Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

ĐĐVU 07-08 / VẺ ĐẸP VÀ ĐỘNG LỰC CUỘC SỐNG / Hiền Sỹ Lâm Thị Hía

08-01-1989 (tại nhà Linh Mục Bảo Tịnh Vương Đình Bích, đứng bên phải). Từ trái sang: Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình (1910-1995); Ðức Giám Mục Phụ Tá Louis Phạm Văn Nẫm (1919-2001); Hiền Sỹ Lâm Thị Hía.
Cuối năm 1980, tôi bắt đầu tham gia công tác thiện nguyện, cùng một số bà con có thân nhân ở nước ngoài tổ chức đi tặng quà cho các trại dưỡng lão, tâm thần, mồ côi và một số trại phong quanh thành phố (bốn trại Bến Sắn, Bình Minh, Phước Tân, Thanh Bình trực thuộc Bệnh Viện Da Liễu TpHCM).[1]
Hai tháng một lần nhóm thiện nguyện chúng tôi cùng bác sĩ Phấn, bác sĩ Chi Mai, bác sĩ Tuấn… và một số nha sĩ, dược sĩ, y tá đi khám bệnh, nhổ răng, phát thuốc, cắt tóc và tặng quà… cho trại viên các trại phong hoặc các khu dân cư vùng kinh tế mới. Nhóm bác sĩ Chi Mai thỉnh thoảng tổ chức đi mổ mắt cho một số bệnh nhân ở trại phong Quy Hòa,[2] trại phong Sóc Trăng. Chúng tôi cũng mời gọi được bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh Bệnh Viện Phụ Sản Từ Dũ đi siêu âm và đặt vòng tránh thai cho các bệnh nhân nữ ở trại phong Sóc Trăng, Cù Lao Giêng…
Hồi ấy, chồng tôi mở một tổ hợp cấp nước, khoan địa chất, khoan giếng… Một là có việc làm; hai là để có điều kiện hộ trợ tôi sửa chữa máy bơm và giếng nước cho các trại phong (khi các trại chưa xin được kinh phí sữa chữa). Các nữ tu cho biết bệnh phong rất dễ lây lan nếu không có đủ nước sinh hoạt.
Chúng tôi có một công trình khoan địa chất ở Suối Nghệ (Bà Rịa - Vũng Tàu) mà cơ quan nhà nước trả bằng ủy nhiệm chi. Số tiền này khá lớn, khoảng bốn triệu đồng. Tiền lương công nhân viên trung bình lúc bấy giờ chỉ có năm mươi ngàn đồng một tháng. Ủy nhiệm chi này chỉ được dùng mua hàng mà không được rút tiền mặt.
Tôi đến một cửa hàng quen, thương lượng mua nước mắm để gửi tặng trại phong Bến Sắn.[3] Ở trại này bệnh nhân và gia đình có khoảng một ngàn người. Bác sĩ Lê Văn Trước làm giám đốc và nữ tu Maria Regina Phạm Thị Ngọc Loan làm phó giám đốc.[4]
Chị cửa hàng trưởng bảo tôi ở đây có chừng năm trăm lít nước mắm 40 độ đạm rất ngon, hãy giữ lấy dùng. Nhưng thương quý các nữ tu, tôi muốn dành số nước mắm ngon này cho các cộng đoàn, nên khi xe giao hàng đến nhà Dòng Vincent de Paul ở 42 Tú Xương,[5] tôi nhờ các nữ tu xếp các thùng nước mắm ngon riêng ra một nơi. Các nữ tu cứ “Dạ” mà không làm theo. Tôi nói hai ba lần không được, ngại quá nên thôi.
Mấy hôm sau, nữ tu Ngọc Loan (phó giám đốc trại phong Bến Sắn) cho xe chở các thùng không đến, nhờ hoàn trả cho cửa hàng.
Sœur bảo tôi: “Cám ơn bà nhiều. Nước mắm ngon lắm! Em chở trên xe mà nước mắm sánh ra, thơm ngào ngạt. Bệnh nhân mừng lắm.”
Tôi nói với sœur: “Có một số nước mắm ngon, em muốn dành riêng cho cộng đoàn nhưng các sœurs ở Tú Xương cứ chất dồn đống như vậy làm sao phân biệt được!”
Sœur cười hiền lành: “Bà đừng có quan tâm. Ai ăn cũng vậy thôi.”
Lúc ấy tôi mới cảm thấy mình thật là thiển cận, quên rằng các nữ tu đã tự nguyện phục vụ người bất hạnh, hiến dâng đời mình vào các trại phong, nơi mà mọi người sợ hãi xa lánh, các sœurs đâu nghĩ gì đến miếng ăn ngon dở mà mình phải bận tâm hay đắn đo suy tính.
Nhưng cứ mỗi lần trông thấy nữ tu Ngọc Loan, tôi thương quá! Sœur gầy gò, ốm yếu theo xe chở hàng lên xuống từ trại phong Bến Sắn đến Sài Gòn, chỉ hơn 30km mà xe phải chạy mất hai, ba giờ vì đường xuống cấp, ổ voi ổ gà đầy khắp.
Không cần biết mưa hay nắng, ngày ngày sœur đến các cơ quan nhà nước để lo tìm thực phẩm, thuốc men cho mấy ngàn bệnh nhân của bốn trại phong. Có lúc sœur bệnh nhiều, không đi nổi, mà trại cũng phải nhờ sœur đến các cơ quan. Phải có sœur ngồi trên xe cho cán bộ nhà nước thấy mặt thì họ mới chịu giao hàng, vì lúc bấy giờ thực phẩm, thuốc men khan hiếm mà các cơ quan này chỉ tin tưởng mỗi một mình sœur Loan mà thôi.
Thấy các nữ tu làm việc ở Bến Sắn kể cả sœur Ngọc Loan (phó giám đốc) cũng chỉ khoác chiếc áo blouse trắng ngả màu, vá chằm vá đụp, lòng tôi lại xót xa. Tôi biết tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa để chia sẻ cùng với các nữ tu và với anh chị em thiện nguyện.
Nơi nào người ta giới thiệu, xin được thì tôi đến xin. Nơi nào gợi ý muốn hợp tác thì tôi đến hướng dẫn tiếp sức. Những gì trong nhà có thể bán được, tôi bán dần theo mỗi chuyến đi thiện nguyện.
Tôi nghĩ dù sao mình cũng quá đầy đủ: Hai bên cha mẹ lưỡng toàn, anh em khá giả, gia đình đầm ấm, con cái ngoan hiền. Sau năm 1975, gia đình chúng tôi dù sao cũng không đến nỗi phải chạy lo cơm áo gạo tiền trong khi còn biết bao nhiêu người nghèo phải đói lạnh.
Việc quyên góp, chia sẻ, kêu gọi thiện nguyện trong thời gian ấy còn rất hạn chế. Biết bao trở ngại, khó khăn tràn ngập. Trước mắt nơi nào cũng cần phải chia sẻ. Tôi thấy mình bất lực, mịt mờ, không biết dựa vào đâu, chỉ biết vừa làm vừa khóc.
Đầu năm 1989, sáng mồng 4 tết Kỷ Tỵ, chúng tôi đi thăm các trại phong miền Bắc. Chúng tôi mượn chiếc xe Land Rover của trại phong Quy Hòa (tục gọi là trại cùi Hàn Mặc Tử). Xe này do bà Marie Thérèse là Mẹ toàn quyền Đông Nam Á dòng Franciscaine gửi tặng. Hướng dẫn là bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, Giám Đốc khu điều trị phong Quy Hòa (nhiệm kỳ 1985-1994).
Đoàn gồm có linh mục Võ Văn Ánh (nhà thờ Huyện Sỹ, nay là chánh xứ nhà thờ Tân Định), linh mục Nguyễn Văn Hưởng (cha phó nhà thờ Tân Định), linh mục Đoàn Vinh Phúc (hạt trưởng giáo xứ Phú Thọ Hòa), thầy Trần Văn Soi (tu sĩ dòng Đức Mẹ Người Nghèo, viết báo Công Giáo và Dân Tộc).
Vào địa phân Đà Nẵng đến đèo Hải Vân, dưới chân đèo là một vịnh nhỏ. Ở đây có một trại phong tên là Hòa Vân, có khoảng 250 người bệnh sống cách biệt với xã hội bên ngoài. Muốn vào đây phải đi ghe hoặc leo núi theo con đường đèo dài khoảng 4-5 cây số. Phụ trách điều trị ở đây là bác sĩ Nguyễn Văn Hòa chừng 30 tuổi, dáng người to khỏe, rất chịu khó. Mỗi tuần, sáng Thứ Hai anh theo xe lửa đến Hòa Vân, lội bộ vào trại làm việc đến chiều Thứ Bảy lại leo núi theo xe lửa trở về thành phố. Anh có một vợ hai con sống tại thị xã Đà Nẵng.
Tôi nghe bệnh nhân ở đây kể về bác sĩ Hòa: Hôm nọ có anh cùi đau ruột thừa, ghe thì không có xăng dầu, bác sĩ Hòa phải cõng bệnh nhân leo núi tìm cách đưa về bệnh viện Đà Nẵng để điều trị.
Với tính cách của bác sĩ Hòa, tôi hiểu anh là một thầy thuốc có lương tâm và đầy tình người, phục vụ bệnh nhân trong tình cảnh thiếu thốn mọi phương tiện. Cả khu điều trị cho hơn 240 bệnh nhân mà một máy đo huyết áp trị giá 50.000 đồng cũng không có để dùng thì nói gì đến thuốc men.
Bệnh nhân hầu như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Trại Hòa Vân nằm trong vịnh dưới chân đèo Hải Vân. Phương tiện lưu thông chỉ dùng ghe hoặc leo núi. Nhiên liệu rất hạn chế, ghe chủ yếu chở thực phẩm cho bệnh nhân mỗi tháng hai lần. Người bệnh đa số làm nghề đốn củi. Biển cả mênh mông nhưng họ không có phương tiện đánh bắt, mà nếu có bắt được chỉ dùng để ăn chứ không thể đem bán vì ở đây đâu ai có tiền mua. Mỗi tháng một người bệnh được phụ cấp 8.400 đồng, trừ gạo củi mắm muối là hết. Trại lại không có điện, ban đêm giải trí thì đốt củi trông ra biển. Biển khơi mù mịt, nhìn lên trời chỉ thấy sao là sao.
Đoàn tiến lần ra Bắc đến Vinh ghé thăm Đức Giám Mục Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp (1911-1999). Ngài đãi chúng tôi cam xã Đoài, rất thơm và ngọt. Ngài cầu nguyện cho chúng tôi trước khi chúng tôi tiếp tục chuyến đi. Đến phà Bến Thủy, những người bán dạo mời mua cam, họ nói là cam xã Đoài. Chúng tôi chọn những trái to vàng óng, mua để dành đi đường. Chừng xẻ ra ăn thì thất vọng quá, cam vừa chua vừa lạt. Viết thư thăm Đức Cha, Ngài bảo cam xã Đoài phải trái nhỏ, da mịn mới đúng.
Nghệ Tĩnh có trại phong khá nổi tiếng là trại Quỳnh Lập, có 700 bệnh nhân. Giám Đốc trại là bác sĩ Nguyễn Sỹ Hóa, khoảng 35-36 tuổi, rất năng nổ, nhạy bén. Anh đưa chúng tôi đi xem mấy luống đất trộn phân chuồng dùng sản xuất trùn (giun đất) làm thực phẩm nuôi gà. Anh còn rất nhiều chương trình muốn phát triển kinh tế cho trại. Về Sài Gòn tôi gởi ra tặng anh một số hạt cỏ giống của nước ngoài để trồng đại trà cho trại nuôi bò, dê. Sau này tôi biết anh còn nuôi cả hươu nữa.
Rời khu điều trị phong Quỳnh Lập chúng tôi nghỉ đêm ở Tòa Giám Mục Thanh Hóa, ghé thăm Đức Giám Mục Phêrô Phạm Tần (1913-1990). Chúng tôi dự lễ tại Tòa Giám Mục lúc 5 giờ sáng, thấy Ngài và hai cha nữa trong bộ áo lễ cũ kỹ ngả màu đất phèn, tôi chạnh lòng muốn rơi nước mắt.
Ở địa phận Thanh Hóa ngoài Đức Cha Phạm Tần còn có sáu cha, mỗi Chúa Nhật phải đi làm lễ tại các nhà thờ thuộc địa phận. Nhiều nơi các cha không đến được vì quá xa, và vì không đủ linh mục.
Đến Thái Bình xe chạy dọc theo bờ sông Hồng hơn 20km thì đến khu điều trị phong Vân Môn. Trại có hơn 600 bệnh nhân, hầu hết đều cao tuổi. Giám đốc là bác sĩ Từ Cao Phan, phục vụ ở đây hơn 30 năm.
Tôi đi xem bệnh nhân, thấy họ đang giã sắn để làm bột, nghe họ bảo nhau hôm nay có bà phước (sœurs) đến thăm. Sau khi rời trại chúng tôi ghé Tòa Giám Mục Thái Bình yết kiến Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng (1919-2009). Gặp Đức Cha, Ngài tâm sự: “Tôi nghe nói có đoàn ở Tp. Hồ Chí Minh đến, tôi lo quá. Giờ thấy các cha nói là đi thăm trại phong tôi mới mừng. Chúng tôi ở ngoài này cũng chưa lần nào đến thăm bệnh nhân, thật là thiếu sót.”
Chúng tôi kể với Đức Cha rằng hầu hết trại nào cũng rất vui mừng nếu thỉnh thoảng có đoàn đến thăm cho ít quà; họ sẽ rất an ủi vì có người quan tâm. Nhân sự phụ trách các trại cuộc sống rất chật vật, vì thế cũng nên chia sẻ và cảm thông.
Từ giã Đức Cha Phạm Đình Tụng, chúng tôi đến Hà Nội, tạm nghỉ ở nhà khách của Tòa Giám Mục. Sáng hôm sau chúng tôi yết kiến Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn (1921-1990). Ngài tiếp chúng tôi hơn một giờ, hỏi việc đi thăm các trại phong. Đức Hồng Y trao chúng tôi 200.000 đồng để tặng cho trại phong Quả Cảm. Ngài còn bảo trước khi về Sài Gòn hãy đến gặp Ngài lần nữa. Sáng ngày 20-02-1989 gặp lại, Ngài tặng cho tôi quyển Thánh Kinh mà Ngài phiên dịch. Ngài tỏ vẻ rất quan tâm đến công việc thiện nguyện của đoàn miền Nam.
Khu điều trị phong Quả Cảm ở Hà Bắc có hơn 200 bệnh nhân. Giám đốc là một sĩ quan quân đội, đại tá Hoàng Bảo. Với tính cách quân nhân nên việc điều hành cũng đặc biệt hơn nơi khác. Trại này có thành lập một đội văn nghệ. Thăm bệnh nhân xong, trước khi từ giã chúng tôi được ban văn nghệ tổ chức một chương trình ca nhạc và tặng hoa cho đoàn. Đại tá Hoàng Bảo nói lời chia tay và chuyển lời cám ơn “Đức Giáo Hoàng”. Đoàn chúng tôi bật cười khi thấy ông nhầm lẫn, lẽ ra nói cám ơn Đức Hồng Y. Dù sao tình cảm chân thành của mọi người ở đây cũng làm cho đoàn chúng tôi cảm động và vui mừng.
Đi thăm các khu điều trị phong miền Bắc, chúng tôi tặng các bệnh nhân và cán bộ nhân viên phục vụ ở đây chỉ có từ 5.000 đến 10.000 đồng mỗi người; nhưng đã phải nhờ rất nhiều nhà thờ kêu gọi, chúng tôi cũng vận động cả bạn bè và thân nhân đóng góp. Hoàn cảnh kinh tế bấy giờ rất khó khăn, ngân sách nhà nước hạn chế, tiền trợ cấp hàng tháng ở đây là 4.200 đồng mỗi người bệnh. Sau khi trừ các khoản gạo củi mắm muối thì không còn gì. Muối ở đây giá 300 đồng một cân (ký). Việc đến thăm và tặng quà làm mọi người rất an ủi. Họ rất mừng vì thấy được sự quan tâm chia sẻ của đoàn miền Nam.
Trở về Hà Nội, rằm tháng Giêng chúng tôi đi thăm các đền chùa. Mùa đông năm ấy khá lạnh, hoa đào nở muộn. Những ngày đầu năm, thời tiết ấm dần lên, đào đâm nụ và nở hoa rực rỡ. Chợ đông vui, người bán bày các cành đào dọc theo hè phố. Sắc hoa tươi đẹp rực rỡ, đầy hương sắc mùa xuân. Anh Tuyến lái xe nói đùa: “Hoa đào miền Bắc năm nay nở muộn vì phải chờ chị Hiền Sỹ ra để mừng đón chị.”
Tôi cười và cảm thấy lòng lâng lâng, nỗi buồn niềm vui đan xen lẫn nhau. Mừng vì đã đến thăm được các trại phong miền Bắc, buồn vì khó khăn trước mắt còn nhiều mà chưa chắc gì có điều kiện trở lại hoặc giúp đỡ. Thôi thì một lần gặp gỡ thân tình cùng an ủi động viên nhau qua những lá thư thăm hỏi, chia sẻ cố gắng để cùng vượt qua khó khăn, hy vọng một ngày mai tươi đẹp. Dù sao đây cũng là một chuyến đi ấm áp tình người đã làm đoàn chúng tôi nhớ mãi.
Trước khi về Sài Gòn, chúng tôi trở lại Tòa Giám Mục Hà Nội gặp Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928-2002). Ngài vừa chuyển về đây được hai tháng. Ngài kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của Mẹ Têrêsa Calcutta. Một hôm Mẹ ra đường gặp một người ăn xin xòe tay xin. Lúc ấy không có gì để cho, Mẹ bèn bước tới nắm lấy hai bàn tay của người ấy. Người ấy liền khóc và nói: “Bốn mươi năm nay chưa có ai nắm lấy bàn tay của tôi!” Qua câu chuyện Ngài kể, tôi biết Đức Cha muốn cho tôi hiểu rằng không chỉ vật chất mà tình thương, sự cảm thông còn quý giá hơn nhiều.
Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn (Giám Đốc khu điều trị phong Qui Hòa) giúp tôi mở một lớp y tá sơ cấp, chọn được mười hai em con bệnh nhân Qui Hòa trên mười tám tuổi học hết cấp một, đào tạo ngắn hạn một năm để thay thế các sœurs đã lớn tuổi. Các em này cũng cần phải có tiền trợ cấp để phụ giúp gia đình trong thời gian theo học. Tôi tiếp tục bán dần tư trang. Chương trình nào cũng cần phải có tiền mà việc kêu gọi thì không đơn giản.
Tôi viết thư gửi Đức Cha Nguyễn Văn Thuận: “Sự cảm thông và tình thương thôi chưa đủ, con nghĩ chính máu của chúng con phải chảy trong cơ thể các em thơ và những người cần máu để cấp cứu, chứ không phải là máu của những người đói ăn bán từng giọt máu hiếm hoi của mình để đổi lấy bữa ăn no…”
Tôi đến gặp, trao đổi với bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, thôi thúc anh xin mở một chương trình hiến máu nhân đạo. Mãi đến giữa năm 1995, anh điện thoại cho tôi, nói: “Chị Hiền Sỹ, chương trình hiến máu đã bắt đầu. Chị hiến máu đi!”
Bảy giờ sáng ngày 29-7-1995, tôi đến Hội Chữ Thập Đỏ đường Hồng Thập Tự. Sau khi hiến máu, tôi được đưa qua một phòng ăn rộng độ 20 mét vuông, có kê mấy bàn nhỏ. Tôi được dọn ăn gồm một dĩa thịt bò bít tết độ 100 gram, một cái trứng ốp la, một mẩu bánh mì và một ly trà đường.
Gần bàn tôi có hai bà bác khá lớn tuổi, dáng người lao động chân chất.
Tôi bắt chuyện: “Hai bác lớn tuổi rồi sao còn đi hiến máu?”
Một bác trả lời: “Cô biết không, con tôi nó là công nhân viên, lương chỉ đủ sống. Tụi tôi ở nhà đi chợ nấu ăn làm việc nhà, muốn giúp người mà không có điều kiện nên rủ nhau đi hiến máu. Người ta nói quá sáu mươi tuổi thì không được hiến máu nữa. Tụi tôi hiến lần này và một lần nữa rồi thôi.”
Tôi cảm động quá, đưa hai bác về nhà ở đường Da Bà Bầu bằng chiếc xe Volkswagen cũ kỹ. Đây mới thực là những người có tấm lòng nhân hậu cao cả.
Nên biết là việc hiến máu ở xã hội Việt Nam chưa mấy phổ biến, nên rất ít người đi hiến máu. Trong thời chiến tranh việc hiến máu phần lớn phải lấy từ các sĩ quan quân đội, còn dân chúng không mấy ý thức; đa số sợ đau và sợ mất máu. Rất mừng là hiện nay chương trình hiến máu của Viện Huyết Học, hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam đã phổ biến rộng rãi và được nhiều người hưởng ứng, nhất là trong giới sinh viên.
Trải qua biết bao khó khăn, việc thiện nguyện càng ngày càng được nhiều người tham gia. Nhà Nước mở cửa, kinh tế phát triển, sự đói nghèo từng bước bị đẩy lùi. Tuy nhiên ngồi nghĩ lại những câu chuyện xưa, việc gặp gỡ biết bao nhiêu người nhân hậu với tấm lòng hy sinh cao cả, giúp tôi học hỏi trải nghiệm để nhận biết được vẻ đẹp và động lực cuộc sống mà tình yêu thương của họ luôn tỏa sáng tâm hồn tôi, đã thúc đẩy tôi trong việc cùng các bạn đồng hành nâng cao tinh thần chia sẻ và phục vụ những người bất hạnh với mong ước góp phần giảm bớt nỗi khổ đau trong xã hội.
Hiền Sỹ LÂM THỊ HÍA (31-01-2013)




Văn Uyển chú thích:
[1] Các trại cùi sau năm 1975 được gọi là Khu Điều Trị Phong.
[2] Sơ lược về Bệnh Viện Phong - Da Liễu Trung Ương Quy Hòa:  1929-1932: Linh mục Paul Maheure (người Pháp) và hơn ba mươi bệnh nhân về Quy Hòa lập trại phong (cùi). Linh mục Maheure về Pháp, linh mục Alexandre đảm nhiệm. 1933-1944: Dòng Phan Sinh ở Pháp gởi sáu nữ tu đến Quy Hòa. Lúc này có hơn năm trăm người bệnh, trong đó có nhà thơ Phanxicô Hàn Mặc Tử (1912-1940). ƒ 1945-1954: Linh mục Nguyễn Xuân Bàn và Huỳnh Biên tiếp nhận Quy Hòa. Lúc này có khoảng bảy trăm người bệnh. 1955-1975: Các nữ tu dòng Phan Sinh trở lại Quy Hòa. 25-6-1976: Dòng Phan Sinh bàn giao Bộ Y Tế bệnh viện Quy Hòa; bệnh viện đổi tên thành Khu Điều Trị Phong Quy Hòa. 26-8-1999: Đổi tên thành Bệnh Viện Phong - Da Liễu Quy Hòa. 02-3-2005: Đổi tên thành Bệnh Viện Phong - Da Liễu Trung Ương Quy Hòa (Quyhoa National Leprosy Dermatology Hospital / Le National Hôpital Lépreux et Dermatologique de Quyhoa).

[3] Khu Điều Trị Phong Bến Sắn (ấp 4, xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) thành lập năm 1959, do nữ tu Rose (người Pháp) và nữ tu Mathilde Thanh trông coi. Từ năm 1976 do Sở Y Tế TpHCM quản lý.
[4] Bệnh nhân yêu mến gọi sœur là “Dì Hai Loan”.
[5] Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn (Filles de la Charité de Saint Vincent de Paul / Daughters of Charity of Saint Vincent de Paul) quen gọi là Dòng Bác Ái Vinh Sơn thành lập năm 1533 tại Pháp. Dòng thành lập ở Việt Nam năm 1928, trụ sở trung ương tại 42 Tú Xương, quận 3, TpHCM.

VĂN UYỂN: Đọc hồi ức trên đây của hiền tỷ Hiền Sỹ LÂM TH HÍA, chúng tôi bất giác nghe vang vang bài hát CÔ GÁI VIỆT của nhạc sĩ HÙNG LÂN (Phêrô Hoàng Văn Hương, 1922-1986):
. . . Dẫu không cùng tài trai vui tranh đấu / Gánh sơn hà còn trọng hơn xương máu / Dù thành thị hay thôn trang ai ơi / Lòng hẹn lòng bạn gái ta xây đời. / Chị em ơi! Quê nước chờ mong / Ta sớm lập công / Tô thắm giang sơn Việt Nam / Ngoài những phút quán xuyến tề gia / Hãy hướng lòng ta đến những ai đang cơ hàn. / Kìa cô nhi không chút tình thân / Đây lớp tàn nhân / Năm tháng đau thương thầm trôi / Cùng cương quyết góp sức đồng tâm / Muôn dân vui một đời vàng sáng tươi.