Môn sinh Cao Đài ai cũng nằm lòng câu “Thượng
Đế là tình thương và sự sống”. Nghĩa là mỗi người con Thượng Đế đều phải
đặt sự sống trong môi trường thương yêu, và tất nhiên mất thương yêu thì sự
sống sẽ lầm lạc, con người dấn thân vào khổ não tiêu vong.
Đấng Thượng Đế Chí Tôn dạy:
Muôn
kiếp các con chịu lạc đường
Thấy
vầy THẦY luống động lòng thương
Nên
đoan thệ với hàng Tiên Phật
Với lời đoan thệ đó, Đức Chí Tôn đã
lâm trần:
Chính
mình Thầy đến chốn Nam bang,
Mượn đất đem gieo mối Đạo vàng.
Tưới nước vun phân Nho, Thích, Lão,
Đạo Thầy đã mở với tôn chỉ “Tam Giáo quy nguyên, Ngũ Chi phục nhứt”.
Nghĩa là, với Cao Đài, Thầy tưới nước vun phân và nâng cành sửa lá, để cho tình thương chan trải khắp muôn phương
muôn hướng, lý Đạo dung thông cả đông tây, kim cổ trong tinh thần “Vạn giáo
nhất lý, vạn pháp đồng tông”.
Tình thương yêu ấy đối với Nho Giáo là lòng nhân, tức là lòng thương người. Đức Khổng Tử giải thích: Thương yêu
người là đừng làm cho người khác những gì mình không muốn người khác làm cho
mình (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân).[3] Tích
cực hơn nữa là làm cho người khác tất cả những gì mình muốn người khác làm cho
mình (Kỷ chi sở dục, diệc thi ư nhân).[4]
Theo Lão Giáo, Đức Lão Tử có ba món quý là từ, kiệm và không đứng trước
thiên hạ (Ngã hữu tam bảo, trì nhi bảo
chi. Nhất viết từ, nhị viết kiệm, tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên. Từ cố năng dũng; kiệm cố năng quảng; bất cảm
vi thiên hạ tiên, cố năng thành khí trưởng.) [5]
Món quý thứ nhất của Đức Lão Tử là từ,
tức là lòng thương yêu. Thương mọi chúng sinh như thương mình, không phân biệt
kẻ hèn người ngu, kẻ dữ người lành. Lòng từ là thương rộng lớn, bao dung tất cả.
Món quý thứ hai và thứ ba có tác dụng hộ trợ cho lòng từ. Vì kiệm là không xa xỉ hay phung phí, không
làm tổn hại đến nhu cầu của kẻ khác, gây mất công bình, sứt mẻ yêu thương. Không đứng trước thiên hạ là biết khiêm
nhường, tránh được lòng ghen tỵ, tạo được lòng thương mến chung trong nhân
nhượng.
Theo Phật Giáo, lòng thương yêu bao la vô tận từ gia đình, xã hội, chủng
tộc, nhân loại ra đến toàn thể chúng sanh là từ bi. Từ là đem vui cho tất cả chúng sinh. Bi là lòng thương xót
thường dứt trừ đau khổ cho hết thảy chúng sinh (Từ năng dữ nhứt thiết chúng sinh chi lạc. Bi năng bạt nhứt thiết chúng sinh chi khổ).[6] Nói gọn, từ cho vui, bi sớt khổ. Từ bi là tình thương phát xuất từ sự
sống, trở lại thương sự sống và quyết tâm dứt trừ đau khổ đã bám víu vào sự
sống, trong muôn vàn hình trạng.
Trong Thiên Chúa Giáo, Đức Giêsu dạy phải thương yêu kẻ thù, tha thứ cho
những kẻ kết tội mình:
“Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét
anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống
anh em.” (Luca
6:27-28)
“Anh em muốn người ta làm gì cho
mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy.” (Luca 6:31)
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha
anh em là Ðấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa
xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha
thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” (Luca 6:36-37)
Đức Chí Tôn đặt nền tân pháp Cao Đài trên nền tảng CÔNG BÌNH, BÁC ÁI, TỪ
BI. Đức Chí Tôn dạy:
“Thầy đã dạy, Thầy chỉ một lòng mơ
ước cho các con biết thương yêu nhau trong thánh đức của Thầy. Sự thương yêu là
chìa khóa mở tam thập tục thiên, cực lạc thế giới và Bạch Ngọc Kinh. Kẻ nào
ghét sự thương yêu, thì chẳng hề qua khỏi cửa luân hồi. Có
câu nầy nữa: Mọi sự khó khăn Thầy gánh vác, chỉ cậy các con thương yêu gắng
công độ rỗi.” [7]
“Thầy thường nói với các con rằng các
con là cơ thể của sự thương yêu (…).
“Sự thương yêu là giềng bảo sanh của càn khôn
thế giới. Có thương yêu, nhơn loại mới hòa bình, càn khôn mới an tịnh. Ðặng an
tịnh mới không thù nghịch lẫn nhau, mới giữ bền cơ sanh hóa.” [8]
“Các con tin cậy nhau, dìu dắt nhau,
nâng đỡ nhau mà phủi hết sự hiềm nghi nhau theo thế tình, ấy là các con hiến
cho Thầy một sự vui vẻ lớn lao hơn hết đó.” [10]
Thật ra, không phải chỉ khi lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thì Đấng Chí Tôn mới
ban yêu thương; mà khi tạo thế gian có vui có sầu nầy, Ngài đã dựng nên cõi yêu
thương như một trường thi tiến hóa. Ai biết yêu thương thì tiến hóa, ai không
biết yêu thương thì thoái hóa. Tiến hóa là vui, thoái hóa là sầu.
Chẳng thế mà Bùi Giáng đã nỉ non lòng yêu thương với cõi sống trần gian
có đủ vui sầu nầy:
Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu.
Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ơi! Cánh bướm, cánh chuồn
chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu
luôn.
(Phụng Hiến)
Như vậy cả cõi đạo và cõi đời đều được Thượng Đế ban phát yêu thương, tạo
môi trường yêu thương. Thế sao lại có cảnh thù ghét nhau, đả phá nhau, tố tụng
nhau, thậm chí triệt tiêu nhau? Câu trả lời là vì quyền lợi, vì danh vọng.
Lại hỏi rằng ngoài đời thì quyền lợi danh vọng, còn trong nhà đạo sao
cũng danh vọng lợi quyền? Có thể nói cả đời lẫn đạo đều giống như nhau một khi
con người vô minh, si mê, tham lam ích kỷ. Đời thì mê địa vị danh vọng quyền
lực của đời, còn đạo thì mê địa vị danh vọng quyền tước của nhà đạo. Ngay cả
hàng Thiên phong chức sắc, nếu không tu đức sẽ lâm vào cảnh như Đức Chí Tôn răn
dạy:
Có trẻ cũng cậy oai áo mão
Mà con không cổi tháo phàm tâm
Con tu
mà phải luân trầm
PHẠM VĂN LIÊM
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài
[1] Đại Thừa Chơn Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo
2011, tr. 34. (Quyển 36 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Cao
Đài.)