Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

ĐĐVU 07-08 / TRẮNG TRẮNG ĐEN ĐEN / Phêrô Hòa Đức

Image result for BLACK & WHITE
Chuyện thời sinh viên
Vào năm thứ hai đại học, giờ học môn luận lý học (logic) hôm ấy thật sôi nổi khi thầy giáo áp dụng phương pháp hỏi-đáp để truyền đạt nhận thức và lập luận.
Thầy hỏi: “Trái nghịch với màu trắng là màu gì?”
Đa số sinh viên thinh lặng trước câu hỏi mà đáp án khá là dễ, vì còn ngần ngừ tự hỏi không biết thầy có gài bẫy chăng?! Vài phút trôi qua, cuối cùng cũng có người lên tiếng: Thưa thầy, đó là màu đen!
Thầy: “Cả lớp thưởng cho bạn vừa trả lời một tràng vỗ tay đi nào! [Tiếng vỗ tay rộn ràng vang lên.] Và, ngược với màu đen là màu...?”
Lúc này, khi giọng thầy đang kéo dài chữ “màu...” thì cả lớp chẳng ai bảo ai đồng thanh “điền vào chỗ trống” ngay lập tức: “Trắng!”
Thầy: “Cả lớp cùng vỗ tay cho nhau nào!” [Tiếng vỗ tay càng rộn ràng và “hoành tráng” hơn lúc trước nữa.]
Ngay khi ấy, thầy mỉm cười: “Vỗ tay là khen các em can đảm và nhiệt tình trong học tập, nhưng thực ra hai câu trả lời của các em đều... trật cả!”
Đến lượt thầy cười, nhưng chỉ mình thầy thôi, còn cả lớp ngơ ngác: Sao lạ nhỉ?! Trắng phải nghịch với đen chứ? Đen là sự đối kháng của trắng mà!
Thầy đưa ra đáp án: “Trong luận lý học, đối nghịch (hay mâu thuẫn) của màu đen là màu không đen, và nghịch với màu trắng chính là màu không trắng!”
Chuyện hôm nay
Đến thăm thánh thất Sài Gòn hôm ấy [24-4-2013] là hơn sáu mươi nữ tu sinh viên thuộc các Hội Dòng Mến Thánh Giá. Đa số các chị mặc tu phục màu đen huyền diệu. Đón tiếp các học viên Công Giáo là những người bạn Cao Đài mang đạo phục trắng tinh khôi.
Nhưng điều khiến tôi quan tâm và lưu ý nhất chính là thái độ của những người mang hai sắc màu y phục tương phản nhau.
Tôi nghĩ họ sẽ có thái độ dè dặt, cẩn trọng trong cuộc trò chuyện lần đầu tiên này. Nhưng trái với dự đoán của bản thân, cả đôi bên chuyện trò với nhau – trao đổi cá nhân lẫn tập thể – thật cởi mở và chân tình. Cứ nhìn những nụ cười tươi nở thường trực trên gương mặt họ, thấy những ánh mắt thân thiện và nghe cuộc trao đổi nhiệt tình về chuyện nhà đạo giữa họ, là tôi lại cười thầm về những suy đoán khác hẳn với thực tế mình chứng kiến.
Và tôi còn cười mình nhiều hơn nữa, khi nhớ lại bài học thời sinh viên thuở nào. Xem ra tôi vẫn chưa thấm nhuần bài học ngày đó: Trò vẫn đinh ninh Đen Trắng phải rạch ròi, đã Đen thì không thể đội trời chung với Trắng, và ngược lại.
Thầy đã gắng công giải thích cho trò hiểu và cũng mong phá vỡ định kiến của trò về quan niệm đối kháng cứng ngắc về những chuyện tưởng chừng như mâu thuẫn trong cuộc sống thường nhật. Thầy mong truyền thụ cho trò một cái nhìn khoáng đạt, cởi mở và bớt gay gắt hơn về những con người và sự kiện mà trò vẫn cho là trái nghịch với nếp nghĩ cùng cách cư xử của mình: Trắng không phải là đối nghịch với Đen! Trắng Đen vẫn có thể chung sống hài hòa và hơn nữa, cùng nhau làm phong phú hóa cuộc đời này.
Hình ảnh thân thiện của những tu sĩ và đạo hữu mang màu áo khác nhau càng giúp tôi xác tín vào bài học năm xưa và thấm thía hơn lời dạy của thầy. Ngay lúc ấy, lời hát Kinh Hòa Bình [1] được cất vang lên lòng tôi lâng lâng theo từng cung nhạc và ngây ngất với ý nghĩa của ca từ:
“Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”
Những cặp từ xem ra mâu thuẫn nhau lại được kết hợp hài hòa đáng yêu: cho đi là nhận lãnh; từ bỏ cái tôi ích kỷ, hèn mọn thì gặp được chính cái tôi mới mẻ, quảng đại, sáng tươi; khi nhắm mắt xuôi tay lại là lúc vui sống muôn đời.
Đẹp thay buổi hội ngộ giữa quý đạo hữu hai tôn giáo; thật hay khúc hòa ca huynh đệ của những người mang niềm tin khác nhau, nhưng tương liên với nhau trên hành trình hướng về Chân - Thiện - Mỹ! Đẹp thay những người đang sống lý tưởng cao rao Tình Yêu của Đấng Tối Cao cho nhân sinh!
Phêrô HÒA ĐỨC
www.nhipcautamgiao.net



[1] Kinh Hòa Bình rất phổ biến trong cộng đồng Công Giáo, tương truyền do Thánh Phanxicô thành Átxidi (thế kỷ 13) sáng tác lời kinh; nhưng lại có ý kiến cho rằng đây là lời cầu nguyện của một tác giả khuyết danh.
Năm 1912, tại Pháp, báo La Clochette (Cái Chuông Nhỏ) in bài Belle Prière à Faire Pendant la Messe mà không ghi tên tác giả. Năm 1915, bài này này được gởi đến Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV. Sau đó, một bản tiếng Ý được in trên một tờ báo của Vatican. Năm 1920, trên mặt sau tấm hình Thánh Phanxicô thành Átxidi, một linh mục dòng Phanxicô in lời kinh với nhan đề Prière pour la Paix (Kinh Cầu Cho Hòa Bình), không ghi tên tác giả. Bản tiếng Việt nhan đề Kinh Hòa Bình (không biết người dịch, xuất hiện năm nào) được linh mục Phêrô Nguyễn Kim Long (sinh năm 1941, bút danh Kim Long) phổ nhạc:
Lạy Chúa từ nhân,
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục
Ðem an hòa vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Ðể con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.
Lạy Chúa xin hãy dạy con:
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con,
Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.
[Văn Uyển chú, theo vi.wikipedia.org]