Tham luận của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài tại Hội
Nghị Giao Lưu Các Hội Thánh và Tổ Chức trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ lần VI, tổ
chức tại Trung Hưng Bửu Tòa, chiều Thứ Bảy 09-4 Quý Tỵ (18-5-2013).
I. THỰC TẾ VÀ ĐỊNH
HƯỚNG
Khoảng mười năm sau ngày Khai Minh Đại Đạo thì nhà
Đạo bị phân hóa vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Giữa các Hội Thánh chi phái tuy
có sự khác biệt nhưng mâu thuẫn đối kháng thì không đáng kể nếu xét về thời
gian cũng như mức độ. Nhờ vậy trong thời gian hơn sáu mươi năm (tạm tính từ năm
1936 đến năm 1996), chức sắc lãnh đạo các Hội Thánh vẫn có đi lại thăm viếng,
bàn bạc đạo sự, chia sẻ vui buồn và thực hiện nhiều cuộc vận động hiệp nhứt.
Bắt đầu từ năm 2008 sự giao lưu giữa các Hội Thánh
và Tổ Chức Cao Đài dần dần có tổ chức và có hình tướng cụ thể. Hiện tại, theo
tài liệu của tổ chức giao lưu thì có mười sáu đơn vị tham gia tổ chức giao lưu
với danh nghĩa là Hội Thánh Cao Đài hoặc Tổ Chức Cao Đài. Xin thưa thêm rằng
còn có một số đơn vị giữ quan hệ với tổ chức giao lưu với mức độ và tính cách
nào đó, chưa chính thức.
Ngoài ra, ở mức độ tổ chức lớn thì Tòa Thánh Tây
Ninh chưa tham dự và ở mức độ nhỏ, với tính cách hội nhóm hoặc cá nhân thì vẫn
thường có các sinh hoạt giao lưu với các hình thức hội lễ, hội học thảo luận,
từ thiện, hội trại để lễ bái, cùng học đạo, gia tăng mối quan hệ huynh đệ đồng
đạo và các hình thức khác nữa.
Đó là thực tế vừa do lịch sử để lại vừa do lòng
người cùng chung đức tin, chung tình huynh đệ và cùng chung hoài bão đã được
khải thị:
Bửu tòa thơ thới trổ
thêm hoa
Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà
Chung hiệp ráng vun nền đạo đức
Bền lòng son sắt đến cùng Ta.[1]
Bên cạnh thực trạng thiếu cộng tác chặt chẽ (mặc dù
vẫn có chung ước nguyện quy nhứt) còn một thực trạng khác nữa liên hệ đến vấn
đề nhân sự.
Thứ nhất, đó là nhân sự hành đạo tức là chức sắc,
chức việc nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng đơn vị (Hội Thánh hoặc Tổ Chức
Cao Đài), cũng như yêu cầu mở rộng và nâng tầm hoạt động hành đạo cho Đại Đạo
và cho các đạo sự giao lưu thì số lượng chức sắc, chức
việc chưa đủ đáp ứng xét về lượng lẫn phẩm.
Thứ hai, thanh thiếu niên
nhà Đạo đại đa số vẫn là tín
đồ ngoan, công dân tốt nhưng chưa được quan tâm giáo
hóa tích cực để có thể vừa đáp ứng khát vọng hướng thượng của tuổi
trẻ vừa đầu tư cho tương lai của mỗi Hội Thánh, mỗi Tổ Chức Cao Đài cũng như cho
toàn thể Đại Đạo.
Nhìn nhận các thực trạng trên với tinh thần sáng
suốt, tích cực, các Hội Thánh và Tổ Chức Cao Đài có thể cộng
tác để chuẩn bị lớp kế thừa cho phần riêng của mình
và cho phần chung là tương lai Đại Đạo.
Đơn vị nào cũng có những khó khăn riêng, nhưng nếu cùng bàn bạc thấu đáo, tôn
trọng lẫn nhau, tất cả cùng vì đạo nghiệp chung thì đạo sự đào tạo chức sắc,
chức việc và giáo dục thanh thiếu niên có thể thực hiện được với kết quả tốt
đẹp.
Tuy mục tiêu đào tạo, giáo dục dành cho hai thành
phần nói trên khác nhau nhưng định hướng thì giống nhau.
Định hướng thứ nhất: Triệt tiêu các yếu
tố dẫn đến mâu thuẫn hoặc làm gia tăng phân hóa thêm nữa.
Định hướng thứ hai: Đào tạo chức sắc,
chức việc hữu dụng cho các đơn vị, trưởng dưỡng lớp kế thừa nơi thanh thiếu
niên.
Định hướng thứ ba: Đem lại sự gần gũi,
hiểu biết lẫn nhau, tin cậy giao lưu, làm lan tỏa và chan hòa tình huynh đệ
đồng đạo; vừa hành đạo cho đơn vị mình vừa có thể cộng tác trao đổi giúp đỡ
nhau giữa các Hội Thánh và Tổ Chức Cao Đài.
Định hướng thứ tư: Nâng cao đời sống
tâm linh cùng năng lực hành đạo của chức sắc, chức việc để hướng dẫn nhân sinh
cùng tiếp cận xã hội, bắt kịp đòi hỏi hiện đại hóa và hội nhập của dân tộc và
nhân loại.
II. NHỮNG ĐIỀU NÊN TRÁNH
Xa nhau hơn sáu mươi năm và
hành đạo trong nhiều vùng miền khác nhau, tất nhiên đã phát sinh nhiều ngộ
nhận. Thành thử khi hiệp lại cần khéo léo tiên liệu không gây thêm những điều bất
hòa mới, đồng thời phải giữ cho mọi sự cộng tác – ở đây là cộng tác về đào tạo,
giáo dục – được ổn định và trường tồn. Vì vậy xin nêu ra một số điều nên tránh:
Tránh nóng vội, dục tốc. Tránh áp đặt chủ quan.
Tránh sự làm việc không có phương pháp. Tránh gây mất lòng, đụng chạm trong những
trích dẫn cũng như những phát biểu qua chữ dùng, bài viết, lời nói. Đương nhiên
nếu có sự lệch lạc thái quá gây tổn thương cho nền đạo thì buộc phải có sự điều
chỉnh.
Sau đây là phần trình bày nội
dung thuộc hai chủ đề kế thừa đã được thông qua tại cuộc họp giao lưu đầu năm,
tổ chức tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý ngày 22-02 Quý Tỵ. Đó là đào tạo chức
sắc, chức việc và giáo dục thanh thiếu niên.
III. ĐÀO TẠO CHỨC SẮC, CHỨC VIỆC
Lãnh đạo các Hội Thánh bàn bạc thống nhất chủ
trương, định hướng, cùng các tiêu chí phải tôn trọng trong công việc đào tạo
chức sắc, chức việc. Đạo sự đào tạo này liên hệ đến sự bố trí giảng viên và
thâu nhận học viên. Xin đề nghị các bước tiến hành như sau:
Thành lập Ban Kế Hoạch và Chương Trình.
Lãnh đạo các Hội Thánh duyệt kế hoạch và chương trình do Ban Kế Hoạch và
Chương Trình đệ trình và thuyết minh.
Lập Ban Biên Soạn Giáo Trình.
Lập Ban Đào Tạo lo xúc tiến các việc liên hệ về thủ tục, học viên, cơ sở
đào tạo, các phương tiện.
Tuyển chọn giảng viên và tập huấn.
Thâu nhận học viên, tiến hành đào tạo.
Ngoài ra, để kịp thời cụ thể hóa định hướng nên sớm có kế hoạch và chương trình tập huấn cho
một bộ phận chức sắc các Hội Thánh về tâm đức, đạo hạnh cùng các kỹ năng về
giao tế, ngoại ngữ, xử lý tình huống, v.v…
IV. GIÁO DỤC THANH THIẾU NIÊN
Tu dưỡng không phải là việc riêng của người cao
tuổi; nhưng ở các giáo sở, các nơi thờ phượng lễ bái lại thường ít
thấy tuổi trẻ tham dự. Đó là điều bận tâm của lãnh đạo các tôn giáo.
Trong nhà Đạo Kỳ Ba tuy mức độ quy mô và thời gian
triển khai công việc giáo dưỡng con em có khác nhau, nhưng đã có nhiều nơi thực
hiện. Những nơi đó có thể kể ra như Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Minh Lý Thánh
Hội, Liên Hoa Cửu Cung, Thanh Tịnh Đàn, thánh tịnh Thiên Trước, Cao Thượng Bửu
Tòa, thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Tân Minh Quang, Thánh Tòa Vô Vi Huỳnh Quang Sắc…
Nói về giáo dục con em nhà Đạo, sau đây xin giới
thiệu sinh hoạt tu học thanh thiếu niên thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài,
như một tài liệu tham khảo.
1. Vài nét lịch sử
Năm 1934, Đức Chí Tôn phái Tứ Linh Đồng Tử (bốn thiếu niên)
về Trung truyền đạo.
Năm 1938, Thầy dạy:
Thanh niên phải dồi trau
đạo đức
Thanh niên cần trí thức
cho cao
Thanh niên làm chủ đời
sau
Từ đó, các tổ chức thanh niên ra đời như Sinh Viên Phổ Thông
Giáo Lý (nam) và Thanh Xuân Tân Sinh Hoạt Đoàn (nữ) có mục đích phổ truyền giáo
lý và rèn luyện cho thanh thiếu niên biết sống đạo, phục vụ xã hội nhân sinh.
Năm 1940, Đức Tổng Lý Trần Hưng Đạo giáng cơ dạy:
Hay chưa đời, đạo nặng
oằn vai
Gian khổ dầu chi cố miệt
mài
Dọc đất ngang trời thân
bảy thước
Gánh gồng trọng nhiệm há
riêng ai!
Hỡi các bạn thanh niên!
Cơ Đạo hiện thời đã bước đến thời kỳ chuẩn bị rồi, với cái trọng nhiệm đem Đạo
vào đời, ai là người tai mắt nỡ nào điềm nhiên!
(…) Muốn thế trước phải
lấy thanh niên làm nòng cốt và thí nghiệm, vì thanh niên là lớp người quan hệ
cho tương lai, có nghị lực hăng hái làm việc. Như vậy trong bước đầu tổ chức
phải huấn luyện thế nào cho mỗi thanh niên rành rẽ bổn phận người giữ Đạo,
truyền Đạo, có một bản chất thuần túy đạo đức tiến thủ. Đó là chư hiền bước
từng bước một cho vững chắc đặng khỏi lung tung, nhưng bao giờ cũng lo tròn
phận sự của mình để xứng đáng người thanh niên Cao Đài…
Tháng 3 năm 1945, hai tổ chức nói trên sáp nhập thành một,
lấy tên là Tráng Anh Đoàn.
Năm 1952, đoàn sinh hoạt với tên gọi Tráng Nhi Đạo Đức Đoàn.
Năm 1957, đoàn đổi tên thành Thanh Niên Phước Thiện.
Năm 1964, để củng cố và phát triển sinh hoạt tu học tuổi trẻ
nhà Đạo, đoàn lại có tên Thanh Niên Hưng Đạo Đoàn.
Cố đạo trưởng Thanh Long trong thư ngày 28-01 Giáp Thìn
(11-3-1964), gửi chức sắc, chức việc và thanh niên đã xác nhận vai trò thanh
niên trong nhà Đạo như sau:
“Thanh thiếu niên ta
ngày xưa đã một thời Tráng Anh Đoàn ra đời đã giúp nhiều công việc đạo rất hữu
hiệu. Ngày nay, trước thời cơ thuận lợi cho sự phát triển tôn giáo, trước sứ
mệnh trọng đại trung hưng [3] chánh pháp Hội Thánh ta
phải đảm đương, trước bao vết thương đau xót của các tầng lớp đồng bào bởi
chiến tranh tao loạn, bởi chia rẽ bất công gây nên, đang cần những bàn tay nhân
ái vị tha để băng bó xoa dịu, những sinh lực hùng mạnh tinh thần của những
người thanh thiếu niên đạo đức để xây dựng đảm đang, thì sự tổ chức lại đoàn
thanh thiếu niên trong khuôn khổ đạo đức là điều đáng khích lệ vậy.”
Sau năm 1975, Thanh Niên Hưng Đạo Đoàn đã có nhiều thay đổi
về phương thức sinh hoạt, đi sâu vào học hỏi giáo lý và đời sống đức tin. Đoàn
thể này bấy giờ có nhiều tên gọi phù hợp với hoàn cảnh thực tế từng địa phương.
Tuy nhiên, việc sinh hoạt của con em nhà Đạo luôn được sự hướng dẫn, nâng đỡ,
chú tâm của Hội Thánh Truyền Giáo, của các cấp Giáo Hội.
Kể từ Đại Hội Nhân Sinh 1996 đến nay, với tư cách pháp nhân
được công nhận, Hội Thánh đã có nhiều chỉ đạo giao cho Cơ Quan Phổ Tế lo phần
giáo hóa con em nhà Đạo, theo đó bộ phận đạo chúng chịu trách nhiệm trực tiếp.
Hiện nay, tại hầu hết các họ đạo thuộc Hội Thánh Truyền Giáo
đều thực hiện việc hướng dẫn giáo hóa con em nhà Đạo do Đầu Họ Đạo và Trưởng
Ban Phổ Tế trông coi.
Sau đây là những nét cơ bản về phương pháp giáo dục, chương
trình, kế hoạch và những hoạt động cụ thể của thanh thiếu niên.
2. Phương pháp giáo dục
Theo tinh thần giáo dục trẻ cần sự năng động, linh hoạt phù
hợp tâm lý lứa tuổi, sinh hoạt tu học con em nhà Đạo thuộc Hội Thánh Truyền
Giáo sử dụng các phương pháp giáo dục sau:
- Dùng hàng đội làm cơ cấu.
- Dùng ngôn ngữ và trò chơi làm phương
tiện.
- Lấy thiên nhiên, tôn giáo, văn hóa và xã
hội làm môi trường sinh hoạt tu học.
- Lấy quy y, trì giới để hoàn thiện.
- Đề cao danh dự để phát huy nhân phẩm.
Dùng hàng đội làm cơ cấu cũng còn gọi là phương pháp hàng đội, là phương pháp giáo dục trẻ lấy trẻ làm trung
tâm, lấy đội (hàng, đội, toán) làm đơn vị căn bản, lấy lớp giáo lý, vườn, đoàn,
làm tổ chức để truyền đạt những nội dung giáo dục đức tin, thông qua vai trò
hướng dẫn của các Phổ Tế Viên.
3. Kế hoạch và chương trình giáo dục
* Đào tạo nguồn nhân
lực, hướng dẫn và điều hành cho các cấp.
Tại mỗi họ đạo, có Ban Hướng Dẫn gồm nhiều Phổ Tế Viên.
Tại Hội Thánh có Ban Phụ Trách thuộc Cơ Quan Phổ Tế lo điều
hành hướng dẫn chung. Để có được nhân sự này, Cơ Quan Phổ Tế chọn lọc nhân sự
có năng lực thành lập Ban Phụ Trách, sau đó giao Ban Phụ Trách tổ chức đào tạo,
huấn luyện nhân sự do các họ đạo cung cấp để thành lập các Ban Hướng Dẫn cho họ
đạo.
Chương trình đào tạo Phổ Tế Viên phân chia thành nhiều cấp.
Hiện nay, có các cấp đào tạo: Dự Bị, Cấp
I, Cấp II, Cấp III. Để tốt nghiệp một cấp, khóa sinh tham gia đào tạo phải
được học hàm thụ lý thuyết và thực hành tại địa phương, sau đó tham gia trại
huấn luyện để đánh giá kết quả. Sau khi hoàn thành một cấp đào tạo phải tham
gia hướng dẫn sinh hoạt tại các địa phương đủ thời gian quy định mới được tiếp
tục nâng cấp đào tạo.
* Triển khai các chương
trình giáo dục tại từng họ đạo.
Ban Phụ Trách chịu trách nhiệm biên soạn tài liệu, chương
trình giáo dục con em nhà Đạo và trình Cơ Quan Phổ Tế kiểm duyệt trước khi ban
hành.
Chương trình giáo dục được triển khai theo hai phần: Giáo lý, và Kỹ năng sinh hoạt cộng đồng. Tùy theo từng độ tuổi và mức độ tu học
khác nhau, chương trình giáo lý được thiết kế theo ba thời kỳ: Đồng nhi: Từ 8 đến 11 tuổi. Thiếu niên: Từ 12 đến 15 tuổi. Thanh niên: Từ 16 đến 30 tuổi.
Mỗi thời kỳ được phân
thành ba giai đoạn: 1, 2, 3. Trong mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn đều có các nội
dung theo từng bộ môn: kinh lễ, giáo luật, giáo luận, giáo sử và tu dưỡng sống
đạo.
Ở bậc thấp thì chú ý thể
chất, giải trí, giáo dục công dân, lễ nghi sống đạo. Ở bậc cao hơn thì nặng về
giáo lý, đạo học, tu dưỡng sống đạo. Phần kỹ năng sinh hoạt nhằm mục đích giúp
trẻ tháo vát, khéo léo, tự tin, vui vẻ. Trong mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn đều có
các nội dung theo từng kỹ năng: Quản trị cộng đoàn; Truyền thông liên lạc; Ca
hát, trò chơi, thủ công; Rèn luyện thân thể, vệ sinh, sơ cấp cứu; Dã ngoại;
Giúp ích cộng đồng và Giáo Hội.
4. Định hướng giáo dục và một số thành quả
Với định hướng giáo dục
đức tin, trang bị kiến thức giáo lý, rèn luyện các kỹ năng sống sẽ giúp con em
nhà Đạo trở nên một tín đồ trung kiên, một công dân tốt cho xã hội, một người
con ngoan trong gia đình.
Với châm ngôn phụng sự,
con em nhà Đạo của Hội Thánh Truyền Giáo thường xuyên tâm niệm và thực hiện:
- Đối với bản thân lo tu
học, rèn luyện để nên người công dân tốt, tín đồ ngoan đạo, sẵn sàng giúp ích
khi gặp tình huống yêu cầu.
- Đối với Giáo Hội, bất
kể nơi đâu, vùng cao hay biển đảo, đều có sự đóng góp của các em thanh thiếu
đồng trong các lễ hội, các ngày đàn lệ và lễ vía…
Đối với xã hội, Ban Phụ
Trách cũng như các Ban Hướng Dẫn đã tổ chức các em tham gia thực hiện các công
tác từ thiện xã hội, cứu trợ nạn nhân thiên tai
Đối với đồng đạo và đồng
bào thuộc các chi phái hay tôn giáo bạn, luôn luôn thực hiện tinh thần hòa ái,
khiêm nhường học hỏi, tương kính tương thân, hướng về một cộng đồng dân tộc và
nhân loại hiểu biết lẫn nhau, cảm thông tin cậy và đoàn kết thương yêu. Tinh
thần ấy được thể hiện qua các việc làm cụ thể:
Trại Hiệp Tâm do Ban Hướng Dẫn ba họ đạo Trung Minh, Từ Vân và Trung Hiền luân
phiên tổ chức vào dịp Tết dương lịch. Trại tổ chức trong hai ngày một đêm cho
các em độ tuổi thiếu và đồng.
Tính đến nay, Trại Hiệp Tâm đã trải qua mười hai kỳ tổ chức,
có nhiều đơn vị thanh thiếu niên nhà Đạo đã từng tham dự kỳ trại này như: thánh
thất Bàu Sen, Thánh Tòa Vô Vi Huỳnh Quang Sắc, Liên Hoa Cửu Cung, thánh tịnh
Ngọc Minh Đài, Minh Lý Thánh Hội, Tân Minh Quang, Tu Tập Sinh Tp.HCM (Tp.HCM); thánh tịnh Thiên Trước (Cần Thơ); Thanh Tịnh Đàn (Tiền Giang); Cao Thượng Bửu Tòa (Bạc Liêu),
Gia Đình Hưng Đạo Trung Bảo (Đồng Nai)…
Hai năm gần đây, các đơn vị này còn hướng đến xây dựng một
chương trình hoạt động chung trong năm để phát huy hơn nữa tinh thần liên giao
giữa tuổi trẻ đồng đạo.
Cụ thể, năm 2012 có chương trình hội thảo về gương hướng đạo
của Đức Ngô Minh Chiêu nhân ngày kỷ niệm Đức Ngô thành đạo (13-3 Nhâm Thìn);
năm 2013, các đơn vị tổ chức chuyến hành hương về các thánh sở ở Tiền Giang,
Hậu Giang, kết hợp với tập huấn một số kỹ năng trong hướng dẫn sinh hoạt tu học
cho con em nhà Đạo.
Trại Liên Vườn là kỳ trại diễn ra một ngày dành cho các em đồng
sinh trong dịp đầu hè. Thành phần các đơn vị tham gia cũng như Trại Hiệp Tâm.
Tính đến nay, kỳ trại truyền thống này đã tổ chức được mười lăm năm.
Sinh hoạt giao lưu trong
thành phần con em nhà Đạo giữa các Hội Thánh tại miền Nam còn diễn ra
qua các dịp tổ chức tham quan, thăm viếng các thánh sở, các chương trình học
giáo lý hay các dịp lễ kỷ niệm khác.
Hộ trợ lễ hội an vị,
khánh thành thánh thất Vĩnh Lợi tại Huế (thuộc Hội Thánh Tây Ninh).
Ra ngoài khuôn khổ nhà Đạo Kỳ Ba còn có những cuộc gặp gỡ
giao lưu với các tôn giáo bạn như tại Tp HCM. Tại Đà Nẵng đã có nhiều lần giao
lưu với các tôn giáo trong các hội diễn văn nghệ.
Đạt được các thành quả nêu trên là nhờ mục đích và phương
pháp giáo dục con em nhà Đạo đúng hướng và có truyền thống lâu đời, dưới hồng
ân soi dẫn của Thầy Mẹ, sự che chở của các Đấng thiêng liêng cùng chư Thánh
Tông Đồ chan rưới, và gương sáng các bậc đàn anh đi trước luôn luôn chung thủy
một lòng vì Giáo Hội, vì nhân sinh.
*
Công việc đào tạo, xây dựng con người, nói riêng mỗi cá nhân cũng
như nói chung nhiều thế hệ, là công việc trường kỳ, đòi hỏi phải có tiên liệu,
chuẩn bị chu đáo và bền chí thực hiện một cách cẩn thận, có phương pháp và lộ
trình.
Cần đặc biệt quan tâm là không nói suông, hô hào lý thuyết mà phải
cụ thể hóa bằng việc làm theo một thứ tự hợp lý từ nhỏ đến lớn, từ thấp lên
cao.
Nói suông chỉ thỏa mãn tâm lý nhất thời không làm gì có kết quả
nên cũng tương tự với chần chừ, lần lữa bỏ phí thời gian và cơ hội. Nếu dục tốc
thì hỏng hóc nhiều, gây mất lòng tin.
Đây là vấn đề tối quan trọng trong lãnh vực kế thừa. Và trong
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chúng ta, tầng lớp kế thừa trực tiếp, gần kề nhất là chức
sắc, chức việc. Đây chính là thành phần trung gian dẫn lưu đức tin, đạo nghiệp
đến thế hệ thanh thiếu niên hiện tại. Bên truyền lưu cũng như bên tiếp nhận đều
phải được chuẩn bị, tức là được đào tạo,
được giáo hóa để đảm đương nhiệm vụ duy trì và phát huy đạo
mạch Kỳ Ba.
Giáo Sư THƯỢNG VĂN THANH
Trung
Hưng Bửu Tòa, 18-5-2013