Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2016

ĐĐVU 05 / ĐỌC CHÀO NGUYÊN XUÂN / Lê Khang Thìn

Image result for bùi giáng
Bùi Giáng (1926-1998)
CHÀO NGUYÊN XUÂN
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng
Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người
Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau
Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây
Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
Hỏi rằng người ở quê đâu
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.
Trích tập thơ MƯA NGUỒN
XUÂN ALISSA
Em nằm với lá trong cây
Bữa hôm nay mộng thấy ngày hôm qua
Môi cười ở cuối sân ga
Phố nào cố quận xưa là tiễn nhau
Lệ vàng xanh mắt mai sau
Chùm bông tuyết mỏng pha màu vĩnh ly.
Bài thơ cảm đề của Bùi Giáng
khi dịch KHUNG CỬA HẸP (1966) từ tiểu thuyết LA PORTE ETROITE (1909) của André Gide (1869-1951).

*

Đọc CHÀO NGUYÊN XUÂN
LÊ KHANG THÌN
Chào Nguyên Xuân, mỗi câu như một vì sao, đan kết lại cũng vừa vặn cho thành nhị thập bát tú. Bài thơ mở ra, sảng sốt đột ngột:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.
Ai chào ai đó? Và chào chi tha thiết thế?
Xin chào nhau giữa con đường…
Xin chào nhau giữa lúc này…
Xin chào nhau giữa bàn tay…
Xin chào nhau giữa làn môi…
Xin chào nhau giữa bụi đầy
Gặp nhau giữa con đường ngẫu nhĩ tình cờ, chào nhau chi tha tha thiết thiết, để rồi nhận lấy lời hồi đáp lạnh tanh:
Hỏi rằng đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau.
Cuộc tương phùng vốn đã tình cờ trong cõi mộng thì biết lấy chi chắc chắn để hẹn ước trùng lai. Dẫu thế, cớ sao vẫn cứ ân cần trân trọng: Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau.
Nhớ nhau? Nhớ người, nhớ ảnh, nhớ bóng, nhớ hình hay nhớ lời, nhớ tiếng? Hay là nhớ cái-lẽ-ra-phải-nhớ mà không ai thèm nhớ vì đang còn bận nhớ chuyện hư ảo chiêm bao?
Những câu hỏi cứ chậm rãi đặt ra. Để linh cảm một điều gì đó, la đà đâu đây: Tóc xanh dù có phai màu
Cái tiên đề đã là giả tạm phù du, và trong vô thường đó sẵn hàm tàng bạc mệnh. Bạc mệnh đến nỗi: Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Nhưng cớ sao đọc mãi những lời bạc mệnh vẫn không nghe bi lụy, thảm thiết mà lại hân nhiên, khinh khoái trong chút vui thầm tìm thấy?
Câu hỏi này xin hỏi riêng ta. Suy gẫm đi. Tại sao vui thầm, khinh khoái, hân nhiên dù đã nhận ra chốn này là đất trích chiêm bao, bạc mệnh, có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam?
Đọc lại thơ. Chào Nguyên Xuân, nhưng cơ hồ chẳng nói gì xuân. Thế rồi, cũng đột ngột như đã khởi đầu đột ngột, thơ kết lời với hai chữ Nguyên Xuân viết hoa trân trọng.
Thưa rằng ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.
Nguyên Xuân? Vốn không phải xuân đời, xuân cảnh. Cũng nào phải đâu xuân của ba tháng bốn mùa. Vì xuân nhân thế tuần hoàn theo chu kỳ nhật nguyệt, còn Nguyên Xuân là bờ bến vĩnh hằng.
Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh; Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nguyên là lớn, là manh mối nguồn đầu; Xuân cũng là phát khởi của sinh sôi nảy nở. Nguyên Xuân là cái lớn của mọi cái lớn, là nguyên khởi của mọi khởi nguyên. Nguyên Xuân cũng là Cố Quận, là Quê Nhà, là cái người xưa gượng kêu rằng… Đạo.
Cố quận. Hai chữ trầm trầm nặng nặng, mang mễ u linh trong biết bao vần điệu của nhà thơ.
Xuân Alissa chẳng hạn:
Môi cười ở cuối sân ga
Phố nào cố quận xưa là tiễn nhau.
Cố quận ấy, ở Chào Nguyên Xuân là quê nhà, là áng mây:
Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
Hỏi rằng người ở quê đâu
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà.
Con xa nhà nhớ quê, hồn gởi đám mây. Trông mây viễn xứ, nghĩ đến nhà cũ phương xa, chạnh lòng thương quê cha đất tổ. Như Địch Nhân Kiệt, và như ai đó: Hồn quê theo ngọn mây tần xa xa
Lìa cố quận vĩnh hằng, đi vào trần gian đất trích chiêm bao, là đi vào giữa chốn bụi đầy, con người dấn mình vào cuộc lữ. Rồi một lần khách lữ dừng chân: Xin chào nhau giữa con đường.
Dừng lại (chỉ) mà xem xét (quán). Bỗng thấy rằng quá khứ là vô minh với giấc ngủ dài, họa chăng chỉ còn tương lai trước mặt: Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.
Phản tỉnh, và sực tỉnh. Cái chốn bụi đầy – cũng gọi là đất trích chiêm bao – cớ sao chập chùng nhị nguyên đối đãi. Vì đối đãi nên mâu thuẫn. Nếu đã biết tóc xanh phai màu thì ai mới là kẻ ngàn năm đứng ngó cây cối?
Câu hỏi lại đặt ra, một khi ai kia cúi xuống, chợt thấy: Bên bờ nước có bóng ta bên người. Người soi, nước in bóng. Người đi, bóng còn không?
Lại hỏi, nếu đất trích chiêm bao này là mặt nước gương soi, khách lữ đang cuộc chơi hồng trần bụi cát là chiếc bóng, thì đâu là chơn thân thực tướng của chiếc bóng?
Câu hỏi này dồn thêm vào một câu hỏi khác. Và đã… lỡ hỏi quá nhiều thì cứ hỏi luôn câu nữa: Vậy nương bóng tìm Người thực được chăng? Tìm đâu?
Tìm trong cái nhị nguyên để đi tới nhất nguyên: Chấp tình cầu tánh, chấp nhân cầu thiên, mượn giả tìm thực. Hiểu như thế nên mặc dầu biết đời bạc mệnh mà nào dám đâu lìa bỏ cuộc đời, đành cam nhẫn nại chấp nhận cuộc đời, tìm trong vô thường một niềm vui tuyệt đối vĩnh hằng:
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây.
Cỏ cây nhưng không phải là cây cỏ. Ta là người, sao làm thân cây cỏ? Khi hòa đồng trong giờ vui bất tuyệt (thế gian này đâu có gì vui bất tuyệt!) tức là tiểu ngã đã hòa cùng đại ngã. TAT TWAM ASI – Anh là Cái Ấy. Cỏ cây là một phần vũ trụ, con người đại ngã là con người mà vũ trụ là mình, mình là vũ trụ, không còn đối kháng phân ly, thì làm cỏ cây nào có sái quấy chi đâu. Cũng chính khi chứng ngộ được vũ trụ là mình, mình là vũ trụ, thiên địa vạn vật nhất thể, thì dù có đi mòn bốn bể năm châu, dù có từ bước chân ra, dù đã thấy gió dàn xa dặm dài… thì con người vẫn cứ là con người ở tại Cố Quận từ muôn thuở đến giờ:
Hỏi rằng người ở quê đâu
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà.
Đi khắp thiên lý dặm trường mà vẫn không hề dời chân một mảy may xa rời Cố Quận. Đó là ý nghĩa của Như Lai.
Hình ảnh thiên lý ra đi mà không lìa Cố Quận cũng được diễn bày khi này khi khác rất ư phiêu diêu thi sĩ:
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng.
Áo Xanh, bài thứ tám trong Mưa Nguồn, có thể coi như một tóm tắt cương yếu của Cố Quận Nguyên Xuân:
Lên mù sương xuống mù sương
Bước xa bờ cỏ xa đường thương yêu
Tuổi thơ em có buồn nhiều
Cũng xin hãy để bóng chiều bay qua
Biển dâu sực tỉnh giang hà
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh.
Chân lý là cái gì thật giản dị. Bậc đạt lý thì nói năng như vô lý. Có lẽ vì vậy mà thi sĩ đôi khi nói dễ hiểu nhưng người duy lý không ai chịu hiểu. Lẽ thường, không hiểu thì hỏi, nhưng … muốn biết trà ngon hoặc dở thì xin hãy uống trà, đừng thắc mắc hỏi nhiều. Càng hỏi là càng duy lý mà Cố Quận là siêu việt trên luận lý. Cho nên:
Hỏi rằng người ở quê đâu
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà.
Câu đáp vẫn là khó hiểu. Bèn hỏi nữa cho tới nơi:
Hỏi rằng từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài.
Thi sĩ trả lời:
Thưa rằng nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào.
Ta đọc lại thơ. Đến đây ngừng lại. Đi vào. Đi vào. Đi vào. Con đường lữ thứ đã trót đi ra, thì hãy biết dừng lại, đi vào. Cũng là đi về, về với Cố Quận, về với cái chỗ mà trước mọi cuộc chia tay, trước mọi lần ta lạc loài đất trích, ta đã ở đó. Khi ấy, hình hài bổn lai diện mục ta ra thế nào, kính thưa chư Bồ Tát?

LÊ KHANG THÌN