Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

ĐĐVU 04 / NHO TÔNG CHUYỂN THẾ / Thanh Căn


TẠI SAO GỌI LÀ NHO TÔNG CHUYỂN THẾ?
Đức Lý Giáo Tông dạy:
Đêm hăm sáu mùa Thu Nhâm Tý
Chí Thiện Đàn, giáo lý hoằng dương
Nho Tông chuyển thế lập trường
Tam Tông quy hợp mở đường chân tông.
(…)
Trước Nho Tông chuyển kỳ cứu thế
Giúp con người thoát bể tệ đoan
Làm cho người tỉnh mộng tràng
Luân thường đạo lý mở màn phục hưng.([1])
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển có câu:
Nho Tông phục thế hưởng thuần phong.([2])
Nho Tông chuyển thếNho Tông phục thế là hai giai đoạn nối tiếp nhau trong công cuộc hoàn thiện hóa xã hội nhân sinh và bổ trợ cho con đường giải thoát của Tiên TôngPhật Tông để thành tựu được Chân Tông trong tiêu điểm của tôn chỉ Cao Đài.
Nho Tông 儒宗 nghĩa là tôn chỉ của Nho Giáo bao gồm Tam Cang Ngũ Thường và Tam Tùng Tứ Đức.
Chuyển thế 轉世thay đổi, chuyển hóa cuộc đời.
Phục thế 復世 là trở về cuộc đời tốt đẹp hơn.
Nho Tông chuyển thế là tôn chỉ của Nho Giáo nhằm cải tạo cuộc đời, thay đổi cuộc đời của từng cá nhân và xã hội từ xấu ra tốt, từ kẻ tiểu nhơn thành người quân tử.
Nho Tông phục thế là tôn chỉ của Nho Giáo nhằm khôi phục lại cuộc đời thuần lương thánh đức từ chỗ ác trược.
Cuộc đời con người nơi thế gian đã và đang thế nào mà phải cần chuyển đổi theo đường lối Nho Tông?
Đức Lý Giáo Tông dạy về thực trạng thế tình:
Dứt lòng tục, ruổi dong đường đạo
Nhìn lại đời, áo não biết bao
Kẻ thì tranh đoạt quyền cao
Người thì danh lợi, đua nhau giựt giành
Kìa là chốn thị thành náo nhiệt
Toàn cả đều mài miệt thân sanh
Theo mùi vật chất cạnh tranh
Vì quyền, vì lợi, vì danh, vì tình.([3])
Đoạn nầy cho ta thấy hình ảnh của một người chơn tu đã dứt bỏ lòng phàm, quyết chí dấn thân vào đường đạo và quay lại nhìn đời mà chạnh lòng áo não. Nhiều người vì quá tham quyền, tham lợi, tham danh và mê đắm dục tình nên đành để cho lương tri ngủ vùi dưới tận đáy tâm hồn mờ mịt; để cho đạo đức tiêu mòn nhường chỗ cho rong rêu hiểm ác phủ mờ cả gia phong quốc thể.
Danh quyền, lợi lộc, tình cảm thật ra ở đời sống bình thường ai cũng cần có, nhưng là có trong thực danh thực quyền; có trong lợi chơn lộc chánh; có trong tình cảm cao thượng tùy theo đức độ và tài năng tu chí của mỗi người, chớ đâu cần phải bán mua hay giành giật mới có.
Xem bề mặt hữu hình vẻ đẹp
Nào lầu cao liên tiếp dọc ngang
Ngựa xe rầm rộ chật đàng
Trai tài gái sắc, điểm trang khoe mình.
Thốt toàn lời dục tình hoa nguyệt
Mở miệng ra chỉ biết lợi danh
Đua nhau quyền tước đấu tranh
Yếu thua mạnh được kết thành đảng phe.([4])
Đoạn nầy cũng cho thấy dân giàu nước mạnh là điều mà ai ai cũng mong muốn, nhưng giàu trong sự làm ăn chơn chánh; không trốn sưu lậu thuế; không liên kết gian thương; không bán hàng quốc cấm. Bằng ngược lại thì cái mã giàu sang kia chỉ như cánh phù dung sớm nở tối tàn thì bảo nước non làm sao vững mạnh được?
 Vì quá xem trọng vật chất kim tiền để thỏa mãn lòng tham đắm kiêu sa, để cho mọi người nể phục về sự thành đạt của mình qua nhà cao cửa rộng, qua xe cộ đắt tiền, v.v… người ta đã nuôi dã tâm và có những hành vi phi nhân bất nghĩa với đồng bào, đồng loại để giành cuộc sống phù hoa cho mình mà nồi da xáo thịt lẫn nhau, gây thảm họa chiến tranh từ trong gia đình tới xã hội và thế giới nhân loài. Điều nầy được chứng minh trên các phương tiện truyền thông mà hằng ngày chúng ta thường nghe thấy.
Thế giới càng mở cửa thông thương, bên cạnh những ngọn gió lành thổi vào những tiện ích cho đời sống vật chất và tinh thần, còn có những làn gió độc hại phi văn hóa lùa vào khiến bao người vì đạo đức yếu ớt đã bị quật ngã thảm thê, tệ nạn xã hội tăng lên, mỹ tục thuần phong giảm xuống.
Tuy nhiên, đối diện trước thực trạng đó, chúng ta cũng không phải bi quan mà nản lòng tiến thủ trên đường tu thân độ chúng, vì vẫn còn có nhiều trang ưu thời mẫn thế đã và đang dựng lại nền tảng Nho Tông với hoài bão chuyển phục thế tình.([5])
Như thế, hai giai đoạn chuyểnphục là hai tác nhân tích cực để Nho Tông hoàn thành mục tiêu Đại Đạo, mà sứ mạng của người Cao Đài rất cần được phát huy đúng hướng như bài kinh Cầu Nguyện Long Hoa có câu:
Long Hoa chuyển phục nhơn lành
Tương công chiết tội phân rành thiệt hư.
Công cuộc chuyển phục “nhơn lành” trong Tam Kỳ Phổ Độ bằng sự ứng dụng Nho Tông trong đường lối Cao Đài.
ỨNG DỤNG NHO TÔNG TRONG ĐẠO CAO ĐÀI
Nho Giáo du nhập nước ta từ thời Hậu Hán tức khoảng đầu Công Nguyên. Trải qua những cuộc thăng trầm của lịch sử trong hàng ngàn năm, giáo thuyết Nho Tông đã khúc xạ vào đời sống và in sâu vào máu thịt của dân Việt chúng ta, đến độ không còn là Hán Nho hay Tống Nho nữa, mà trở thành Việt Nho, lưu lại tinh túy Nho Tông siêu việt, để rồi hòa quyện cùng nguyên lý Phật Tông và Tiên Tông, trở thành Tam Tông chơn giáo trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ với hình thức ngoại giáo công truyền chú trọng Nhơn Đạo gắn liền với ý nghĩa Thiên Đạo được thể hiện ở ba phần giáo nghi, giáo luật và giáo lý.
1. Về giáo nghi
Nếu bảo trật tự là công lệ đầu tiên của Tạo Hóa thì Lễ cũng là trật tự của xã hội, là nghệ thuật giao tiếp giữa người với người trong khuôn khổ duy trì, bảo vệ và tôn trọng nhân phẩm và nhân vị lẫn nhau. Đó cũng là ý nghĩa của nghi thức Quan, Hôn, Tang, Tế kèm theo Lễ Nhạc cúng kính trong đạo Cao Đài.
Đức Khổng Tử tuyên bố rằng Ngài không lập ra một Đạo mới, chỉ thuật lại cái Đạo của thánh xưa, miễn sao mọi người tiếp thu đạo thánh hiền là được.([6]) Ngài chủ trương dùng thi ca để gây hứng khởi làm điều tốt (hưng ư thi 興於詩); dùng lễ để lập thân hành đạo (lập ư lễ 立於禮); dùng âm nhạc để tu dưỡng và hoàn thành nhân cách (thành ư nhạc 成於樂). Chủ trương của Ngài được đạo Cao Đài áp dụng trong nghi thức tôn giáo mang đậm sắc thái văn hóa Việt Nam.
a. Hưng ư Thi là làm nổi bật lên tình cảm cao thượng của con người bằng những câu văn có vần có điệu chan chứa trong những bài kinh về quan, hôn, tang, tế thuộc về phần Thế Đạo.
Lễ Gia Quan 加冠 theo truyền thống xưa là lễ đội mũ cho con trai đúng 18 tuổi, đến thời kỳ thành niên. Con gái đến 16 tuổi thì được hành lễ Gia Kê 加笄 hay Cập Kê 及笄 (cài trâm). Hiện nay không thấy ai còn hành các lễ Gia Quan hay Gia Kê theo nghi thức Cao Đài nhưng Lễ Bổn vẫn còn các bài kinh về lễ ấy, mục đích nhắc nhở người con trai, con gái phải làm gì khi bước chân vào đời:
Tánh lành gồm đủ lễ nghi
Tam Cang, Ngũ Đức khắc ghi vào lòng.
Ơn nhà nợ nước vẹn xong
Xứng câu hồ thỉ tang bồng ([7]) rạng danh.
(Kinh Gia Quan)
Noi gương cử án tề mi ([8])
Gái tài Mạnh Thị vui bề gia phong
Công, dung, ngôn, hạnh trau lòng
Làu làu tuyết giá,([9]) khuê phòng rạng gương.
(Kinh Gia Kê)
Lễ Hôn Phối là một nghi lễ trong Lễ Bổn theo quy định của Tân Luật (Thế Luật). Các bài kinh hôn phối nhằm nêu rõ sự hệ trọng của đạo nhơn luân bắt đầu từ nghĩa lý “Tạo đoan hồ phu phụ” và lời nguyền giữ đạo phu thê:
Xui cho trẻ chữ đồng đừng lạc
Ở cùng nhau đầu bạc trọn tình
Giàu nghèo cũng chẳng bất bình
Nhớ câu tấm mẳn phải gìn cháo rau.
(Kinh Làm Lễ Tơ Hồng)
Lễ Tang, Lễ Tuần là phần cầu độ siêu rỗi cho người quá vãng và cũng là thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa đối với ông bà, cha mẹ, anh em hay vợ chồng khi phải gặp cảnh tử biệt.
Với cha mẹ:
Ơn cúc dục cù lao mang nặng
Lỡ thân côi mưa nắng khôn ngừa
Âm dương cách bóng sớm trưa
Thon von phận bạc không vừa hiếu thân…
(Kinh Cúng Cha Mẹ)
Với anh em:
Niềm thủ túc đã đành vĩnh biệt
Càng nhớ nhau càng tiếc tình nồng
Thân nhau từ buổi lọt lòng
Chén cơm dĩa muối cũng đồng chia nhau…..
(Kinh Cúng Huynh Đệ Mãn Phần)
Với vợ chồng:
Niềm ân ái thân hòa làm một
Nghĩa sơ giao khắc cốt ghi xương
Nhắn mưa gởi gió đưa thương
Từ đây thiếp tỏ đoạn trường với ai.
Càng nhớ đến những ngày hội ngộ
Càng ngổn ngang mối nợ tình chung
Đã đành bẻ gãy chữ đồng
Hiển linh xin chứng tấm lòng tiết trinh
(Kinh Vợ Cúng Chồng)
Lễ Tế Chiến Sĩ Trận Vong là một nghi thức long trọng để bày tỏ lòng tưởng nhớ đến những anh hùng liệt sĩ đã vì nước quên mình:
Trước lễ mọn tửu trà đạm bạc
Nghĩa sanh tồn sống thác như nhau
Hỡi nầy chiến sĩ đồng bào
Vui tươi giữa lúc tương rau mặn nồng
Vì quốc thể trận vong chiến sĩ
Cảnh lầm than, binh bị tử thương
Cầu cho hồn đặng an khương
Anh linh hiển hích trên đường cứu dân…
(Kinh Cầu Hồn Chiến Sĩ)
b. Lập ư Lễ Thành ư Nhạc là dựng nên hình thức lễ tiết trong các nghi cúng tế để tạo mối giao cảm giữa người với các Đấng thiêng liêng, đồng thời tuân thủ những quy định cần thiết để tạo ra sự đồng điệu hòa hợp giữa người với người và tiết chế sự tự do phóng túng.
Trong một thời cúng đại đàn, sau phần Lôi Âm Cổ khởi và Bạch Ngọc Chung minh là nhạc tấu Quân Thiên, tiếp giá Đức Ngọc Hoàng và cung nghinh các Đấng. Khoảnh khắc nầy, ai chưa kịp vào đàn cúng thì ở đâu đứng yên đó, im lặng nghiêm trang, không được di chuyển khi trống nhạc Quân Thiên chưa dứt.
Hai hàng Lễ Sĩ dâng lễ Thầy đi theo lối chữ Tâm theo như thánh ngôn dạy, có nghĩa là dâng trọn tâm hồn cho Đấng Từ Phụ thiêng liêng qua các lễ phẩm hương, hoa, tửu, trà … đều hòa chung từng tiết nhịp của trống nhạc, từng bước nhún của Lễ Sĩ và từng quãng thài ngân nga của đồng nhi, như:
Trầm đàn… khói kết… năm mây
Giới hương... Định Huệ… năm cây… cung chầu.
(Bài thài tuần hương)
Những bài bản cổ nhạc được sử dụng trong lễ cúng đại đàn đều hàm ẩn lý đạo trong đó. Chẳng hạn:
* Để ám chỉ thời kỳ hồng mông của vũ trụ, chưa phân định âm dương, âm thanh đưa qua trộn lại không đứng yên một chỗ, đó là bản Xàng Xê.
* Để ám chỉ trên trời có Ngũ Khí, dưới đất có Ngũ Hành, con người ở giữa có Ngũ Tạng, đó là bản Ngũ Đối ThượngNgũ Đối Hạ.
* Để ám chỉ cảnh thái bình lạc nghiệp âu ca thì có bản Long Ngâm, với câu: Hổ khiếu long ngâm quang thế giới / Thái bình nhất thống lạc như hà:([10]) Cọp hú rồng ngâm thế giới sáng / Thái bình thống nhất vui làm sao.
Nêu vài dẫn chứng trên để chúng ta có thể nhận ra rằng, tác dụng của Lễ Nhạc nhằm hướng đến các tiêu điểm như:
Hàm dưỡng tính tình trở nên đôn hậu, làm nền cho đạo Nhân, vì Lễ-Nhạc-Nhân ở đây được coi là một thể thống nhất gắn kết bởi cái tâm chí thành, không phô trương giả dối, cho nên Đức Khổng Tử mới nói: “Một người chẳng có lòng nhân, coi chữ lễ có ra gì? Một người không có lòng nhân sao có thể tấu nhạc?” ([11])
Giữ tình cảm ở mức trung dung, trung thứ. Trung dung là không để tình cảm của hỷ, nộ, ái, ố… phát ra bừa bãi làm cho bổn tâm thiên lệch. Trung thứ là “điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”.([12])
Xác định phân minh lẽ phải trái, trật tự trên dưới. Để tâm hồn mình hòa điệu trong cùng một đại sinh mệnh của vũ trụ vạn vật, do Đạo Người mà đạt đặng Đạo Trời.
Tiết chế những thị dục thường tình, dung tục. Đức Khổng Tử nói về việc khắc kỷ phục lễ là “Việc trái lễ chớ xem, không hợp lễ chớ nghe, không hợp lễ chớ nói, không hợp lễ chớ làm”.([13]) Muốn duy trì sự tự do an lạc phải hạn chế sự tự do phóng túng theo thị dục.
Tóm lại, bằng lộ trình tu dưỡng với thực tiễn Hưng ư Thi, Lập ư LễThành ư Nhạc, chúng ta sẽ cảm nghiệm và thông thấu được cảnh giới hòa hợp của Thiên Địa Nhơn.
2. Về giáo luật
Bộ luật căn bản của đạo Cao Đài là Pháp Chánh Truyền, trong đó gồm có cơ cấu tổ chức, hệ thống hành chánh đạo và quy định đạo phục cho các phẩm chức sắc, chức việc. Liên quan đến đạo Nho, có ba đặc điểm:
 Đại phục của Nho Chưởng Pháp toàn màu hồng, đầu đội mão Vân Đằng (có hai cánh chuồn như mão của thừa tướng ngày xưa), tay cầm bộ Xuân Thu, chân mang giày vô ưu màu hồng trước mũi có thêu chữ Nho .
Phẩm trật chức sắc Cửu Trùng Đài từ Giáo Tông xuống Giáo Hữu còn được diễn tả như sau: Nhứt Phật (1 vị Giáo Tông); Tam Tiên (3 vị Chưởng Pháp); Tam Thập Lục Thánh (36 vị Phối Sư); Thất Thập Nhị Hiền (72 vị Giáo Sư); Tam Thiên Đồ Đệ (3.000 Giáo Hữu).
Thất Thập Nhị Hiền, Tam Thiên Đồ Đệ trùng hợp với 72 vị hiền giả và 3.000 môn đệ của Đức Khổng Tử.
ƒ Có một số điều trong Tân Luật Cao Đài (phần Thế luật) về hôn sự và tang tế liên quan đến Nho Tông như điều thứ 8, 14, 15, 17 và 18.
3. Về giáo lý
Giáo lý Cao Đài được tổng hợp từ tinh túy của Tam Giáo, trong đó Nho Giáo làm nền tảng cho Nhơn Đạo.
Tam Cang là ba mối quan hệ của đạo làm người:  Vua tôi (nhà nước và nhân dân). Cha mẹ và con cái. ƒ Chồng và vợ.
Ngũ Thường là năm đức thường xuyên phải có của đạo làm người trong đối nhơn xử thế: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Tam Tùng là ba bổn phận của phụ nữ:  Còn ở nhà thì trọn hiếu với cha mẹ, nghe theo cha mẹ giáo huấn. Kết hôn, theo chồng thì cư xử trọn tình trọn nghĩa với chồng. ƒ Nếu chồng mất sớm thì lo nuôi dạy con cái đến tuổi thành nhân. (Tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử tùng tử.)
Tứ Đức là bốn đức của người phụ nữ:  Công (có một nghề thích hợp). Dung (dung mạo đoan trang). ƒ Ngôn (lời nói dịu dàng, từ tốn). Hạnh (phẩm hạnh thanh cao).
Ngoài ra, trong phần hình nhi thượng của Nho Tông cũng được ứng dụng để bổ sung, tương tác, đối chiếu với Phật Tông và Tiên Tông hầu thành tựu được Chơn Tông của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
*
Đức Giác Minh Thánh Đức dạy:
Lần trang Việt sử mà xem
Lạc Hồng văn hiến trước thềm Đông phong
Nho Tông nén đúc cõi lòng
Thống truyền mạch cả thông dòng cổ kim
Vì đời vật chất nhiễm tiêm
Nhân luân xiêu đổ, ngọc chìm cát pha
Ngày nay Trời mở Đạo nhà
Cho hồn Nam Việt tinh ba kết thành.([14])
Vậy ai sẽ là người có sứ mạng “nén đúc” tinh ba của quốc hồn, quốc túy để xây dựng nền tảng Nho phong cho dân tộc và nhân loại? Chính là người tín hữu Cao Đài.
Bên cạnh việc tu bồi Thiên Đạo giải thoát, mỗi người tín hữu Cao Đài còn có trách nhiệm vun vén phần Nhơn Đạo bằng đường lối Nho Tông với lòng chí thành chí kỉnh.
Không ngừng học tập kinh văn, thánh ngôn thánh giáo để luôn có ý thức về bổn phận làm người đối với bản thân, gia đình và xã hội. Đó là chúng ta đã thành toàn được vai trò Hưng ư Thi.
Dâng trọn tâm hồn khi hành đại lễ hay cúng kính tứ thời; bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống dân tộc trong lễ tiết tôn giáo để tạo sự thông linh giữa Trời, người và vạn vật thành một thể thống nhất trong một trật tự ổn định, thì việc hành xử sẽ được chỉn chu trên hòa dưới thuận. Đó là chúng ta đã thành toàn được vai trò Lập ư Lễ và Thành ư Nhạc.
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ dựa vào đường lối Nho Tông để chuyển thế, để cải đổi cuộc đời của từng cá nhân và xã hội trở nên thuần lương thiện mỹ. Nếu chưa trở nên được con người thánh đức, xã hội thánh đức thì chí ít cũng không để cho nền luân lý đạo đức bị xói mòn bởi dòng thác kinh tế thị trường đang ào ạt tuôn đổ trên đất nước ngàn năm văn hiến nầy.
Truyền Trạng THANH CĂN
26-8 Nhâm Thìn (11-10-2012)





([1]) Chí Thiện Đàn (Minh Đức Nho Giáo), Tuất thời, 26-8 Nhâm Tý (03-10-1972).
([2]) 儒宗復世享純風. Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I. 1964. Thi Văn Dạy Đạo, tr.106.
([3]) Thánh tịnh Cửu Khúc Tòa, ngày 01-3 Đinh Dậu (31-3-1957).
([4]) Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển II. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2007, tr. 86.
([5]) Những năm gần đây, có nhiều cuộc hội thảo về Nho Giáo:  Hội nghị quốc tế về Nho Giáo ở Hàn Quốc tại Đại Học Sung Kuyn Kwan, Seoul, ngày 25 và 27-11-2010 với chủ đề Phục Hưng Nho Giáo Và Xã Hội Hiện Đại. Hội thảo khoa học quốc tế về chủ đề Nho Giáo Việt Nam Truyền Thống Và Đổi Mới ngày 05-9-2011 tại thành phố Huế do Viện Triết Học thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam phối hợp với Viện Văn Triết thuộc Viện Nghiên Cứu Trung Ương Đài Loan tổ chức. ƒ Hội thảo quốc tế về Nho Giáo Ở Việt Nam do Viện Nghiên Cứu Hán Nôm và Viện Harvard-Yenching Hoa Kỳ phối hợp tổ chức ngày 17-12-2011 tại Hà Nội.
([6]) Tử viết: Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ, thiết tỉ ư ngã lão bành. 曰:述 作,信 古,窃 . (Luận Ngữ, Thuật Nhi)
([7]) Tang bồng hồ thỉ 桑蓬弧矢: Cung bằng gỗ dâu và mũi tên bằng cỏ bồng; ý nói về chí làm trai (vẫy vùng ngang dọc).
([8]) Cử án tề mi 舉案齊眉: Thành ngữ này có ý nói người vợ thương yêu chồng, hoặc vợ chồng cùng tôn trọng và thương yêu lẫn nhau.
([9]) Tuyết giá: Băng tuyết, ý nói trong sạch.
([10]) / .
([11]) Tử viết: Nhân nhi bất nhân, như lễ hà? Nhân nhi bất nhân, như nhạc hà? 曰:人 , ? 仁,如 ? (Luận Ngữ, Bát Dật)
([12]) Tử viết: Kỳ thứ hồ! Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. : ! 欲,勿 .(Luận Ngữ, Vệ Linh Công)
([13]) Tử viết: Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động : , , , . (Luận Ngữ, Nhan Uyên)
([14]) Tam Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2007, tr. 52.
* Bài nói chuyện tại thánh tịnh Minh Kiến Đài ngày 12-10-2012.