Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

ĐĐVU 04 / THÁNH TỊNH BÁT CẢNH CUNG / Thanh Căn


Những năm đầu thế kỷ 20, một số người từ miền Trung vào lập nghiệp ở ấp Chong-sô-ơ, nay thuộc xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Trong số đó có gia đình ông Nguyễn Văn Sanh, quê ở xã Phổ Thạnh (nay thuộc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi).
Ông Nguyễn Văn Sanh và bà Nguyễn Thị Hiền sinh được năm người con: Nguyễn Như Tới, Nguyễn Như Lương, Nguyễn Như Tú, Nguyễn Như Sơn, và Nguyễn Như Tiền.
Thoạt đầu, năm 1911, ông chỉ đưa theo con cả vào Nam, rồi làm tá điền cho một điền chủ. Sau đó, được điền chủ giao cho vài mẫu đất để canh tác, ông cất nhà trên chỗ đất này.
Hai năm sau (1913), ông Sanh trở về Quảng Ngãi đưa hết gia đình vào Nam sinh sống trên mảnh đất mới ấy.[1]
Cả gia đình đều theo đạo Minh Sư. Vì thấy thờ phượng nơi nhà riêng không được trang nghiêm, ông cất một cái am nhỏ trên cháng ba cây xoài lâu năm làm nơi lễ bái và tu luyện. Vài năm sau, ông dời am này xuống đất, cất lại bằng cột tre, lợp lá.
Năm 1924 ông Sanh qua đời.
Năm 1928, Anh Lớn Phan Văn Tòng (Cao Đài Tiên Thiên) tuân lịnh Ơn Trên đi phổ độ vùng Cầu Kè. Nhờ cơ duyên này, bốn ông Nguyễn Như Lương, Nguyễn Như Tú, Nguyễn Như Tiền và Nguyễn Như Sơn đều nhập môn Cao Đài.
Ngày 12-01 Quý Dậu (06-02-1933), ông Nguyễn Như Lương đến hầu đàn tại thánh tịnh Huỳnh Long Am Tự (nay là Huỳnh Long Phủ Tự). Đức Chí Tôn giáng cơ dạy:
THI
          Chiêu minh NGỌC thố độ phàm gian
          Phủ Tự HOÀNG minh cứu độ nàn
          Thiên tải THƯỢNG huờn xem xét rõ
Trì tâm ĐẾ Thuấn dạy trần hoàn.
          (…)
                                      SẮC LỊNH
          LƯƠNG chí nghĩa tưởng Thầy tìm kiếm
Nơi gia đàng liệu biện cả an
          Thầy cho sửa lại tịnh đàn
          Cao Hồ Phủ Tự hiệu ban bút đề.
          Con phải lo trở về sửa lại
Dọn cho tinh mới phải tịnh đàn
          Sửa sang sắp đặt cho an
          Định ngày sơ thập ba đàn một nơi.
Ông Nguyễn Như Lương thỉnh sắc lịnh mang về, hiệp cùng gia đình sửa sang lại ngôi thờ khang trang, tương xứng với một tịnh đàn, hiệu là Cao Hồ Phủ Tự.
Ngày 10-02 Quý Dậu (05-3-1933), Anh Lớn Phan Văn Tòng đưa bộ phận thông công đến Cao Hồ Phủ Tự lập liên tiếp ba đàn cơ. Thầy dạy chung các thánh tịnh Tiên Thiên miền Trung Giang,[2] và dạy riêng Cao Hồ Phủ Tự như sau:
“Tú, Tiền, Sơn, Lương! Các con chung lo cơ đạo Thầy cho được tiến triển để phổ độ nhơn sanh nơi nầy.” [3]
Khi ông Nguyễn Như Tiền dự hội tại thánh tịnh Cửu Khúc Tòa, Thầy dạy ông làm chủ tịnh Cao Hồ Phủ Tự.
Năm 1934, ông Nguyễn Như Tiền mua một bộ cột gỗ thao lao về cất lại ngôi Cửu Trùng Đài, ba căn lợp lá thờ Tam Trấn Oai Nghiêm, và đâm ra mái chái thờ Thầy. Phía sau là nhà của ông, thì tạm mượn làm hậu đường thờ cửu huyền thất tổ. Phía trước dựng một cột phướn bằng tre cao 9 thước.
Lễ an vị ngôi Cửu Trùng Đài tổ chức vào hai ngày 14 và 15-7 Ất Hợi (12 và 13-8-1935). Anh Lớn Phan Văn Tòng đưa bộ phận thông công đến lập đàn cơ. Thầy giáng đàn, ban sắc lịnh đổi danh hiệu Cao Hồ Phủ Tự thành thánh tịnh Bát Cảnh Cung.
Từ đó, Bát Cảnh Cung là thánh tịnh thứ bốn mươi chín, trong số bảy mươi hai thánh tịnh (thất thập nhị tịnh) của Cao Đài Tiên Thiên, và được nhắc tới trong Minh Giáo Thánh Truyền (1938) như sau:
Bát Cảnh Cung gồm thâu thất thập
Lịnh Thánh Hoàng ban cấp hành vi
Càn, Khảm, Cấn, Tốn, Đoài, Ly
Chấn, Khôn hiệp lại rõ thì Tiên Thiên.
Ngày 13-12 Ất Dậu (15-01-1946), giặc Pháp đốt phá nhà cửa, bắn giết dân lành. Hai ông Nguyễn Như Sơn và Trần Văn Thắng bị sát hại. Bổn đạo thánh tịnh Bát Cảnh Cung phải chạy qua cù lao Nai và Tích Thiện, lánh nạn nơi nhà ông Nguyễn Văn Trừ.
Tháng 01 Bính Tuất (tháng 02-1946) loạn lạc bớt dần, ông chủ tịnh Nguyễn Như Tiền trở về hiệp cùng bổn đạo tu sửa thánh tịnh đã tan nát.
Năm Đinh Hợi (1947), giặc Pháp lại bắt bớ và tàn sát đồng bào, nhất là người đạo. Từ 14 đến 17-10-1947, tại chiến khu Đồng Tháp Mười, Cao Đài Cứu Quốc Mười Hai Phái Hiệp Nhứt ra đời. Anh Lớn Cao Triều Phát làm chủ tịch. Trong Ban Chấp Hành có Anh Lớn Nguyễn Văn Ngợi và Anh Lớn Huỳnh Văn Tần.
Ngày 18-3 Quý Tỵ (01-5-1953), bổn đạo cất lại Đông Lang, Tây Lang bằng cây lá.
Năm sau (1954), tu sửa Thiên Phong Đường bằng cột tròn mù u, vách đất, lợp lá.
Năm Ất Mùi (1955), Hội Thánh Tiên Thiên tái lập. Đoàn hành hóa đi các nơi chấn chỉnh nền Đạo. Bổn đạo Bát Cảnh Cung về Hội Thánh góp phần làm công quả xây dựng Tổ Đình Tiên Thiên.
Ngày 25-02 Ất Mùi (18-3-1955), Thầy chuyển đàn về thánh tịnh Bát Cảnh Cung, dạy tạo tác Hiệp Thiên Đài.
THI
CAO cả thật cao, sáng sủa nào
ĐÀI tiền khuyên trẻ bước bươn mau
THƯỢNG lưu chí sĩ năng dồi luyện
ĐẾ đạo Nam bang dựng nghiệp trào.
SẮC LỊNH
Đây Thầy chuyển nơi trường Bát Cảnh
Ngôi Hiệp Thiên tranh cạnh các trường
Các con nam nữ phô trương
Cho thành thánh cảnh nơi trường địa phương.
Tuân hành thánh lịnh, hai ông Nguyễn Như Tiền và Nguyễn Như Tú hiệp cùng đạo tâm nam nữ tu tạo ngôi Hiệp Thiên Đài. Trong hai tháng hoàn thành ngôi Hiệp Thiên Đài xây gạch, mái tôle.
Lễ lạc thành ngôi Hiệp Thiên Đài tổ chức trong ba ngày 13, 14, và 15-6 Ất Mùi (31-7, 01 và 02-8-1955). Đức Chí Tôn sắc lịnh ban cho lễ lạc thành danh hiệu là Đại Hội Diễn Tồn Chơn Đạo. Đại hội có quý Anh Lớn, Chị Lớn Hội Thánh Tiên Thiên cùng các thánh tịnh bạn trong miền Tam Giang [4] về dự rất đông.
Trong những năm nầy, Thượng Giáo Hữu Lê Phước Luông (sinh năm 1913) làm Đầu Họ. Giáo Hữu Thái Thọ Thanh phụ trách Ban Cai Quản.
Sau khi cất xong Đông Lang và Tây Lang, để có đủ tam đài, bổn đạo lại tiếp tục tạo dựng ngôi Bát Quái Đài. Họ đạo Hiếu Nghĩa ở Mỹ Văn hiến tám cây dừa làm cột. Ngôi Bát Quái Đài hoàn thành, cất bằng cột dừa, vách cây gòn, nóc lợp tôle. Lễ lạc thành tổ chức vào hai ngày 11 và 12-12 Mậu Tuất (19 và 20-01-1959), có quý Anh Lớn Hội Thánh Tiên Thiên, Tỉnh Đạo Vĩnh Bình (Trà Vinh), cùng các thánh tịnh về dự.
Năm Quý Mão (1963), ngôi Hiệp Thiên Đài bị trúng đạn pháo sụp đổ hoàn toàn. Chiến tranh ngày càng ác liệt, bổn đạo phải lìa khỏi thánh tịnh để tìm nơi lánh nạn. Ngôi Hiệp Thiên Đài phải chịu hư hoại suốt mười năm.
Năm Quý Sửu (1973), Thượng Giáo Hữu Trần Văn Thể (sinh năm 1902, Đầu Họ Đạo), Thái Giáo Hữu Nguyễn Văn Tòng (sinh năm 1903) và các vị trong Ban Cai Quản như Giáo Hữu Thái Tư Thanh (Chánh Hội Trưởng), Giáo Hữu Thượng Tại Thanh, Lễ Sanh Thái Thời Thanh, Giáo Hữu Hương Chừng (Nguyễn Thị Chừng)… hiệp cùng các chức việc, đạo hữu nam nữ góp công góp của cất lại ngôi Hiệp Thiên Đài, tường xây gạch, nóc tôle.
Ngôi Hiệp Thiên Đài vừa xong, Giáo sư Thượng Tú Thanh hiến vật liệu đúc cột phướn tròn, cao chín thước. Ngôi Hiệp Thiên Đài và cột phướn hoàn thành cũng nhờ công quả của Giáo Sư Ngọc Vững Thanh và các vị tu sĩ ở thánh tịnh Huỳnh Long Phủ Tự.
Mặc dù ngôi Hiệp Thiên Đài đã tạo tác xong, tam đài đã đầy đủ, nhưng vì chiến tranh, bổn đạo lánh nạn mỗi người mỗi nơi nên chưa thiết lễ lạc thành được.
Đầu năm Ất Mão (1975), Ơn Trên dạy thiết lễ cầu nguyện hòa bình trong hai ngày 14-15 tháng 2.
Từ năm 1975 Giáo hữu Thượng Thể Thanh lãnh trách nhiệm Đầu Họ Đạo. Ban Cai Quản còn có: Thái Giáo Hữu Nguyễn Văn Bông (sinh năm 1923), Thái Giáo Hữu Trần Văn Tư (sinh năm 1913), Thượng Giáo Hữu Đỗ Văn Tại (sinh năm 1906), Thái Lễ Sanh Trần Văn Thời (sinh năm 1921?).
Cuối tháng 2-1980 mới làm lễ lạc thành. Anh Lớn Chơn Duyên Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài hướng dẫn phái đoàn Hội Thánh Tiên Thiên đến chứng lễ. Ngoài ra còn có Tỉnh Đạo Cửu Long (Trà Vinh) và các thánh tịnh về dự.
Năm 1982, cột nhà Đông Lang và Tây Lang hư hoại, thay bằng cột đúc.
Năm 1985, Bát Quái Đài hư hoại. Thái Giáo Hữu Nguyễn Văn Bông cùng quý vị trong Ban Cai Quản như: Ngọc Giáo Hữu Tạ Văn Kính, Thái Lễ Sanh Trần Văn Hưng, Thái Lễ Sanh Trần Văn Thời cùng bổn đạo góp công quả cất lại, cột đúc, vách xây gạch, nóc lợp tôle. Lễ lạc thành có Anh Lớn Thượng Đầu Sư Minh Quang Tiên hướng dẫn phái đoàn Hội Thánh Tiên Thiên về chứng dự.
CÁC GIAI ĐOẠN KẾ TIẾP
Năm 1989, Đầu Họ là Thái Giáo Hữu Nguyễn Văn Bông. Ban Cai Quản có: Thái Lễ Sanh Trần Văn Hưng (Chánh Hội Trưởng), Trần Văn Đức (sinh năm 1943, Phó Hội Trưởng).
Năm 1995, Ban Cai Quản có: Giáo Hữu Ngọc Đức Thanh, Thượng Giáo Hữu Trần Văn Hà, Nguyễn Thanh Hùng, Lễ Sanh Hương Hà (Huỳnh Thị Hà), Lễ Sanh Hương Luân.
Năm 2000, Ban Cai Quản có: Giáo Hữu Ngọc Đức Thanh, Thượng Giáo Hữu Trần Văn Hà, Lễ Sanh Hương Luân (Nguyễn Thị Luân).
Năm 2005, Ban Cai Quản vẫn như trên.
Năm 2009, xây dựng lại ngôi Hiệp Thiên Đài đã xuống cấp trầm trọng. Do khó khăn về tài chánh, đến tháng 3-2011 mới hoàn thành.
Năm 2010, Ban Cai Quản có: Trần Văn Nhựt (Chánh Hội Trưởng), Lễ Sanh Huỳnh Thị Hà (Phó Hội Trưởng), Huỳnh Thị Ánh (Phó Hội Trưởng), Trần Thị Mè (Phó Hội Trưởng), Hứa Văn Đấu (Từ Hàn), Nguyễn Thị Hoàng (Thủ Bổn).
Truyền Trạng THANH CĂN
Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên




[1] Theo lời kể của bà Chín Thơm, cháu nội ông Nguyễn Như Sanh. Ông Sanh sau này hiến một phần trong số đất đó để cất thánh tịnh Bát cảnh Cung.
[2] Vùng giữa Tiền Giang và Hậu Giang.
[3] Thời gian nầy, ông Nguyễn Như Tới đang ở tại quê nhà Quảng Ngãi. Ông trở vào Nam từ năm 1945 đến 1954, và có tham gia Cao Đài Cứu Quốc chống thực dân Pháp.
[4] Tiền Giang, Trung Giang, và Hậu Giang.