ĐẾN CHẮC BĂNG (VĨNH
THUẬN)
Ròng
rã ngày đêm
ngồi trên
xuồng chịu nắng gió, căng thẳng, vượt sông Tiền, sông Hậu, hai lần vượt lộ Đông Dương, len lỏi vượt qua
các đồn bót giặc, cuối cùng về đến đất Cần Thơ, Rạch Giá, mọi người hít thở không khí trong
lành, cảm
giác thật bình yên, ngồi dưới xuồng
nhìn lên hai bên bờ cây trái xum xuê một màu xanh hạnh phúc.
Qua
các chợ Long Mỹ, Chắc Băng... cảnh chợ búa đông vui, náo nhiệt, người mua kẻ
bán, trên bến dưới thuyền, nông sản, trái cây khóm, dừa, dưa hấu, vú sữa, xoài… thuyền nào thuyền nấy đầy ắp, từ rẫy, vườn chở đến chợ bán, thật đông vui và yên
bình của một vùng tự do trù phú.
Về miền Tây, nơi gia đình tôi đặt chân đầu tiên là thánh thất Ngọc Trung, xã Vĩnh Thuận, cách chợ Chắc Băng khoảng một cây số.
Thánh
thất này do ông bà Cả Ngọc (một tín đồ Cao Đài Minh Chơn Đạo) hiến mấy mẫu đất và bỏ tiền ra xây cất. Tôi nghe
nói trước kia ông bà giàu lắm nên có đất, có tiền để cất thất, và ở luôn trông nom.
Ông
bà có dãy phố mười căn ở ngay chợ Chắc Băng nhưng không ở. Sau khi ông mất, bà
không ở thất nữa, một mình sống trên chiếc ghe hầu thường đậu dưới bến trước
thất. Bà có đứa cháu gái giúp cơm nước và một thanh niên chèo ghe khi bà cần đi
đây đó.
Thánh
thất Ngọc Trung khá rộng, chỉ có
một bà trông coi là
bà Hai. Nhà
đông lang, nhà tây lang khá rộng không ai ở, nên gia đình tôi xin tá túc tại
đây. Hàng ngày cha đi công tác, hội họp luôn, ít khi ở nhà.
Ở CÁI TÀU – RẠCH TẮC
Lúc này giặc Pháp đã bắt đầu chuyển hướng chú ý tới miền Tây Nam Bộ, vì
chúng biết được các cơ quan đầu não của kháng chiến Nam Bộ tập trung về miền
Tây. Bắt đầu có máy bay thám thính bay qua vùng này quần đảo ngó nghiêng.
Các cơ quan Nam Bộ bắt đầu dời địa điểm. Rút kinh nghiệm, lần này ở phân
tán xa nhau hơn, và ở sâu vào các rạch nhỏ, các thứ.[1] Hễ có động thì rút nhanh vào U Minh.
Cơ quan của cha và gia đình tôi dời về Cái Tàu, vào trong Rạch Tắc, ở nhờ
nhà ông Đình Lộc, một tín đồ Cao Đài. Ở trong rạch khá an toàn, có động thì rút
vào ngọn rạch là rừng tràm U Minh.
Sông Cái Tàu nước đỏ au như nước trà đặc. Màu đỏ là do từ bao đời nay lá
tràm rụng xuống tầng tầng lớp lớp trên cánh rừng U Minh Thượng, nước mưa ngập
cả khu rừng ngâm lá tràm tạo ra một thứ nước có màu đỏ. Lá tràm có tính sát
trùng nên nước tuy đỏ mà dùng trong sinh hoạt ngọt và lành, cá sống và sinh sản
rất nhiều. Đặc biệt rất nhiều cá lòng tong, cá lành canh (một loại cá nhỏ màu
trắng, lớn hơn ngón tay). Chiều chiều nước lớn đầy rạch Tắc, mẹ và chị Ba ngồi
câu, còn tôi cầm rổ chạy theo lượm cá.
Lúc này cuộc sống gia đình khá khó khăn. Thực phẩm thì kiếm dễ, như câu
cá, hái rau rừng; nhưng còn gạo mắm muối và những nhu cầu khác cần phải có tiền
mua. Đi theo cơ quan nay đây mai đó, không thể nhờ vả đồng bào hoài được, cha
tôi bàn với mẹ:
- Cơ quan sắp dời xuống phía dưới nữa, vậy gia đình mình về định cư ở
miếng vườn đã trồng được ít chuối, dừa rồi. Về đó có chỗ ở ổn định, lao động có
cái mà sống mới kháng chiến lâu dài được.
Gia đình tôi dọn về miếng vườn ở vàm Cái Nước, ở trong căn nhà ba gian
một chái nho nhỏ, cột kèo bằng cây tràm, mái và vách bằng lá dừa nước, thô sơ
mà cũng sáng sủa. Hàng ngày cha tôi đi làm việc ở cơ quan Cao Đài, hội họp bên Ủy
Ban Kháng Chiến Hành Chánh Nam Bộ, hành lễ ở các thánh thất... Có khi đi xa mấy
ngày mới về.
Ở VƯỜN VÀM CÁI NƯỚC
Vùng Cà Mau này trừ ra U Minh Thượng và vùng Cái Tàu là nước ngọt, còn ở vàm
Cái Nước nước mặn quanh năm. Vào mùa mưa, nhờ nước mưa nên nước ao cũng ngọt. Nhưng
mùa nắng gắt, nước ao nhiễm mặn, phải đi chở nước ngọt về dùng.
Tôi và chị Ba khiêng mấy cái khạp bỏ xuống xuồng, chờ nước bắt đầu lớn
thì chèo xuồng đi. Tới nơi gánh nước đầy khạp xong là chèo xuồng về, vừa lúc nước
lớn đầy ụ cho xuồng vô dễ dàng. Vì phụ thuộc con nước nên có bữa về tối. Nước
về, ba mẹ con lo khiêng nước lên. Mẹ nhờ cha bắc nồi cháo giùm.
Gánh nước xong ai cũng đói bụng. Nồi cháo do cha tôi lần đầu trổ tài được
bưng ra, ai cũng chờ được ăn bữa cháo ngon lành. Nhưng ôi thôi! Cháo gì lổn
nhổn, cháo chẳng ra cháo, cơm chẳng ra cơm, lại khét lẹt. Cha ngồi ăn cũng nuốt
không vô nhưng cố gắng nuốt và còn khen:
- Ăn ngon chớ có sao đâu!
Ớ miếng vườn vàm Cái Nước, mẹ, chị Ba và tôi sống cuộc sống tần tảo, lao động
kiếm sống. Em Khiết còn nhỏ nên chỉ chơi mà thôi.
Trước nhứt là tổ chức cuộc sống, kiếm nguồn thức ăn bảo đảm sức khỏe cho
cả nhà. Mẹ và chị Ba hay làm tương chao, đậu hủ cho cha ăn. Rau thì hái trong
vườn như cải trời, rau đắng, bồ ngót, đọt nhãn lồng, bắp chuối, cây chuối hột...
Sau này, tôi và chị Ba đi vào rạch Cái Giếng nhổ rau muống, rau nhút, rau
ngổ về cấy xuống mương vườn, chúng bò lan rất mau. Còn mẹ trồng được bầu, bí,
mướp, dưa leo, rau cải, rau thơm...
Khi mới về vườn vàm Cái Nước, thời gian đầu nhà tôi phải mua củi để nấu
ăn. Ở xứ này người ta đi rừng lấy củi đầy ghe, về bán trọn ghe củi chớ ít bán
lẻ. Nhà tôi mua một ghe chất lên thành đống. Củi dài hai thước, đường kính lớn
hai ba tấc.
Chị Ba mượn cưa và búa nhà chú Tư Giang về, ba mẹ con cưa củi, bửa củi. Lúc
đầu đẩy kéo cưa mệt hết hơi, cưa riết rồi cũng quen. Còn bửa củi thì khó hơn,
vì cây búa để bửa củi lớn phải lớn, nặng mới bửa được củi lớn. Tôi không thể
cầm giơ lên nổi, mẹ và chị Ba phải cố gắng gánh vác. Thường việc nặng nhọc này
nhà có đàn ông thì do họ làm, nhưng trong nhà tôi em Khiết còn quá nhỏ, cha đã
già lại chưa làm lao động nặng nhọc bao giờ. Có lúc cha nhìn mấy mẹ con cực
nhọc quá, cũng tham gia bửa củi, nhưng lóng ngóng, cây búa lại quá nặng, không
khéo búa bạt vào đầu vào chân thì nguy, mẹ không cho cha làm nữa.
Vài năm sau dừa lớn có tàu khô, không phải mua củi nữa. Mấy mẹ con mùa
khô đi kéo tàu dừa về phơi khô, róc lá bó thành bó để dành nhúm lửa, làm đuốc,
còn cọng chặt khúc chất thành vựa để đun nấu, và còn để dành mùa mưa có củi mà
dùng.
Có thể nói cái gì làm được, kiếm được thì không bao giờ bỏ tiền ra mua. Tôi
và chị Ba thỉnh thoảng vào xóm thấy người ta làm gàu múc nước bằng cây cà bắp,
chặt cây ráng, hoặc lấy rơm về làm chổi để quét nhà quét sân.
Về nhà hai chị em bắt chước, xuống biền (đất ở bờ sông) có lá dừa nước và
cây ngập nước mọc, chặt cây cà bắp (cây lá dừa còn búp) về làm gàu múc nước,
chặt cây ráng về làm chổi quét sân, xin rơm về làm chổi quét trong nhà.
Sau này những bụi trúc nhà trồng đã có thể dùng đan lát, mẹ tôi nhờ ông Sáu
Hảo (một ông già có vườn giáp ranh vườn của cha) dạy đan rổ rá thúng mủng để
xài. Vào căn chái bếp ai cũng ham: những hàng gàu, chổi, rổ rá treo hàng hàng
lớp lớp, thứ nào theo thứ đó rất đẹp mắt.
Thường ở miệt ruộng, miệt vườn, nhà có con gái bao giờ cũng có những sản
phẩm mộc mạc chân quê như vậy. Đó cũng là cách thể hiện sự siêng năng cần cù
của người con gái trong gia đình. Mẹ, chị Ba và tôi không phải muốn người ta
khen mà vì nhu cầu sử dụng của gia đình, tiết kiệm được tiền, và vì tính ham
làm mà thôi.
Thường các cô chú đến chơi thấy cũng ham, khi xin cây chổi rơm lúc xin
cái gàu múc nước. Tôi rất vui vì mình làm việc có ích.
Ở vườn Vàm Cái Nước, các bạn kháng chiến của cha, bạn đạo, bạn đời lui
tới luôn nên cũng vui. Các ông Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần, Ung Văn Khiêm,
Lê Duẩn, Thiếu Sơn, Hà Huy Giáp, và nhiều người khác nữa... khi đi ngang qua
thường ghé vào bàn bạc công việc, hoặc ghé thăm cha chuyện trò, có khi ở lại ăn
bữa cơm đạm bạc cùng cha tôi. Em Khiết có lúc cũng nghe loáng thoáng câu chuyện
của các chú.
Một hôm chú Hà Huy Giáp đến chơi. Em Khiết mặc quần đùi tay cầm cây phảng
nhỏ đang chặt cỏ quanh nhà. Nó chạy ra:
- Cháu chào chú Giáp tới chơi.
Chú hỏi:
- Cháu đang làm chi đó?
- Dạ cháu đang làm bần cố nông đây. Cháu biết phát cỏ, biết trồng cây, và
còn biết bắt tôm cá nữa.
Chú Giáp nói vui:
- Cháu chưa được làm bần cố nông đâu.
- Thưa chú, tại sao cháu cải tạo lao động như vậy mà không được làm bần
cố nông?
- Tại vì cháu mặc quần đùi. Bần cố nông phải mặc khố cơ, không mặc quần
đùi như cháu.
- Thưa chú, mẹ cháu dệt được vải nên may quần đùi cho cháu mặc. Là vải
nội hóa chớ có phải vải xa xỉ mua ở thành đâu.
- Thế chú hỏi cháu, tại sao cháu lại thích làm bần cố nông?
- Dạ bần cố nông thì oai lắm. Cháu nghĩ ra là như vậy.
- Thôi được, chú công nhận cháu là bần cố nông ở Nam Bộ thôi, còn ra miền
Bắc thì muốn làm bần cố nông phải mặc khố đấy.
Nãy giờ cha tôi ngồi nghe hai chú cháu đối đáp mà tức cười. Không biết
một đứa trẻ bảy tám tuổi mà nghe đâu cái chuyện bần cố nông là oai?
Cha tôi bảo:
- Thôi, con được chú Giáp công nhận bần cố nông rồi thì yên tâm đi chơi
đi, để cha và chú làm việc.
Về ở vườn một vài năm, chuối, dừa cho nhiều trái, ăn không hết, phải tìm
cách bán. Chị Ba lại cùng tôi chèo xuồng đi dọc sông rao bán cho các quán ven
sông.
Lúc đầu rao không quen, mắc cỡ. Chị Ba cất tiếng rao trước:
- Ai mua chuối xiêm đây!
Tôi rao theo:
- Ai mua dừa khô đây!
Rao mãi rồi cũng có quán kêu lại mua. Chèo đi cả buổi rồi cũng bán hết
xuồng chuối, dừa, hai chị em mừng khôn xiết.
Tối về hai chị em khoe với cha kết quả của nửa ngày đi bán hàng. Chúng
tôi vui và cha cũng vui. Cha khen:
- Các con thiệt giỏi quá!
Từ đó hai chị em tôi, lúc làm việc nhà, lúc chèo xuồng đi bán dừa bán
chuối kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
CAO BẠCH LIÊN
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo