Gió muốn thổi đâu thì thổi. (Gioan 3:8)
* Đạo hữu LÊ THỊ MINH NGUYỆT (TT Đô Thành, HT Cao Đài Ban Chỉnh Đạo):
Nhiêu Tâm, P5, Q5, TpHCM.
(Trích tin nhắn qua điện thoại
di động 05-12-2012.)
“Đạo muội đang đọc Văn Uyển 3 và không hiểu sao mỗi khi đọc
Văn Uyển là đạo muội lại khóc. Đọc cuốn
Ơn Gọi Miền Trung [của GS Phạm Văn Liêm] cũng khóc. Thương quá các vị tiền
bối, thương quá các huynh tỷ dày công khổ nhọc để cơ Đạo được phát triển trong
thời chiến tranh loạn lạc. Ước gì có tiền, thay vì đi du lịch thăm chỗ này chỗ
nọ thì đạo muội chỉ đến thăm từng thánh thất, thánh tịnh để tìm lại tình thương
và hơi ấm của người xưa còn lưu lại.”
l Ban
Ấn Tống: Đọc tin nhắn của hiền tỷ, chúng tôi cũng xúc động trước tình cảm
đơn sơ giản dị mà rất chơn thật của một bạn đạo. Xin cảm ơn hiền tỷ đã chia sẻ.
* Đạo hữu TRƯƠNG VĂN ĐÀI (chợ
Long Hoa, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh):
“Trong loạt thi bài Ngụ Đời của Đức Lý Thái Bạch giáng cơ
ngày mùng 8 tháng Chạp Bính Dần (11-01-1927), ở bài số 2 (điệu Lưỡng Nghi) có bốn
câu như sau:
Xem qua như chốn hý tràng
Lẻ loi mặt nịnh lỡ làng phận trung
Chẳng ai nắm kiếm Thư Hùng
Thành nghiêng khôn đỡ, vạc rùng khôn nâng.
Kính nhờ Văn Uyển giải nghĩa giùm bốn câu thơ trên.”
(Trích e-mail ngày
28-12-2012.)
l Huệ
Khải: Con mái gọi là thư 雌, và con trống gọi là hùng
雄. Nữ có tài hơn người gọi là anh thư (như Bà Trưng, Bà Triệu…) và nam có tài hơn người gọi là anh hùng 英雄 (như Nguyễn Huệ, Nguyễn Trung Trực…). Vậy thư hùng ám chỉ những trang nam nữ tài giỏi. Đây không phải
là danh từ riêng nên không cần viết hoa. Chẳng
ai nắm kiếm thư hùng nghĩa là lúc đất nước nguy biến không có trang anh
thư và đấng anh hùng nào ra tay cứu quốc.
Khôn đỡ, khôn nâng tức là không đỡ nâng. Khôn có nghĩa là không, như nói: khôn xiết, khôn cùng, khôn nguôi.
Thành là thành trì.
Vạc hay đỉnh 鼎, thường đúc ba
hay bốn chân, trên miệng có hai tai. Vua Vũ 禹 nhà Hạ 夏 (2205-2198 trước
Công Nguyên) thu gom vàng trong chín châu, đúc làm chín cái đỉnh. Cuối năm
1835, để làm biểu tượng cho quyền lực và sự vững bền của vương triều, vua Minh
Mạng (trị vì 1820-1840) noi theo Hạ Vũ cũng ra lệnh đúc ở Huế chín cái vạc đồng
(cửu đỉnh 九鼎), hoàn thành đầu năm 1837, và đặt trước Hiển Lâm Các, đối diện Thế
Miếu, phía Tây Nam hoàng thành.
Trong văn học, ai lấy được
thiên hạ (lên làm vua) gọi là định đỉnh
定鼎; việc phò vua giúp nước trong lúc
có loạn gọi là đỡ vạc nâng thành.
Cũng như khá nhiều sách trong
đạo Cao Đài có in bài thơ này, chữ rùng
mà đạo hữu viết trong thư không đúng chánh tả. Nên viết đúng là rùn. Người miền Nam hay mắc phải
những lỗi thường gặp như rùn / rùng, tàn
/ tàng, sàn / sàng… cũng bởi ảnh hưởng cách phát âm. Do đó, chúng ta cần hiểu
rõ nghĩa để phân biệt từng chữ mà viết cho đúng chánh tả.
Rùn nghĩa là co lại, thâu ngắn lại
cho thấp xuống, thí dụ: rùn vai (xuôi
hai vai xụi xuống), rùn gối (uốn gối,
xuống gối, đứng không thẳng gối), rùn cổ (thụt
cổ xuống), rùn lưng (cong lưng, uốn
lưng cong lại)…
Cái vạc có ba (hay bốn) chân đều nhau thì đứng vững vàng. Nếu
một chân vạc vì lý do nào đó bị cong lại (rùn
chân) thì cái vạc nặng nề tất nhiên nghiêng lệch về chỗ chân rùn, ắt là mất
thăng bằng, phải đổ nhào.
Tóm
lại, hai câu thơ trên than thở cảnh đời giống như chốn vui chơi, nơi diễn tuồng
hát (hý tràng, hý trường 戲場) kẻ nịnh chen lộn với người trung. Hai câu thơ dưới
than thở trong lúc nước nhà nguy biến, loạn lạc lại không có ai là trang anh
hùng, bậc nữ kiệt ra tay chống đỡ, cứu dân cứu nước.
HUỆ KHẢI