Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

ĐĐVU 06 / SỬ LIỆU CAO ĐÀI NĂM 1972

Sử liệu
HỘI NGHỊ THỐNG NHỨT CÁC CHI PHÁI ĐẠO CAO ĐÀI [1]
Ngày 17 tháng 10 năm Nhâm Tý (22-11-1972) Đại Diện các Hội Thánh, Giáo Hội thuộc các chi phái đạo Cao Đài, thể theo thơ mời của Hội Thánh Tòa Thánh Tây Ninh, có về tham dự Đại Hội để thảo luận về việc thống nhứt các chi phái Đạo. Hiện diện được mười phái đoàn gồm chín mươi sáu vị nam nữ dự hội. Các phái đoàn được Ban Tổ Chức tiếp tân rất chu đáo trong niềm hòa khí cởi mở và mật thiết. Phái đoàn được dành cho chỗ nghỉ ngơi và ăn uống rất chu đáo cũng như được hướng dẫn thăm viếng các cơ sở Đạo tại Thánh Địa.
Diễn từ của ngài Bảo Đạo, đại diện Hội Thánh Tây Ninh đặc trách về liên giao chi phái;[2] của ngài Hiến Pháp, Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài;[3] và của Trưởng Phái Đoàn các chi phái, cũng như cảm tưởng [4] đã được đăng tải trong tập san nầy. Phiên họp kết thúc với sự hình thành một Hội Đồng Vận Động Thống Nhứt Đạo Cao Đài và phiên nhóm đầu tiên được định vào ngày 26 tháng 11 Nhâm Tý (31-12-1972). Đây là một bước tiến đầu tiên rất được khích lệ, và toàn thể tín đồ Cao Đài rất hân hoan khi nghe được tin nầy.
DIỄN TỪ
của Trưởng Phái Đoàn Các Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tham dự Hội Nghị Thống Nhứt tại Tòa Thánh Tây Ninh, ngày 17 tháng 10 năm Nhâm Tý (22-11-1972).[5]
Thưa quý Hội Thánh, Lưỡng Đài, Lưỡng Phái,
Quý Đại Huynh, Đại Tỷ,
Phái đoàn chúng tôi, đại diện một số Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, đáp lời mời của quý Hội Thánh, về tham dự Hội Nghị Thống Nhứt hôm nay với một niềm cảm xúc chân thành, vui buồn lẫn lộn.
Vui, vì nghĩ tới niềm vui lớn lao của Đức Đại Từ Phụ, thấy các con của Ngài biết nhớ lại việc hòa hiệp cùng nhau, hầu tiến tới việc chung lo cho danh Đạo!
Vui, vì huynh đệ xa cách bấy lâu, nay có dịp tay bắt mặt mừng, ngồi lại bên nhau luận bàn việc chung của Đại Đạo.
Nhưng niềm vui chưa được vẹn, bởi hôm nay còn thiếu mặt của một số Hội Thánh anh em, mà thiết tưởng, tất cả chúng ta đều chia phần trước Đức Chí Tôn và Phật Mẫu trách nhiệm phải cố gắng tạo điều kiện thuận lợi, thích nghi, hầu phá tan mọi ngờ vực hoặc hiểu lầm, hữu lý hay không, nếu còn, để cùng nhau vượt mọi trở ngại, thử thách, đem lại niềm vui trọn vẹn cho Thầy Mẹ và huynh đệ, tỷ muội chúng ta.
Thiết tưởng, phương cách thực tế là làm sao đưa cuộc Hội Nghị ngày hôm nay đi đến một kết quả cụ thể, thiết thực tiếp nối việc vận chuyển quy nguyên với thành ý chánh tâm chung lo cho đại cuộc.
Thật vậy, rút kinh nghiệm của những giai đoạn quy nhứt, hiệp nhứt, thống nhứt, và cũng vâng theo thánh huấn của Thiêng Liêng, việc thống nhứt cần phải theo một tiến trình hợp lý hợp tình gồm có mấy giai đoạn sau đây, mà giai đoạn “đầu mốc” phải là thành ý chánh tâm.
1. Thành ý chánh tâm.
2. Hòa hiệp tinh thần.
3. Thống nhứt ý chí.
4. Thống nhứt hành động, và sau cùng mới
5. Thống nhứt hình thức.
Mọi cuộc vận động hay hội nghị nhằm thống nhứt nền Đại Đạo, nếu không do thành ý chánh tâm, chắc chắn sẽ không bao giờ đạt được sở nguyện.
Cũng đã có nhiều lần, việc thống nhứt tinh thần đã được cam kết. Nhưng nếu ý muốn vội vàng đi ngay từ thống nhứt tinh thần tới thống nhứt hình thức đã gây nhiều trở ngại đổ vỡ, thì ngược lại, nếu chỉ nói thống nhứt tinh thần rồi thôi, không cụ thể hóa bằng thống nhứt ý chí, rồi thống nhứt hành động, thì hóa ra thống nhứt tinh thần chỉ là những mỹ từ trang trí.
Với thành ý chánh tâm, chúng tôi mong rằng mọi gút rối sẽ được mở dần từ hôm nay, từ bước một và một cách vững chắc, chúng ta thực hiện cơ quy nguyên thống nhứt.
Với tư cách Trưởng Phái Đoàn được ủy thác, đại diện các Hội Thánh và Cơ Quan Đạo tham dự Hội Nghị, chúng tôi mạn phép vượt qua thông lệ, bỏ qua những lời cảm tạ xã giao giữa huynh đệ, và thay vào đó bằng lời đề nghị: Chúng ta hãy lặng lẽ nhìn nhau trong tình thương yêu chan chứa giữa con cái của Thầy, rồi cùng nhau lấy lòng hiệp hòa hiếu kính làm của lễ trân trọng dâng lên Đức Chí Tôn và Phật Mẫu. Cầu xin Thầy Mẹ chan rưới ơn lành trên chúng ta trong những giờ thảo luận sắp tới đây, hầu đạt được kết quả tốt đẹp.
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
DIỄN VĂN
của ngài Bảo Đạo Hiệp Thiên Đài trình bày ý nghĩa buổi Đại Hội Thống Nhứt đọc tại Hội Trường Văn Phòng Ban Thế Đạo lúc 9 giờ 5phút ngày 17 tháng 10 Nhâm Tý (22-11-1972).[6]
Kính Hội Thánh Lưỡng Đài,
Kính Đại Huynh Hiến Pháp Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài,
Kính Đại Huynh Thượng Đầu Sư Chưởng Quản Cửu Trùng Đài nam phái,
Kính quý chức sắc nam nữ đại diện các chi phái Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Hôm nay nhơn dịp kỷ niệm ngày Khai Đạo, nên vâng tôn ý của Đại Huynh Hiến Pháp Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài,[7] tôi có thơ mời quý đại diện về hội hiệp cùng nhau để kết chặt thêm tình huynh nghĩa đệ giữa các môn đệ của Đức Cao Đài Ngọc Đế.
Tôi rất vui mừng được quý huynh đệ, tỷ muội đáp ứng lời mời về hội hiệp đông đủ. Đó là sự thể hiện chắc chắn tình yêu ái nồng nàn giữa chúng ta, làm cho Cha Mẹ thiêng liêng của chúng ta tức là Đức Đại Từ Phụ, Đức Đại Từ Mẫu hài lòng hả dạ.
Nhớ mấy năm trước đây, cố Đại Huynh Huỳnh Đức Phan Khắc Sửu [8] cùng một số đại diện gồm tất cả là bảy mươi hai vị về nơi đây hội hiệp với cố Đại Huynh Thượng Sanh Cao Hoài Sang [9] và chúng tôi. Toàn hội buổi ấy quyết định thống nhứt về tinh thần, đồng nhìn nhận một Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, chung thờ chủ nghĩa Công Bình, Bác Ái, Từ Bi.
Quý hóa thay tinh thần cao thượng ấy, nhưng vì thời cuộc biến thiên nên chưa trọn thiệt hiện được mà nhị vị Đại Huynh Thượng Sanh Cao Hoài Sang và Huỳnh Đức Phan Khắc Sửu đã hóa ra người thiên cổ.
Tôi xin tất cả định tâm trong một phút tưởng niệm nhị vị và cầu nguyện nhị vị tiền bối anh linh về hộ trì cho chúng ta tiếp tục con đường và thâu thập được nhiều kết quả tốt đẹp.
Buổi họp hôm nay không ngoài ý nghĩa thống nhứt về tinh thần và chỉ ước mong sao chúng ta thắt chặt thêm tình tương thân tương ái giữa tất cả con cái của Đức Chí Tôn và sớm được liên giao thù tạc với nhau gọi là bước tiến đầu tiên trên con đường thống nhứt nền Đại Đạo.
Nay kính.
[Bảo Đạo HỒ TẤN KHOA]
ĐÁP TỪ
của ngài Hiến Pháp Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài
đọc tại Hội Trường Văn Phòng Ban Thế Đạo nhân ngày
Hội Nghị Thống Nhứt các chi phái thuộc Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ngày 17 tháng 10 Nhâm Tý (22-11-1972).[10]
Kính thưa Hội Thánh,
Kính thưa quý Phái Đoàn của các chi phái,
Hôm nay quý Phái Đoàn đã tỏ lời chơn thật về chuyện thống nhứt các chi phái.
Tôi nhận thấy lời lẽ đã đầy đủ, chúng tôi rất hoan nghinh cái tinh thần thống nhứt của anh em các chi phái. Quý Ngài đã nói đầy đủ các lý lẽ rồi, tôi có nói thêm nữa thì cũng bằng thừa.
Vậy tôi xin để lời chơn thành cảm tạ quý Phái Đoàn đã đáp ứng lời mời của Hội Thánh Tây Ninh để cùng nhau chung hiệp lo việc thống nhứt Đại Đạo của mình, đó là điều mong ước nhứt của [mọi người] trong Đạo.
Vì chúng ta không hiệp nhứt đã mấy mươi năm rồi, hôm nay hiệp nhứt đặng để cho đời ngó thấy chúng ta không phải nói láo, chúng ta nói lời đạo chơn chánh và làm việc chơn chánh.
Vậy từ đây, tôi xin quý Phái Đoàn và quý vị để tâm cùng nhau chung hiệp lo xây dựng đại nghiệp Đạo cho nên.
Nay kính.
[Hiến Pháp TRƯƠNG HỮU ĐỨC]
THÔNG TRI TOÀN ĐẠO [11]
HỘI ĐỒNG VẬN ĐỘNG
THỐNG NHỨT CAO ĐÀI
Văn Phòng
Ban Thường Vụ Lâm Thời
Số: 001/TT
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
(Tứ thập bát niên)
TÒA THÁNH TÂY NINH
BẢO ĐẠO HIỆP THIÊN ĐÀI
Trưởng Ban Thường Vụ Lâm Thời
Hội Đồng Vận Động Thống Nhứt
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ
Kính gởi: Quý Giáo Hội, Hội Thánh, Thánh Thất,
Thánh Tịnh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Kính quý Hiền Huynh, Hiền Hữu,
Thể theo nguyện vọng chín phái Đạo họp tại Tòa Thánh Tây Ninh đồng mong muốn các Giáo Hội, Hội Thánh, Thánh Thất, Thánh Tịnh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được gần gũi nhau, tạo một niềm thông cảm thật sự hầu làm sáng tỏ danh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ của Đức Chí Tôn Đại Từ Phụ, xây dựng tình tương thân tương ái, tương trợ tương liên trong phạm vi đạo đức để phát huy cơ phổ độ chúng sanh,
Ý thức được nhiệm vụ cao quý đó, các Giáo Hội gồm có chín phái Đạo nhóm họp tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày 17 tháng 10 Nhâm Tý (22-11-1972) và phiên họp lần thứ hai ngày 26 tháng 11 Nhâm Tý (31-12-1972) gồm có chín Giáo Hội đồng thanh quyết nghị: Thành lập một “Hội Đồng Vận Động Thống Nhứt Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ” mục đích thống nhứt về mặt tinh thần, nhìn chung một Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ và tạm thời tôn trọng hệ thống tổ chức nội bộ của mỗi chi phái.
Nhân danh Trưởng Ban Thường Vụ Lâm Thời Hội Đồng Vận Động Thống Nhứt Đạo Cao Đài chúng tôi xin có lời thân ái kính chào chư huynh đệ, tỷ muội trong tất cả các Hội Thánh, Giáo Hội, Thánh Thất và Thánh Tịnh trong toàn quốc.
Theo quyết nghị phiên họp lần thứ hai tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày 31 tháng 12 năm 1972, Hội Đồng Vận Động Thống Nhứt Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ sẽ viếng thăm Giáo Hội Cao Đài Thống Nhứt vào ngày 18 tháng 12 Nhâm Tý (21-01-1973) và sẽ lần lượt viếng thăm tất cả quý Giáo Hội trong toàn quốc.
Hội Đồng Vận Động Thống Nhứt chúng tôi tha thiết kêu gọi chư quý huynh đệ, tỷ muội trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ vì sứ mạng thiêng liêng, vì đạo nghiệp của nền Đại Đạo Cao Đài hãy tích cực tham gia để cho cuộc vận động thống nhứt được mang lại kết quả thật sự hầu làm vui lòng Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu hằng mong đợi.
Thân ái kính chào.
Nay kính,
Tòa Thánh, ngày 01 tháng 12 năm Nhâm Tý
(04-01-1973)
Bảo Đạo Hiệp Thiên Đài
HỒ TẤN KHOA
CẢM NGHĨ
về cuộc Hội Nghị Thống Nhứt tại Tòa Thánh Tây Ninh
ngày 17 tháng 10 năm Nhâm Tý (22-11-1972).[12]
1. Một bước tiến
Cơ vận chuyển quy nguyên thống nhứt nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đã được bắt đầu và trải qua những giai đoạn quy nhứt, hiệp nhứt, thống nhứt. Suy gẫm về ý nghĩa của những danh xưng, ta thấy cái tiến trình quy hiệp để thống nhứt nền Đại Đạo hàm súc một giá trị luận lý vững chắc, gây niềm tin vào căn bản hợp chân lý, thuận Thiên ý của cơ Đạo.
Còn một sự kiện khích lệ mới mẻ cần nêu ra, là vai trò chủ động của Hội Thánh Tây Ninh trong phiên Hội Nghị Thống Nhứt vừa qua.
Thật vậy, cơ thống nhứt từ hai mươi mấy năm nay hầu như không có sự tham gia của Hội Thánh Tây Ninh. Các Hội Thánh, với sự trung gian của Cơ Quan Cao Đài Thống Nhứt, dường như dự tính: Khi có thời cơ và điều kiện thuận lợi mới hiệp nhau đặt vấn đề với Hội Thánh Tây Ninh.
Ngày mùng 8 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1969),[13] Đạo Trưởng Huỳnh Đức Phan Khắc Sửu cầm đầu một phái đoàn gồm bảy mươi hai vị đại diện một số Hội Thánh, đã đến họp, thảo luận về cơ thống nhứt với Hội Thánh Tây Ninh. Vấn đề thống nhứt tinh thần đã được đặt ra và cam kết. Nhưng từ đó tới nay, việc thống nhứt tinh thần chưa được cụ thể hóa bằng một sinh hoạt chung và tích cực nào.
Nay các Hội Thánh nhận được thơ mời dự Hội Nghị Thống Nhứt do chính Hội Thánh Tây Ninh chủ động! Rất mong đây là một bước tiến thực sự của cơ vận chuyển quy nguyên.
2. Những trở ngại vượt qua
Trong tất cả mọi tôn giáo, việc làm tốt đẹp nào của đạo cũng không khỏi gặp khó khăn khảo đảo. Việc càng quan trọng thì thử thách càng cam go.
Trong khi Hội Thánh Tây Ninh chánh thức mời “các Hội Thánh thuộc Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”, thì đùng một cái, trên nhiều nhựt báo tại Thủ Đô,[14] xuất hiện tin “Hội Thánh Tây Ninh mời mười bảy chi phái trực thuộc…” gây mích lòng và phản ứng! (Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ làm gì có tới “mười bảy” chi phái? Và làm gì có Hội Thánh nầy “trực thuộc” Hội Thánh kia!)
Một vài Hội Thánh, thay vì tán thành và hưởng ứng ngay sự nhập cuộc chung lo cho danh Đạo của Hội Thánh Tây Ninh, đã tỏ ra dè dặt. Dè dặt vì nhận thấy có một âm mưu phá khuấy đâu đây, mà cũng dè dặt vì không muốn Hội Nghị Thống Nhứt Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, một biến cố trong Đạo, xảy ra trùng hợp về thời gian với biến cố đang xảy ra hoặc sắp xảy ra phía ngoài đời!
Cũng có một vài thành phần, bởi sự bất như ý, hoặc do hiểu lầm hay duyên cớ có thật nào đó trong dĩ vãng đã phô bày sự thiếu niềm tin vào thành quả của cuộc Hội Nghị!
Tuy nhiên, phản ứng bất thuận lợi đã dịu dần. Trừ vài Hội Thánh còn lo ngại muốn “chờ xem”, Hội Nghị Thống Nhứt tại Tây Ninh đã khai mạc đúng theo ngày giờ và chương trình dự liệu, trong số hiện diện có cả những Hội Thánh đã phản ứng không muốn tham dự lúc ban đầu.
3. Những thành công sơ khởi
Nhiều đạo hữu đã nghĩ đúng khi cho rằng muốn thống nhứt Đạo, chính yếu là nên thường cùng nhau tiếp xúc, chân tình và thân tình nẩy nở sẽ giúp giải tỏa lần mọi thắc mắc hay hiểu lầm và thay bằng lòng thương yêu gắn bó, tin cậy lẫn nhau, vì có yêu nhau, tin nhau, thì mới hiệp được với nhau.
Cảm thấy lòng mình phấn khởi, tôi đã dò hỏi những huynh tỷ của tôi đã tham dự cuộc Hội Nghị vừa rồi. Chúng tôi đã cùng nhau nhắc lại và phân tích những cử chỉ, thái độ của Đạo Huynh Bảo Đạo, người được Hội Thánh Tây Ninh ủy thác tổ chức cuộc Hội Nghị: Mặc áo chẹt trắng hòa mình với anh em trong phái đoàn lúc chầu lễ Đức Chí Tôn. Trước thời cúng, “Anh” đã tới nơi tạm trú của phái đoàn để cùng nhau đệ huynh mạn đàm, và khi ông phụ tá Trưởng Phái Đoàn cho biết không có mang theo áo chẹt, “Anh” đã không ngần ngại cổi chiếc áo trắng đang mặc, vừa trao vừa nói: “Phần tôi sẽ về lấy cái khác.” Trong những buổi ăn, chỗ ngồi chẳng cần theo ngôi thứ, đúng là những buổi ăn đoàn tụ, huynh đệ quây quần chung quanh nhau!
Ngoài ra, tôi chắc quý huynh tỷ đệ muội của tôi còn nhớ, còn nghe dư âm của tràng pháo tay diễn tả lòng phấn khởi lúc nghe Đạo Huynh Bảo Đạo, với một giọng hòa ái, khuyên các đại diện của Hội Thánh Tây Ninh “nhường”, khi ý kiến của đại diện Tây Ninh và một ý kiến khác của Hội Trường đồng nhau năm phiếu (5=5) trong cuộc biểu quyết!
Tôi thuật lại những tình tiết nầy với thành ý góp phần công quả phục vụ cơ quy nguyên thống nhứt, nói lên sự thật chẳng có chút dụng ý thêu dệt nào. Một lòng vì Thầy vì Đạo, chắc không có ai nỡ nghĩ lầm gì về tôi!
Tôi tin tưởng rằng, khi đọc những cảm nghĩ nầy, quý huynh tỷ sẽ đồng ý với tôi rằng: Chính những cử chỉ, những thái độ, những lời nói đức độ và đượm tình yêu thương giữa huynh đệ, chính đó là “chất nhựa” [15] có hiệu năng hàn gắn và kết chặt lại với nhau những con cái của Đức Chí Tôn, chớ chẳng phải lời kêu gọi, những bài diễn văn dài!
Trong chiều hướng đó, tôi nghĩ rằng cuộc Hội Nghị Thống Nhứt vừa qua đã thành công phần nào rồi, chẳng phải ngay trong phần hội nghị chánh thức, mà thành quả sơ khởi đã được kết tạo với đôi phần hương sắc bằng những sự kiện nho nhỏ nhưng quan hệ về mặt tình cảm, xử sự, như vừa tường thuật trên đây.
Thật ra thì, theo thiển ý, cảm tưởng chung còn có thể tốt đẹp hơn, nếu như:
1. Ông Trưởng Phái Đoàn được mời tới phòng họp cùng một lượt với Hội Thánh Tây Ninh.
Tôi không có ý phê bình gì về phần nghi thức tiếp nghinh Hội Thánh theo thông lệ của Tòa Thánh Tây Ninh. Nhưng cái sự kiện phái đoàn khách tới sớm hơn mười lăm phút trong yên lặng, để rồi sau đó chứng kiến phần nghi thức tiếp nghinh Hội Thánh “chủ nhà” khiến cho tôi có một điều ao ước: Thành phần nhân viên phái đoàn dự Hội Nghị cứ đến sớm để sắp đặt chỗ ngồi, còn ông Trưởng Phái Đoàn, nếu như được mời tới vào một giờ khắc nhứt định có phần nghi thức tiếp rước dành riêng, hoặc cùng tới một lượt với Hội Thánh Tây Ninh và phần nghi thức được dành, vừa cho “chủ nhà” lẫn cho khách, thì chắc chắn sẽ gây thêm phần xúc động tâm lý!
Dù là phẩm sắc gì, nhưng đã là Trưởng Phái Đoàn đại diện các Hội Thánh, thì thiết tưởng sự biệt đãi giữa Hội Thánh với Hội Thánh xét ra là một việc làm hợp tình hợp lý. Sự đối xử đặc biệt sẽ có tác dụng tạo điều kiện thuận lợi, để trong những lần đại hội sắp tới, các Hội Thánh không còn đề cử “chức sắc trung cấp” tham dự nữa, mà sẽ là những thành phần lãnh đạo có đủ thẩm quyền để thảo luận và biểu quyết.
2. Có thêm phần tiếp xúc, thăm viếng, mạn đàm rộng rãi của nhân viên phái đoàn và thành phần Hội Thánh Tây Ninh ngoài Đạo Huynh Bảo Đạo, tôi tin chắc rằng, nếu có dịp tiếp xúc “ngoài chương trình” với Đại Huynh Hiến Pháp, các đạo huynh của tôi sẽ có dịp nhận chân rằng ngài Hiến Pháp có vẻ nghiêm nghị trong phần nghi lễ chánh thức của chương trình, thật ra là một Huynh Trưởng đầy tình thương, đức độ, và rất bình dân. Khi nói chuyện với tôi, Đại Huynh gọi bằng tiếng “em” gần gũi và ngọt ngào, tự xưng bằng tiếng “qua” chất phác mộc mạc độc đáo của người Việt Nam! Thiết tưởng chỉ cái lối xưng hô từ ái cũng đủ giúp cởi bỏ những thành kiến, san bằng mọi xa cách!
4. Phần Hội Nghị
Hai tiếng đồng hồ dành cho cuộc Hội Nghị rõ ràng là quá ít oi, không đủ để đại diện Hội Thánh nói hết lời hết ý. Cũng may là trong lúc mạn đàm đêm trước đó giữa phái đoàn và Anh Lớn Bảo Đạo, một vài điểm chính yếu của chương trình đã được bàn sơ qua.
Có một việc quan trọng mà tôi nghĩ rằng cần phải được thẳng thắn trình bày ra đây: Lúc được thơ mời dự Hội Nghị Thống Nhứt, thì có nơi lo điều nầy, ngại việc kia, thắc mắc việc nọ... Nhưng vào Hội Nghị thì vì nể nhau, vì xã giao... không ai chịu đặt vấn đề hầu tìm câu giải đáp. Tôi nghĩ rằng khi mà điều nghi ngờ thắc mắc hãy còn, chưa được giải tỏa, thì việc hợp tác chẳng bao giờ đạt được mức độ chân thành.
Trong bài diễn văn của ông Trưởng Phái Đoàn đại diện các Hội Thánh tham dự Hội Nghị, ông chỉ “nói mí” mà thôi: “Nhưng niềm vui chưa được vẹn, bởi hôm nay còn thiếu mặt của một số Hội Thánh anh em, mà thiết tưởng, tất cả chúng ta đều chia phần trước Đức Chí Tôn và Phật Mẫu trách nhiệm phải cố gắng tạo điều kiện thuận lợi, thích nghi, hầu phá tan mọi ngờ vực hoặc hiểu lầm, hữu lý hay không, nếu còn, để cùng nhau vượt mọi trở ngại thử thách, đem lại niềm vui trọn vẹn cho Thầy Mẹ và huynh đệ, tỷ muội chúng ta.”
Chúng ta hiểu ý ông muốn nói rằng một vài Hội Thánh còn ngờ vực, sợ bị lôi cuốn vào con đường chánh trị nên chưa dám nhập cuộc thống nhứt. Vậy ta phải nói rõ, chứng minh thành tâm thiện ý để mọi người khỏi lo ngại.
Tôi trân trọng đề nghị: Lần gặp gỡ sau nầy, một đại diện Hội Thánh nên đặt thẳng vấn đề, như là điều kiện tiên quyết, để rồi sau đó mọi người yên lòng, hân hoan nghe Hội Thánh Tây Ninh dứt khoát, long trọng tuyên bố bằng một lời tương tự như sau: Chúng ta thực hiện cơ quy nguyên thống nhứt với mục đích hoàn toàn vì Thầy vì Đạo, tuyệt đối không vì mục đích chánh trị nào. Tôn giáo Cao Đài không thể làm công cụ, làm con cờ của bất cứ ai. Cái thế của tôn giáo phải là cái thế trường tồn trường cửu, đứng trên và đứng trước để hướng dẫn đời, hướng dẫn nhơn sanh theo ba tiêu chuẩn Từ Bi, Bác Ái, Công Bình của Đại Đạo.
Một lời tuyên bố tương tự như vậy có giá trị như là một lời cam kết giữa phái chi huynh đệ, một lời tuyên thệ trước Đức Chí Tôn, sẽ được ghi vào biên bản, sẽ được lưu vào sử Đạo và đó là điều then chốt làm yên lòng các Hội Thánh, các chi phái, chẳng còn ai có cớ để mà nghi ngờ, mà cũng chẳng ai có thể viện lý do gì để phản bội lời cam kết đó.
Điều e ngại then chốt đã được giải tỏa rồi thì những vấn đề gì khác còn lại cũng chỉ là phụ thuộc, chẳng có gì khó giải quyết.
Quyết nghị chung của Đại Hội là thành lập một Hội Đồng Vận Động Thống Nhứt với một thành phần gồm hai đại diện mỗi Hội Thánh. Hội Đồng nầy sẽ họp phiên đầu tiên tại Tòa Thánh Tây Ninh ngày 31-12-1972 để ấn định phương thức và chương trình hoạt động.
Nếu quả thật thời cơ quy nguyên thống nhứt đã điểm thì lần nầy các Hội Thánh sẽ quyết lòng đề cử những vị đại diện có đầy đủ thẩm quyền, và Hội Đồng Vận Động Thống Nhứt sẽ có đủ điều kiện tích cực hoạt động, đáp lại lòng nao nức đợi chờ của đạo hữu khắp nơi.
5. Một đề nghị nhỏ
Phiên họp đầu tiên của Hội Đồng Vận Động Thống Nhứt vào ngày 31-12-1972 sắp tới đây nên được sắp xếp sao cho Hội Đồng có đủ thời giờ rộng rãi, thoải mái, để thảo luận cặn kẽ, chu đáo, và quyết định đầy đủ những gì cần thiết cho sinh hoạt hiệu quả của Hội Đồng.
Những gì cần phải làm, xin nhường lại cho khả năng sáng kiến của Hội Đồng. Có điều tôi thiết tha xin thưa trước là quý Anh Lớn, quý Chị Lớn đừng nên ủy quyền cho ai, mà nên đích thân luân phiên đi thăm viếng khắp nơi, như đi thăm các cánh đồng lúa chín của Thượng Đế trước mùa gặt.
Trong phòng họp của Hội Đồng, để tạo niềm phấn khởi, xin Ban Tổ Chức ghi bằng chữ lớn lời từ ái của Đức Chí Tôn: “Thầy vui muốn cho các con thuận hòa cùng nhau hoài. Ấy là lễ hiến cho Thầy rất trân trọng. Phải chung lo cho danh Ðạo Thầy.” [16]
Rất mong thay!
Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Sài Gòn, ngày 04-12-1972
THIÊN VƯƠNG TINH




Các chú thích trong phần sử liu này do Văn Uyển thc hin.
[1] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, Cao Đài Giáo Lý, số 81. Sài Gòn: tháng 11 và 12-1972, tr. 67-68.
[2] Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa (1899-1987).
[3] Hiến Pháp Trương Hữu Đức (1890-1976).
[4] Bài cảm nghĩ của Thiên Vương Tinh.
[5] Cao Đài Giáo Lý, số 81, tháng 11 và 12-1972, tr. 38-40.
[6] Cao Đài Giáo Lý, số 81, tháng 11 và 12-1972, tr. 40-41.
[7] Hiến Pháp Trương Hữu Đức (1890-1976).
[8] Huỳnh Đức Phan Khắc Sửu (1893?/1905?–1970), quả vị Nguyệt Đức Kim Tiên, rồi thăng Nguyệt Đức Thiên Tiên.
[9] Thượng Sanh Cao Hoài Sang (1901-1971).
[10] Cao Đài Giáo Lý, số 81, tháng 11 và 12-1972, tr. 42. Tập san chú thích: “Bài diễn từ của ngài Hiến Pháp Quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài trên đây do ngài ứng khẩu, chúng tôi xin chép y nguyên văn trong băng nhựa để cống hiến chư độc giả và cũng để góp phần nào cho kho tàng sử liệu Đại Đạo.”
[11] Cao Đài Giáo Lý, số 81, tháng 11 và 12-1972, tr. 69-70.
[12] Cao Đài Giáo Lý, số 81, tháng 11 và 12-1972, tr. 43-49.
[13] Thứ Hai, 24-02-1969.
[14] Thành phố Sài Gòn (trước 30-4-1975).
[15] Chất nhựa: Chất keo dính (glue).
[16]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, đàn ngày 20-02-1926.