Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

ĐĐVU 05 / GIẢNG ĐẠO HAY GIẢN ĐẠO? / Nghê Dũ Lan

Tiền bối Nguyễn Văn Kinh (1890-1945)

Tiền bối Nguyễn Văn Kinh (1890-1945) là con thứ ba của ông Trần Văn Khá và bà Thái Thị Ban, người thôn Bình Lý, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi). Năm 1902 tiền bối Kinh tu theo đạo Minh Sư, đến năm 1920 tiếp tục học đạo với Lão Sư Nguyễn Đạo Tương ở xã Hữu Đạo, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho. Cả hai cùng là môn đồ của Thái Lão Sư Trần Đạo Quang. Tiền bối Kinh thông chữ Hán, biết nghề đông y.
Sau khi cùng với đông đảo thầy trò Minh Sư quy hiệp Cao Đài, tiền bối Kinh thọ Thiên phong phẩm Ngọc Giáo Sư ngày 08-6 Bính Dần (thứ Bảy 17-7-1926). Tiền bối Kinh là vị thứ chín trong số hai mươi tám môn đệ được Đức Chí Tôn điểm danh ký tên vào Tờ Khai Đạo đề ngày 07-10-1926 gởi Quyền Thống Đốc Nam Kỳ Le Fol. Khi các tiền bối chia nhau làm ba nhóm đi phổ độ Lục Tỉnh (từ tháng 10-1926) thì tiền bối Kinh cùng với tiền bối Nguyễn Đạo Tương vốn thông kinh giỏi điển, lãnh nhiệm vụ thuyết giảng giáo lý, lần lượt trợ giúp cả ba nhóm phổ độ.
Ngày 03-3 Ất Dậu (thứ Bảy 14-4-1945), trên đường ra Trung Kỳ hành đạo, khi xuống tàu thủy ở cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), tiền bối Nguyễn Văn Kinh trúng đạn máy bay đồng minh oanh kích quân Nhật. Không qua khỏi thương thế trầm trọng, tiền bối quy thiên tại bệnh viện Chợ Rẫy. Di thể được táng tại ngã ba Đồn (nay thuộc xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn), sau này cải táng về Tây Ninh (1980).
Trong những năm đầu mở Đạo, tiền bối Kinh đã sớm tận tụy soạn và in sách để phổ thông phổ truyền giáo lý. Ngoài quyển Hội Lý Xiển Chơn Luận (1928), tiền bối còn có quyển GIẢN ĐẠO YẾU NGÔN gồm ba mươi lăm đề mục.


Tập Giản Đạo Yếu Ngôn được tái bản nhiều lần. Tôi còn giữ được bản in tại nhà in Hoàng Hải (số 152 đường Douaumont, Sài Gòn) năm 1955 (dày 28 trang ruột).
Sẽ không có chuyện gì đáng nói nếu như những năm sau này một số tác giả trong nước và trên Internet, những khi nhắc tới cuốn sách mỏng này, lại lầm lẫn ghi là GIẢNG ĐẠO YẾU NGÔN! [1]
Có lẽ lớp hậu bối nghĩ rằng tiền bối Nguyễn Văn Kinh đã viết sai chánh tả (!), và quý vị ấy đã tự ý sửa lại giùm người xưa nhan đề. Thật đáng tiếc! Bởi lẽ lầm lẫn này xảy ra chỉ vì lớp người sau trót không hiểu rằng tiền bối Kinh đã đặt nhan đề theo cấu trúc chữ Hán.
(a) Yếu Ngôn 要言 nghĩa là lời nói quan trọng (essential sayings); cấu trúc là:
tính từ (YẾU) ® danh từ (NGÔN)
YẾU: bổ ngữ (modifier) ® NGÔN: từ chánh (head word)
(b) Giảng Đạo 講道 nghĩa là giảng giải đạo lý (explaining religious teaching); cấu trúc là:
động từ (GIẢNG) ¬ danh từ (ĐẠO)
GIẢNG: động từ ¬ ĐẠO: tân ngữ (object)
Như thế, hai cấu trúc (a) và (b) trên đây so le (unparalleled), và viết Giảng Đạo Yếu Ngôn [sic] thì chẳng đúng về mặt văn pháp. Trái lại, tiền bối Nguyễn Văn Kinh xưa kia viết rất chính xác là Giản Đạo.
(c) Giản Đạo 簡道 nghĩa là đạo lý giản dị (plain and simple religious teaching); cấu trúc này là:
tính từ (GIẢN) ® danh từ (ĐẠO)
GIẢN: bổ ngữ ® ĐẠO: từ chánh
và cấu trúc (c) hoàn toàn khớp, phù hợp với cấu trúc (a) Yếu Ngôn theo nguyên tắc quan hệ song song (parallelism) trong nghệ thuật tu từ (rhetoric).
Tóm lại, nhan đề sách của tiền bối Nguyễn Văn Kinh chính xác là GIẢN ĐẠO YẾU NGÔN 簡道要言 với ý nghĩa là những lời thiết yếu (quan trọng) mà tiền bối dùng để diễn bày đạo lý đơn sơ, giản dị.
NGHÊ DŨ LAN


[1] Thử gõ “giảng đạo yếu ngôn” vào công cụ tìm kiếm Google, sẽ tìm được rất nhiều kết quả minh chứng cho nhận xét trên.