Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

ĐĐVU 04 / ĐỨC TIN VÀ THỬ THÁCH / Giáo Sư Thượng Văn Thanh

Image result for lilies

I. ĐỨC TIN
1. Đức tin là gì?
Trong tôn giáo đức tin là lòng tin tưởng trọn vẹn, tuyệt đối mà tín đồ đặt vào Đấng Chí Tôn cùng các Đấng Thiêng Liêng.
2. Đối tượng của đức tin
Đức tin trong nhà Đạo Kỳ Ba là đức tin vào ba ngôi Phật, Pháp, Tăng hay đức tin Tam Bảo.
Từ đức tin Tam Bảo dẫn đến quy y Tam Bảo tức là trọn tin, nương tựa Tam Bảo để tu hành như lời hồng thệ nhập môn quy định.
Tin tưởng, quy y Phật là tin tưởng, quy y Thượng Đế.
Tin tưởng, quy y Pháp là tin tưởng, quy y pháp môn, giáo luật do Thầy lập ra.
Tin tưởng, quy y Tăng là tin tưởng, quy y huynh đệ đồng tu trong tổ chức giáo hội.
Đức Cao Bảo Văn Pháp Quân đã dạy về đức tin và quy y Tam Bảo như sau:
“… về tôn giáo người tín đồ phải giữ Đo, truyền Đo. Người giữ Đạo là người phải thế nào? Là làm tròn cái bổn phận của người tín đồ đối với Thầy, với bạn.
Với bạn, ta phải tín, thân, hòa, ái, làm cho giữa nhau một mối tương quan. Bạn nhờ ta mà nên, ta nhờ bạn mà thành, nương nhau mà tiến, mà tu, mà học, mà sửa chữa tánh tình.
Với Thầy, ta trọn tin trọn kính, đem thân trong sạch nhờ cậy nơi quyền năng Thầy mà thắng tất cả pháp giới ma lực. Nhờ đức tin làm cho giữa ta và các Đấng Thiêng Liêng gắn chặt, hằng giao cảm, nên thân tâm được gội rửa điển lành, ngày một trở nên thanh tịnh.
Thầy và bạn là hai yếu tố quan trọng tương liên. Giữa hai phần đó còn một phần quan trọng thứ yếu là pháp luật để nối liền cho đôi bên suốt thông, không rối loạn. Pháp là đường lối dẫn dắt, phương pháp họp thành đôi bên, người tu phải quy y Tam Bảo là thế.
Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng. Phật là Thầy. Tăng là bạn. Pháp là tổ chức để đưa rước chúng sanh huờn nguyên phản bổn, cũng là Hội Thánh.
Có quy y Tam Bảo bên ngoài cùng với Thầy, với Hội Thánh, với nhơn sanh thì thân nầy mới bảo đảm, mới chế được phàm phu tình thức, mới giữ vững giá phẩm con người, mới mong đạt cơ tận thức.
Bên ngoài được rồi thì đồng thời bên trong của tâm ta cũng được Tam Bảo là Tinh, Khí, Thần mãn túc. Tinh mãn không dâm dục. Khí mãn không đói rét. Thần mãn không mê nhọc, tự khắc huân kết kim đơn.
Nên về phương luyện đạo nhiều người tu, ít người đạt đạo, là vì bên ngoài chưa tròn xứng với nhiệm vụ, không quy y Tam Bảo của luật pháp ấn định, rồi cầu kỳ nơi thâm viễn mà xa con đường trung đạo nên lạc vào bàng môn ngoại giáo.
Tiểu Thánh khuyên cùng toàn đạo muốn tu cho đắc đạo thì phải thương Thầy mến bạn, lấy pháp luật làm phương hướng giữ Đạo, sửa mình, để cho khế đồng tương ngộ, hợp với người, thuận với Trời. Bằng bỏ pháp luật đi thì thân bị hèn nhục, tâm bị hôn mê, linh căn đọa lạc. Với người, họ chán ghét ruồng bỏ. Với Trời thì bị từ khước quở phạt, vì pháp luật là quy tắc để làm Người, làm Tiên, làm Phật, thì phải giữ lấy pháp luật làm căn bản.
Đã nói pháp luật là quy tắc làm công cụ chế tạo phàm phu nên thánh đức, tội ác hóa phước duyên, mê ngu ra xán lạn, thì sao lại lìa bỏ nó được. Ví như muốn có cơm thì phải nấu. Nấu cần có củi lửa, nước gạo và nồi. Thét lửa cho sôi, sôi rồi bớt lửa. Nếu còn dùng lửa đốt thì hư cháy, mà nôn nả thì sống sít, nên quy tắc phải có chừng độ. Nói tóm lại là muốn cho thành công phải y hành luật pháp quy tắc.” [1]
3. Trình tự đức tin
Có trọn tin Tam Bảo ta mới trông cậy, nương tựa Phật, Pháp, Tăng, tức là tin tưởng và nương tựa nơi Đấng Chí Tôn cùng các Đấng Thiêng Liêng. Tin tưởng và nương tựa nơi Pháp do Thầy lập ra; tin tưởng và nương tựa nơi môn sinh đồng đạo do Thầy quy tụ để dìu dắt lẫn nhau tu học.
Thoạt đầu, ba đối tượng để ta tin tưởng quy y đều ở ngoài ta nhưng dần dà đến khi công trình tạo được kết quả thì trong ta sẽ có Tăng, có Pháp, và có Phật. Đây là thời điểm trong ta đã kết tinh được Tam Bảo nội tại.
Thật vậy, khi chưa tu hoặc mức tu còn thấp, những chủng tử tốt đẹp sẵn có nơi chúng ta còn non yếu và thường bị bụi trần làm nhiễm ố, vô minh che lấp. Chúng ta duyên theo lắm chuyện thị phi, phiền não, dính dấp với bạn phàm (tục hữu) học đòi ứng xử theo thói đời (thế pháp). Những chủng tử tốt đẹp rất dễ bị héo mòn, thui chột.
Vào trường đạo, giới luật, giáo pháp, bạn lành, thánh kinh hiền truyện v.v… sẽ bào mòn các lớp uế trược, ba nghiệp thân khẩu ý được chuyển hóa, ta suy nghĩ, hành động trong thanh tịnh, tâm minh trí sáng. Lúc bấy giờ trong tâm lý của chúng ta, phần xấu dần dần tiêu tan, phần tốt hiện ra. Các hoạt động tâm lý như ký ức, liên tưởng, tưởng tượng v.v… tức là các tâm hành đều theo hướng tích cực, trở nên thanh tịnh, thánh thiện. Trong tư tưởng của chúng ta chỉ còn những người bạn lành (thiện hữu, thánh tăng) lui tới, chúng ta lựa chọn những cách thức đạo đức, từ bi để xử lý công việc, để đối đãi với người và vật. Nơi chúng ta chỉ có bạn hiền và thiện pháp. Khi đã kết tinh được Pháp và Tăng trong tâm tưởng thì Thượng Đế Tính lâu nay bị che giấu, cũng bắt đầu xuất hiện.
Sở dĩ có kết quả như vậy vì trong ta vốn sẵn tính Trời tức là Phật Tính hay Thượng Đế Tính. Đó là Thượng Đế nội tại, phần tiểu linh quang mà ai ai cũng được phú bẩm. Thành thử đến giai đoạn trưởng thành đức tin thì bên cạnh Thượng Đế ngoại tại, chúng ta còn có Thượng Đế nội tại để tin tưởng, quy y.
Nói cách khác, một khi đã trưởng thành đức tin, chúng ta tin nơi Trời Phật và các Đấng Thiêng Liêng. Đồng thời chúng ta tự tin nơi chính ta và chúng ta có thể tin tưởng nơi người khác để khơi dậy Thượng Đế Tính nơi họ.
4. Nuôi dưỡng và truyền thụ đức tin
Ngọc không mài không sáng. Thánh giáo cũng dạy rằng các Đấng khi lâm phàm nếu không tu dưỡng thì cũng dễ lụy trần mà quên đường về. Việc tu không dễ. Chúng ta được sinh ra trong nhà Đạo hoặc may duyên ngộ Đạo thì nên biết giữ gìn và phát triển đức tin.
Cơ hội ngộ Đạo diễn ra trong thời gian rất ngắn và cần được kéo dài thời gian gần gũi, tiếp xúc để nghe kinh nghe pháp, nghiệm suy giáo lý và thực hành lễ bái công phu.
Một cách cô đọng, đó là Học Nghiệm Hành hay Văn Tư Tu. Ba yếu tố này nối tiếp nhau vừa tương sinh, tương tác cho nhau. Yếu tố này giúp hiểu sâu, khiến ta thích thú hai yếu tố kia. Chúng trợ trưởng, kích thích lẫn nhau làm cho đường tu của chúng ta tiến bộ, gia tăng lòng thương Thầy mến Đạo, vun đắp và phát triển đức tin càng thêm lớn mạnh, vững chắc.
Truyền thụ đức tin cho người khác là hệ quả phát sinh từ đời sống đức tin của chúng ta. Tuy nhiên, nếu cứ để tự nhiên thì sự truyền thụ ấy rất thụ động, tiêu cực, có tính cách may rủi.
Nhận định rằng truyền thụ đức tin cho người là bổn phận và là một hình thức công quả có giá trị, chúng ta sẽ có ý thức và quan tâm nhiều hơn đối với vấn đề này.
Những thể hiện phát ra từ những người có đức tin của Đại Đạo, như lời nói, việc làm, cử chỉ, cách ứng xử, v.v… gây thiện cảm, tạo lòng tin nơi người khác là bước đầu để họ đến gần với đức tin. Thay vì dửng dưng hoặc dị ứng, họ có thiện cảm để từ đó tạo nhân duyên cho sự truyền thụ đức tin về sau.
Học hiểu cùng trì hành chú tam nghiệp (thân, khầu, ý), giữ đúng năm giới và hai mươi bốn điều Thế Luật (trong Tân Luật) cùng những cách sống giàu tình huynh đệ với mọi người (không chỉ giới hạn trong đồng đạo) qua những cách cảm thông, chia sẻ chân thành là những cách gieo nhân gây ảnh hưởng tốt cho sự truyền thụ đức tin, đem Đạo vào đời, giúp đời nên Đạo.
Yếu tố quyết định nơi đây là phong cách đạo hạnh cùng tinh thần vô vi, vô cầu mà chúng ta học nơi Đấng Chí Tôn “Bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa”. Nếu chưa nhập diệu vào đức tin để có thể thể hiện đúng đời sống Đạo thì việc truyền thụ đức tin sẽ không có kết quả viên mãn.
II. THỬ THÁCH
1. Thử thách là gì?
Thử thách là phép kiểm tra để biết thực hay giả, tốt hay xấu, bền vững hay chóng tiêu tàn.
Thử thách có thể xảy đến một cách vô tình trong một hoàn cảnh nào đó hoặc có chủ thể đứng ra thực hiện. Đại Đạo là trường học, trường thi nên thường có kiểm tra, thử thách và đây là cách Thầy dạy dỗ, khảo dượt môn sinh.
“Thầy nói cho các con hiểu rằng muốn xứng đáng làm môn đệ Thầy là khổ hạnh lắm. Hễ càng thương bao nhiêu thì Thầy lại càng hành bấy nhiêu. Như đáng làm môn đệ Thầy thì Bạch Ngọc Kinh mới chịu rước, còn ngã thì cửa địa ngục lại mời. Thương thương ghét ghét, ai thấu đáo vậy ôi!
Bởi vậy cho nên Thầy chẳng vì ghét mà không lời khuyến dụ; cũng chẳng vì thương mà không sai quỷ dỗ dành. Thầy nói trước cho các con biết mà giữ mình: Chung quanh các con, dầu xa dầu gần, Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn với các con. Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con. Song, trước Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo đức của các con.” [2]
Không cần biết thử thách xảy đến do đâu và như thế nào, chúng ta nên bình tĩnh, và vui vẻ chấp nhận như người học trò tự tin sẵn sàng nhận bài học, bài thi mới.
2. Các loại thử thách
Tùy theo tính cách và hướng phát xuất, thử thách trong trường đạo được phân ra bốn loại: thuận và nghịch khảo; nội và ngoại khảo.
Thuận khảo diễn ra với những cách làm vừa ý, thỏa thích cái “ngã” nơi con người, tức là thuận theo những khuynh hướng tự nhiên nơi mỗi chúng ta.
Nghịch khảo là những chướng ngại gây khó khăn, ràng buộc, có thể làm mất tự do thân thể hoặc gây chết chóc.
Nội khảo diễn ra nơi nội tâm một con người, hoặc nội bộ một tập thể.
Ngoại khảo từ bên ngoài đến như dụ dỗ, ân thưởng, cấm đoán, tù đày và sát hại.
Các hình thức khảo đảo này có thể lộ liễu mạnh bạo (thô) hoặc nhẹ nhàng, kín đáo, khó nhận biết (tế).
3. Hóa giải thử thách
Đối với người có Đạo, thử thách vừa là hậu quả vừa là nguyên nhân. Quả tốt là nhờ thiện nhân đã gieo trong kiếp trước. Quả xấu là nợ phải trả, đôi khi nhờ tu mà được trả nợ sớm. Nhiều trường hợp cho thấy khảo đảo là nguồn nhân để tạo quả tốt về sau. Đó là trường hợp các Đấng Thích Ca, Khổng Tử, Giêsu đón nhận thử thách, tỏa sáng thánh hạnh cho muôn đời và thành tựu đạo nghiệp lớn lao cho hậu thế.
Chúng ta nên bình tĩnh nhìn thẳng vào thử thách đang xảy ra cho cá nhân hay tập thể để nghiệm sâu về lý và sự nhân quả ẩn trong biệt nghiệp hoặc cộng nghiệp mà chúng ta đang gánh chịu. Hiểu rõ như vậy giúp ta bình tâm trước thử thách và biết cách hóa giải thay vì hoảng loạn tâm trí rồi tạo thêm nghiệp xấu.
Thấy biết đúng đầu đuôi gốc ngọn của khảo đảo và suy nghĩ đúng. Chánh kiến và chánh tư duy giúp ta chọn ra giải pháp thích hợp cho mỗi tình huống thử thách khó khăn, đồng thời hiểu được thân phận của người để chia sẻ, bao dung và cứu độ họ.
Có chánh kiến, chánh tư duy mới đem lại nhận thức đúng nhưng từ nhận thức đến kết quả là một quãng cách khá lớn đòi hỏi phải thực hiện bằng hành động một cách nghiêm chỉnh và tinh tấn. Nghiêm chỉnh là làm cho chu đáo, không cẩu thả, qua loa. Tinh tấn là liên tục, tinh chuyên không gián đoạn vì lười biếng, giải đãi.
Hành động nói trên đây là gì? Đó là học hỏi và công phu. Học hỏi để thu thập kinh nghiệm của loài người xưa nay về cách thức họ giải quyết thử thách. Công phu để có độ dày và sức mạnh tâm linh, đầy đủ thanh tịnh và sáng suốt giúp nhìn thấy mọi vấn đề của thử thách mình đang gặp phải, nhận ra các hệ quả hoặc tốt hoặc xấu có thể phát sinh do cách ứng phó của mình.
Không phải đến lúc thử thách hiện ra mình mới học hỏi và công phu, mà đây là công trình hàm dưỡng lâu dài, được tích lũy và tôi luyện thành chìa khóa để sẵn sàng dùng đến.
Thời điểm cầu nguyện khi đối diện thử thách là thời điểm chúng ta cầu xin Ơn Trên soi dẫn để chọn lựa chiếc chìa khóa thích hợp nhằm tháo gỡ cơn nguy biến.
Mỗi chúng ta là một tiểu linh quang nên ai cũng được thọ bẩm Thiên Tánh. Trong Thiên Tánh ấy sẵn tiềm ẩn đức tin. Một khi hội đủ nhân duyên, đức tin hiển lộ và phát triển nhờ học tập và công phu. Đồng thời, đức tin cũng thường được thử thách để trở nên tinh ròng, cứng cáp.
Đức tin thuộc chánh tín, phát huy trí tuệ khác hẳn với mê tín, cuồng tín.
Chúng ta thọ lãnh hồng ân ngộ Đạo thì phải nên giữ vững đức tin, duy nhất đường tu cầu đắc Đạo và để lòng từ bi độ rỗi chúng sanh còn trầm luân nơi biển khổ.
*
Nhận thức được vai trò và giá trị của đức tin đối với người tu, chúng ta nên phát nguyện tu học. Sống đạo là sống đức tin. Hồ nghi, giải đãi, lười biếng đều là chướng ngại lớn đối với môn sinh.
Nói về phép thử đối với người thường cõi thế gian, danh ngôn có câu: “Người ta dùng lửa thử vàng, dùng vàng thử người nữ và dùng người nữ thử người nam.”
Đối với người tu, bên cạnh những thử thách mang tính vật chất hữu hình còn lắm cách thử tinh vi, tế nhị xảy ra cho các Đấng Giáo Tổ, các bậc Thánh Gia, Thiên Sứ.
Thử thách là điều kiện tôi luyện đức tin, nung đúc chí hướng phụng đạo, cứu độ quần sinh. Có đức tin son sắt mới viên mãn đường tu chu toàn sứ mạng.
Đức Quảng Đức Chơn Tiên dạy:
Lọc vàng loại chất cặn ra,
Vàng càng nung lửa, càng gia tuổi vàng.
Giáo Sư THƯỢNG VĂN THANH
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài




[1] Trung Hưng Bửu Tòa, ngày 30-01 Đinh Dậu (01-3-1957).
[2] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, đàn ngày 13-3-1926.

Thánh ngôn
Sự chơn thật và sự giả dối, mắt phàm các con đâu có thể phân biệt đặng; một trường thử Thánh, Tiên, Phật vì vậy mà phải lập nơi thế gian nầy...
... một trường thi công quả, các con muốn đến đặng nơi cực lạc thì phải đi tại cửa nầy mà thôi.
“Nay tuy các con chẳng thấy đặng hành vi mầu nhiệm, mà chính mình Thầy đã đến nói, các con cũng nên tin nơi thầy mà cho rằng lời Thầy dạy là chơn thật. Nếu các con đợi đến buổi chung quy, hồn ra khỏi xác mới thấy cơ mầu nhiệm đặng, thì chừng ấy đã muộn rồi.”
Đức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I,
đàn ngày 04-8-1926.