Thánh Tịnh Vĩnh Minh Quang tọa
lạc tại khu phố 4, thị trấn Vàm Láng (trước đây là ấp Đôi Ma 1, xã Vàm Láng), huyện Gò Công Đông,
tỉnh Tiền Giang. Vàm Láng cũng như ba xã
Gia Thuận, Tân Phước, Tân Tây là một doi đất, nằm sát cửa sông Soài Rạp, hướng
ra biển Đông.
Năm 1929 các ông Đỗ Văn Bang, Lại Văn Giàu, Nguyễn Văn Bá, Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Văn
Đức, Nguyễn Văn Nhì, Nguyễn Văn Tòng, Trần Văn Phó…
là dân ở bốn xã nói trên
nhập môn Cao Đài tại Vĩnh Nguyên Tự (nay ở xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh
Long An). Các ông được tiền bối Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt (1890-1947) hướng dẫn tu học.[1]
Ngày 01-11-1932 (05-10 Nhâm Thân) được
tiền bối Hộ Pháp Phạm Công Tắc ký “Giấy
thông hành cho đi lo việc đạo” có tiền bối Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung “phê chuẩn và vi chứng”, tiền bối Ngọc Đầu
Sư với tư cách “Hiệp Thiên Đài chủ pháp
tịnh thất Ngọc Lịch Nguyệt” có trách nhiệm đến “các nhà tịnh và các chi phái mà thuyết minh chơn truyền bí pháp Đại
Đạo”. Từ đó tiền bối Ngọc Đầu Sư đã đến nhiều nơi để giảng thuyết chơn
truyền, dạy người làm lành lánh dữ ở nhiều thánh thất như Bình Luông Đông, Định
Thủy, Tân Thanh Bình, Vĩnh Bình, Vĩnh Lợi, v.v… (Ngày 25-12-1933 tiền bối giảng
đạo ở thánh thất Giồng Bốm, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.)
Năm 1934 tại Vĩnh Nguyên Tự tiền
bối Ngọc Lịch Nguyệt thu nhận thêm nhiều bổn
đạo đến từ bốn
xã nói trên. Mỗi kỳ sóc vọng, tín đồ từ
Gò Công về Vĩnh Nguyên Tự hoặc chèo xuồng, hoặc đi đường bộ, mất rất nhiều thời
giờ. Thỉnh thoảng tiền bối Ngọc Lịch Nguyệt thân hành tới xã Tân Phước thăm bổn
đạo, dạy giáo lý. Ông Nguyễn Văn Chấn (thánh danh là Thiên Phát Tử) được tiền
bối Ngọc Đầu Sư trao trọng trách hướng dẫn bổn đạo xã Tân Phước.
Cuối năm 1940 tiền bối Ngọc Đầu
Sư hội ý với bổn đạo Tân Phước bàn việc gầy dựng cơ sở đạo tại địa phương.
Ngày 02-02-1941 thành lập cơ
sở đầu tiên với danh xưng Văn Phòng Đại Đồng Hiệp Nhứt Vĩnh Phước Tự, đặt trên
đất mượn ở xã Tân Phước. (Lúc nầy đã có thánh thất của Ban Chỉnh Đạo ở Tân
Phước.)
Năm 1943 dân chúng bốn xã
Gia Thuận, Tân Phước, Tân Tây, Vàm Láng nhập môn khá đông. Nơi thờ tự quá nhỏ
hẹp, hơn nữa đất thì mượn tạm; bổn đạo xin tiền bối Ngọc Đầu Sư cho dời về Gia
Thuận hoặc Tân Tây.
Ngày 01-02-1943 Văn Phòng
Đại Đồng Hiệp Nhứt Vĩnh Phước Tự (tiền thân của Vĩnh Sơn Quang ngày nay) được
thành lập tại xã Gia Thuận dưới sự chứng kiến của tiền bối Ngọc Đầu Sư.
Ngày 04-01-1944 tiền bối Ngọc
Lịch Nguyệt bị thực dân Pháp bắt đày nhà tù Côn Đảo. Sau khi Nhật đảo chánh
Pháp, tiền bối trở về đất liền ngày 25-8-1945. Tiền bối về Tòa Thánh Tây Ninh,
không lâu sau lại trở về Vĩnh Nguyên Tự. Tiền bối đi Gò Công thăm bổn đạo Văn Phòng
Đại Đồng Hiệp Nhứt Vĩnh Phước Tự ở xã Gia Thuận.
Năm 1947 tiền bối Ngọc Đầu
Sư đến xã Tân Tây (Gò Công) lập Văn Phòng Đại Đồng Hiệp Nhứt Tân Tây Tự (tiền
thân của Vĩnh Hòa ngày nay), giúp đạo hữu ở Tân Tây có nơi tu học thuận tiện.
Các đạo hữu ở xã Vàm Láng và Tân Phước vẫn đến tu học chung tại Đại Đồng Hiệp
Nhứt Vĩnh Phước Tự (tiền thân của Vĩnh Sơn Quang ngày nay).
Ngày 15-10-1947 (02-9 Đinh
Hợi), lúc 6 giờ chiều tiền bối Ngọc Đầu sư Lê Văn Lịch quy thiên tại nhà riêng
trên đường Lacaze (nay là
Nguyễn Tri Phương), gần ngã ba Đào Duy Từ (Chợ Lớn), an táng tại Vĩnh Nguyên
Tự.
Năm 1954 rất đông đạo hữu ở
xã Vàm Láng đến Vĩnh Sơn Quang nhập môn.
Năm
1955 các ông Lê Văn Thửa (Ba Sử), Nguyễn
Văn Mão (Sáu Mão), Phan Văn Miêng, Trần Văn Bộ (Năm Vinh), và
bà Nguyễn Thị Biếu (Bảy Sẳng) được Vĩnh Sơn Quang
trợ giúp xây cất một ngôi thờ cạnh mé sông Cần Lộc, sát mé rừng thuộc ấp Cần Lộc, xã Kiểng Phước, quận Hòa Tân (nay thuộc thị trấn Vàm Láng). Sau đó thỉnh họ đạo xã Gia Thuận
đến làm lễ thượng Thiên Nhãn.
Từ năm 1956 đến 2012, ngôi
thờ này được sửa chữa sáu lần, và họ đạo công cử chín vị hội trưởng, lần lượt như
sau:
Năm 1956 công cử Phan Văn
Miêng chủ trì ngôi thờ.[2] Bảng hiệu “Văn Phòng Đại Đồng
Hiệp Nhứt, ấp Cần Lộc, xã Kiểng Phước, quận Hòa
Tân, tỉnh Gò Công”
được trưng trước cổng.
Năm 1959 Văn Phòng Đại Đồng
Hiệp Nhứt ở ấp Cần Lộc được Thiêng Liêng giáng cơ ban cho danh xưng thánh tịnh Vĩnh Minh Quang.
Năm 1962 chiến tranh càng ác
liệt, việc đi lại quá khó khăn
nguy khốn, nhiều người tản cư. Bổn đạo cầu nguyện xin dời thánh tịnh từ mé rừng ra ngoài mặt lộ cho thuận
tiện hơn. Ông Trương Minh Thế hiến tặng phần đất 1.595,10 mét vuông, sát mặt lộ
871, thuộc ấp Đôi Ma 1, xã Vàm Láng. Bổn đạo chung sức cất thánh tịnh mới.
Năm 1965 họ đạo gia nhập Giáo Hội Cao Đài Thống Nhứt (số 221 Bến Vân Đồn, quận 4, Sài Gòn).
Ông Nguyễn Văn Mão cùng bổn
đạo xây cất bán kiên cố tam đài (Bát Quái Đài, Cửu Trùng Đài, Hiệp Thiên Đài)
và hậu đường.
Tháng 4-1972 ông Phan Văn
Giáo cùng bổn đạo xây cất kiên cố tam đài (Hiệp Thiên Đài, Cửu Trùng Đài và Bát
Quái Đài).
Năm 1975 công cử hội
trưởng Tạ Văn Cứ (Hai Bún).
Năm 1977 ông Tạ Văn Cứ cho cất
lại hậu đường, xây phòng trù (nhà bếp).
Năm 1999 ông Tạ Văn Cứ và ông
Huỳnh Văn Hiền xin hoàn nguyên về Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên.
Ngày 08-5-2000 công cử hội trưởng Huỳnh Văn Hiền (Sáu
Non).
Tháng
6-2000 thánh
tịnh chính thức hoàn nguyên về Hội Thánh Cao
Đài Tiên Thiên.
Năm 2003 công cử hội trưởng
Nguyễn Văn Mới.
Năm 2007 ông Nguyễn Văn Mới
cùng họ đạo xây cất lại Thiên Phong Đường, đông lang, tây lang.
Năm 2012 ông Huỳnh Văn Sạch
và đồng đạo xây cất lại tam đài từ tháng 2 đến tháng 7 thì hoàn thành. Lễ lạc thành tổ chức trong hai ngày 9 và 10-7-2012.
*
Nhớ ơn Ngọc tiền bối, hàng
năm Vĩnh Minh Quang, Vĩnh Sơn Quang, Vĩnh Hòa ở Gò Công (gọi tắt Tam Vĩnh) và
Vĩnh Nguyên Tự ở Long An luân phiên tổ chức đại lễ tưởng niệm Đức Đầu Sư Ngọc
Lịch Nguyệt vào ngày 03 tháng 9 âm lịch (ngày giỗ chánh tại Vĩnh Nguyện Tự là
02 tháng 9 âm lịch).
PHỤ CHÚ: ĐẦU SƯ NGỌC LỊCH NGUYỆT
Tiền bối Ngọc Đầu Sư Lê Văn Lịch
(thánh danh Ngọc Lịch Nguyệt) là một trong những vị chức sắc đại thiên phong có
công lớn trong thời kỳ khai nguyên đạo Cao Đài. Tiền bối sinh ngày
14-10-1890 (01-9 Canh Dần) tại xã Long An, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là
tỉnh Long An). Thân phụ là Lê Văn Tiểng (1843-1913), đạo hiệu Lê Đạo Long, phẩm
Thái Lão Sư trong đạo Minh Sư, sáng lập chi Minh Đường với ngôi Vĩnh Nguyên Tự
tại quê nhà.
Tiền bối Lê Văn Lịch tu theo thân
phụ, đến phẩm Dẫn Ân (nhị thừa), đạo hiệu Lê Xương Tịnh. Sau khi thân phụ quy
thiên năm 1913 (chứng quả Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn), Lê tiền bối tiếp nối đạo
nghiệp thân phụ, trụ trì Vĩnh Nguyên Tự.
Ngày 04-3-1926 (20-01 Bính Dần) Đức
Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn giáng cơ tại Vĩnh Nguyên Tự dạy tiền bối Lê Văn Lịch
và môn sanh Minh Đường quy hiệp Cao Đài.
Ngày 08-4-1926 (26-02 Bính Dần) Đức
Cao Đài dạy tiền bối Ngọc Lịch Nguyệt phải bày bửu pháp chứ không được giấu
nữa. Ngọc Đầu Sư đã truyền pháp môn tu tịnh định cho ba vị Lê Văn Trung, Cao
Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc vào hạ tuần tháng 02 Bính Dần. Sau đó thêm hàng trăm
vị được dạy tu tịnh.
Ngày 26-4-1926 (15-3 Bính Dần), tiền
bối Lê Văn Lịch thọ Thiên phong phẩm Đầu Sư phái Ngọc (Ngọc Lịch Nguyệt). Tiền
bối Ngọc Đầu Sư có công soạn kinh nhựt tụng Cao Đài mượn lại kinh Minh Đường (bài
Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo và ba bài kinh xưng tụng Tam Giáo Đạo Tổ). Tiền
bối Ngọc Lịch Nguyệt còn lo lập lễ nhạc.
Sau ngày khai tịch Đạo 29-9-1926
(23-8 Bính Dần), tuân theo lời dạy của Đức Cao Đài, từ ngày 13-10-1926 (07-9
Bính Dần), tiền bối Ngọc Đầu Sư dẫn đầu nhóm phổ độ Lục Tỉnh thứ nhì (trong số
ba nhóm) gồm các tiền bối Nguyễn Ngọc Tương, Yết Ma Luật… phụ trách các tỉnh Chợ
Lớn, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre. Nhóm này do hai vị Nguyễn Trung Hậu và
ông Trương Hữu Đức phò loan. Tương truyền trong vòng một tháng đi các nơi lập
đàn cơ phổ độ và giảng đạo, đã độ được khoảng 65.000 người nhập môn.
ĐẠT TRUYỀN
Cơ
Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo