Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

ĐĐVU 07-08 / SO SÁNH VÀ SUY NIỆM / Dũ Lan

Image result for caodaism
Tiếp xúc một số bạn đạo Công Giáo, tôi hay được hỏi: Tại sao đạo Cao Đài thờ Con Mắt? Có nhiều cách trả lời, nhưng cách đơn giản có lẽ là so sánh. Bài thơ La Conscience (Lương Tâm) của Victor Hugo (1802-1885) vì thế lại được nhắc tới.
Dựa theo Cựu Ước, nhà thơ Pháp thuật chuyện vì ganh tỵ mà Cain giết em ruột là Abel (con của Adam và Eva). Sau đó, Cain luôn bị con mắt Thượng Đế nghiêm khắc nhìn ông. Cain sợ hãi trốn chạy ánh mắt phán xét ấy, nhưng trốn đâu cũng không thoát. Chẳng hạn, dưới chân một ngọn núi, khi tìm chỗ ngả lưng nghỉ qua đêm:
Riêng Cain nằm trằn trọc canh khuya
Ngửa mặt nhìn vòm cao ảm đạm
Thấy một con mắt mở trừng trừng
Nhìn lão chằm chằm trong đêm vắng
Mọi cố gắng trốn chạy ánh mắt đều thất bại, Cain nghĩ tới giải pháp cuối cùng:
… Ta muốn ở sâu dưới đất
Như một kẻ đáy mồ thui thủi sống cô đơn
Ta khuất mắt với đời, đời với ta khuất mắt!
Hầm sâu đào xong, Cain có vẻ hài lòng; thế nhưng:
Một mình ông già bước tới trong vòm tối
Khi đã ngồi yên vị giữa lòng đêm
Và chiếc nắp cũng buông trên mái đầu tội lỗi
Con mắt trong mồ sâu... con mắt vẫn nhìn!
(Khương Hữu Dụng dịch)


Trong bài thơ của Hugo, con mắt Trời phán xét là ẩn dụ cho lương tâm cắn rứt. Họa sĩ François Chifflart (1825-1901) vẽ con mắt phán xét của Thượng Đế là mắt trái. So sánh thêm bước nữa, có thể nhắc câu nói quen thuộc của người Việt: Trời cao có mắt. Hoặc dẫn câu Kinh Thi: Thiên giám tại hạ. 天鑑在下. (Trời nhìn xuống hạ giới). Hiển nhiên, so sánh như thế để giải thích ý nghĩa Thiên Nhãn quả thiếu sót.
Ai đó từng nói mọi so sánh đều khập khiễng. Nhưng tôi nghĩ chẳng phải vô lý mà ngành tôn giáo đối chiếu (comparative religion) lại ra đời và tồn tại trăm năm qua. Có những điểm trong giáo lý hay lịch sử đạo Cao Đài bản thân tôi chưa hiểu lắm, hoặc chưa dám tự tin với kiến giải của mình; nhờ đọc Phúc Âm tôi vỡ lẽ ra và củng cố thêm suy niệm của mình.
Mới rồi, trong Matthêu (6:22-23), tôi đọc lời Chúa dạy: “Ðèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!”
Ẩn dụ con mắt khiến tôi chú ý. Tìm hiểu thêm, tôi gặp ba câu tương đồng trong Luca (11:34-36): “Ðèn của thân thể là con mắt của anh. Khi mắt anh sáng, thì toàn thân anh cũng sáng. Nhưng khi mắt anh xấu, thì thân anh cũng tối. Vậy hãy coi chừng kẻo ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối. Nếu toàn thân anh sáng, không có phần nào tối tăm, thì nó sẽ sáng hoàn toàn, như khi đèn tỏa sáng chiếu soi anh.”
Tìm trong Bible (bản NIV: New Internation Version, của Mỹ), tôi thấy “mắt anh sáng” là “your eyes are healthy” (mắt anh lành mạnh), xét ra dễ hiểu hơn bản King James (Lk 11:34) viết: thine eye is single (mắt anh có một). Lại thấy “mắt anh xấu” trong bản NIV là “your eyes are unhealthy” (mắt anh bệnh hoạn), tương đồng với bản King James (lk 11:34) viết thine eye is evil.
Chúa dạy: “Ðèn của thân thể là con mắt của anh.” (The light of the body is the eye.) Bản King James (Mt 6:22; Lk 11: 34) dùng từ con mắt ở số ít, nghĩa là một mắt. Bản tiếng Việt nói “con mắt” chứ không nói “đôi mắt”. Con mắt Chúa nói tới không phải là hai con mắt thịt trên mặt chúng ta; nó là con mắt trong tâm hồn. Bất chợt tôi nhớ đoạn thánh giáo ngày 25-02-1926, Đức Cao Đài dạy các môn đệ về lý do vẽ Con Mắt để thờ Thầy:
Quang thị thần
Thần thị Thiên
Thiên giả Ngã dã.
光是神
神是天
天者我也.
Xưa nay người Cao Đài giải thích ba câu trên khác nhau, tôi không mấy thỏa mãn. Đọc ẩn dụ con mắt trong Phúc Âm, tôi thấy tự tin hơn với cách mình hiểu:
Ánh sáng là thần (spirit) nơi con người. Thần là phần thiêng liêng, trong sạch, kinh sách Hoa và Việt hay gọi là “Thiên ”, tức là phần Trời phú bẩm nơi con người.
Cái lương tâm cắn rứt Cain qua hình tượng con mắt chính là cái Thiên lương, cái Thiên tính (tánh Trời) đang trổi dậy trong tấm lòng phàm tục tội lỗi của ông.
Phần Trời đó là chính Ta (Ngã ), giữ được nó thì Ta là Ta; mất nó rồi, mất lương tâm, Thiên lương, hay tánh Trời phú bẩm thì vong thân, vong bản, Ta không còn là Người nữa.
Vậy, thờ Thiên Nhãn, ngắm Thiên Nhãn trong giờ dâng thánh lễ phải chăng cũng là nhắc mình giữ gìn ánh sáng Thiên lương trong nội tâm tinh khiết? Như thế, nào khác chi lời Thánh Phaolô:
“Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Ðền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em.” (1 Côrintô 19)
DŨ LAN (26-11-2013)

CGvDT số 1935, ngày 29-11-2013