Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

ĐĐVU 06 / HAI CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI ĐẠO CAO ĐÀI / Đạt Tịnh

Image result for two ways

Hôm nay là rằm tháng Giêng Quý Tỵ, vẫn còn trong tiết xuân. Câu chuyện đạo lý sáng nay vì vậy cũng là buổi khai xuân cho chương trình thuyết minh giáo lý của thánh thất Bàu Sen trong năm Quý Tỵ 2013.
Tôi xin hân hạnh kính mời tất cả quý huynh tỷ, đệ muội cùng ôn học bài thánh giáo khai xuân của Đức Quan Âm Bồ Tát.[1]
Cách nay ba mươi chín năm, vào giờ Ngọ ngày mùng ba tết Giáp Dần (25-01-1974), tại Vĩnh Nguyên Tự (Cần Giuộc, Long An) có các Đấng Thánh Mẫu, Thánh Nương, Thánh Nữ, Tiên Nương, Tiên Cô, Thần Nữ lần lượt giáng đàn chúc xuân. Nhân dịp này, Đức Diệu Hạnh Tiên Cô đã thỉnh mời Đức Quan Âm Bồ Tát đến dạy đạo.
Đức Bồ Tát từ bi nhận lời. Vì vậy, khi giáng đàn, Đức Bồ Tát mở đầu bằng bốn câu thơ như sau:
Vị tiếng Tiên Cô thỉnh xuống trần
Đem nhành dương liễu rưới ân xuân
Cho người mộ đạo vui xuân đạo
Thanh thoát tâm xuân hội Giáp Dần.
QUAN ÂM BỒ TÁT.
“Bần Đạo chào chư Thiên sắc, chư hiền sĩ, hiền muội trung đàn. Giờ nay Bần Đạo đem đến trần gian một ân lành để bủa khắp địa phương cho mùa xuân được hạnh hưởng trọn vẹn.
Bần Đạo miễn lễ. Chư Thiên sắc, chư hiền sĩ, hiền muội an tọa.”
Đạo lý thì vượt ra ngoài không gian và thời gian. Cho nên lời dạy của Đức Bồ Tát tại Vĩnh Nguyên Tự ba mươi chín năm về trước mãi mãi vẫn là lời vàng tiếng ngọc dành cho mọi tín đồ Đại Đạo ở bất kỳ thánh sở nào, vào bất kỳ thời gian nào.
Nếu chúng ta hiểu như vậy, và giờ đây biết thành tâm lắng lòng ôn học thánh giáo Đức Bồ Tát, chắc chắn chúng ta sẽ đón nhận được những giọt cam lồ từ bình tịnh thủy mà nhành dương liễu của Ngài ban rải xuống chúng ta, để chúng ta thanh thoát tâm hồn, hăng say tu học, thẳng tiến trên đường đạo đức.
Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
“Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có mục đích tối thượng cứu cánh nhơn sanh. Chư hiền sĩ được làm những tế bào trong các thánh thể Đức Chí Tôn, hãy cố gắng làm sao cho xứng phận để thánh thể được phát huy mầu nhiệm, tế chúng độ nhơn trong thời hạ nguơn mạt kiếp.
Mở đầu bài thánh giáo, Đức Bồ Tát nhắc chúng ta nhớ rằng Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có mục đích tối thượng cứu cánh nhơn sanh.
Mục đích tối thượng là mục đích cao tột cùng, cao cả hơn hết thảy. Không còn mục đích nào cao hơn thế nữa.
Cứu cánh nhơn sanh tức là cứu vớt loài người vượt qua sông mê biển khổ, đưa qua bến bờ giải thoát.
Tại sao mới nhập đề mà Đức Bồ Tát lại nói ngay tới mục đích tối thượng của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ?
Bởi vì phần đông chúng ta vốn hay quên mục đích tối thượng này, và cũng không xác định rõ mục đích mình vào đạo Cao Đài để làm gì.
Nếu người tín đồ quên mục đích tối thượng của Đại Đạo thì tuy mặc áo đạo mà không chăm lo tu học, không siêng năng bồi dưỡng giáo lý. Do đó, nếu có ai tìm hiểu và hỏi tỉ mỉ, sâu xa về Đại Đạo thì lúng túng, trả lời qua loa, sai sót.
 Nếu người tín đồ quên mục đích tối thượng của Đại Đạo thì tuy vào thánh thất (là nhà thánh) mà không lo trau dồi đức hạnh để cố gắng học làm ông Thánh, bà Thánh. Họ vào thánh thất mà lại thích kết phe kết nhóm, xúm lại chỉ trích người này, xoi mói người nọ. Bản thân họ không siêng năng tu học, hành đạo chểnh mảng, nhưng thấy ai khác hăng say tu học, nhiệt tâm hành đạo và có được chút gì đó vượt trội hơn mình, thì họ liền đem lòng ganh tỵ, bèn a dua với nhau để gièm xiểm, nói xấu, chèn ép người khác.
Cái thói đời này chúng ta đâu còn lạ gì. Đức Quan Thánh Đế Quân dạy về nhân tình thế thái như sau:
“Một khi chư hiền đệ muội khá giả, học rộng, có được địa vị trong xã hội hoặc trong tôn giáo, thì tức khắc có không biết bao nhiêu sự đố kỵ, xiểm gièm chen vào giành giựt phá tán.” [2]
Nếu người tín đồ cứ đem hết tánh xấu ngoài đời vào thánh thất làm cho nhà thánh trang nghiêm mất hết thanh tịnh, như thế rất có tội. Tội ấy lớn lắm nên Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn răn dạy chúng ta như sau:
“(…) các tánh xấu đó còn ẩn núp trong tâm của người tu thì dầu có khoác bên ngoài mấy lớp áo đạo nhưng hành động, cử chỉ vẫn lộ ra bên ngoài, không thể nào che giấu được. Như thế vị tu sĩ đó vừa lừa dối mình mà dối cả Thần Thánh, dối cả người đời, thì ti phải chu nng gấp ba lần người chưa hc đo.” [3]
Thánh thất là thánh thể của Thầy. Mỗi tín đồ là một phần tử của thánh thất, tức là một tế bào của thánh thể. Nếu tín đồ lộng hành, tác oai tác quái trong thánh thất tức là họ cả gan phá hoại thánh thể Đức Chí Tôn. Ngược lại, nếu tín đồ biết tôn trọng quyền pháp, biết kềm chế bản thân, không vượt quá vai trò đàn em của mình, nghiêm chỉnh tu hành, đó là họ biết góp phần cùng đồng đạo xây dựng thánh thất, phát triển mối đạo.
Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
“Chư hiền sĩ được làm những tế bào trong các thánh thể Đức Chí Tôn, hãy cố gắng làm sao cho xứng phn để thánh thể được phát huy mầu nhiệm, tế chúng độ nhơn trong thời hạ nguơn mạt kiếp.
Đức Bồ Tát dạy chúng ta hãy cố gắng làm sao cho xứng phn. Mỗi người trong thánh thất phải hiểu vị trí của mình ở chỗ nào, nhiệm vụ của mình ra sao và đừng lấn sang vị trí khác, lấn sang nhiệm vụ không phải của mình. Trái lại hãy làm tròn phận sự của mình. Như vậy mới gọi là xứng phn.
Thực ra, trong một thánh thất nói riêng hay một thánh sở, một cơ quan hay tổ chức của Đạo nói chung, luôn luôn có ba thành phần.
 Thành phần thứ nhứt gồm những người tốt, biết ráng tu ráng học, cố gắng hành đạo lập công bồi đức. Nhưng họ thường bị thành phần kém phẩm hạnh khích bác, chỉ trích, gièm xiểm. Nhiều khi họ lại là thiểu số và bị cô lập, không có được số đông bạn đạo mạnh dạn ủng hộ. Tình trạng này kéo dài sẽ làm thánh sở suy yếu, vì những người chơn tu, thực tâm tu hành sẽ chán nản, và họ sẽ lẳng lặng xa rời thánh sở.
Trong thành phố chúng ta, những năm qua quả thật đã có tình trạng đáng buồn này. Chúng ta không tiện nêu tên các thánh sở ấy ra đây, nhưng chắc chắn quý huynh tỷ, đệ muội cũng đã biết rõ. Hậu quả là các thánh sở ấy tuy khang trang, to đẹp nhưng vắng vẻ, đìu hiu. Ngày lễ lớn hay sóc vọng cũng không còn bổn đạo tới cúng! Các thánh sở ấy thay vì là nhà chung của toàn họ đạo đã trở thành nhà riêng của một gia đình, một nhúm cá nhân nào đó!
Thành phần thứ hai không lo rèn luyện đạo đức bản thân cho xứng phận người con ngoan của Thầy Mẹ trong thánh sở. Trái lại họ chỉ lo kéo bè kéo cánh, bị tham sân si xúi giục, cho nên có tác phong, lời nói, hành động mất đạo đức, sái luật Đạo trong thánh thất. Thành phần này cứ xét theo lời răn dạy của Đức Bảo Pháp Chơn Quân Huỳnh Chơn đã dẫn trên thì rõ ràng họ đang phạm tội và sẽ phải chịu tội nng gp ba lần người chưa hc đo.
ƒ Thành phần thứ ba thụ động, bưng tai bịt mắt, làm như không nghe không thấy những gì trái đạo lý đang xảy ra trong thánh sở của mình. Như vậy là độc thiện kỳ thân. Như vậy là thấy đạo hữu mình đang phạm lỗi mà không cứu họ. Tức là vô tình mình ác với họ rồi, giống như người lớn thấy con nít chơi dao bén nhọn mà không chịu ngăn cản. Vậy là mình gián tiếp tạo nghiệp ác nếu như đứa trẻ ấy bị dao nhọn bén làm chảy máu.
Do đó, để giúp cho thánh sở được trang nghiêm, thanh tịnh, các vị tuổi cao và các vị có hiểu biết, mỗi khi thấy em cháu trong họ đạo mình chưa thuần thục nết hạnh thì thay vì làm thinh và thụ động, các vị ấy hãy dùng lời tích cực khuyên nhủ can ngăn. Đó là biết ủng hộ lẽ phải, tán trợ cái đúng, ngăn chận cái xấu trong thánh sở.
Trên đây chúng ta đã hiểu Đức Quan Âm Bồ Tát dạy chúng ta phải đắp móng xây nền ban đầu, bằng cách biết tránh điều ác, biết làm điều thiện. Vậy thì trong họ đạo hễ chúng ta thấy bạn đạo mình chưa đúng, tác phong đạo hạnh còn thiếu sót, thì phải lựa lời khuyên nhủ.
Trong sinh hoạt đạo sự, chúng ta thấy ai làm phải mà bị đồng đạo thiếu thông cảm, hiểu lầm và chỉ trích thì chúng ta hãy sáng suốt và mạnh dạn can thiệp, làm cho sáng tỏ lẽ phải. Đó là chúng ta đã biết tránh điều ác, biết làm điều thiện, biết ủng hộ cái thiện. Nếu chúng ta làm đúng như thế tức là chúng ta đang theo đúng Tứ Đại Điều Quy:
Điều Thứ Ba: “Đối với trên, dưới đừng lờn dễ. Trên dạy dưới lấy lễ, dưới [can] gián trên đừng thất khiêm cung.”
Điều Thứ Tư: “Đừng thấy đồng đạo tranh đua ngồi mà xem không để lời hòa giải…”
Chúng ta hãy trở lại với bài thánh giáo năm 1974 của Đức Quan Âm Bồ Tát. Tính từ lúc khai Đạo (1926) thì bấy giờ đã bốn mươi tám năm. Thế nên Đức Bồ Tát dạy:
“Chư hiền sĩ, hiền muội! Trải qua trên bốn mươi năm, Chí Tôn Thượng Đế khai Đạo tại đất nước nhỏ bé này, đã từng ban hành kinh điển đạo luật, đã từng cho phát hành thánh giáo, thánh ngôn kể ra cũng đủ đầy để cho các hàng Thiên phong chức sắc nắm đó mà lãnh đạo tinh thần, dìu dắt nhơn sanh trên đường tu thân lập hạnh, hành đạo độ đời, và chừng ấy giáo lý cũng đủ cho nhơn sanh làm ngọn đèn soi sáng trên bước đường tu học.
Tuy kinh điển thánh ngôn, thánh giáo có nhiều, nhưng chung quy là dạy cho nhơn sanh có hai đường lối tu thân học đạo.”
Nghe nói kinh điển thánh ngôn, thánh giáo có nhiều thì chúng ta giựt mình, sợ mình học không hết, hiểu không trọn.
Đức Bồ Tát lập tức tóm tắt cho chúng ta tinh túy, cốt lõi của giáo lý Kỳ Ba Phổ Độ như sau:
“Tuy kinh điển thánh ngôn, thánh giáo có nhiều, nhưng chung quy là dạy cho nhơn sanh có hai đường lối tu thân hc đo.”
Chúng ta phải nắm chắc hai đường lối này để tu hành cho có kết quả, để không uổng công vào đạo chay lạt mấy mươi năm.
Về đường lối thứ nhứt, Đức Bồ Tát dạy:
“Một là hướng ngoi hay là ngoi giáo công truyền. Phương pháp này dạy nhơn sanh chấn chỉnh tác phong đạo hạnh cho nên người có đức độ, nghiêm chỉnh đàng hoàng, cốt cách diện mạo hiền nhân quân tử, biết tránh điều ác, biết làm điều thiện, biết giúp đời để lập công bồi đức.
Đó là giai đoạn đầu, như đào móng đóng cừ, đổ nền chắc chắn cho công cuộc xây dựng tòa lâu đài đạo đức ở giai đoạn thứ hai …”
Đã chọn con đường tu hành, ai ai cũng muốn sau khi bỏ xác phàm sẽ được thành Tiên thành Thánh. Quả vị Thánh Tiên đó ví như cái nhà lầu nguy nga. Quả vị càng to tát tức là cái nhà lầu càng to tát, cao vút. Ở đời, cất nhà càng cao càng to thì trước tiên phải lo đắp nền xây móng thật kỹ, thật chắc, thật vững. Nền móng yếu ớt thì tòa nhà ắt sụp đổ.
Vậy đường lối thứ nhứt là đắp nền, xây móng. Muốn đắc quả Thánh Tiên mà không lo đắp nền, xây móng tức là nuôi ảo tưởng, sẽ không có kết quả.
Muốn đắp nền cho giai đoạn đầu chúng ta phải làm gì? Đức Quan Âm Bồ Tát dạy rõ, đó là chấn chỉnh tác phong đạo hạnh nên người có đức độ, nghiêm chỉnh đàng hoàng, cốt cách diện mạo hiền nhân quân tử…
Căn cứ theo đó, nếu một tín đồ trong một thánh thất mà nói năng hung hăng, cử chỉ táo bạo, lố lăng, vì ỷ lại vào phe nhóm riêng mà cố tìm cách lấn lướt đàn anh, đàn chị chức việc, chức sắc của mình, không thèm biết phải trái gì hết, như thế họ đâu có tu, họ đâu có đắp nền móng đạo đức cho mình mà dám mong ước rằng sẽ có quả vị thiêng liêng sau khi bỏ xác phàm!
Khi dạy về việc đắp móng xây nền ban đầu, Đức Bồ Tát còn nói rõ là chúng ta phải biết tránh điều ác, biết làm điều thin. Nhưng đâu cần đợi tới mức đánh đập, gây thương tích cho người khác mới gọi là làm ác. Chỉ cần mình nói nặng lời, nói xúc xiểm làm cho người khác đau lòng, buồn phiền, khổ sở, vậy cũng đủ là làm ác quá rồi!
Chúng ta ngày hôm nay mang xác thịt này sống trong đời là đã trải qua bao nhiêu kiếp luân hồi. Nghiệp xấu của chúng ta trong bao nhiêu kiếp đó đang tích lũy lại trong kiếp này. Chính vì vậy khi tu hành chúng ta thường bị trở ngại, chậm tiến.
Thế thì giai đoạn đầu đắp móng xây nền còn có tác dụng giúp chúng ta trau giồi đức hạnh, lấy nền móng đạo đức bản thân mà giải trừ bớt nghiệp xấu của bản thân tích tụ từ vô số tiền kiếp. Nghiệp cũ càng bớt thì đường tu của ta càng mau tiến bộ.
Về công dụng giải nghiệp thân của giai đoạn đắp móng xây nền, Đức Quan Âm Bồ Tát dạy rõ như sau:
“Biết rằng mỗi một người sanh trưởng tại cõi thế gian này đều có mang theo cái duyên nghiệp tốt hoặc xấu do lành hoặc dữ trong những kiếp quá khứ. Sự mở Đạo của Thượng Đế là muốn cho tất cả nhơn sanh đó, dầu trong thời kỳ trả quả cũ, không gây nghiệp mới bằng cách tu thân lập hnh, bồi công lập đức để cho mọi người, mọi chỗ, mọi nơi đều hướng thiện, ăn ở đối xử với nhau cho phải tình phải nghĩa, phải đức phải nhân, để trong cõi đời này có một xã hội đại đồng đạo đức, tương thân tương ái, tương trợ tương liên với nhau, xem hạnh phúc của người như hạnh phúc của mình mà không dám làm điều gì tổn thương cho tha nhân, nhìn sự đau khổ thất thoát của người như sự đau khổ thất thoát của mình mà tìm cách che chở đỡ nâng, giúp vùa an ủi. Nếu toàn thể nhân loại có được một xã hội đại đồng đạo đức như vậy thì loài người hạnh hưởng an lạc thái hòa biết bao!”
Nói tóm lại, người đạo Cao Đài muốn xây dựng cảnh thái hòa cho xã hội, hạnh phúc cho chúng sanh thì trước hết phải bắt đầu từ chỗ tu thân, rèn luyện đức hạnh nơi bản thân mình, trong gia đình mình, tại thánh thất mình. Đó là đường lối thứ nhứt.
Đường lối thứ hai của người đạo Cao Đài là gì?
Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
“Còn giai đoạn thứ hai, giáo lý Cao Đài dạy cho người phải tu theo phương pháp hướng ni. Hướng nội nghĩa là phải nhìn vào trong. Nhìn vào nội thân để tìm cái chơn như bổn tánh của mình nó đã bị phủ mờ chìm sâu vào trong bức màn vô minh bởi tham, sân, si, dục, phiền não, hỷ, nộ, ái, ố. Phải tìm cho ra chơn như bổn tánh đó mới mong giải thoát kiếp trần lụy giả tạm này hầu phản bổn huờn nguyên trở về cùng Thượng Đế. Đó là phương pp thiền đnh công phu.”
Trong thánh thất chúng ta, mấy mươi năm qua may mắn thay đã là một tịnh trường. Đạo hữu chúng ta hàng ngày tu bốn thời. Hàng tháng tu thêm ngày liên hoàn mùng tám. Hàng năm tu bốn khóa xuân phân, hạ chí, thu phân, đông chí. Chúng ta tập thiền, thực hành công phu theo pháp môn do Đức Tôn Sư Đông Phương Lão Tổ dìu dắt.
Số tịnh viên tại tịnh trường chúng ta mỗi năm đều tăng thêm. Như vậy là điều đáng mừng, bởi vì chúng ta đang thực hành đúng đường lối tu hướng nội của đạo Cao Đài như lời dạy trên đây của Đức Quan Âm Bồ Tát.
Ban Cai Quản chúng tôi tuy nói rằng vui mừng mà cũng không khỏi có nhiều lo sợ. Tại sao lại nhiều lo sợ?
Bởi vì nếu chúng ta khách quan tự kiểm điểm, tự nhận xét quá trình tu học và hành đạo của họ đạo Bàu Sen, chúng ta thấy thời gian qua còn một số tịnh viên tuy đã bước vào đường công phu tịnh luyện mà lại hời hợt bỏ lơ con đường thứ nhứt là đắp móng xây nền, tức là xao lãng phần rèn luyện đạo hạnh, tác phong của người đang tu thiên đạo đại thừa.
Nếu đạo hữu tịnh viên không lo đắp nền xây móng thì dễ bị thất bại (tức là thi rớt) trên đường thiên đạo đại thừa. Sự thất bại này tai hại cho tịnh viên rất ghê gớm! Chúng ta hãy nghe lời dạy của Đức Bảo Hòa Thánh Nữ như sau:
“Nếu sơ tâm ắt bị đánh rớt. Nhưng cái rớt của trường đời còn có thể ngồi lại một năm để rồi thi lại, còn đối với trường đạo có khác một điều hễ lên thang đại thừa mà rớt thì phải bị xuống.
 Lần thứ nhứt phải tắm gội ba năm.
Lần thứ hai phải nhơn lên ba nữa tức là chín năm mới phục hồi được.
Nếu phải bị lần thứ ba, người hành giả sắp đến đích mà bị rớt thì không được nhơn lên nữa, mà phải đợi đến thất ức niên [bảy trăm triệu năm] sau mới có cơ hội phục hoàn chánh vị.” [4]
Nghe Đức Bảo Hòa Thánh Nữ cảnh tỉnh như thế tịnh viên đạo hữu chúng ta đâu dám dể ngươi chuyện rèn luyện tác phong đạo đức.
Cũng từ chỗ cảnh tỉnh của Đức Bảo Hòa Thánh Nữ mà chúng ta hiểu vì sao mỗi khi Ơn Trên giáng cơ dạy chúng ta con đường thứ hai (là tu thiền) thì đều nhắc nhở chúng ta phải ráng theo con đường thứ nhứt (là rèn luyện tác phong đạo hạnh).
Đức Bảo Hòa Thánh Nữ nhấn mạnh tầm quan trọng của con đường thứ nhứt đối với tịnh viên như sau:
“Tu học trước nhất là phải dồi trau đức hnh, rèn luyện thân tâm, lễ nghi đúng phép, cung kính nghiêm trang, nói năng giữ gìn ý tứ. Việc trái đạo chớ nên làm. Lời vô ích đừng nói. Tập ngồi, tập đứng, tập đi có tôn ti trật tự. Nói năng lễ độ, kính mến thương yêu. Đừng buông thả như thuở ngoài đời ham bay ham nhảy, ham nói ham ăn. Dầu nơi chật hẹp mà lễ nghi giữ đủ, trật tự nghiêm minh, đứng ngồi đúng chỗ, nói năng đúng phép. Đó là Đạo.
Trái lại, lễ nghi không học, trật tự không hành, nhỏ lớn không tôn, dầu chùa rộng nhà cao, nhìn vào cũng như cánh rừng hoang, cây cối um tùm, nhỏ lớn không phân, chông gai bù bịt. Đó là vô Đạo.
Trật tự hữu hình là giá trị của người tu. Tác phong đạo hạnh là lớp đầu của người tu sĩ, và cũng là kết quả của cấp lãnh đạo.” [5]
Trở lại với bài thánh giáo khai xuân của Đức Quan Âm Bồ Tát, chúng ta thấy Ngài dạy rõ lý do thành công và thất bại của người tu như sau:
“Đã từng có những vị tu hành an ổn nhờ tiền căn dày công đức. Tuy nhiên, cũng có lắm người lận đận lao đao hoặc nửa chừng đổ vỡ hoặc điên loạn, bởi vì thiếu công quả, công trình cho móng nền vững chắc.Vì đó mà công phu xây tòa lâu đài b chinh nghiêng hoc sụp đổ.
Như vậy, hai đường con đường tu hành thật ra là một; chúng song hành để nâng đỡ nhau, bổ túc cho nhau.
Đức Chí Tôn và các Đấng muốn cứu vớt chúng ta nên vạch ra hai con đường song hành lại còn dạy thêm pháp môn tam công để dẫn dắt chúng ta bước đi vững vàng trên hai con đường đó.
Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
“Chư hiền sĩ, hiền muội! Xuyên qua mấy lời Bần Đạo vừa phân, chư hiền ý thức được rằng chữ tam công trong Đại Đạo là có lý. Thế nên Chí Tôn Thượng Phụ và chư Phật, chư Tiên hằng dạy khuyên chư hiền sĩ, hiền muội lập cho mình một chương trình hành đạo gồm đủ tam công. Đó là công quả, công trìnhcông phu thiền đnh.”
Quý huynh tỷ đệ muội ở đây ai ai cũng biết rõ nội dung và ý nghĩa của tam công. Tuy nhiên, để củng cố nhận thức đạo lý của đạo hữu chúng ta, xin nói vắn tắt như sau:
Công quả là làm điều thiện, gây hạnh phúc, vui sướng cho người khác.
Công trình là luyện kỷ. Kỷ là bản thân. Luyện kỷ là trau dồi tác phong đạo hạnh.
Như thế công quả và công trình thuộc về con đường thứ nhứt, mục đích là đắp móng, xây nền. Hiểu như vậy, chúng ta mới thấu suốt vì sao bước đi trên hai con đường tu lại là thực hành tam công.
Đức Quan Âm Bồ Tát dạy rằng mục đích tối thượng của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là cứu cánh nhơn sanh. Muốn cứu cánh cả khối nhơn sanh đông đảo, rộng lớn trên thế gian thì ta phải t cứu cánh bản thân mình trước hết. Thế nhưng, Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy rằng “muốn cứu cánh một thân cũng là phải biết bao công quả, công trình, công phu tu luyện”. [6]
Lời dạy của Đức Mẹ cảnh tỉnh chúng ta rằng hãy khoan nói tới tận độ hay phổ độ Kỳ Ba cứu vớt toàn nhơn loại; mà hãy thành thật xét xem chính mình đã thực sự làm những gì, tu những gì để đủ sức cứu vớt chính mình thoát khỏi tội lỗi.
Nếu tác phong đạo hạnh của bản thân vẫn là con số không, nếu bước vào cửa đạo mà cứ giữ nguyên tánh xấu như người chưa tu thì bản thân mình đã phải lãnh tội nặng gấp ba lần người chưa tu rồi. Nếu đã vậy thì mình còn dám mở miệng lớn tiếng nói phổ độ cho ai, tận độ cho ai đây?!
Câu chuyện đầu năm của chúng ta đã khá dài. Mùa xuân mở màn một năm với bao ước vọng đổi mới và thăng tiến. Qua câu chuyện này, cầu mong sao mỗi người trong họ đạo chúng ta thành tâm đổi mới bản thân mình bằng cách trau dồi tác phong đạo hạnh để thăng tiến trên ba mặt công quả, công trình, công phu. Đó là chúng ta làm xứng phận người tu Cao Đài đúng như lời dạy của Đức Quan Âm Bồ Tát.
Ban Cai Quản chúng tôi cũng đang tu đang học đạo như quý huynh tỷ, đệ muội. Chắc chắn bản thân chúng tôi cũng có sơ sót, khuyết điểm. Nhưng xin chúng ta vì thương Thầy mến Đạo, hãy thương yêu và tha thứ cho nhau, cùng nâng đỡ, trợ giúp nhau sửa đổi bản thân, tu hành đúng đường lối của Đạo, nghiêm chỉnh giới luật. Đó là chúng ta đang giúp cho thánh thất chúng ta xứng đáng là nhà thánh để chúng ta cùng nương níu nhau học tu, trau giồi hạnh đức của bậc thánh.
Kết thúc buổi nói chuyện hôm nay, xin mời quý huynh tỷ, đệ muội hãy cùng lắng nghe phần kết luận của bài thánh giáo mà Đức Quan Âm Bồ Tát khai xuân năm xưa. Đức Bồ Tát dạy:
“Thôi, việc đạo lý luận mãi không cùng. Bấy nhiêu đó cũng đủ đáp lại tiếng mời của Tiên Cô Diệu Hạnh, và bấy nhiêu đó cũng có thể làm món quà xuân đem đãi chư hiền sĩ, hiền muội thay cho phần vật chất, bởi vì Bần Đạo không có bánh mứt, chuối dưa và cũng không thể chúc lời bá niên giai lão.
THI
Xuân đến mấy vần đạo dụng văn
Tặng người tu niệm lớp kim bằng
Chơn tâm ráng giữ nên Tiên Phật
Khỏi uổng kiếp người chốn thế gian
Thế gian tìm bạn đạo đường
Góp sức hợp công việc thiện lương
Từ giã chư hiền xuân nhựt lạc
Ban ơn rút điển lại Tây phương.[7]
ĐẠT TỊNH
Chánh Hội Trưởng thánh thất Bàu Sen


[1] Bài nói chuyện ngày 15-01 Quý Tỵ (24-02-2013) tại thánh thất Bàu Sen.
[2] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, ngày 01-02 Tân Hợi (25-02-1971).
[3] Vĩnh Nguyên Tự, ngày 22-6 Đinh Tỵ.
[4] Vĩnh Nguyên Tự, ngày 29-02 Nhâm Tuất.
[5] Vĩnh Nguyên Tự, ngày 17-6 Đinh Tỵ.
[6] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, ngày 01-12 Bính Thìn,
[7] Vĩnh Nguyên Tự, ngày 25-01-1974 (03-01 Giáp Dần).