Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

ĐĐVU 05 / CAO TRIỀU PHÁT – CHA TÔI / Cao Bạch Liên

Tiền bối Cao Triều Phát (1948), Ảnh tài liệu của Cao Bạch Liên

CHIẾC MÁY MAY MITSUBISHI
Tôi rất ham máy may, và may mặc cũng là nhu cầu chính đáng của gia đình: Phần kinh tế gia đình eo hẹp, phần ở trong vùng kháng chiến ít có tiệm may. Nhà có năm người, chị Ba và tôi cứ cắt quần áo cho cả nhà, lược để sẵn; năm ba tháng một lần, hai chị em chèo xuồng đến nhà bà Giáo Sư Đài, một chức sắc trong đạo Cao Đài, cách nhà tôi khoảng mười cây số. Bà Đài có chiếc máy khá tốt nhưng ít xài tới nên hai chị em tôi đến may quần áo nhờ, một đợt vài ba ngày.
Sau lần tôi giãi bày tâm can với cha, thấy cha có nghĩ đến những điều tôi đã nói. Mấy tháng sau cha nhờ chú Kha Vạng Cân (phụ trách kinh tế của Ủy Ban) mua cho tôi một chiếc máy may hiệu Mitsubishi mới nguyên trong thùng.
Nhìn chiếc máy sáng bóng, một món quà vô giá đối với tôi, tôi vô cùng biết ơn cha. Tôi lau chùi nó mãi, rồi vẫn chưa vừa lòng, bèn tháo ra lau dầu các bộ phận bên trong. Tháo ra thì dễ, lắp vào thì khó. Mày mò mãi chưa lắp lại được mới kêu cứu chị Ba. Chị hết hồn, vì chị chỉ biết may chớ có tháo máy ra bao giờ đâu! Lỡ không lắp lại được, ở cái xứ này tìm đâu ra thợ máy mà nhờ!
Tôi nhớ lại chiếc bút máy cha cho mấy năm trước, cũng vì táy máy mà làm hư. Tôi hoảng quá, mồ hôi tươm như tắm. Tôi cố trấn tĩnh tinh thần, tuần tự lắp lại thật chậm rãi. Đang lắp thì cha về. Mặt tôi tái mét không còn chút máu. Thấy tôi tháo tung máy ra, cha nhăn mặt hỏi:
- Con lại diễn cái trò cây bút máy mấy năm trước phải không?
- Dạ, con lau dầu các bộ phận bên trong.
- Con dại quá. Khi lắp ráp người ta đã bôi dầu mỡ rồi, và đóng vào thùng cẩn thận. Thời gian đầu không cần lau dầu đâu. Sử dụng một thời gian rồi mới lau dầu lại. Bây giờ liệu con lắp ráp lại được không?
- Thưa cha, con sẽ cố gắng, không để tái diễn trường hợp như cây bút năm nào đâu. Bây giờ con lớn hơn lúc đó rồi. Xin cha để con bình tĩnh. Con nhất định không làm cha thất vọng.
Sau một giờ đồng hồ lần mò từng chút, chiếc máy may được lắp lại xong. Đạp thử thấy máy chạy êm, đường may rất đẹp, tôi nói:
- Thưa cha, con đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Tiếng máy chạy êm ru, đường may thử đẹp lắm. Xin báo cáo cha kiểm tra.
Cha vui ra mặt, nhìn tôi mà lắc đầu và tủm tỉm cười:
- Con gái của cha khá lắm! Muốn làm là làm được. Đáng lẽ con phải là con trai, sao đầu thai làm con gái?
Thấy cha đang vui, tôi nói luôn một hơi:
- Thưa cha, con trai mà thiếu ý chí và thiếu cái tâm thì không bằng con gái đâu. Con tuy dốt nát, học hành chẳng bằng ai, nhưng con quyết không để thua con trai. Ai cũng quý trọng con trai, coi con gái là nữ nhơn ngoại tộc, thật đáng buồn thay! Chẳng qua là do chế độ phụ quyền gây ra mà thôi. Phụ nữ bị coi thường, không được tạo điều kiện học hành đến nơi đến chốn, chứ con gái đâu kém gì con trai. Có khi còn hơn con trai nữa, phải không cha?
- Giỏi lắm! Con gái của cha học được ở đâu về bình đẳng nam nữ vậy con?
- Dạ, chị Ba hay dắt con sang cơ quan phụ nữ Nam Bộ. Con nghe các dì, các chị học chính trị hoài. Con thấy hợp ý con nên con nhớ. Con phải cố gắng tự phấn đấu. Cái gì tốt con cũng học hết.
- Chà, cha rất mừng là con đã biết suy nghĩ và mong con sẽ làm được như vậy. Cha thật sự hạnh phúc khi thấy con là con gái mà không chịu thua con trai đó nghen.
Chiếc máy may cha mua cho là một món quà vô cùng quý giá đối với tôi, là một tài sản lớn duy nhứt tôi có được, từ lúc chào đời cho tới khi ấy.
Tôi nâng niu giữ gìn cẩn thận, những lúc không dùng, tôi gỡ đầu máy để vào một cái túi. Khi chạy máy bay, tôi đeo sau lưng. Có lúc, buổi sáng đem giấu trong gốc chuối ngoài vườn, đến ti lại mang vào nhà cất.
Rất tiếc, khi đi tập kết mỗi người chỉ mang một túi quần áo và vài thứ tối cần thiết lên tàu. Tôi đành phải gởi máy may lại cho cô Mười Huê, một người trong Đạo, nhà ở đập Cái Giếng.
Cứ tưởng hai năm sau sẽ được gặp lại những người quen cũ và món kỷ vật cha cho, nhưng phải tới hai mươi mốt năm đằng đẵng tôi mới trở về vùng Cái Cấm, Cái Nước. Cuộc đời dâu bể tang thương, chiến tranh đã thay đổi tất cả. Nghe nói cô Mười Huê mất lâu rồi, đạn bom phá tan nhà nát cửa. Người còn kẻ mất, làng xóm tiêu điều. Đâu ai còn nhớ gì đến chiếc máy may thân yêu của tôi nữa.

NHÀ CHÚNG TÔI BỊ NÉM BOM
Vùng Cái Nước này trước đây yên ắng nhưng về sau thỉnh thoảng có tiếng máy bay ì ầm xa xa. Rồi chúng xuất hiện, quần đảo ngó nghiêng. Có lúc máy bay bổ nhào bắn phá ngoài vàm Chà Là, Bà Hính, Nhà Thính, dọc sông Bảy Háp... Trận chiến đã đến gần.
Một ngày nọ, các cơ quan Nam Bộ về họp ở nhà chúng tôi khá đông. Buổi chiều họp xong liền giải tán đi ngay. Nhưng chắc có gián điệp báo tin nên ngày hôm sau nơi đây bị ném bom.
Lúc hai giờ chiều nghe có tiếng máy bay ầm ì, chị Ba kêu lên:
- Chạy mau! Máy bay tới!
Bốn mẹ con chạy ra khỏi nhà, vượt được con mương ở vườn thứ nhứt, tới con mương thứ hai thì máy bay đã ở trên đầu. Bốn mẹ con nhào ngay xuống mương ẩn núp, thì bom đã nổ ầm chát chúa cách chúng tôi chưa đầy hai mươi thước. Sức ép của bom làm nước bắn lên tung tóe, miểng bom bay rào rào phạt đổ cây cối. Chị Ba nói nó ném bom nhà mình rồi. Chúng còn bắn xối xả xuống khắp khu vườn.
Tốp máy bay thứ hai ầm ầm lao tới. Nghe tiếng nổ lụp bụp rồi một cột khói đen bốc lên đen ngòm. Chị Ba nói nó ném bom na-pan. Khói lửa bốc lên ngùn ngụt. Lần này chúng ném trượt sang nhà ông Tuần Thành và nhà ông Sáu Hảo cách nhà chúng tôi hơn một trăm thước, làm cháy nhà và chết người con rể ông Tuần Thành. Máy bay còn quần đảo thêm một lúc nữa mới bay đi.
Chờ không thấy tốp nào khác, mấy mẹ con lóp ngóp bò từ dưới mương lên. Không ai bị thương. Cây trong vườn đổ la liệt một vệt dài chạy về phía nhà ông Sáu Hảo. Mái nhà chúng tôi không còn nữa. Ở đó chỉ là một cái hố bom đen ngòm nhấn chìm ngôi nhà, nuốt luôn bồ lúa hơn trăm giạ, là kết quả lao động chắt chiu của cả nhà, từ tiền bán từng thước vải, tiền bán chuối, bán dừa mới có được.
Giờ đây nguồn sống của gia đình phút chốc bị vùi sâu xuống đất. Cũng may nhờ sáng nào quần áo cũng bỏ vô bao cà ròn vác ra bỏ ở các gốc chuối nên khi nhà bị bom không bị mất quần áo. Mẹ tôi còn cẩn thận đem mấy cây dao, rựa giấu ở gốc chuối ngoài vườn, vậy là không bị mất. Bà con xóm giềng tới thăm hỏi, người cho một ít gạo, người cho cái nồi, người cho con cá, chút mắm muối để ăn tạm buổi chiều.
Mãi gần tối cha tôi mới từ thánh thất Tây Thiên trở về. Xuồng cha vừa cặp bờ, em Khiết ra đón cha từ dưới bến, tay dắt cha, miệng huyên thiên:
- Hồi trưa máy bay ném bom nhà mình, sợ lắm cha ơi! Máy bay bắn nhiều lắm. Con núp dưới mương, chị Liên lấy tay che đầu cho con, suýt bị mất tay đó cha. Còn bồ lúa bị bom vùi hết rồi, cha à. Mẹ đang lo không còn lúa để ăn đó cha. Còn nữa, chén dĩa bị bom mất hết!
Cha nói với mẹ, giọng bình thản:
- Cả nhà bình an hả, mẹ nó? Nhà mình không ai bị thương. Vậy là thằng Tây thua mình rồi. Nó muốn giết người mà đâu có dễ. Còn lúa mất, thì mình chịu cực làm kiếm lúa khác để ăn, chớ có sao đâu. Chỉ tiếc một chút thôi.
Con người của cha là vậy đó, dù ở hoàn cảnh nào, cha cũng lạc quan và giải quyết tình huống thật nhẹ nhàng.
Em Khiết lại tiếp:
- Cha coi, gạo và nồi bà con lối xóm cho. Chén dĩa mất hết rồi, mẹ và chị Ba có sáng kiến chặt dừa lấy gáo làm chén để ăn cơm đó cha.
- Có cơm ăn là quý rồi. Đựng bằng gáo dừa ăn cũng được, chớ có sao đâu.
Mẹ nói:
- Thôi mời ông và cả nhà ăn cơm, kẻo tối không có dầu đèn.
Bữa cơm tuy khác thường nhưng ai cũng thấy ngon miệng.
Tối hôm đó cả nhà trải lá chuối khô làm đệm trên chỗ đất cao ráo để ngủ tạm. Cũng may trời không mưa.
Hôm sau bà con bổn đạo từ Cái Cấm, Cái Nước [1] kịp thời mang lương thực đến tiếp tế, và chở vật liệu cây, lá đến dựng giúp một mái nhà lá nho nhỏ để gia đình tôi tạm che mưa che nắng.
Gia đình tôi lại tiếp tục những ngày bình thản, như không có gì xảy ra.
CAO BẠCH LIÊN
Trích hồi ký CHA VÀ CON (2002)



[1] Hiện nay Cái Cấm là một ấp, thuộc xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Huyện Cái Nước nằm ở phía Nam, cách trung tâm tỉnh Cà Mau 30km. Phía Bắc giáp thành phố Cà Mau, phía Nam giáp huyện Năm Căn, phía Tây giáp huyện Phú Tân và Trần Văn Thời, phía Đông giáp huyện Đầm Dơi. Huyện Cái Nước gồm có thị trấn Cái Nước và mười xã. Diện tích tự nhiên của huyện là 39.617 mẫu tây (héc-ta); gồm các dân tộc: Kinh, Khmer, và Hoa. [Văn Uyển chú]


CAO TRIỀU PHÁT – CHA TÔI, hồi ức của hiền tỷ CAO BẠCH LIÊN, qua năm tập Văn Uyển, xin được tạm khép lại nơi đây. Với hơn 14.500 từ, loạt bài này đã giúp chúng ta có thêm một góc nhìn về những mảnh đời thường của một bậc tiền bối uy hùng trong Đại Đạo, một nhân vật khả kính trong lịch sử dân tộc.
Kính mời quý đạo hữu tìm đọc thêm: HÀNH TRẠNG TIỀN BỐI CAO TRIỀU PHÁT, của Cao Bạch Liên và Huệ Khải (quyển 27-2 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, Nxb Tôn Giáo, vừa tái bản 5.000 bản trong tháng 12-2012). Dày 112 trang, với 23 trang sử biên niên và 73 trang ảnh tài liệu, quyển sách nhỏ này mang đến một cái nhìn tương đối đầy đủ và chi tiết về cuộc đời hy sinh hành đạo và phụng sự dân tộc của Đức Cao Triều tiền bối.
Hiền tỷ Cao Bạch Liên (bút danh Sen Trắng) sinh ngày 15-10 Bính Tý, tại quận Vĩnh Châu (tỉnh Bạc Liêu), nay là huyện Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng). Hiền tỷ nhập môn Cao Đài tại Vĩnh Nguyên Tự năm Bính Tuất. Mùa xuân này, tuy không còn xa ngưỡng cửa bát tuần (80), ngày ngày hiền tỷ vẫn hăng say viết lách trước màn hình và bàn phím máy vi tính, quả là vị cao niên đầy nhiệt tâm cầu tiến, say sưa hành đạo.
Văn Uyển chân thành cảm tạ hiền tỷ đã cho phép trích đăng hồi ký Cha Và Con (2002). Nhân mùa xuân mới Quý Tỵ, kính thành cầu nguyện Thầy Mẹ ban ơn lành để hiền tỷ Cao Bạch Liên tiếp tục bền bỉ với con đường hành đạo bằng cả tâm lực và bút lực.
Ban Ấn Tống