Hàng năm vào dịp Trung Thu rằm tháng Tám, những người con áo trắng Cao
Đài lại nô nức dọn mình để đón mừng đại lễ Hội Yến Bàn Đào, để chờ được thọ
lãnh ơn phước từ huệ của Đức Mẹ kính yêu.
Nói dọn mình có nghĩa là chúng ta chuẩn bị cho bản thân mình một tư thế,
một điều kiện thích hợp nhất, xứng đáng nhất, trang trọng nhất để đón Đức Mẹ
đến với chúng ta.
Giả sử trong đời thường, mỗi khi biết có khách quý sẽ ghé nhà, chúng ta
đều lo dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng tươm tất, chuẩn bị thức ngon và quý để tiếp
đãi trọng hậu.
Vậy thì đối với Đấng Mẫu Nghi của cả càn khôn thế giới này là Đức Diêu
Trì Kim Mẫu Vô Cực Từ Tôn chúng ta sẽ chuẩn bị thế nào đây?
Chúng ta sẽ đón Mẹ trong thánh thất của mình. Nói như vậy, ở những thánh
thất hẻo lánh, đời sống còn khó khăn chật vật quá, thánh thất còn nhỏ bé, tầm
thường, liệu có xứng đáng để đón Đức Mẹ không?
Hay là phải có những thánh thất thật đồ sộ, nguy nga, phô trương những vẻ
lộng lẫy, kiêu sa mới xứng đáng để đón tiếp Đức Mẹ vào mỗi độ thu về?
Thưa không! Nếu thánh sở nguy nga hoành tráng, lộng lẫy kiêu sa mà nơi đó
thiếu đời sống đạo đức, thiếu tình thương đùm bọc của đàn anh đàn chị đối với
đàn em, thiếu lòng kính trọng quý mến của đàn em đối với đàn anh đàn chị, thì
chắc chắn nơi đó chỉ là cái xác nhà đồ sộ mà không hồn, nó lạnh lẽo vì thiếu
hơi ấm của tình thương đồng đạo. Nơi mà thiếu thốn tình thương như thế thì
chẳng thể nào mong đón được Đức Mẹ giá lâm.
Thật vậy, tại thánh thất Bình Hòa, vào dịp Trung Thu Đinh Mùi
(18-9-1967), Đức Mẹ đã dạy chúng ta như sau:
“Con ôi! Vô Cực Từ Tôn không ngự trên
đài cao hoang vắng tình thương mặc dầu nó đầy đủ vẻ vàng son rực rỡ.”
Tóm lại, dẫu thánh thất nào mà khiêm tốn, bé nhỏ đến mấy chăng nữa, nhưng
nơi đó chan hòa tình đạo, tình người, chắc chắn nơi đó sẽ có Đức Mẹ giá lâm ban
hồng ân phước huệ cho con cái, để thưởng công những đứa con ngoan hiền xứng
đáng.
Những họ đạo nghèo, bổn đạo thiếu thốn cũng đừng e ngại rằng mình không
đủ phương tiện tài chánh sắm sửa những món đắt tiền cực sang cực quý để làm lễ
phẩm dâng hiến Đức Mẹ trong lễ Hội Yến Bàn Đào đêm rằm tháng Tám. Bởi vì lễ
phẩm vật chất thì làm sao sánh được lễ phẩm tinh thần là tấm lòng chơn thật,
chí tâm thành kỉnh tu học và hành đạo của chúng ta dâng lên Mẹ.
Thật vậy, tại thánh thất Tân Định, vào đêm Trung Thu Canh Tuất
(15-9-1970), Đức Mẹ giáng cơ dạy rõ như sau:
“Mẹ đến
với các con không phải chỉ để vui hưởng những lễ vật trang trọng mà các con ưu
tư dành dụm để sắm sanh, cũng không phải để cùng các con hứng cảnh xem mây
trong gió mát trăng thanh với linh đình lễ vật, cũng không phải đến với các con
trong bửu điện nguy nga sơn son phết vàng, đèn hương sáng lòa nghi ngút…”
Đến đây chúng ta thấy thánh giáo của Đức Mẹ dạy không hề khác với lời Đức
Chí Tôn dạy con cái.
Thánh
Ngôn Hiệp Tuyển chép lời Thầy dạy chúng ta rằng ở thế gian đâu có
đền đài nào sánh được với Bạch Ngọc Kinh của Thượng Đế, cho nên Thầy đâu cần
ngôi cao ở thế gian, mà chỉ cần cái tâm thành của chúng ta mới xứng đáng làm
bửu tòa để Thầy ngự trị:
Bạch
Ngọc từ xưa đã ngự rồi
Chẳng
cần hạ giới vọng cao ngôi
Sang hèn
trối kệ tâm là quý
Tâm ấy
tòa sen của Lão ngồi.
Và Thầy cũng dạy chúng ta nhớ rằng không
có món lễ phẩm thế gian nào xứng đáng dâng lên Thầy hết, mà chính tấm lòng chân
thành yêu thương nhau của chúng ta mới là lễ phẩm vô giá để Thầy chứng giám và
đón nhận. Tại Hội Thánh Hậu Giang Minh Chơn Đạo, vào giờ Ngọ ngày 14 tháng 7
Kỷ-Dậu (28-8-1969), Thầy giáng cơ dạy rõ như thế: “Thương nhau - tặng vật hiến dâng Thầy…”
Và Đức Mẹ cũng dạy tương tự như thế. Mùa
Trung Thu năm Quý Sửu, tại Vạn Quốc Tự, ngày 10-9-1973, Đức Mẹ nhắn nhủ: “Lòng con là một hiến dâng nhiệm mầu.”
Chúng ta đã bàn tới thánh đường hạ giới
là nơi nghinh đón Đức Mẹ. Chúng ta cũng đã bàn tới lễ phẩm tâm hồn, lễ phẩm
tình thương để kính dâng Đức Mẹ. Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng mỗi người
đạo hữu chúng ta còn có một thánh đường vô cùng sang trọng, rất mực cao quý để
xứng đáng đón Đức Mẹ hơn cả.
Mở đầu bài nói chuyện đạo này có nói
rằng những người con áo trắng Cao Đài đều nô nức dọn mình để đón mừng đại lễ
Hội Yến Bàn Đào. Hai chữ dọn mình nên
hiểu đúng nghĩa là chúng ta hãy xem xét lại thân tâm của mình xem có xứng đáng
để đón mừng Đức Mẹ chưa.
Thân chúng ta chính thực là một thánh
đường để thỉnh Đức Mẹ vào ngự trị. Chân lý này trong Công Giáo đã từng được
Thánh Phaolô rao giảng,
Ngài bảo thân xác chúng ta là đền thờ Thiên Chúa, và Thiên Chúa ngự trong chúng
ta, với điều kiện là chúng ta phải dọn mình cho trong sạch, thanh khiết để đón
Ngài.
*
Sau khi đã học lại lời Đức Mẹ dạy về
việc dọn mình để mừng đón Đấng Từ Tôn trong đại lễ Hội Yến Bàn Đào, giờ đây
chúng ta tiếp tục ôn học ý nghĩa của đại lễ này.
Tại sao Đức Mẹ ban ơn cho con cái Kỳ Ba
này được dự Yến Bàn Đào? Xin thưa, Đức Mẹ mong muốn chúng ta thông qua lễ Hội
Yến hữu hình tại thế gian sẽ thấu hiểu được đạo lý sâu xa để chúng ta có thể
nương theo đó mà ráo riết tu hành, siêng năng lập công bồi đức ngõ hầu thẳng
bước đường trở về với Mẹ.
Trung Thu năm Canh Tuất (14-9-1970),
giáng đàn tại thánh thất Bình Hòa, Đức Kim Mẫu dạy:
Hội Yến
Bàn Đào quả tốt xinh
Thương
con Mẹ bố phép huyền linh
Cho con
thọ hưởng khuây lòng tục
Nhớ đến
căn xưa chốn Ngọc Đình.
Như vậy, Đức Mẹ ban ơn cho con cái, ban
bố điển lành mầu nhiệm vào hoa quả dâng cúng, để chúng ta thọ hưởng. Nhờ điển
lành của Mẹ, hoa quả trần gian trở thành hoa quả thiêng liêng, chúng ta thọ
hưởng vào thân phàm này sẽ có tác dụng khuây lảng tánh nết trần tục, bớt đi ham
muốn tầm thường.
Hơn thế nữa, tâm trí chúng ta mở ra,
chúng ta hồi tỉnh biết nhớ lại nguồn gốc quê xưa của mình vốn là cõi trời
thượng giới. Có nhớ như vậy thì chúng ta mới lo tu để trở về với Mẹ.
Khi nhớ tới quê xưa nơi cõi thượng,
chúng ta cũng nhớ thêm lý do vì sao mình xuống trần gian làm người kiếp này. Lý
do đó là chúng ta đã hứa nguyện với Mẹ vào trần gian để đem đạo lý cứu đời đang
lặn hụp trong biển khổ. Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý
(đêm 13-8 Kỷ Mùi) như sau:
Hội Yến
để nhớ con còn sứ mạng
Là Thiên
ân gánh Đạo bước vào đời
Thức
tỉnh người trong biển khổ chơi vơi
Sống cõi
tạm cuộc đời sớm tối.
Cho nên, nếu chúng ta nôn nao chờ dự Hội
Yến Bàn Đào, đến chừng qua lễ Trung Thu rồi, chúng ta vẫn trở lại nếp sống cũ,
không hăng say tu học và thực hành công quả, công trình, công phu, tức là chúng
ta đã quên mất ý nghĩa cao siêu của Hội Yến Bàn Đào. Nếu mà chúng ta quên như
thế, thì Yến Bàn Đào hóa ra cũng chỉ là một bữa tiệc tầm thường như mọi bữa
tiệc trần gian trong đời sống của ta mà thôi!
Trái lại, nếu chúng ta dự Yến Bàn Đào
rồi và sau đó ráng rèn tâm sửa tánh, ráng học đạo và hành đạo để lập công bồi
đức, thì chung rượu nhỏ mà chúng ta được diễm phúc thọ hưởng trong lễ Yến Bàn
Đào sẽ là rượu quỳnh tương thiêng liêng tuôn chảy trong huyết quản của ta, nuôi
dưỡng tâm linh chúng ta, thêm sức mạnh cho chúng ta vững vàng tiến bước trên
đường tu hành cứu nhân độ thế.
Thật vậy, chung rượu đêm Trung Thu của
Mẹ ban cho rất mầu nhiệm, vì Đức Mẹ đã dạy tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý (đêm
13-8 Kỷ Mùi) như sau:
Cõi nê
hoàn Mẹ châm cúc tửu
Vào Cao
Đài Mẹ trụ sanh quang
Rồi con
đến đó hội bàn
Đủ đầy
sức sống vững vàng độ nhân.
Nê hoàn tức là đỉnh đầu chúng ta. Đức Mẹ
rọi linh điển vào đó, soi sáng tâm linh cho ta hành đạo. Mà đâu phải chỉ có
điển lành của Mẹ. Bởi vì trong Hội Yến Bàn Đào còn có các vị Phật Tiên cùng hộ
giá Đức Mẹ tham dự. Và các Đấng đều từ bi bố ban cho chúng ta điển lành.
Tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý (đêm 14-8
Tân Dậu) Đức Mẹ dạy rõ nghĩa lý huyền nhiệm này giúp chúng ta thấu đáo tính
chất thiêng liêng của Yến Bàn Đào. Mẹ dạy:
Bàn Đào
Hội Yến đêm thanh
Mẹ cùng
chư Phật ân lành bố ban
Cho các con hòa chan lý Đạo
Cho lòng con hoàn hảo thiên lương
Cùng nhau chung sống tình thương
Như hoa xinh đẹp, ngọt dường đào
tiên.
Chúng ta đều biết rằng người đạo Cao Đài tu học và hành đạo theo lẽ Thiên
nhân hiệp nhất. Tức là có các Đấng thiêng liêng hợp sức cùng con người trần
gian chung tay vận chuyển công cuộc Kỳ Ba cứu thế. Các Đấng cũng còn phải đến
trần gian lập công trong nguơn hội chót này thì chúng ta làm sao dám xao lảng,
lơ là việc đạo?
Thật vậy, Hội Yến Bàn Đào cũng là một cách thể hiện lẽ Thiên nhân hiệp
nhất trong đạo Cao Đài. Mùa Thu năm Đinh Tỵ, tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Đức
Mẹ từ bi phơi bày hết tất cả mọi bí nhiệm huyền vi của Yến Bàn Đào cho chúng ta
được thấu đáo, thông suốt. Đức Mẹ dạy:
“Hỡi các con! Mẹ dụng Yến Diêu Trì là
tượng trưng cho mùa đào tiên kết trái, và chư Thần Thánh Tiên Phật đến trần
gian dự yến cùng các con là hòa hợp hai cõi sắc không, đồng thọ lãnh sứ mạng
hoằng dương chánh pháp phổ độ Kỳ Ba. Dầu các con nam hay nữ cũng đồng chung
trách nhiệm. Các con hãy tự làm sáng cái Đạo hằng hữu của các con rồi mới vững
bước trên đường Thiên Đạo Đại Thừa.”
Trong đoạn thánh giáo vừa trích dẫn, chúng ta thấy Đức Mẹ nhắn nhủ chúng
ta một lời rất quan trọng: “Các con hãy
tự làm sáng cái Đạo hằng hữu của các con rồi mới vững bước trên đường Thiên Đạo
đại thừa.”
Trong thân xác ta luôn luôn có đạo lý ẩn tàng. Mẹ gọi đó là “cái Đạo hằng hữu”. Nhưng bị lục dục
thất tình che lấp nên cái Đạo ấy đang chịu lu mờ. Giờ đây Đức Mẹ dạy chúng ta “hãy tự làm sáng cái Đạo hằng hữu” để
rồi “vững bước trên đường Thiên Đạo đại
thừa”.
Để có thể làm sáng cái Đạo hằng hữu trong mỗi người chúng ta, chắc chắn
không có gì hiệu quả hơn là siêng năng học hỏi thánh giáo để hướng thiện; đồng
thời siêng năng làm công quả để giải trừ nghiệp cũ cản trở đường tu; và trên
hết là thực hành công phu (như ở Hội Thánh chúng ta là thực hành pháp môn luyện
châu) để thắp sáng lại tâm linh, châm dầu vào ngọn đèn tuệ giác trong mỗi chúng
ta.
Vào mỗi mùa Trung Thu, ai ai trong chúng ta cũng đều nô nức đón chờ đại
lễ Diêu Trì Hội Yến. Bằng cách suy gẫm về ý nghĩa lễ Yến Bàn Đào qua dòng thánh
giáo của Đức Vô Cực Từ Tôn, ước mong rằng sự ôn học như thế này sẽ bổ ích cho
chúng ta, để chúng ta cùng thương yêu đoàn kết tu học và hành đạo hăng say hơn
nữa. Đó cũng là cách chúng ta hiệp tâm chí thành dâng lên Đức Mẹ kính yêu món
lễ phẩm vô giá mà Đức Mẹ sẽ hân hoan tiếp nhận.
MỘT NỮ TÍN ĐỒ
Thánh thất Trung Hải (Hội Thánh Truyền
Giáo Cao Đài)
THÁNH THI
Trên thiên
không treo hình ngọc thố
Vẹt sạch mây ánh lộ huy hoàng
Sáng
soi khắp cả trần gian
Biết
con ngồi thở, đứng than một mình.
Con buồn vì thiếu tình đầm ấm
Con lo vì cho tấm mảnh thân
Khổ vui, vui khổ mấy lần
Phong trần rồi lại phong trần như xưa.
Nay con
giữ muối dưa cùng Đạo
Lo tu hành cải tạo lấy thân
Thiệt tu, tai họa chẳng gần
Thiệt lòng vì Đạo, Thánh Thần hộ cho.
Đức VÔ CỰC TỪ TÔN
Trung Hưng Bửu Tòa
15-8 Mậu Thân (06-10-1968)
|
Đại Đạo Văn Uyển trân
trọng giới thiệu quý đạo hữu blog UNDERSTANDING
CAODAISM gồm các bài tiếng Anh của HUỆ
KHẢI viết về đạo Cao Đài tại địa chỉ:
|