7. Chuyển họa thành phước
Hỏi: Mỗi người đều có mạng
số: “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao.”
[1] Vậy, có thể chuyển họa
thành phước, cải số Trời được sao?
Đáp: Sách có câu: “Định mạng giả Thiên, lập mạng giả ngã.”
(Định số mạng là Trời, lập số mạng là mình.) Cụ Nguyễn Du nói: “Có Trời mà cũng có ta…” Trời định mạng
ta cũng do máy nhơn quả bù trừ rồi cho kết số. Trời không độc đoán định mạng ai
cả. Mạng ta do ta lập. Trời tuy định kiếp số mà vẫn cho ta quyền tự do ý chí
sửa mạng số đó nếu ta biết tu hành, sám hối ăn năn hối cải, nhận thức được luật
Trời mà thay đổi nếp sống cho đạo hạnh.
Tiền định cây bình bát phải sanh trái bình bát. Nhưng người
lỡ trồng bình bát biết lai tháp thì lại được hưởng trái mãng cầu. Trồng khổ qua
mà sợ đắng thì cứ ăn càng cua, cải trời. Thầy cho sẵn đó. Người có mạng nghèo
mà biết cần cù, cần kiệm, làm ăn chí thú thì cũng đủ ăn (tiểu phú do cần). Kẻ có mạng làm quan mà ỷ lại, không học hành thì
cũng chỉ hoang đàng tạo nhiều oan nghiệt. Người biết trách nhiệm, nhận lỗi để
cải thiện thì cũng được ân xá, việc xấu trở nên tốt.
Nên hư cuộc thế gẫm
thường tình
Đừng mỗi
muôn điều đổ Chí Linh
Lành dữ nơi
mình chiêu phước họa
Lắm người được phước lại chuyển thành họa
vì tự kiêu, ỷ tài, khoe của, hiếp đáp người rồi phải bị người giết hại, đoạt
giành ngôi hay trả thù.
Hai câu: “Tận nhơn lực tri Thiên mạng”, và “Nhơn nguyện Thiên tùng” bảo ta cứ cẩn trọng, tận lực mà làm lương
thiện, thể hiện đức thương yêu của Thầy ban. Nếu còn phải nghèo, gặp nạn liên
miên, thì mới được mượn “số mạng” để tự an ủi mà vui lòng chấp nhận, trả dứt
nghiệp nội kiếp này.
Sách Nho có dạy: “Người biết mạng mình không đứng dưới tường
sắp đổ.” Nay tôi thấy người biết mạng mình thì phải gìn giữ ngũ giới: không sát
nhơn để tranh hùng nên không đua xe cao tốc; không trộm cướp; không tà dâm;
không rượu thịt say sưa gây tai nạn, bịnh hoạn; không dối trá lừa đảo… Mỗi hoàn
cảnh đều là một phương tiện, một nhơn duyên giúp người luyện tập phát huy tài
năng trí lực tiềm ẩn.
Một bà nọ ở Mỹ đang giàu có, sang trọng không thua ai. Sau
Thế Chiến thứ Hai, bà phải sống lang thang với chiếc xe đẩy. Bà thấy khổ quá
sanh đau nặng.
Bác sĩ đoán biết là tâm bệnh, nên cho nhập viện để giúp bà
tránh xa cảnh khổ và đưa kinh cho bà đọc. Ít lâu sau bà hết bệnh vì biết hạnh
phúc không phải chỉ ở tiền bạc, ngoại cảnh, mà là do tự trong lòng ít ham muốn,
biết đủ.
Bà xuất viện sống với chiếc xe cũ, nhưng lại thấy sung sướng
hơn trước vì được tự chủ, tự do. Khắp đất nước là nhà, đâu vui thì ở lâu, gặp
cảnh buồn thì đẩy đi. Cũng không bị khuôn phép xã giao quý phái ràng buộc, chỗ
ở dọn dẹp nhanh gọn, khỏe thân. Nhờ đọc kinh biết cách suy nghĩ thay đổi tư duy,
mà bà này chuyển họa thành phước.
Theo anh sống sao gọi là Trời cho thanh cao? Là người nghèo
biết đủ, sống thanh đạm, trong sạch, không quỳ lụy bợ đỡ ai? Hay là người giàu
có, tham quyền lợi, mua danh cầu chức tước, lòn cúi khom lưng? Ai phải phong trần
đày đọa? Ai được thanh cao nhàn hạ?
Xanh xanh nào có phụ người hiền
Đã thấy trọn quyền đấng Chí
Thiêng
Lo lập nghĩa nhân, đồng loại giúp
8.
Một ngày làm ác, ác tự có dư
Hỏi: Kinh sách nói: “Trọn đời làm lành, lành
chưa đủ. Một ngày làm ác, ác tự có dư.” Tại sao bất công như thế?
Đáp: Con người đã có từ vô thỉ, luân hồi lên
xuống nhiều kiếp, nhiễm trược trần, gánh nghiệp đã nhiều. Kiếp này lại tạo thêm
do cố tâm thì nặng gấp bội. Thí dụ, khi sát sanh mà con vật còn giãy giụa thì
ta bực tức quyết dùng tận lực làm cho nó chết ngay. Tội nặng cũng do cái lòng
bực tức quyết tâm đó.
Vả lại con người đang trên đà hướng hạ nên trớn rơi mỗi lúc
một nhanh. Trái lại, làm lành là hướng thượng, lên dốc rấn từng bước rất khó khăn,
nhọc sức mà không tiến được bao nhiêu. Giúp ai cũng chỉ làm tượng trưng để cầu
danh, cầu phước, mong được người trả ơn. Vì thế quả lành không được trọn vẹn.
Đang thời khỏe mạnh bình an thì không thấy là phước, trái lại
có một ngày nhức đầu, đau răng thì ta thấy khổ vô cùng. Càng thấy khổ, càng bực
dọc khó tánh, ganh hạnh phúc của người mà gây thêm tội.
Vả lại phước đức ví như cây lúa thơm phải trồng và dày công
săn sóc. Còn ác nghiệp như cỏ dại, rụng hột đâu mọc đó, lan tràn nhổ không kịp.
Người bòn công quả như mót củi khô, trọn đời nào giữ được bao nhiêu vì mỗi ngày
còn phải nấu ăn nuôi cái thân này. Chỉ lơ đểnh một phút, thì lửa lòng đã thiêu
rụi cả rừng công đức.
Biết rằng làm lành trọn đời, lành không đủ, thì dù chúng ta
có làm bao nhiêu điều lành, giữ tịnh thất mấy chục năm cũng không nên tự mãn,
kể công, mong làm quyền làm thế, e phải thất đức, mất âm chất.
Nho nhã con tua lập tánh
tình
Dưới đời
đừng tưởng một mình lanh
Một câu
thất đức thiên niên đọa
9. Nhiều kinh rinh không
nổi
Hỏi: Có người nói nhiều kinh rinh không nổi
nên không dám đọc kinh, sợ đọc nhiều loạn trí. Có đúng không?
Đáp: Mỗi tôn giáo mở một cửa nhìn vào một điểm
của cuộc đời thời đó, nên muôn ngàn kinh nói chưa rốt lý đạo sống hằng và
chuyển mỗi ngày một mới, một tiến. Người chịu khó sưu tầm, tùy căn cơ mình mà
suy cổ nghiệm kim, mới phát sinh sáng kiến ra lối sống thích hạp cho mình để
thắng ngàn muôn ma chướng luôn thay dạng đổi hình, biến chất đề kháng lại với lời
kinh xưa trừu tượng hữu hạn.
Vả lại, các Đấng tùy thời, tùy thế, tùy nhơn sanh thuộc hạng
nào mà nói lý có sâu cạn xa gần. Đọc kinh cần cầu lý, nếu cố chấp sự và nghĩa
từng chữ, từng câu rời, không biết dụng ý của tác giả thì đọc nhiều sách thường
thấy có nhiều mâu thuẫn, không biết phải tin ai. Người chưa rành giáo lý căn
bản hạ thừa, lại ham cầu cao tìm đọc kinh đại thừa mới dễ loạn trí.
Ta nhận thức rõ rằng đời là trường học luôn chuyển biến không
ngừng từ trạng thái này qua trạng thái khác, mỗi ngày một mới một tiến. Muốn
biết chuyển biến đời mình đúng lẽ hướng thượng thanh cao, ta cần phải đọc kinh
sách nhiều và suy nghĩ nhiều, để chứng nghiệm nội tâm và không áp dụng sai giáo
lý của Thánh Hiền.
Theo tôi, đừng sợ nhiều kinh rinh không nổi mà nên sợ mình
không có lòng siêng tìm tòi học hỏi đạo lý được ghi chép trong kinh sách rất
nhiều. Người nào ham thỉnh kinh nhiều để khoe mình biết quý trọng lời dạy của Thánh
Hiền, không dám cho ai mượn hay mượn được của ai thì cất luôn không đọc cũng
không trả, chất đầy tủ cho mọt ăn, đó mới là rinh không nổi cái nghiệp tham
kinh như tham của quý để ngắm, chớ không dám dùng tới.
Đức Lý Giáo Tông từng dạy “mỗi
ngày phải chừa một giờ để đọc thánh kinh hiền truyện”.[6] Ta biết thực hành lời
dạy này thì lâu ngày sẽ được tiến bộ rất nhiều về mặt tâm linh, vì lẽ:
Giờ đọc kinh thì quên
nghĩ quấy
Đọc thường
ngày sẽ thấy nhiệm mầu
Phát huệ
giải hết khổ sầu
Nội tâm
thường lạc, ngõ hầu về nguyên.
(Bùi Văn Tâm)
10. Tri giả bất ngôn
Hỏi: Tôi có nghe người bảo
việc gì mình làm được mới nên nói. Nói nhiều e thiên hạ cười là tu miệng mà
chẳng tu tâm. Sách cũng có câu “Người biết thì không nói, người nói thì không
biết.”
Đáp: Thật ra đời cũng có lắm người “năng
thuyết bất năng hành”, khoe tài, cao ngạo, hay khẩu Phật tâm xà. Thánh giáo
cũng bảo “Đạo không phải giữ bằng lỗ miệng” để răn những người giỏi nói để tỏ
ra mình tu cao, hiểu rộng mà không giỏi thực hành, và cũng để răn những kẻ mê
tín, đừng nghe ai giỏi nói khoe tài, vội tưởng rằng họ đã phát huệ, đắc pháp,
mà chạy theo cung phụng để cầu nhờ ban phước. Hãy nhìn việc họ làm ít lâu đã,
vì có câu “Trường đồ tri mã lực, cửu kiến
thức nhơn tâm”.[7]
Thật ra muốn tu tâm, trước phải học tu tai, tu mắt, tu miệng,
tu mũi, tu thân cho có ảnh hưởng vào nội tâm, thành quán tính.
“Mọi người có thể nhìn những gì tôi nhìn, nhưng không ai thấy
đúng những gì tôi thấy.” Đó là một câu triết lý viết trong quyển Nhập Môn Triết Lý Đông Phương.
Ở đời rất khó gặp tri kỷ có thể thấy được cái đẹp ta thấy,
cái ý tốt ở lời ta nói hay lẽ thật trong việc ta làm. Vì tự ái, tự cao hay đố
kỵ, họ chỉ thấy những điểm đen xấu xa để phê bình, chê trách.
Thí dụ như giữa buổi tiệc sang trọng bỗng có một kẻ đến chìa
tay ghẻ lở ra xin. Một anh liền móc túi lấy vài ngàn đưa cho. Một người ngồi
bên có thể khen anh ta tốt bụng, nhưng người khác lại nghĩ anh đó muốn lấy le
với cả bàn tiệc. Cũng có người ngờ rằng anh ta muốn đuổi khéo cho kẻ bẩn thỉu
sớm đi khuất mắt. Còn anh thì thế nào? Khi thấy người nghèo khổ có để lời an
ủi, cầu chúc cho họ sớm giải thoát đau khổ không? Hay chỉ ngậm miệng, lắc đầu,
xua tay?
Chỉ lo ăn chay, làm việc hữu ích mà không nói một lời an ủi
người trong cơn hoạn nạn, nung chí kẻ thất bại, mách mẹo hay lý nhiệm giúp bạn
giải thoát phiền não, giúp kẻ mê trần giác ngộ tu giải nghiệp, như thấy trẻ dại
dột chơi lửa mà không để lời khuyên bảo dạy răn thì có đủ gọi là tu tâm chưa? Hay
còn phải mắc tội hiểm tâm ác ý?
Tôi tưởng chỉ có những người luôn bô bô cái miệng mà không
nói được điều gì đúng lúc, hạp thời để nâng đỡ đức tin của người tu, ấy mới là
đáng trách.
Theo định luật tự nhiên, trẻ sanh ra phải nghe nhiều mới có
thể học nói, học hành (trẻ điếc thì phải câm). Người không biết nghe lời lành
thì làm sao biết nói lành và làm lành. Người thường nghe mười mới hiểu được
năm. Có nói được năm mới làm được ba mà tiến dần lên. Ai cũng phải trước học
ăn, học nói, học gói, học mở. Học ăn nên chỗ, học nói nên lời, học gói ghém lối
sống đơn giản, rồi mới học mở lòng từ bi hỷ xả, mở miệng mở túi để thí tài, thí
pháp mà nên hiền nhân quân tử.
Thấy thiếu niên mới học nói ít câu lễ phép, nghĩa nhơn, người
ta đã vội cười rằng “ông cụ non”, “ba xạo” thì vô tình đã bịt miệng chúng lại.
Đã thế thì đừng hỏi sao đời chỉ nghe trẻ chửi thề, hỗn xược, mà lại ngượng
miệng không dám nói một câu đạo đức mềm mỏng dễ thương.
Câu “Người biết thì không nói, người nói thì
không biết” [8] có nghĩa là chơn lý tự
tâm chứng biết, chớ không có lời diễn tả. Nói ra được là đã sai chỗ chứng biết
rồi. Người uống nước trà tuy cảm nhận được hương vị trà mà không thể nói ra hết
cảm nhận của mình để cho người khác tuy không uống trà mà cũng biết được. Đó
đúng là cái biết mà không nói được.
Ở đời nhiều người nói thao thao chuyện trên trời dưới biển,
chuyện thiên đàng địa ngục. Thế mà họ không biết lương tâm của họ ở đâu, họ là
ai, đang sống có trách nhiệm gì với xã hội loài người hay với Thượng Đế.
Người tu biết sợ khẩu nghiệp nên không vọng ngữ lộng ngôn.
Còn như đã biết là việc lành việc phải, lẽ nhiệm lý mầu thì không được làm hiểm
giấu giếm riêng tư mà phải truyền giảng cho đúng với lịnh Thầy: “Các con nói đạo cho mọi kẻ. Nghe không tùy
ý.” [9] Ai không nghe thì về sau
họ không thể trách cứ, đổ lỗi rằng trước kia không được ai chỉ giáo. Mà lương
tâm ta cũng bình an vì ta đã làm xong bổn phận nói đạo đúng theo lời dạy của
Thầy.
Từng lo tu luyện bấy lâu nay
Chuộng đạo từ đây đã gặp Thầy
Một chức giáo dân tua lãnh lịnh
11.
Giữ giới cấm làm mất tự do
Hỏi: Tôi thấy ai đi tu cũng
cầu được Ơn Trên ban phước, giải khổ, sao còn bị buộc ràng bắt giữ quá nhiều
giới cấm làm mất cả tự do và chịu khổ hạnh như vậy? Vả lại tâm lý người ta luôn
mâu thuẫn, hễ việc gì cấm, họ càng thích làm lén. Như cấm buôn lậu, cờ bạc, say
rượu, trộm cắp thì số người phạm pháp càng nhiều. Họ thấy ăn vụng bao giờ cũng
ngon hơn bị người ta nài ép…
Vậy tôi tưởng quý anh ra công dạy giáo lý, giáo
điều, bắt giữ ngũ giới cấm… e không được mấy ai tuân hành, khó mà phổ độ nhơn
sanh.
Đáp: Người cõi trần, giữa xã hội không thể nào
có tự do tuyệt đối. Thí dụ, không được tự do làm khổ người khác, cũng không
được tự do tìm cái chết cho mình. Chỉ có tự do tương đối trong khuôn khổ luật
pháp nhà nước, luật đi đường, luật xã giao, kỷ luật đoàn thể, định luật nhơn
quả.
Còn hấp lực của danh, lợi, tình, quyền, áp lực của thú tánh
bản thân, thất tình của vía, tự cao của trí, làm cho người vì tinh thần hèn yếu
phải phục tùng mà cứ tưởng được tự do, thật ra là bị chúng dẫn vào đường nô lệ,
sa đọa tù tội, bịnh hoạn và chết chóc.
Người đang lúc khỏe mạnh, làm ăn sung túc thì hay ăn xài
hoang để khoe giàu khoe sang, khinh kẻ khó, không chịu gò bó trong khuôn luật
tự nhiên của Tạo Hóa, nên rất ghét người nào (dù là cha mẹ) vì thương mà để lời
khuyên bảo.
Chừng hết thời, gặp phải thất bại, nghèo đói, đau yếu thì họ
chỉ biết oán Trời hận người, sanh bực dọc gây thêm tội nghiệp. Chẳng có mấy ai
chứng nghiệm luật nhơn quả bù trừ để giữ thăng bằng cán cân công lý mà tự giác
ngộ, hối cải phục thiện.
Người tu Cao Đài, được Ơn Trên khuyến cáo ngừa tội trước dễ
hơn là để trị tội. Mỗi người muốn giữ tròn lời nguyện giữ luật lệ Đạo nên phải
nhắc nhau nghiêm túc giữ ngũ giới và điều độ lẫn nhau trên đường tu học.
Người có duyên tu, biết thương mình, muốn hướng thiện, hướng
thượng thì phải tự nguyện giữ giới chống lại thất tình lục dục, không để chúng
mặc tình đày đọa tâm thần mình trong vòng tục lụy.
Giữ vẻ đạo đức bên ngoài là cố cho có ảnh hưởng vào trong.
Tập luyện lâu ngày tâm sẽ thành thục, giới và người sẽ hiệp nhất không còn thấy
phải giữ giới mà cũng không phạm giới.
Vì lợi ích của bản thân, muốn được khỏe mạnh, người ta phải
chịu mất tự do ngủ trễ, phải dậy sớm tập thể dục. Có lúc phải chịu đấm bóp, bấm
huyệt, tiêm thuốc chịu đau, vâng lời bác sĩ cữ ăn những món không hạp tì.
Muốn tu được sáng suốt tránh tạo tội nghiệp cho thân, khẩu,
ý, ngừa phiền não cho tâm linh, ta cũng phải hy sinh chút ít tự do buông thả
theo dục lạc mà tuân lời Trời Phật, giữ giới răn cho nên trò.
Nên trò đạo
đức dễ gì đâu,
Vui chẳng
vui, sầu chẳng dám sầu.
Cái khổ của
đời mình ước vọng,
12.
Chuyện thấy tận mắt mới tin
Hỏi: Đời toàn giả dối, bảo
sao tôi tin những ai nói Trời Phật ở đâu xa vời. Chuyện gì thấy trước mắt mới
đáng tin.
Đáp: Đức tin là tối cần cho mọi thành công
trên đời. Ta tin quả quyết Trời sanh ta có đủ quyền năng sáng tạo để tự do ý
chí tự lập và tiến hóa. Tin mình là tiểu linh quang mới phát triển cho tâm linh
sáng chói. Trời sẽ giúp cho đạt thành ý nguyện.
Phương ngôn Tây có câu “Hãy
tự độ trước rồi Trời sẽ độ anh sau. / Aides-toi. Dieu t’aidera.” Ta tin có
Trời che chở khi lâm nguy, hộ trợ lúc hữu cầu làm việc phải thì ta mới bình
tĩnh sáng suốt sử dụng được tiềm lực Trời ban mà vượt khó khăn.
“Sắc tức thị không.” Cái thấy có hình tướng là giả, chỉ dụng được cái không ẩn trong cái có. Thí dụ dùng ánh sáng của cây đèn, chỗ rỗng
của cái chén, dược tánh của cây thuốc… Cái có
chỉ để tải cái không (tinh thần bên
trong). “Không tức thị sắc” là trên không trung tuy thấy trống mà là có, có cái
lực vô vi thường hằng, thường chuyển điều hành vũ trụ mà người ta gọi là Trời,
là Đạo.
Trong đàn cơ ngày 27-10-1926, Thầy tiên tri cho nhơn sanh
biết rằng Thế Chiến không thể tránh khỏi (la
guerre mondiale est inévitable).[12] Đó là việc đã xảy ra
mười lăm năm sau (1945), có đáng cho anh tin không?
Anh có thấy được anh mới tin. Vậy đi trong
đêm trăng anh có thấy trăng theo anh không? Ngồi trên xe chạy anh thấy cây hai
bên đường đều chạy ngược lại, cánh đồng xa xoay tròn, anh có tin cái thấy của
anh là sự thật không?
Phật dạy rằng vạn pháp do tâm tạo, tôi tin có cái tâm lực của
vũ trụ, đại thể. Thầy (Thượng Đế) nói ở đâu có sự sống là có Thầy. Phật bảo mỗi
loài đều có Phật Tánh. Tuy khác lời nhưng cùng nghĩa.
Thánh ngôn dạy “Thầy là
các con, các con là Thầy.” Trời là Thiên thượng, con người là Thiên hạ.
Nhìn bên ngoài chúng ta không ai giống ai vì khác căn cơ, trình độ tấn hóa,
hình thức đa dạng. Nhưng nếu ta định tâm nhìn thấu bên trong, thì muôn loài
cùng là một khối tinh thần, do một lò Tạo Hóa, đều ảnh hưởng lẫn nhau, hữu dụng
cho cơ tấn hóa chung. Không loài nào đáng giết bỏ (ngày nay có luật bảo vệ loài
thú hiếm để giữ cho môi trường sinh thái được quân bình). Không người nào có
thể tự cao sống độc lập, không nhờ đến tha lực trợ duyên hợp tác bảo mạng
chuyển hóa cho lớn mạnh.
Vậy dám xin anh, lúc thanh vắng lắng nghe tiếng nói vô thinh
trong tâm để biết có Thần Minh ngự trị hướng dẫn cho anh được gần điều nên,
lánh lẽ hư để mà tin tưởng có Trời có Phật.
Giáo Hữu NGỌC TÂM THANH
Hội Thánh Cao Đài Ban
Chỉnh Đạo