chỉ: